Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

STRESS, LO ÂU VÀ KIỆT SỨC - SỰ KHÁC BIỆT LÀ GÌ? - Phần 1

Stress vs. anxiety vs. burnout: What’s the difference?

Tác giả: LINDSEY PHILLIPS
Nguồn: Counseling Today – 26/1/2022

Người dịch: NGUYỄN THỊ NGỌC ANH – Chuyên viên tâm lý lâm sàng, Khoa Tâm lý Lâm sàng, Khu Tham vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Vị thành viên, Bệnh viện Tâm thần Trung Ương 2, Biên Hoà, Đồng Nai.


Phần 1

Một người phụ nữ 43 tuổi đang gặp khó khăn về giấc ngủ vào buổi tối. Sáu tháng trước, cô mở một công ty kinh doanh riêng và làm việc đến 50 giờ một tuần, điều đó khiến cô có ít thời gian để chăm sóc mọi việc liên quan đến nhà cửa. Hơn nữa, cô có người cha 71 tuổi, ông ấy đang có những dấu hiệu sớm của chứng mất trí (dementia), vì vậy cô phải trích ra phần thời gian trong lịch làm việc luôn quá tải của mình để kiểm tra, để mắt tới ông trong suốt cả tuần.

Hiển nhiên là có một số việc đang bị cô bỏ qua. Cô ấy đã bỏ lỡ buổi đi chơi của con trai mình vào tuần trước vì một dự án công việc, và là một người mẹ đơn thân, cô ấy cảm thấy có lỗi mặc dù dành chỉ một phút cho việc chăm sóc bản thân. Những tác nhân gây stress này đang ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân của cô, và cô không còn thời gian để đi chơi với bạn bè - nguồn hỗ trợ duy nhất của cô.

Những yếu tố gây stress tích tụ này khiến cô cảm thấy choáng ngợp, vì vậy cô đã tìm đến dịch vụ tham vấn. Trong buổi đầu tiên, cô nói với nhà tham vấn rằng cô đang cảm thấy căng thẳng, kiệt quệ và không biết phải làm gì. Giờ đây, nhà lâm sàng có nhiệm vụ khó khăn là giúp thân chủ giải mã xem liệu rằng cô ấy đang vật lộn với stress, lo âu (anxiety) hay kiệt sức (burnout).

Nhiệm vụ này còn phức tạp hơn bởi trong thực tế nhiều thân chủ thường hiểu một cách cô đọng hoặc bị nhầm lẫn những tình trạng này. Julianne Schroeder, một chuyên viên tham vấn chuyên nghiệp (LPC) ở Colorado và Texas, nhận thấy rằng thân chủ thường sử dụng các thuật ngữ stress, lo âu và kiệt sức thay thế cho nhau hoặc sử dụng chúng một cách bỡn cợt - “Tôi bị stress”, “Tôi rất bận”, “Tôi choáng ngợp”, “Tôi rất kiệt sức”, “Ồ, đó chính là nỗi lo âu của tôi”- đến mức họ thường đến với chuyên viên tham vấn mà không chắc chắn về những gì họ thực sự đang đối mặt.

Có một mối nguy hiểm cố hữu khi sử dụng những cụm từ này một cách ngẫu nhiên, Schroeder nói, bởi vì chúng củng cố thông điệp về mặt xã hội rằng cũng ổn thôi khi người ta có thể chịu đựng những chu kỳ stress và kiệt sức một cách thường xuyên. Trên thực tế, Schroeder thường nghe thân chủ chia sẻ, “Hiện tại tôi có rất nhiều việc phải làm; nó chỉ là stress thôi mà”. Nhưng khi họ bắt đầu bóc tách các lớp tự thoại tiêu cực (negative self- talk) và những niềm tin cốt lõi không lành mạnh (unhealthy core beliefs) - chẳng hạn như không "đủ tốt" - đang nuôi dưỡng những yếu tố gây stress này, cô thường nhận thấy những thân chủ này đang đối diện với một vấn đề nghiêm trọng hơn như là lo âu (anxiety) hoặc kiệt sức (burnout).

