Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2022

KHI MỘT PHẦN TUỔI THƠ BỊ ĐÁNH MẤT DO TÌNH TRẠNG LOẠN LUÂN TÌNH CẢM?

Was Part of Your Childhood Deprived by Emotional Incest?
Nguồn: bpdfamily.com
Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Học đường



Patricia Love, Ed.D., cựu chủ tịch của Hiệp hội Tham vấn Hôn nhân và Gia đình Quốc tế, định nghĩa “loạn luân về tình cảm” là "một phong cách nuôi dạy con cái mà trong đó cha mẹ trông chờ sự hỗ trợ tình cảm từ những đứa con của họ chứ không phải từ người bạn đời" Theo Love, những bậc cha mẹ loạn luân về mặt tình cảm (emotionally incestuous parents) có thể tỏ ra yêu thương, tận tụy và họ có thể dành rất nhiều thời gian cho con cái và nuông chiều chúng bằng những lời khen ngợi và những món quà vật chất - nhưng khi suy cho cùng thì tình yêu của họ không phải là tình yêu có tính bảo dưỡng, mà đó chỉ là một phương tiện để thỏa mãn cho những nhu cầu của chính họ.

THUẬT NGỮ "LOẠN LUÂN VỀ TÌNH CẢM" (emotional incest) xuất phát từ Kenneth Adams, Ph.D. dùng để đặt tên cho sự gắn kết giữa các thế hệ trong một gia đình mà trong đó một đứa trẻ (thường là khác giới) trở thành “vợ” hoặc “chồng” thay thế cho mẹ hoặc cha của chúng. "Sự mắc mứu, nhập nhằng về tình cảm" (Emotional Enmeshment) là một thuật ngữ khác thường được sử dụng. Và thuật ngữ "phụ mẫu hóa về mặt cảm xúc" (emotional parentification) mô tả một khái niệm tương tự - nó mô tả quá trình vai trò bị đảo ngược, theo đó một đứa trẻ có nghĩa vụ hành động như cha mẹ đối với cha mẹ của chúng.

Có nhiều bậc phụ huynh thân thiết với con mình. Sự gần gũi là lành mạnh và đáng mơ ước. Sự khác biệt giữa một mối quan hệ gần gũi lành mạnh và một mối quan hệ loạn luân là trong một mối quan hệ gần gũi lành mạnh, cha mẹ quan tâm đến nhu cầu của trẻ theo cách phù hợp với lứa tuổi mà không làm cho đứa trẻ cảm thấy có trách nhiệm với những nhu cầu tình cảm của cha mẹ. Còn trong một mối quan hệ loạn luân về mặt tình cảm, thay vì cha mẹ đáp ứng nhu cầu của con cái thì đứa con lại đáp ứng nhu cầu của cha mẹ.

Loạn luân tình cảm xảy ra khi ranh giới tự nhiên của cha mẹ như là người chăm sóc, người nuôi dưỡng và người bảo vệ đã bị xâm phạm và đứa trẻ trở thành người chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ "thực tế nhưng không chính thức" (de facto) của cha mẹ chúng. Điều này thường xảy ra khi hôn nhân tan vỡ hoặc khi có dấu hiệu cho thấy động lực của gia đình bị gãy đổ (ví dụ: lạm dụng chất, không chung thủy, bệnh tâm thần và sự phụ thuộc vào đứa con ngày càng tăng). Một hoặc cả hai cha mẹ có thể lôi kéo đứa trẻ vào những cuộc trò chuyện về các vấn đề của người lớn và cảm xúc của người lớn như thể đứa con là bạn đồng trang lứa với họ. Đứa con có thể được yêu cầu để thỏa mãn những nhu cầu của người lớn như sự thân mật, bầu bạn, những kích thích lãng mạn, lời khuyên, giải quyết vấn đề, hoàn thiện cái tôi (ego fulfillment), và/hoặc giúp giải tỏa cảm xúc. Đôi khi cả cha và mẹ sẽ trút hết cho đứa trẻ bằng cách đặt đứa trẻ vào giữa những bất đồng giữa cha mẹ - mỗi bên phàn nàn về người còn lại.

Điều xảy ra sau đó là một vai trò mà đứa trẻ không có khả năng hoàn thành có thể tạo nên cảm giác đặc biệt hoặc thấy mình có đặc ân khi làm như vậy. Rõ ràng trong động thái này, đứa trẻ bị cha mẹ ngầm bỏ rơi về mặt tình cảm và bị tước mất đi tuổi thơ của chúng.

Những bậc cha mẹ loạn luân về tình cảm thường rơi vào trạng thái “xâm hại con” mà không hề có một chủ định làm hại con cái.

