Case
conceptualization: Key to highly effective counseling
Tác giả: JON SPERRY và LEN SPERRY
Nguồn: Counseling Today – 7/12/2020
Dịch bởi HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên
viên Tâm lý Trị liệu
Phần 1
Trong phiên làm việc đầu tiên, người
thực tập sinh (đang thực hành nghiệp vụ tham vấn - ND) biết rằng con trai của
Jane đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư não. Sau đó, nhà trị liệu đã gợi ra những
suy nghĩ và cảm xúc của thân chủ về chẩn đoán của con trai cô. Jane bày tỏ cảm
giác tội lỗi và nghĩ rằng nếu cô ấy lưu tâm nhiều hơn về những triệu chứng ban
đầu, thì điều này sẽ không bao giờ xảy ra với con trai cô ấy. Nghe được suy
nghĩ gây ra cảm giác tội lỗi này, người thực tập sinh đã dành phần lớn thời
gian còn lại của phiên để tranh luận về nó. Khi phiên trị liệu kết thúc, thân
chủ càng thấy nản lòng hơn.
Sau khi phiên trị liệu này được
xử lý trong giám sát, người thực tập sinh không còn ngạc nhiên khi Jane đã
không giữ cuộc hẹn tiếp theo. Phiên đầu tiên đã diễn ra vào gần cuối tuần thứ
hai của kỳ thực tập và cô ấy đã háo hức thực hành khả năng tranh luận nhận thức,
điều mà cô ấy tin là phù hợp trong trường hợp này. Để trả lời câu hỏi của người
giám sát về lý do tại sao cô ấy lại kết luận điều này, thực tập sinh trả lời rằng
mình đã “cảm thấy điều đó đúng”.
Người giám sát không ngạc nhiên
trước câu trả lời này vì thực tập sinh này chưa xây dựng một “định hình trường
hợp” [case conceptualization – hoặc có thể dịch là “khái niệm hoá trường hợp” –
ND]. Khi có định hình trường hợp, thực tập sinh đã có thể lường trước được tầm
quan trọng của việc thiết lập ngay một liên minh trị liệu hiệu quả và có tính cộng
tác (effective and collaborative therapeutic alliance), đồng thời nhẹ nhàng xử
lý tình trạng đau khổ của Jane một cách phù hợp trước khi đối diện với những
suy nghĩ gây ra cảm giác tội lỗi của cô ấy.
Tuy nhiên, việc không thiết lập
được một định hình trường hợp phù hợp và đầy đủ không chỉ là thiếu sót của các thực
tập sinh mà nó cũng tương đối phổ biến trong số các nhà tham vấn có kinh nghiệm.
ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP LÀ GÌ?
Về cơ bản, định hình trường hợp
là một tiến trình và là một bản đồ nhận thức (cognitive map) để hiểu và giải
thích các vấn đề đang hiện diện của thân chủ và để dẫn dắt tiến trình tham vấn.
Định hình trường hợp cung cấp cho các nhà tham vấn một kế hoạch nhất quán để tập
trung vào các can thiệp điều trị, bao gồm cả việc xây dựng một liên minh trị liệu,
để tăng khả năng đạt được các mục tiêu trị liệu.
Chúng tôi sẽ sử dụng định nghĩa
từ mô hình định hình trường hợp tích hợp (integrated case conceptualization
model) của chúng tôi để trình bày thuật ngữ nhằm mục đích giải thích cách tận dụng
tiến trình này. Định hình trường hợp là một phương pháp và chiến lược lâm sàng
để thu thập và sắp xếp thông tin về thân chủ, hiểu và giải thích tình trạng của
thân chủ và khuynh hướng thích nghi kém, điều trị có định hướng và tập trung, dự
đoán những thách thức và rào cản cũng như chuẩn bị cho việc kết thúc thành
công.
Chúng tôi tin rằng định hình
trường hợp là năng lực tham vấn quan trọng nhất bên cạnh việc phát triển một
liên minh trị liệu mạnh mẽ. Nếu niềm tin của chúng tôi là đúng, tại sao kỹ năng
này không được dạy thường xuyên trong các chương trình đào tạo sau đại học, và
tại sao các tham-vấn-viên-đang-trong-đào-tạo (counselors-in-training) phải chật
vật trong việc phát triển kỹ năng này? Chúng tôi nghĩ rằng định hình trường hợp
có thể được giảng dạy trong các chương trình đào tạo sau đại học và các tham vấn
viên đang hành nghề có thể phát triển năng lực này thông qua đào tạo liên tục
và thực hành có chủ ý.
