Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

PHẨM CHẤT CỦA NHÀ TRỊ LIỆU TRẺ EM TRONG LIỆU PHÁP CHƠI KHÔNG HƯỚNG DẪN (PHI ĐỊNH HƯỚNG) - Phần 2

Nguồn: Play Therapy
Tác giả: Virginia Axline
Trích đoạn từ:
Phần 2: Liệu pháp Chơi không hướng dẫn - Tình huống và Người tham gia; Chương 5: Nhà trị liệu

Người dịch:
ÔN BÍCH NGỌC - Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Học đường
ĐẶNG THỊ THANH TÂM - Cử nhân Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Học đường


Xem lại Phần I

Phần 2 và hết

Trong khi vai trò của các nhà trị liệu phi định hướng có vẻ thụ động, thực tế lại khác xa với như vậy. Không có quy tắc nào khắt khe hơn là duy trì thái độ chấp nhận hoàn toàn và kiềm chế mọi lúc để không đưa ra bất kỳ lời đề nghị một cách trực tiếp hay có ẩn ý nào trong cuộc trò chuyện của nhà trị liệu, điều này đòi hỏi nhà trị liệu phải tham gia hoàn toàn trong suốt thời gian mà liệu pháp chơi đang diễn ra.

Sự thành công của quá trình trị liệu bắt đầu từ nhà trị liệu. Họ phải có sự nhất quán trong kỹ thuật của mình. Họ phải dám tin tưởng rằng họ sẽ thành công. Họ phải bước vào các mối quan hệ mới với sự tin tưởng và thư thái. Một nhà trị liệu căng thẳng, bấp bênh sẽ tạo ra một mối quan hệ căng thẳng, không an toàn giữa đứa trẻ và nhà trị liệu. Nhà trị liệu phải thật lòng mong muốn giúp đỡ đứa trẻ. Họ phải là người lớn thân thiện, đáng tin cậy, họ mang đến nhiều thứ hơn là chỉ có “sự hiện diện với một cây bút chì và tờ giấy”. Điều cần thiết để quá trình trị liệu thành công là trẻ có niềm tin vào nhà trị liệu. Phải cẩn thận để tránh một mối quan hệ cực đoan bằng cách này hay cách khác. Sự bày tỏ quá nhiều tình cảm, quá nhiều quan tâm, có thể dễ dàng dẫn đến sự bế tắc và tạo ra những vấn đề mới cho trẻ. Sự phụ thuộc vào mối quan hệ hỗ trợ là một thứ khác mà đứa trẻ phải thoát khỏi trước khi nó "tự do".

Nhà trị liệu không thật sự sẵn sàng đi vào phòng chơi cho đến khi họ phát triển sự tự giác, tính kiềm chế và thái độ hoàn toàn tôn trọng nhân cách của trẻ. Không có quy tắc nào nghiêm khắc như yêu cầu mỗi cá nhân được trao quyền và cơ hội để tự đứng trên đôi chân của mình và tự đưa ra quyết định.

Nhà trị liệu cần chuyên nghiệp trong việc giao thiệp với đứa trẻ, đúng giờ trong các cuộc hẹn với trẻ như cách họ làm với người lớn, không hủy hẹn trừ khi nó thực sự cần thiết, không chấm dứt liên lạc mà không xem xét cảm xúc của trẻ và không thông báo trước cho trẻ để chúng không cảm thấy bị từ chối.

Nhà trị liệu không thể trở nên mắc mứu về cảm xúc (emotional involved) với đứa trẻ, vì khi điều đó xảy ra sẽ tạo nên những hoàn cảnh phức tạp, liệu pháp đi vào bế tắc - "sa lầy" và đứa trẻ không được giúp đỡ. Một sự mắc mứu cảm xúc thông thường có thể được ngăn lại nếu nhà trị liệu thấu hiểu những nguyên tắc và thái độ cơ bản, và rõ ràng trong tâm trí đâu là giới hạn, họ sẽ làm gì nếu đứa trẻ cư xử bằng một vài thái độ có thể dự đoán được (một điều vẫn thường xảy ra). Với đầy đủ sự tự tin, nhà trị liệu sẽ ít có khả năng bị "rơi vào sự bối rối" nếu thân chủ trở thành một “sinh vật thách thức”, giỏi xoay trở đáng kinh ngạc, hoặc đến gần họ với một cách thể hiện tinh tế. Một phần trong con người nhà trị liệu cần có sự kiên định, nhạy cảm và khả năng xoay trở để quá trình trị liệu được tiếp tục. Nếu như nhà trị liệu cảm thấy chán và buồn ngủ trong suốt thời gian tiếp xúc trị liệu, họ không nên làm việc với đứa trẻ nữa.