ĐÓ CÓ PHẢI LÀ STRESS KHÔNG?

Các triệu chứng của stress và lo âu thường có vẻ giống nhau, nhưng Schroeder chỉ ra một điểm khác biệt chính: Nguồn gốc của stress thường là bên ngoài, trong khi lo âu có xu hướng là phản ứng bên trong. Schroeder có một cơ sở hành nghề tư nhân ở Denver và làm cố vấn tại The Mindful Therapists, một cơ sở tham vấn nhóm thuộc các khu vực ở Oak Cliff, Texas và Denver.

“Stress là trải nghiệm chung của các yếu tố thuộc về thể chất, tinh thần, cảm xúc và quan hệ, những yếu tố đó khiến con người và hệ thống thần kinh cảm thấy quá tải”, cô giải thích. Với stress, nhà tư vấn có thể nghe thân chủ nói: “Hiện tại tôi có rất nhiều việc đang diễn ra”, nhưng với lo âu, họ có thể nói, “Hiện tại tôi có rất nhiều việc đang diễn ra và tôi không biết mình sẽ làm thế nào xử lý nó.”

“Stress có thể xuất hiện một cách đột ngột [hoặc] không có sự cảnh báo trước”, Siobhan Flowers, một thành viên của Hiệp hội Tư vấn Hoa Kỳ-ACA (American Counseling Association) có chuyên môn về quản lý stress, lo âu và những chuyển đổi trong cuộc sống, lưu ý rằng: “Bản chất của stress thường ngắn hạn hơn, và lý tưởng là… một khi tác nhân gây stress được loại bỏ, thì không lâu sau đó, các triệu chứng stress có thể giảm đáng kể.”

Flowers, một chuyên viên giám sát cho các tham vấn viên chuyên nghiệp (LPC-S) ở Texas, người cũng có bằng tiến sĩ về tham vấn, nhận định rằng stess phân biệt được với lo âu vì các triệu chứng lo âu thường tiếp diễn ngay cả khi tác nhân gây stress đã được loại bỏ. Cô nói thêm rằng lo âu có thể gây ra tình trạng suy giảm chức năng đáng kể chẳng hạn như các cơn hoảng loạn (panic attacks).

Schroeder mô tả các dấu hiệu thể chất thường liên quan đến stress bao gồm căng cơ, nghiến chặt hàm, mệt mỏi, đau đầu, bồn chồn và đau nhức nói chung. Các triệu chứng về cảm xúc bao gồm cảm giác choáng ngợp, các trường hợp thường xuyên phản ứng theo cảm xúc, suy nghĩ miên man (racing thoughts), hay quên và khả năng giải quyết vấn đề kém. Các dấu hiệu hành vi có thể bao gồm giảm chất lượng giấc ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc cân nặng, sử dụng chất kích thích và có những khó khăn về quan hệ tình dục.

Keri Riggs, LPC-S tại Trung tâm Tư vấn và Chăm sóc Sức khỏe New Directions ở Richardson, Texas, cho biết cả stress và lo âu đều liên quan đến cảm giác thúc bách và mong muốn tiếp tục cố gắng “khắc phục” vấn đề. Cô ấy thường giúp thân chủ làm rõ ý của họ khi họ nói rằng họ “quá căng thẳng” hoặc “quá tải”. Cô ấy yêu cầu họ mô tả ý nghĩa của những thuật ngữ này, nơi họ cảm thấy stress trong cơ thể và stress biểu hiện như thế nào trong cuộc sống của họ.

