Thứ Tư, 21 tháng 7, 2021

SỬ DỤNG GENOGRAM TRONG THỰC HÀNH TÂM LÝ TRỊ LIỆU VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI - Phần 1

Biên soạn và tổng hợp: NGUYỄN ĐỨC TÀI

Anh Nguyễn Đức Tài từng tốt nghiệp cử nhân cả hai ngành Công tác xã hội và Tâm lý học tại Tp.HCM. Tham gia các sinh hoạt chuyên môn và cộng tác trong một số hoạt động của CLB Trăng Non từ năm 2013. Anh tham gia làm việc cho các chương trình, dự án của ngành công tác xã hội và hiện nay đang tham gia phát triển một chương trình giáo dục giới tính cho phụ huynh với tên gọi là "Hành trình Du khảo Giáo dục Giới tính cho Cha Mẹ".

Bài viết nguyên gốc có tên "Sử dụng sơ đồ phả hệ trong thực hành công tác xã hội" chủ yếu dành cho nhân viên công tác xã hội. Tuy nhiên, nội dung bài viết vẫn phù hợp với những chuyên viên đang thực hành tâm lý trị liệu, đặc biệt là tâm lý trị liệu gia đình theo nhãn quan hệ thống. Vì thế, chúng tôi hiệu đính lại cho phù hợp với người đọc của blog Trăng Non Online, với tên đầy đủ: "SỬ DỤNG GENOGRAM TRONG THỰC HÀNH TÂM LÝ TRỊ LIỆU VÀ CÔNG TÁC XÃ HỘI VỚI CÁ NHÂN VÀ GIA ĐÌNH". Mời các bạn cùng tham khảo!

Betty Carter (P) and Monica McGoldrick (T)

Kỳ 1

Tổng quan về genogram

Genogram (được dịch sang tiếng Việt là “sơ đồ thế hệ” hay “Biểu đồ gia tộc”) là một phương thức vẽ lại một “cây gia đình” (family tree) trong đó chứa đựng những thông tin về các thành viên của gia đình và mối quan hệ giữa những thành viên đó với nhau ít nhất phác thảo 3 thế hệ dưới dạng họa đồ (McGoldrick, Gerson và Petry, 2008; McGoldrick, 1985). Genogram có nhiều cách vẽ và ký hiệu khác nhau. Tuy nhiên, đến những năm 1980, những ký hiệu tiêu chuẩn của genogram được hình thành bởi những ý tưởng đến từ Murray Bowen, Jack Froom và Jack Medalie. Hệ thống ký hiệu của genogram kể từ khi ra đời vào năm 1985 cho đến nay luôn được cập nhật, thêm mới và còn được hỗ trợ bởi các phần mềm máy tính.

Xin tham khảo hệ thống ký hiệu sơ đồ phả hệ tiêu chuẩn của The Multicultural Family Institute theo đường link

http://multiculturalfamily.org/publications/genogram-life-stories/genogram-how-to-pdf/.

Về mặt thực tiễn, genogram không chỉ giúp cho chuyên viên thực hành (nhà trị liệu hoặc chuyên viên can thiệp) có thể tiếp cận thân chủ của mình dễ dàng hơn mà còn là bước đệm quan trọng hơn để bắt đầu “tham gia” (joining) vào một hệ thống gia đình. Khi sử dụng công cụ này trong thực hành, nhà trị liệu sẽ có thể tiếp cận một cách phức hợp trong việc hỗ trợ cho một cá nhân mà không bỏ quên sự liên hệ mật thiết của cá nhân đó trong một mối quan hệ phức tạp của hệ thống gia đình. Điều này có thể hàm nghĩa rằng, đôi lúc “triệu chứng” (tức các biểu hiện khó khăn) của một cá nhân cần được chuyên viên giúp đỡ có thể là chỉ báo cho những “đứt gãy” hoặc gián đoạn tại một đoạn nào đó trong chu trình đời sống của gia đình ấy.