Vì nhà trị liệu sẽ nhận ra rằng việc ghi chép trong các hoạt động và đối thoại diễn ra trong phòng chơi rất hữu ích, nên những đồ dùng cần thiết phải được sẵn sàng. Nhà trị liệu sẽ thấy rằng việc đánh giá và rút kinh nghiệm từ những báo cáo của mỗi phiên trị liệu sẽ giúp cải thiện kỹ năng xử lý các vấn đề khác nhau xảy ra trong phòng chơi, trong việc phát triển cái nhìn sâu sắc về hành vi của trẻ và trở nên nhạy cảm hơn với cảm xúc và thái độ mà trẻ thể hiện trong lúc chơi. Những ghi chú và tất cả các hồ sơ liên quan đến phiên trị liệu nên được bảo mật và khi được thảo luận vì lý do chuyên môn nên được ẩn dành hoặc thay thế để không làm ai xấu hổ dưới bất kỳ hình thức nào.

Tất cả những gì chúng ta đã nói liên quan đến nhà trị liệu có thể được tóm tắt bằng cách nói rằng họ phải là người có thể và sẽ chấp nhận ngôn từ và tinh thần của tám nguyên tắc cơ bản chi phối mọi liên hệ của họ với trẻ em hoặc, trong liệu pháp nhóm, với cả nhóm trẻ. 

Ngoài ra, một việc quan trọng khác là cũng nên thảo luận ngắn gọn về vai trò của những người tham gia gián tiếp trong quá trình trị liệu trò chơi, chẳng hạn như cha mẹ, hoặc những người thay thế cha mẹ, trong một số trường hợp đứa trẻ có vấn đề.

 

8 ĐIỀU HƯỚNG DẪN CỦA AXLINE
(Trích tài liệu của CLB Trăng Non)

 1. Nhà trị liệu phải phát triển một mối quan hệ thân thiện, nồng ấm với đứa trẻ qua đó một mối liên hệ gắn bó phải được hình thành càng sớm càng tốt.

 2. Nhà trị liệu phải chấp nhận đứa trẻ như chính con người mà trẻ đang là.

 3. Nhà trị liệu phải giúp hình thành một cảm nhận về sự cho phép trong mối quan hệ này sao cho trẻ cảm thấy tự do trong việc thể hiện những cảm xúc của mình một cách trọn vẹn.

 4. Nhà trị liệu phải sáng suốt nhận ra những cảm xúc mà trẻ đang thể hiện và phản ảnh lại bằng một cách thức sao cho trẻ có thể thấu hiểu được những hành vi của chính bản thân mình.

 5. Nhà trị liệu duy trì một sự tôn trọng sâu sắc đối với khả năng của trẻ trong việc tự giải quyết vấn đề của mình miễn là được tạo cơ hội. Trách nhiệm lựa chọn và thực hiện sự thay đổi là việc của bản thân đứa trẻ.

 6. Nhà trị liệu không cố gắng hướng dẫn trẻ làm gì, nói gì dưới bất kỳ hình thức nào. Đứa trẻ là người dẫn đường; nhà trị liệu theo sau.

 7. Nhà trị liệu không cố thúc đẩy tiến trình trị liệu đi tới. Cần hiểu rằng đây là một tiến trình lâu dài, từ từ.

 8. Nhà trị liệu chỉ nên thiết lập những giới hạn cần thiết để gắn kết tiến trình trị liệu với thực tế đời sống và giúp trẻ nhận ra trách nhiệm của trẻ trong mối quan hệ trị liệu này.

 (Axline, 1987: 73-74)

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...