Tiếp theo, Riggs thảo luận về tần suất, cường độ và thời gian của các triệu chứng stress với thân chủ của cô để đánh giá vấn đề tốt hơn. Cô ấy hỏi liệu họ có cảm nhận được các yếu tố gây stress của họ là nhẹ (ví dụ: đi làm muộn), trung bình, nghiêm trọng hay thảm hại (ví dụ: đối phó với hậu quả của một cơn bão). Nhiều yếu tố gây stress cũng có thể làm phức tạp các vấn đề, vì vậy Riggs nói về các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống có thể gây stress cho thân chủ: Stress của họ chủ yếu liệu có liên quan về tài chính, các mối quan hệ, vấn đề liên quan đến công việc, sức khỏe hoặc tinh thần? Cô ấy cũng tìm hiểu xem liệu rằng nguồn gốc stress của họ là cấp tính (ví dụ như chiếc lốp xe bị xẹp) hay kinh niên (ví dụ, bệnh tự miễn, bạo lực gia đình, căng thẳng liên tục tại nơi làm việc).

ĐÓ CÓ PHẢI LÀ LO ÂU KHÔNG?

Ngoài việc là những phản ứng bên trong, lo âu còn khác với stress về cường độ và thời gian của nó. Schroeder cho biết các triệu chứng về thể chất có thể bao gồm nhịp tim nhanh, buồn nôn và đau dạ dày, thở nhanh hoặc khó thở, run rẩy hoặc rung giật và phản xạ giật mình quá mức. Thường xuyên lo lắng, suy nghĩ miên man và trầm tư, cảm giác bất lực, sợ hãi và hoảng sợ là những triệu chứng về cảm xúc. Các triệu chứng hành vi bao gồm mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, thay đổi cảm giác thèm ăn, sử dụng chất kích thích, không có khả năng hoàn thành các chức năng bình thường hàng ngày và khả năng cao hơn là tránh né mọi người và những hoạt động gây ra đau khổ, phiền muộn.

 “Việc thiếu niềm tin vào khả năng đối phó của một người, tận dụng các hỗ trợ bên trong và bên ngoài cũng như ban hành các kỹ năng giải quyết vấn đề và tự điều chỉnh là yếu tố phân biệt lo âu với stress,” Schroeder – Người đang là giáo viên yoga trị liệu.

Riggs, một thành viên ACA có chuyên môn về quản lý stress, lo âu và kiệt sức của phụ nữ, chỉ ra rằng lo âu được tập trung hướng về tương lai. Đó là về vấn đề "nếu xảy ra thì sao?" Ví dụ, nếu thân chủ có một cái bánh xe bị xẹp lốp và đi làm muộn, họ có thể bắt đầu lo lắng rằng họ sẽ mất việc vì họ cũng đã đến muộn vào tuần trước khi con họ bị ốm và vì gần đây họ cũng không làm việc được tốt. Thân chủ này nhanh chóng chuyển từ trạng thái stress do việc chiếc lốp xe bị xẹp sang khả năng bị sếp sa thải họ. Suy nghĩ đầy lo âu này là kết quả của những tác nhân gây stress tích tụ trong tuần qua và niềm tin nội tại của thân chủ là không đủ tốt. Và điều đó, Riggs thừa nhận, có thể gây thách thức cho việc xử lý stress và lo âu trong quá trình đánh giá.

Amanda Ruiz, một LPC ở Pennsylvania, thường làm việc với những thân chủ đang bị stress ở nơi làm việc và ở nhà và cảm thấy quá tải theo nhiều cách khác nhau. Họ cảm thấy lạc lõng, và mặc dù họ biết mình không ở trong tình trạng tốt, nhưng họ không chắc chắn về cách giải quyết nó, cô ấy nói. Cảm giác choáng ngợp này thường biểu hiện bằng sự lo âu: Họ ngủ không ngon giấc, suy nghĩ lan man vào giờ đi ngủ, họ không cảm thấy mình có thời gian để chăm sóc bản thân và họ cũng có những ranh giới không rõ ràng.