Trong việc khảo sát một chu trình đời sống của gia đình, việc chuyển tiếp giữa các giai đoạn trong chu trình đời sống của gia đình có thể là nguyên nhân của những khó khăn gây áp lực lên gia đình và cũng có thể một thành viên nào đó trong gia đình có thể trở thành “bệnh nhân chỉ định” (Identity Patient) hoặc như một “kẻ đưa đầu chịu tội” (scapegoat). Hadley và cộng sự (1974) đã tìm ra mối liên hệ giữa việc một cá nhân có triệu chứng khó khăn trong đời sống có liên quan mật thiết với việc gia đình đó đã có những khủng hoảng về việc thêm hoặc mất đi một thành viên nào đó. Nghiên cứu của Walsh (1978) và Orfanidis (1977) cũng đã chỉ ra việc những sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong chu trình đời sống gia đình có liên hệ mật thiết với nhau. Điển hình như là việc mất đi một thành viên của gia đình ở thế hệ ông bà có mối liên hệ với những khó khăn được xem hiểu là triệu chứng khi gia đình đó có người trưởng thành rời khỏi gia đình gốc (Carter và McGoldrick, 1989).

Cần nhấn mạnh rằng, việc sử dụng genogram không phải là một công cụ làm gia tăng tính phức tạp của vấn đề của thân chủ khi đặt thân chủ vào một loạt những mối quan hệ của gia đình liên quan ít nhất trong 3 hoặc 4 thế hệ. Thông qua đó, vị chuyên viên thực hành có thể tìm hiểu về những chuyển động của một gia đình theo thời gian (moving through time) để thiết lập một mối quan hệ hỗ trợ với lối tiếp cận “bảo lưu quyền tự quyết” (empowerment) cho cả hệ thống gia đình.

Sự chuyển động của một gia đình theo thời gian là một hệ trục gồm hai chiều kích: “dọc” (vertical) và “ngang” (horizontal); mỗi chiều kích liên quan đến những tác nhân, yếu tố gây stress (stressor) đặc thù: (Carter và McGoldrick, 1989). Những yếu tố gây stress theo chiều ngang có thể bao gồm những sự kiện xảy ra trong lúc cả hệ thống gia đình dịch chuyển theo thời gian và không gian vật lý hay việc gia đình phải ứng phó với những chuyển tiếp của các giai đoạn trong chu kỳ đời sống của mình.

Những yếu tố gây stress theo chiều ngang bao gồm những sự kiện có thể tiên liệu hoặc những sự kiện không thể tiên liệu. Những khủng hoảng theo chiều ngang này, dù rất nhỏ nhưng cũng có thể làm một gia đình phải đối mặt với những nguy cơ mất chức năng cho cả gia đình và cho từng thành viên của gia đình ấy.

Những yếu tố stress theo chiều dọc trong hệ có thể là những mẫu hình (patterns) của gia đình trong nhiệm vụ bảo tồn và lưu giữ những giá trị của gia đình; hoặc những chuyển giao về di sản và bí mật của gia đình cũng như tộc họ sang cho các thế hệ tiếp nối; hoặc cũng có thể là những trông đợi (ngấm ngầm hoặc công khai) đối với những thành viên trong gia đình với nhau….

Nói cách khác, những yếu tố gây stress theo chiều dọc còn được hiểu như là: không một thành viên nào trong gia đình có thể “chạy trốn” khỏi trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình và dòng tộc của mình.

Trong một nhãn quan kết hợp giữa hai chiều kích dọc và ngang của lối tiếp cận này, chuyên viên có thể hỗ trợ cho các cá nhân và gia đình nhận diện được những điểm then chốt trong các vấn đề khó khăn và bối cảnh sống của họ. Quyền tự quyết định được bảo lưu cho gia đình khi mà chuyên viên giúp gia đình học cách thích ứng với những chuyển đổi nhưng đồng thời cũng bảo tồn những giá trị sẵn có. Đồng thời, vị chuyên viên cũng giúp từng thành viên trong gia đình nhận ra được những quyền lợi và nghĩa vụ của chính mình khi sống trong gia đình. Từ đó, thúc đẩy những trao đổi giữa những thành viên trong gia đình với nhau để tránh việc “bỏ sót” hoặc “lãng quên” bất cứ thành viên viên nào khi đang diễn ra việc công nhận giá trị và những đóng góp của từng thành viên đối với gia đình.



Đón xem tiếp Kỳ 2

Đón xem các video chuyên môn trên kênh Youtube Trăng Non Online

Bài nói chuyện về Biểu đồ Gia tộc (genogram)
Thuyết trình: BS Nguyễn Minh Tiến






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...