Bài viết này sẽ trình bày rõ một
phương pháp để thực hành định hình trường hợp.
TÁM CHỮ P
Chúng tôi sử dụng và giảng dạy
mô hình định hình trường hợp tám chữ P vì nó ngắn gọn, dễ học và dễ sử dụng.
Các học viên và tham vấn viên trong cộng đồng hành nghề đã tham gia hội thảo của
chúng tôi nói rằng mô hình từng bước một này hướng dẫn họ hình thành một bức
tranh tâm trí – một bản đồ nhận thức – của thân chủ. Họ nói rằng nó cũng hỗ trợ
họ trong việc đưa ra quyết định trị liệu và viết báo cáo đánh giá ban đầu (initial
evaluation report).
Mô hình này dựa trên tám yếu tố
để trình bày rõ ràng và giải thích bản chất và nguồn gốc của tình trạng hiện tại
và hướng trị liệu tiếp theo cho thân chủ. Các yếu tố này được mô tả theo tám chữ
P: Presentation (hiện trạng), Predisposition (cơ địa/bẩm tố - bao gồm cả văn
hóa), Precipitants (yếu tố gia tăng nguy cơ), Protective factors and strengths (yếu
tố bảo vệ và nguồn lực), Pattern (khuôn mẫu), Perpetuants (yếu tố duy trì), Plan
(kế hoạch trị liệu) và Prognosis (tiên lượng).
Trình bày hiện trạng (Presentation)
Trình bày hiện trạng là một mô
tả về bản chất và mức độ nghiêm trọng của biểu hiện lâm sàng của thân chủ.
Thông thường, điều này bao gồm các triệu chứng, những nỗi bận tâm cá nhân và các
xung đột liên cá nhân.
Bốn trong số các chữ P khác (predisposition,
precipitants, pattern and perpetuants) – cơ địa/bẩm tố, yếu tố gia tăng nguy
cơ, khuôn mẫu và yếu tố duy trì – cung cấp sự lý giải hữu ích về mặt lâm sàng
cho mối bận tâm hiện tại của thân chủ.
Cơ địa/bẩm tố (Predisposition)
Đây là tất cả các yếu tố khiến
một cá nhân dễ bị tổn thương bởi tình trạng lâm sàng. Các yếu tố cơ địa hoặc bẩm
tố thường liên quan đến các yếu tố về sinh học, tâm lý, xã hội và văn hóa.
Cách tuyên bố này chịu ảnh hưởng
bởi sự định hướng về lý thuyết của nhà tham vấn. Mỗi mô hình lý thuyết sẽ tán
thành một cách hiểu về nguyên nhân gây đau khổ, sự phát triển của các đặc điểm
nhân cách và tiến trình để sự thay đổi và chữa lành có thể diễn ra trong tham vấn
tâm lý. Chúng tôi sẽ sử dụng mô hình sinh học-tâm lý-xã hội (biopsychosocial
model) trong bài viết này vì nó là mô hình phổ biến nhất được các nhà cung cấp
dịch vụ sức khỏe tâm thần sử dụng. Mô hình này sẽ thống hợp nên một sự hiểu biết
toàn diện (holistic understanding) về thân chủ.
Sinh học: Các yếu
tố sinh học bao gồm các yếu tố di truyền, có tính gia đình, khí chất (temperament)
và những yếu tố y khoa, chẳng hạn như tiền sử rối loạn tâm thần hoặc lạm dụng
chất của gia đình hoặc tình trạng tim mạch như tăng huyết áp.
Tâm lý: Các yếu
tố tâm lý có thể bao gồm các niềm tin loạn chức năng (dysfunctional beliefs) liên
quan đến sự kém cỏi, chủ nghĩa hoàn hảo hoặc phụ thuộc quá mức (inadequacy,
perfectionism or overdependence), những yếu tố này xa hơn nữa là có thể đẩy cá
nhân đến một tình trạng y khoa như bệnh động mạch vành (coronary artery disease).