Ruiz, một thành viên ACA, cho biết thêm, những thân chủ này đến tham vấn vì họ nhận ra có điều gì đó không ổn và muốn được giúp đỡ, nhưng họ không nhất thiết dùng thuật ngữ “lo âu”. Thay vào đó, họ có thể nói rằng họ “bị quá tải”, “bị căng thẳng” hoặc “bị kéo theo quá nhiều hướng”. Ruiz giúp thân chủ hiểu lo âu là gì và họ có thể trải qua nó như thế nào mà không nhận ra. Đôi khi, cô đọc ra các triệu chứng của rối loạn lo âu tổng quát hoặc định nghĩa về lo âu trong Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM) và hỏi họ liệu những mô tả ấy có phù hợp với những gì họ trải qua thay vì chỉ được mô tả là bị “quá tải”.

Ruiz, người sáng lập và là nhà trị liệu sức khỏe tâm thần tại The Counseling Collective ở East Petersburg, Pennsylvania, cũng sử dụng các đánh giá lo âu như thang điểm Rối loạn lo âu tổng quát (Generalized Anxiety Disorder scale) và Bảng câu hỏi về sức khỏe bệnh nhân (Patient Health Questionnaire) không chỉ để chẩn đoán mà còn giúp cho mục đích giáo dục - để thu thập cơ sở định lượng cho thân chủ. Cô ấy yêu cầu thân chủ làm lại các bài đánh giá này từ ba đến bốn tháng một lần để xem liệu họ có tiến bộ hay không và như thế nào. Sau khi thực hiện đánh giá, thân chủ sẽ thảo luận kết quả với Ruiz và cô ấy thường hỏi họ cảm thấy đánh giá chính xác như thế nào. Ruiz cho biết thêm, việc để cho thân chủ nhìn thấy được sự tiến bộ của họ cũng là một cách tiếp cận hiệu quả dựa trên những ưu điểm.

Đôi khi stress và lo âu là những phần được trông đợi trong cuộc sống, nhưng nếu chúng không được giải quyết, cả hai đều có thể leo thang thành các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn như rối loạn lo âu. Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ (Anxiety and Depression Association of America), các rối loạn lo âu, bao gồm rối loạn lo âu tổng quát, rối loạn hoảng loạn, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn stress sau sang chấn, là những bệnh tâm thần phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến 40 triệu người trưởng thành mỗi năm.

Ruiz cho biết các dấu hiệu tiềm ẩn cho thấy thân chủ có thể đang đối mặt với chứng rối loạn lo âu bao gồm lo lắng dai dẳng kéo dài trong vài tháng, các cơn hoảng loạn và các triệu chứng cản trở hoạt động bình thường hàng ngày (ví dụ: mất ngủ khiến ai đó không thể đi làm được).

Ruiz cho biết, thân chủ thường sẽ nhận thấy giảm các triệu chứng stress và lo âu trong vòng sáu tháng sau khi được tham vấn, trừ khi họ mắc phải một tình trạng trầm trọng hơn. Cô ấy thường đánh giá lại từ sáu đến chín tháng sau khi tham vấn, và nếu sự lo âu của thân chủ vẫn ở mức cao mặc dù đã thực hiện các chiến lược ứng phó như thiết lập ranh giới lành mạnh hơn và tự điều chỉnh, thì cô ấy sẽ tìm hiểu khả năng mắc chứng rối loạn lo âu hoặc sự cần thiết phải dùng thuốc cho thân chủ.

ĐÓ CÓ PHẢI LÀ KIỆT SỨC KHÔNG?

Kiệt sức không phải là tình trạng xảy ra đột ngột; nó phát triển theo thời gian, Flowers nói. Nếu không được điều trị, stress sẽ phát triển thành stress mạn tính và cuối cùng chuyển sang kiệt sức (burnout). Cô giải thích: Stress khiến mọi người cảm thấy rằng họ đã có quá nhiều thứ để gánh vác, nhưng kiệt sức thì khiến người ta cảm thấy bị cạn kiệt (depleted), giống như họ không còn gì để cho.

