Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

NHỮNG PHÁT HIỆN MỚI VỀ SỨC KHOẺ TÂM THẦN TRẺ EM TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

"New Findings About Children’s Mental Health During COVID-19"
Tác giả: Karen Dineen Wagner, MD, PhD
Nguồn: Psychiatric Times - October 7, 2020

Người dịch: 
ÔN BÍCH NGỌC - Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường
ĐẶNG THỊ THANH TÂM - Cử nhân Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường



A.R. Monko/Shutterstock


Nhiều nghiên cứu trên khắp thế giới đang đo lường các tác động của đại dịch đối với trẻ em và vị thành niên

Sức khỏe tâm thần của trẻ em và vị thành niên

COVID-19 đem đến hàng loạt các yếu tố phức tạp (sự không chắc chắn, sự cô lập xã hội và sự tức giận của cha mẹ), chúng tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và vị thành niên. Khả năng dự đoán trước được một điều gì đó mang lại sự an tâm cho trẻ em và vị thành niên, nhưng khả năng đó đã không còn hữu hiệu kể từ khi bùng phát COVID-19.

Trẻ em có nhiều mối lo liên quan đến những hậu quả của COVID-19 như liệu các em có được gặp bạn bè và người thân, liệu các em có được đi học hay liệu các em có bị bệnh hay không. Các bậc cha mẹ thường khó để xoa dịu những nỗi lo lắng của con cái do tình trạng không chắc chắn (uncertainty) trong cuộc sống gây ra. Họ thường rất thành thạo trong việc lập kế hoạch cho con cái, nhưng những kế hoạch tương lai ấy hiện phải bị đình trệ. Những thách thức cha mẹ đang phải đối mặt có thể gây cản trở tới khả năng quan tâm đến nhu cầu tình cảm của con cái như thường ngày.

Những kết quả nghiên cứu liên quan đến COVID-19

Một cuộc khảo sát bảng câu hỏi trực tuyến đã được thực hiện với 359 trẻ em và 3254 vị thành niên từ 7 đến 18 tuổi trong thời gian lây lan COVID-19 ở Trung Quốc. Bảng câu hỏi bao gồm thang đo trầm cảm, thang đo lo âu và thang đo phong cách ứng phó. Kết quả cho thấy 22,3% người trẻ (youth) có điểm số chỉ báo về triệu chứng của trầm cảm được thể hiện trên lâm sàng, con số này cao hơn 13,2% - lưu hành độ theo ước tính của trầm cảm ở người trẻ tại Trung Quốc. Mức độ của các triệu chứng lo âu cũng cao hơn sau COVID-19 so với báo cáo trước đây. Những người trẻ có thân nhân trong gia đình hoặc bạn bè mắc COVID-19 có mức độ lo âu cao hơn những người không có người thân bị bệnh. Phong cách ứng phó tập trung vào vấn đề (problem-focused coping style) có tương quan với các trường hợp có triệu chứng trầm cảm lâm sàng mức độ nhẹ, trong khi phong cách ứng phó tập trung vào cảm xúc (emotion-focused coping style) có tương quan với các trường hợp có triệu chứng trầm cảm lâm sàng ở mức độ nặng hơn.

Trong một cuộc khảo sát trực tuyến khác, 8079 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (cấp 2 và cấp 3) ở Trung Quốc đã hoàn thành bài đánh giá về các triệu chứng trầm cảm và lo âu trong thời kỳ dịch COVID-19. Sử dụng Bảng câu hỏi về Sức khỏe bệnh nhân (PHQ-9) và Bảng câu hỏi về Rối loạn lo âu lan toả (GAD -7). Lưu hành độ (prevalence) các triệu chứng trầm cảm là 43,7%, các triệu chứng lo âu là 37,4% và có cả trầm cảm lẫn lo âu là 31,3%. Các triệu chứng trầm cảm và lo âu ở nữ cao hơn, và theo mức độ tăng dần từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Học sinh không có các triệu chứng trầm cảm và lo âu có nhiều kiến thức về các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát hơn so với những học sinh có các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

Sức khỏe tâm thần của trẻ em được đánh giá trong thời gian phong tỏa (lockdown) ở Bangladesh thông qua một cuộc khảo sát trực tuyến với 384 phụ huynh có con từ 5 đến 15 tuổi. Điểm số trầm cảm, lo âu và rối loạn giấc ngủ của trẻ được phân nhóm theo các mức độ nghiêm trọng. Mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ phần trăm của các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em được thấy như sau: dưới ngưỡng (43%), nhẹ (30,5%), trung bình (19,3%) và nặng (7,2%).