Các yếu tố tâm lý cũng có thể liên quan đến các kỹ năng xã hội bị hạn chế hoặc
bị phóng đại như thiếu kỹ năng kết bạn, thiếu quyết đoán (unassertiveness) hoặc
quá hung hăng (overaggressiveness).
Xã hội: Các yếu
tố xã hội có thể bao gồm những mất mát thời thơ ấu, phong cách nuôi dạy con cái
không nhất quán, môi trường gia đình quá thù hận hoặc tách biệt và cả các giá
trị gia đình như tính cạnh tranh hoặc tính chỉ trích. Các yếu tố gây căng thẳng
về tài chính có thể làm trầm trọng thêm các biểu hiện lâm sàng của thân chủ. Yếu
tố “xã hội” trong mô hình sinh học-tâm lý-xã hội bao gồm cả các yếu tố văn hóa.
Tuy nhiên, chúng tôi đã cho tách riêng các yếu tố này.
Văn hóa: Trong số nhiều yếu tố văn hóa,
có ba yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc hình thành định hình trường hợp hiệu
quả: mức độ tiếp biến văn hóa (level of acculturation), căng thẳng do tiếp biến
(acculturative stress) và căng thẳng đặc trưng cho tiếp biến văn hóa
(acculturation-specific stress). Tiếp biến văn hóa là quá trình thích nghi với
một nền văn hóa khác với nền văn hóa ban đầu của một người. Thích nghi với một
nền văn hóa khác có xu hướng gây ra căng thẳng và điều này được gọi là căng thẳng
do tiếp biến văn hóa. Sự thích nghi đó được thể hiện qua nhiều mức độ tiếp biến
văn hóa từ thấp đến cao. [Một từ thông dụng khác là “hội nhập văn hoá” – ND]
Nói chung, những thân chủ có mức
độ tiếp biến văn hóa thấp hơn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn những thân chủ có mức độ
tiếp biến văn hóa cao. Sự chênh lệch về mức độ tiếp biến văn hóa trong một gia
đình được ghi nhận thông qua những xung đột trong việc sử dụng ngôn ngữ, kế hoạch
nghề nghiệp và việc trung thành với các lựa chọn thực phẩm và nghi thức của gia
đình. Căng thẳng do tiếp biến văn hóa khác với những căng thẳng đặc trưng cho
quá trình tiếp biến văn hóa như phân biệt đối xử (discrimination), năng lực sử
dụng ngôn ngữ thứ hai (second-language competence) và những công kích mức độ nhỏ
(microaggressions).
Yếu tố gia tăng nguy cơ (Precipitants)
Yếu tố gia tăng nguy cơ ngụ ý về
các yếu tố gây stress về thể chất, tâm lý và xã hội có thể gây ra hoặc xảy ra
cùng lúc với sự xuất hiện của các triệu chứng hoặc xung đột quan hệ. Chúng có
thể bao gồm các yếu tố gây stress về thể chất như chấn thương, đau đớn, tác dụng
phụ của dược chất hoặc hội chứng cai (withdrawal) từ các chất gây nghiện. Các yếu
tố gây stress tâm lý thường gặp bao gồm những mất mát, bị chối bỏ hoặc những thất
vọng làm suy giảm ý thức về năng lực cá nhân. Các yếu tố gây căng thẳng xã hội
có thể liên quan đến những mất mát hoặc bị từ chối làm suy yếu địa vị và hỗ trợ
xã hội của một cá nhân. Bao gồm bệnh tật, cái chết hoặc việc nhập viện của một
người quan trọng khác, giáng chức trong công việc, mất các khoản thanh toán do
mất khả năng từ dịch vụ an sinh xã hội, v.v.
Các yếu tố bảo vệ và những thế mạnh/nguồn lực (Protective
factors and strengths)
Các yếu tố bảo vệ là các yếu tố
làm giảm khả năng phát triển một tình trạng lâm sàng. Ví dụ bao gồm các kỹ năng
ứng phó, một hệ thống hỗ trợ tích cực, một phong cách gắn bó an toàn và kinh
nghiệm rời bỏ một mối quan hệ lạm dụng. Sẽ rất hữu ích khi coi các yếu tố bảo vệ
là tấm gương đối lập với các yếu tố nguy cơ (tức là các yếu tố làm tăng khả
năng phát triển một tình trạng lâm sàng). Một số ví dụ về các yếu tố nguy cơ là
sang chấn sớm, niềm tin tự thất bại, các mối quan hệ lạm dụng, tự làm hại bản
thân và có ý định tự sát.