Flowers, chủ sở hữu của Balanced Vision, một cơ sở hành nghề tư nhân ở Plano, Texas, đã phát hiện ra rằng những cụm từ như “Tôi chỉ là đang sống sót (survival mode)”, “Tôi kiệt quệ” và “Tôi đã rã rời” thường cho thấy rằng một thân chủ đang trải qua tình trạng kiệt sức.

Schroeder nói rằng người ta thường trải qua stress hoặc lo âu trong một thời gian dài trước khi biểu hiện kiệt sức. Cô ấy giải thích kiệt sức như là sản phẩm từ một hệ thống bị căng thẳng và quá tải. Schroeder nói: “Cơ thể của chúng ta không được chuẩn bị cho việc ở trong một trạng thái tăng hoạt hoặc trong trạng thái chiến-hay-chạy (fight-or-flight) trong thời gian dài. Nếu điều đó xảy ra thì “cơ thể… sẽ chuyển sang chế độ bảo vệ - hay còn gọi là tình trạng kiệt sức”.

Schroeder lưu ý rằng các dấu hiệu thể chất của sự kiệt sức tương tự như các dấu hiệu của stress và lo âu. Chúng bao gồm mệt mỏi, mất ngủ hoặc giấc ngủ bị gián đoạn, thay đổi cảm giác thèm ăn và sử dụng caffein, cơ thể căng đờ hoặc nặng nề, và gia tăng tần suất bệnh tật. Một số triệu chứng về cảm xúc và hành vi như là cáu kỉnh, thờ ơ hoặc lặng lờ, mỉa mai, nghi ngờ bản thân hoặc tự phê phán bản thân, thiếu động lực, trì hoãn, cô lập, sử dụng chất, tiềm ẩn rối loạn ăn uống, và mất hứng thú trong cuộc sống.

Riggs nói rằng kiệt sức thường biểu hiện bằng sự buông bỏ (disengagement) - cả về thể chất và cảm xúc - và trạng thái ly giải nhân cách (depersonalization) (ví dụ: "Tôi bị làm sao vậy? Tôi không cảm thấy như là chính mình"). Cô ấy nói thêm rằng nó tập trung vào bên trong hơn. Những thân chủ đang phải vật lộn với tình trạng kiệt sức có thể giận chính bản thân vì đã không xử lý các tác nhân gây stress của họ tốt hơn.

Một trong những đồng nghiệp của Riggs từng mô tả kiệt sức là “cái chết bởi hàng nghìn vết cắt nhỏ”. Riggs cho rằng thường thì không có một điều đơn độc nào đó có thể gây ra kiệt sức. Đúng hơn, đó là đỉnh điểm của nhiều yếu tố gây stress từ từ hình thành cho đến khi đương sự không thể quản lý được nữa.

Một cách mà Riggs giúp thân chủ nhận thức rõ hơn về cường độ và thời gian của các tác nhân gây stress hiện tại của họ là yêu cầu họ lập nên một dòng thời gian (timeline). Ví dụ, một thân chủ có thể lưu ý rằng trong bốn tháng qua, họ đã: (1) Lo lắng về việc con mình bị bắt nạt ở trường; (2) Chăm sóc một thành viên lớn tuổi hoặc ốm yếu trong gia đình; (3) Xuất hiện một cơn hoảng loạn tại nơi làm việc và (4) Phải xoay trở với đại dịch.

Dòng thời gian (timeline) đóng vai trò như một lời nhắc nhở trực quan về mức độ họ đã phải gánh chịu về mặt tinh thần và cảm xúc và chỉ ra rằng họ có thể đang phải đối mặt với nhiều hơn mức độ stress thông thường. Riggs nói thêm, nó cũng giúp thân chủ bắt đầu hiểu về những trải nghiệm của họ và có thể tham gia vào việc tự yêu thương bản thân (self-compassion) thay vì tự căm ghét hoặc tự đổ lỗi cho bản thân.

Xem tiếp Phần 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...