Điều quan trọng cần nhớ là có các mức độ nghiêm trọng khác nhau trong loạn luân tình cảm. Đôi khi loạn luân về tình cảm là cực kỳ nghiêm trọng và có tính gây hao tổn, trong khi những tình huống khác, nó lại có tính tiết chế hơn và hầu như không được chú ý.

TÁC ĐỘNG DÙ SAO CŨNG VẪN LÀ CÓ HẠI.

Những tác động của loạn luân về tình cảm đối với trẻ em là gì?

Theo Tiến sĩ Love, "Việc trở thành nguồn hỗ trợ chính của cha mẹ là một gánh nặng đối với trẻ nhỏ khi chúng buộc phải kìm nén nhu cầu của bản thân để thỏa mãn nhu cầu của người lớn". Do sự đảo ngược vai trò này, các em hiếm khi được bảo vệ, hướng dẫn hoặc kỷ luật đầy đủ, và các em được tiếp xúc với những kinh nghiệm vượt xa lứa tuổi của mình.

Sự loạn luân về tình cảm từ một trong hai phụ huynh có tác động tàn phá khả năng của đứa trẻ để có thể thiết lập các ranh giới và chăm sóc để đáp ứng các nhu cầu của bản thân khi trẻ trở thành người lớn. Loại lạm dụng này, khi do cha mẹ khác giới gây ra, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ người lớn/trẻ em với xu hướng tính dục và giới của đứa trẻ và khả năng có được các mối quan hệ mật thiết thành công khi trẻ trưởng thành.

Vì những lý do thực tế, con cái thường được chọn cho vai trò "làm cha mẹ" trong gia đình - thường nhất là những đứa con đầu lòng bị đặt vào vai trò bất thường ấy. Tuy nhiên, việc cân nhắc về giới tính có nghĩa là đôi khi con trai cả hoặc con gái lớn được chọn, ngay cả khi họ không phải là con lớn nhất trong tất cả, vì những lý do như muốn phù hợp với giới tính của cha hoặc mẹ bị khuyết (missing parent).

Ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành, các em có thể gặp phải một hoặc nhiều khó khăn sau:

  • "Cảm giác tội lỗi đặc biệt là trong việc chăm sóc bản thân - một cảm giác không thực tế trong nghĩa vụ đối với cha mẹ.
  • Khó khăn liên quan đến bản sắc giới hoặc giới tính
  • Cảm giác thiếu hụt
  • Mối quan hệ yêu/ghét với cha mẹ "đã phạm lỗi".
  • Khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ do sự lý tưởng hóa của người bị lạm dụng và sự đánh giá thấp bởi người khác, cũng như đặt kỳ vọng không phù hợp vào người bạn đời.
  • Hành vi cưỡng chế có thể bao gồm quan hệ tình dục, chất gây nghiện, rượu, công việc, thức ăn
  • Các mô hình của sự hợp thành bộ ba quá mức (excessive triangulation) (tức giao tiếp gián tiếp) trong những mối quan hệ làm việc, quan hệ gia đình hoặc các mối quan hệ lãng mạn
  • Các vấn đề liên quan đến nghiện tình dục hoặc lãng tránh tình dục hoặc nghiện hoặc lãng tránh tình yêu "

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA LOẠN LUÂN VỀ TÌNH CẢM TRONG GIA ĐÌNH LÀ GÌ?

Loạn luân về tình cảm ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong một gia đình. Tiến sĩ Love xác định 5 mô hình sau:

1, Cha mẹ có tính xâm hại bị dính mắc với một đứa trẻ để đáp ứng những nhu cầu của họ điều mà điều này không được đáp ứng trong mối quan hệ với người lớn.

2, Đứa trẻ được chọn bị mắc mứu với cha mẹ xâm hại; thường được đối xử như là một đứa con "tốt toàn diện" và được ưu ái, nhưng lại bị bỏ qua những nhu cầu thực sự như là được phát triển bản thân như một cá thể độc lập, được phép mắc lỗi và học hỏi, được nhận sự dạy dỗ và kỷ luật, v.v.. Những đứa trẻ được chọn cũng có thể bị coi như "vật tế thần" (scapegoat), không chỉ được sử dụng để hỗ trợ tinh thần mà còn để giải tỏa sự tức giận và căng thẳng (của cha mẹ).

3, Người bạn đời bị bỏ quên (Left-Out Spouse) của người cha/mẹ xâm hại, thường bị loại trừ khỏi mối quan hệ gắn bó chỉ có người phụ mẫu xâm hại và đứa con được chọn; người ấy có thể chuyển sang nghiện làm việc, rượu chè, ngoại tình hoặc các cơ chế đối phó không lành mạnh khác để đối phó với cuộc sống không hạnh phúc ở nhà.