Liên quan đến các yếu tố bảo vệ
là nguồn lực/thế mạnh (strengths). Đây là những quá trình tâm lý luôn cho phép
các cá nhân suy nghĩ và hành động theo những cách có lợi cho bản thân và những
người khác. Ví dụ về nguồn lực bao gồm sự tỉnh thức (mindfulness), khả năng tự
chủ (self-control), năng lực vượt khó (resilience) và sự tự tin (self-confidence).
Bởi vì tham vấn chuyên nghiệp nhấn mạnh đến nguồn lực và các yếu tố bảo vệ, nhà
tham vấn nên cảm thấy được hỗ trợ trong việc xác định và kết hợp các yếu tố này
để họ có thể hình thành những định hình trường hợp.
Yếu tố tạo khuôn (kém thích nghi) - Pattern (maladaptive)
Sự tạo khuôn chỉ những phong
cách hoặc thể thức kiên định và có thể đoán trước trong đó một người suy nghĩ,
cảm nhận, hành xử, ứng phó và bảo vệ bản thân cả trong những hoàn cảnh gây
stress lẫn không gây stress. “Khuôn mẫu” vừa có những tính chất về thể lý (chẳng
hạn một phong cách sống tĩnh tại, ít vận động, hoặc một phong cách theo kiểu “coronary-prone”),
vừa về mặt tâm lý (ví dụ: phong cách phụ thuộc hoặc rối loạn nhân cách phụ thuộc),
và cả về mặt xã hội (ví dụ sự thông đồng, toa rập với các vấn đề hôn nhân của một
người thân…). Các khuôn mẫu cũng có thể bao gồm những thế mạnh trong chức năng
của một cá nhân, giúp đối trọng lại với tình trạng mất chức năng.
[Chú thích: “coronary-prone
lifestyle” – Trong nguyên văn – chỉ về những phong cách ứng xử theo kiểu hành
vi Type A, có tính cạnh tranh, tham vọng, ít kiên nhẫn, dễ có “khuynh hướng bị
bệnh mạch vành” – ND]
Yếu tố duy trì (Perpetuants)
Yếu tố duy trì đề cập đến các
quá trình mà qua đó khuôn mẫu của một cá nhân được củng cố và bén rễ sâu vào cả
bản thân họ lẫn môi trường sống của họ. Các quá trình này có thể là về mặt thể
lý, chẳng hạn như suy giảm khả năng miễn dịch hoặc “ăn quen” với những chất gây
nghiện; cũng có thể về mặt tâm lý, chẳng hạn như mất hy vọng hoặc lo sợ hậu quả
của việc hồi phục; hoặc về mặt xã hội, chẳng hạn như thông đồng với các thành
viên gia đình hoặc các tác nhân để duy trì hành vi rối loạn chức năng thay vì
là hướng đến phục hồi và tăng trưởng. Đôi khi các yếu tố gia tăng nguy cơ có thể
kéo dài và trở thành những yếu tố duy trì.
Kế hoạch trị liệu - Plan (treatment)
Việc lên kế hoạch đề cập đến một
can thiệp trị liệu có kế hoạch, bao gồm các mục tiêu, chiến lược và phương pháp
trị liệu. Nó bao gồm các cân nhắc về việc ra quyết định lâm sàng và các cân nhắc
về đạo đức (clinical decision-making considerations and ethical considerations).
Tiên lượng (Prognosis)
Tiên lượng đề cập đến đáp ứng có
thể dự kiến của đương sự đối với việc trị liệu. Việc dự báo này dựa trên một sự
kết hợp của các yếu tố nguy cơ và yếu tố bảo vệ, nguồn lực/thế mạnh và sự sẵn
sàng thay đổi của thân chủ cũng như kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của nhà
tham vấn trong việc tạo ra sự thay đổi trong trị liệu.
Xem tiếp Phần 2
TRƯỜNG HỢP MINH HỌA
Em cảm ơn cô đã dịch bài này, rất hay ạ!!
Trả lờiXóa