Tâm lý trị liệu (psychotherapy) là một hệ thống các
kỹ thuật được thực hiện nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần, cải thiện các vấn đề
cảm xúc và hành vi của các cá nhân – những người được gọi là “thân chủ”. Những
vấn đề này thường khiến cho con người cảm thấy khó khăn trong việc tự quản lý
cuộc sống và đạt đến các mục đích mong muốn của mình. Tâm lý trị liệu nhắm đến
giải quyết các vấn đề này, thông qua một số những phương pháp và kỹ thuật khác
nhau; và chúng được thực hiện bởi những người gọi là “nhà trị liệu” (những
chuyên viên được đào tạo về tâm lý trị liệu).
Các cuộc trị liệu thường bao gồm một (hoặc vài) nhà trị
liệu và một (hoặc nhiều) thân chủ. Họ gặp nhau để bàn bạc, trao đổi, phát hiện
ra những vấn đề gì mà thân chủ đang gặp phải và tìm kiếm cách thức nào để giải
quyết chúng. Do những đề tài được bàn bạc trong các buổi trị liệu thường có tính
chất nhạy cảm, nhà trị liệu phải có trách nhiệm (thường được pháp luật qui định)
tôn trọng tính riêng tư và sự bảo mật cho thân chủ của mình.
Tâm lý trị liệu là phương pháp chữa trị các vấn đề tâm lý
chủ yếu bằng phương pháp sử dụng lời nói hoặc các công cụ giao tiếp khác giữa
nhà trị liệu và thân chủ. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những người làm tâm lý
trị liệu phải được đào tạo, cấp bằng và cấp phép hành nghề. Nhà tâm lý trị liệu
có thể xuất thân từ những chuyên ngành khác nhau: có thể là nhà tâm lý, bác sĩ
tâm thần, nhà phân tâm, nhân viên xã hội, điều dưỡng viên tâm thần hoặc các
chuyên viên khác đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Trong quyển Tự Điển Bách Khoa Y Học Anh-Việt
xuất bản năm 2005 (Chủ biên: GS Ngô Gia Hy – NXB Y Học Tp.HCM) có định nghĩa về
tâm lý trị liệu (còn gọi là tâm lý liệu pháp) như sau: “Điều trị các vấn đề tâm
lý, cảm xúc bằng các phương pháp tâm lý. Trong tâm lý liệu pháp, bệnh nhân trò
chuyện với nhà trị liệu về các triệu chứng và các vấn đề mà họ mắc phải và thiết
lập mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu. Mục đích của quá trình này là
giúp bệnh nhân tìm hiểu chính họ, tạo nên một cái nhìn mới về các mối quan hệ
trong quá khứ và hiện tại, thay đổi những hành vi đã định hình của người bệnh” (Sách
đã dẫn – tr.784).
Tâm lý trị liệu thực sự không phải là việc gì đó quá mới
mẻ, xa lạ hoặc vượt quá tầm hiểu biết của tất cả chúng ta. Theo Alexander (Individual
Psychotherapy; 1964):
Bất kỳ ai đang cố gắng cảm thông với một người bạn đang
đau khổ hoặc cố trấn an một đứa trẻ đang hoảng sợ, thì cũng có thể xem người ấy
đang thực hành tâm lý trị liệu. Người đó đang cố gắng vận dụng các phương thức
tương tác về mặt tâm lý để bảo tồn trạng thái thăng bằng về mặt cảm xúc ở một
người khác. Những cách thức thông thường này chủ yếu được dựa trên những sự hiểu
biết có tính trực giác hơn là sự hiểu biết có tính khoa học. Khi bạn đang nói
chuyện với ai đó đang có tâm trạng phiền muộn, bạn cũng có thể tự nhiên hiểu
được tác dụng tốt của việc giúp cho người ấy giải tỏa cảm xúc. Với một người
đang trong trạng thái hoảng sợ, quẫn trí, bạn cũng có thể (bằng sự hiểu biết có
tính trực giác) mang đến cho người ấy sự hỗ trợ về mặt cảm xúc bằng những lời
khuyên và một thái độ vững chãi để người ấy có thể tin tưởng nương tựa vào bạn.
Bạn vốn cũng có thể đã biết rằng khi một người đang bị chìm ngập trong một tình
huống có tính nguy hiểm, đáng sợ thì người ấy không thể sử dụng được lý trí của
mình một cách hiệu quả, và bạn cần giúp anh ta ổn định bằng cách nâng đỡ về mặt
tâm lý. Trong lúc nói chuyện với người ấy về hoàn cảnh khách quan mà anh ta đang
đương đầu, bạn có thể cho anh ta ‘mượn’ công cụ lý trí của chính bạn để sử dụng.
Khi làm tất cả những việc này, chúng ta đã thực hành một sự phối hợp giữa hai
công việc có tính chất chữa trị, một là nâng đỡ (supportive), hai là thấu hiểu
(insight).