Tác động về mặt cảm xúc của việc cách ly COVID-19 đã được đánh giá đối với trẻ em và thanh thiếu niên ở Ý và Tây Ban Nha. Những người tham gia bao gồm 1143 phụ huynh có con từ 3 đến 18 tuổi đã hoàn thành cuộc khảo sát về các tác động của việc cách ly đối với con cái của họ, so sánh với thời kỳ trước khi cách ly tại nhà. Nghiên cứu cho thấy 85,7% phụ huynh đã báo cáo về những thay đổi trong cảm xúc và hành vi của con cái họ trong thời gian cách ly. Những thay đổi quan sát được thường xuyên nhất là khó tập trung (76,6%), buồn chán (52%), cáu kỉnh (39%), bồn chồn (38,8%), bức bối (38%), cô đơn (31,3%), khó chịu (30,4%) và lo lắng (30,1%). Khoảng 75% phụ huynh cho biết họ cảm thấy căng thẳng về tình hình cách ly. Sự căng thẳng của cha mẹ có tương quan đến việc gia tăng các triệu chứng cảm xúc và hành vi ở con cái của họ.

Trong một khảo cứu tổng quan có hệ thống (systematic review), Loades và các đồng nghiệp đã xem xét sự tác động của sự cô lập xã hội và tình trạng cô đơn đối với sức khỏe tâm thần ở trẻ em và vị thành niên. Mối quan hệ giữa cô đơn và các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em và vị thành niên lành mạnh đã được đánh giá để xác định xem việc cách ly và cô lập xã hội liệu có thể dự đoán được các vấn đề sức khỏe tâm thần trong tương lai hay không. Cuộc khảo cứu tổng quan này bao gồm 63 nghiên cứu với tổng số 51.576 người tham gia. Sự cô lập xã hội và cô đơn làm tăng nguy cơ trầm cảm lên đến 9 năm sau đó. Khoảng thời gian cô đơn (hơn là mức độ cô đơn) có liên quan chặt chẽ đến các triệu chứng sức khỏe tâm thần. Những phát hiện từ tổng quan lý thuyết này về sự cô đơn và cô lập xã hội đưa ra những gợi ý tiềm năng đối với đại dịch COVID-19 hiện nay. Các nhà nghiên cứu này cho rằng sự cô đơn của người trẻ trong thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đối với COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần trong tương lai của những người trẻ này. Họ khuyến cáo cần hỗ trợ phòng ngừa và can thiệp sớm để giải quyết các nhu cầu về sức khỏe tâm thần của trẻ em và vị thành niên trong đại dịch COVID-19.

Kết luận

Nhìn chung, nghiên cứu chứng minh rằng COVID-19 đang ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và vị thành niên và rằng những tình trạng trầm cảm và lo âu đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu bổ sung để đánh giá tác động ngắn hạn và dài hạn của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần tổng thể của trẻ em.

Vì vậy, các chuyên viên lâm sàng (clinician) có thể làm gì cho bệnh nhân của họ? Đối với những người đang làm việc với trẻ em và vị thành niên, hãy trò chuyện về tác động của COVID-19 đối với cuộc sống của các em và đánh giá mối liên hệ có thể có của nó đối với sức khỏe tâm thần hiện tại của các em. Đối với một số vị thành niên, tác động tâm lý xã hội của COVID-19 có thể liên quan đến việc khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần hiện tại của các em. Đối với những vị thành niên khác, đặc biệt là những người mắc các rối loạn lo âu xã hội (social anxiety disorders), việc ở nhà và học trực tuyến có thể tạm thời giải tỏa lo lắng của các em, nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài và có thể dẫn đến lo lắng quá mức khi cần phải trở lại trường học.

Với các chuyên viên lâm sàng làm việc với cha mẹ của trẻ em và vị thiếu niên, cần hỏi thăm về sức khỏe tâm thần của con cái họ trong thời kỳ đại dịch này. Sức khỏe tâm thần của cha mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi sức khỏe tâm thần của con cái. Khuyến khích cha mẹ tìm kiếm sự hỗ trợ cho con cái của mình nếu họ có bất kỳ mối bận tâm nào về sức khỏe tâm thần của các em. Can thiệp sớm có thể ngăn ngừa hậu quả lâu dài về sức khỏe tâm thần do đại dịch COVID-19.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...