4, (Những) Đứa con "Bị bỏ quên", một đứa trẻ không được ưu ái, có thể bị bỏ mặc hoặc nhận được ít nguồn lực của gia đình hơn; và có thể trở nên gắn bó với “người bạn đời bị bỏ quên”

5, “Bạn đời của đứa trẻ được chọn” (Spouse of the Chosen Child) khi đứa trẻ được chọn lớn lên và kết hôn, bạn đời của đứa trẻ đó có thể thấy mình đang vướng mắc vào việc tạo lập một bộ ba khá nhiêu khê với đứa trẻ được chọn và vị phụ mẫu có tính xâm hại.

TÌNH CẢM LOẠN LUÂN MANG TÍNH CÁ NHÂN SÂU SẮC

Thật khó để buông bỏ mong ước về những người cha mẹ hoàn hảo. Chúng ta bám vào quan điểm lý tưởng hóa về những người chăm sóc chúng ta bởi vì ở một mức độ nào đó, chúng ta vẫn nhìn cuộc sống qua con mắt của một đứa con và chúng ta vẫn tin rằng chúng ta phụ thuộc vào cha mẹ để tồn tại. Khi chúng ta nhìn thấy những sai sót trong tính cách của họ, sự tồn tại của chúng ta dường như có thể bị đe dọa. Trong sâu thẳm chúng ta có thể nói rằng "Không ai chăm sóc tôi"

Để đối phó với sự lo lắng này, chúng ta thường ôm giữ trong giấc mơ rằng lỗi lầm của cha mẹ sẽ biến mất một cách kỳ diệu: trong “chuyến thăm” ấy, cha mẹ sẽ nhạy cảm với những nhu cầu của chúng ta; cuộc hội ngộ này sẽ suôn sẻ và không có gì bất ổn; cuộc điện thoại hay lá thư này sẽ hàn gắn vết thương cũ và xích lại gần nhau hơn.

Không có gì ngạc nhiên khi những khuyết điểm về tính cách mà chúng ta khó chấp nhận nhất lại là những khuyết điểm khiến chúng ta bị tổn thương nhiều nhất trong suốt thời thơ ấu. Khi cha mẹ của chúng ta hành động theo những cách tiêu cực và quen thuộc, nỗi đau khổ hiện tại của chúng ta càng tăng lên bởi nỗi đau từ nhỏ của chúng ta. Bên dưới sự suy sụp khi trưởng thành của chúng ta là một đứa trẻ nhỏ đang khóc để mong được yêu thương và được an toàn hơn.

PHỤC HỒI SAU LOẠN LUÂN TÌNH CẢM

Một cá nhân bị lạm dụng có thể đạt được sự giải phóng và phát huy tiềm năng của bản thân bằng sự nhẫn nại, kiên trì và sự nhận thức về bản thân.

Theo Debra L. Kaplan, MA, LPC, một chuyên viên tham vấn chuyên về phục hồi loạn luân về mặt tình cảm, quá trình phục hồi trải qua 5 giai đoạn:

1, Xác định gia đình gốc và các động lực gia đình chuyên biệt có liên quan

2, Nhận biết mọi hình thức loạn luân tình cảm giữa người chăm sóc và cá nhân bị lạm dụng

3, Học cách thiết lập ranh giới với người phụ mẫu đó. Trong trường hợp một người chăm sóc đã qua đời, hãy làm việc với một nhà trị liệu, vị ấy có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi trong việc sử dụng kỹ thuật chiếc ghế trống (empty chair work) hoặc một trải nghiệm dựa trên những phương thức khác giành cho mất mát và đau thương.

4, Thừa nhận mọi cảm giác bị bỏ rơi do hậu quả của loạn luân về mặt tình cảm

5, Hướng tới sự phân biệt và tách biệt bằng cách học cách làm cha mẹ lại bản thân (Làm việc với đứa trẻ bên trong) (reparent the self - Inner child work).

Kaplan lưu ý rằng hành trình từ đứa trẻ bị tổn thương đến người lớn khỏe mạnh không diễn ra độc lập với nhau. Ngoài việc trị liệu, các cá nhân nên tranh thủ sự giúp đỡ của người bạn đời của mình trong việc khắc phục tình trạng lạm dụng chưa được giải quyết. Kaplan cũng cho biết "Nhiều sự hỗ trợ có thể đạt được bằng cách giải quyết các vấn đề khi chúng nảy sinh trong mối quan hệ. Chia sẻ những trải nghiệm sống lẫn nhau có thể giúp nhau chữa lành trong bối cảnh của một nhóm hỗ trợ hoặc giữa các tương tác lành mạnh khác."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...