Và Alexander đã định nghĩa tâm lý trị liệu “... không gì
khác hơn ngoài việc áp dụng một cách có hệ thống, một cách có ý thức những
phương pháp mà chúng ta áp dụng để ảnh hưởng lên những người sống xung quanh
chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Sự khác biệt quan trọng nhất là ở chỗ: nó
không đơn thuần dựa trên những sự hiểu biết có tính trực giác mà thay vào đó là
phải có sự thiết lập tốt các nguyên lý chung về tâm lý động học
(psychodynamics)”. (Sđd. – tr.110).
Như vậy, khác với sự giúp đỡ từ một người thân quen thường
gặp trong đời sống, “sự hỗ trợ trong tâm lý trị liệu được tiến hành bởi một nhà
trị liệu được đào tạo chuyên nghiệp để có thể làm chức năng hỗ trợ người khác mà
không nhất thiết phải trở nên gắn kết với thân chủ của mình về mặt đời sống
riêng tư” (Goffman; 1962).
Tâm lý trị liệu, nói chung, nhắm đến việc làm tăng trưởng
nhân cách một con người theo chiều hướng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và
giúp người đó “tự hiện thực hóa bản thân mình”. Có thể tóm tắt một số mục tiêu
chính của tâm lý trị liệu như sau:
Gia tăng khả năng thấu hiểu bản thân của thân chủ
Tìm kiếm giải pháp cho các xung đột
Gia tăng sự tự chấp nhận bản thân của thân chủ
Giúp thân chủ có những kỹ năng ứng phó hữu hiệu với
những khó khăn
Giúp thân chủ củng cố một cái Tôi vững mạnh, toàn vẹn
và an toàn
James C. Coleman (Abnormal Psychology and Modern Life;
1950) nêu ra một số bước cơ bản trong tiến trình làm tâm lý trị liệu như sau:
- Tạo một bầu không khí quan hệ có tính trị liệu
- Giải tỏa cảm xúc của thân chủ
- Tạo sự thấu hiểu nơi thân chủ
- Giúp thân chủ định hình lại cảm xúc
- Kết thúc trị liệu
Từ thời cổ đại, Hippocrates (ông tổ của y học phương Tây)
đã từng kể ra ba loại công cụ chủ yếu mà một người thầy thuốc có thể sử dụng để
chữa bệnh, đó là: cây cỏ, con dao và lời nói. Từ cây cỏ có thể chiết xuất ra các
dược liệu, từ con dao có thể cắt bỏ đi những phần cơ thể bị bệnh mà không thể
giữ lại được, và từ đó đã dần dần hình thành nên các chuyên ngành nội khoa và
ngoại khoa trong y khoa hiện đại. Song chỉ khi có sự hình thành và phát triển
của ngành tâm lý học hiện đại và ngành tâm thần học hiện đại, giá trị của việc
sử dụng lời nói trong chữa bệnh mới được phát huy thành một phương pháp trị liệu
thực sự khoa học. Phương thức trị liệu ấy được một số nhà tiên phong trong lĩnh
vực này (như Sigmund Freud chẳng hạn) gọi là “talking cure” nghĩa là sự
chữa trị bệnh bằng lời nói – mà về sau trở thành chuyên ngành tâm lý trị liệu
với rất nhiều trường phái và khuynh hướng khác nhau.
Điều gì đã giúp tạo nên hiệu quả của phép chữa trị ấy?
Nhiều yếu tố giúp tạo nên hiệu quả của tâm lý trị liệu đã được nghiên cứu và
thừa nhận như bản chất mối quan hệ trị liệu (Goldstein; 1962), sự hữu dụng của
lời nói (Bernstein; 1965), lòng tin của người bệnh (hoặc thân chủ) đối với nhà
trị liệu (Frank; 1961). Tuy vậy, tác động thực sự của tâm lý trị liệu vẫn còn là
điều gây nhiều tranh cãi mãi cho đến hiện nay. Liệu rằng các cách thức chữa trị
bằng lời nói có thực sự chữa trị được các chứng rối loạn tâm trí?
Trong thực tế, việc tranh luận về hiệu quả của tâm lý trị
liệu phần lớn xảy ra trong giới chuyên môn, ngay cả giữa những người thực hành
tâm lý trị liệu thuộc các trường phái và xu hướng khác nhau. Nhưng có lẽ sẽ
thích hợp hơn nếu chúng ta xem xét tác động của tâm lý trị liệu từ góc nhìn và
vị thế của người bệnh hoặc thân chủ. Thân chủ không “nhìn thấy” những học thuyết
và lý luận của nhà trị liệu, mà “nhìn vào” hành vi và thái độ ứng xử của nhà trị
liệu. Và vì thế việc ai là nhà trị liệu trở thành điều có khi còn quan trọng hơn
cả việc nhà trị liệu áp dụng học thuyết nào, phương pháp nào... Thực vậy, nhà
trị liệu là người ở vào vị thế có ảnh hưởng lên trên thân chủ, mà nếu không có
sự ảnh hưởng này, việc trị liệu sẽ không còn giá trị. Do vậy tâm lý trị liệu có
thể được xem là “nghệ thuật tạo sự khích lệ, và kế đó là sử dụng tầm ảnh hưởng
của nhà trị liệu lên thân chủ của mình một cách thuần thục” (Micheal Franz Basch).
Mặt khác, người ta khó có thể xác định được hiệu quả của
tâm lý trị liệu, mà thay vào đó chỉ có thể xem xét được hiệu năng của nó, tức là
việc tâm lý trị liệu tạo khả năng để có thể đạt đến một kết quả mong muốn. Hay
nói theo cách của Gregory Bateson: nhà tâm lý trị liệu “cung cấp một sự khác biệt để
tạo nên một sự khác biệt mới”. Nhà tâm lý trị liệu không giúp thay đổi những sự
kiện trong thực tế khách quan, mà nhắm đến việc thay đổi những gì xảy ra trong
thực tại chủ quan của người bệnh hoặc thân chủ. Nói một cách hình tượng thì “nhà
trị liệu mang thân chủ đến một điểm mà ở đó họ không còn cảm thấy tuyệt vọng nữa”
(Martin Seligman; 1975).
Có một sự mặc định trong việc hiểu rằng: nhà tâm lý trị
liệu (psychotherapist) thì làm việc với những người bệnh, những người bị rối
loạn chức năng của bộ máy tâm trí, còn các chuyên viên tư vấn (counselor) thì
làm công việc giúp đỡ những người đang gặp các vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cả hai công việc tư vấn và trị liệu tâm lý đều cùng chia sẻ chung
những học thuyết, lý luận, kỹ năng và phương pháp. Theo Jessie Bernard (1969),
“tư vấn tâm lý giúp con người của thân chủ trở lại hòa hợp với số phận của họ,
điều chỉnh bản thân họ khi sống đối mặt với những thất bại và đau khổ. Nhưng nếu
những thân chủ ấy có những ứng xử không tuân theo các chuẩn mực hoặc có những
rối loạn tâm trí nghiêm trọng, thì việc giúp đỡ những thân chủ ấy sẽ thuộc trách
nhiệm của nhà tâm lý trị liệu”.
Theo James Bugental, Ph.D.(www.psychotherapy.net):
Tâm lý trị liệu không làm việc trên những điều bạn suy
nghĩ. Đó không hẳn là việc chữa lành một căn bệnh. Đó không phải là sự hướng dẫn
của một nhà thông thái. Đó không phải là sự chia sẻ giữa hai người bạn thân. Đó
cũng không phải là một quá trình học hỏi những kiến thức.
Tâm lý trị liệu không liên quan đến những điều bạn suy
nghĩ. Đó là sự làm việc trên cách thức mà bạn suy nghĩ. Nó làm cho bạn chú ý đến
cách thức mà bạn suy nghĩ. Nó phân biệt rõ giữa những điều bạn đang suy nghĩ đến
và cách thức mà bạn thực hiện sự suy nghĩ ấy. Tâm lý trị liệu ít quan tâm đến
việc tìm kiếm những nguyên nhân để giải thích những gì bạn đang làm, nó quan tâm
đến việc khám phá ý nghĩa từ những việc mà bạn đang làm.
Tâm lý trị liệu không làm việc trên những điều bạn nghĩ.
Nó liên quan đến cách thức mà bạn sống với những tình cảm của mình. Nó liên quan
đến những quan điểm bạn áp dụng vào trong những mối quan hệ của bạn với những
người xung quanh. Nó liên quan đến những điều bạn muốn đạt đến trong đời và cách
thức mà bạn cố gắng để đạt đến những mục đích ấy. Nó liên quan đến các nguồn lực
giúp đỡ để bạn có thể tìm thấy những tiềm năng thay đổi trong con người bạn.
Tâm lý trị liệu không liên quan đến điều bạn suy nghĩ là
gì, nó liên quan đến cách thức mà bạn suy nghĩ...
trangnonclb
Trang thông tin của Câu lạc bộ Trăng Non Tp.HCM - Tác giả: BS Nguyễn Minh Tiến và Nhóm Cộng tác viên
Thứ Hai, 1 tháng 6, 2015
TÂM LÝ TRỊ LIỆU LÀ GÌ? ĐI TÌM MỘT ĐỊNH NGHĨA
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO
The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog - 2014 Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...
-
Biên soạn và tổng hợp: NGUYỄN ĐỨC TÀI Anh Nguyễn Đức Tài từng tốt nghiệp cử nhân cả hai ngành Công tác xã hội và Tâm lý học tại Tp.HCM. Tha...
-
Case conceptualization: Key to highly effective counseling Tác giả: JON SPERRY và LEN SPERRY Nguồn: Counseling Today – 7/12/2020 Dịch bởi...
-
Case conceptualization: Key to highly effective counseling Tác giả: JON SPERRY và LEN SPERRY Nguồn: Counseling Today – 7/12/2020 Dị...
Em xin cảm ơn thầy. Tâm lý trị liệu không liên quan điều bạn nghĩ mà liên quan cách thức suy nghĩ. Hôm nay em biết được điều mới này đó ạ.
Trả lờiXóa