Case
conceptualization: Key to highly effective counseling
Tác giả: JON SPERRY và LEN SPERRY
Nguồn: Counseling Today – 7/12/2020
Dịch bởi HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên
viên Tâm lý Trị liệu
Phần 2
TRƯỜNG HỢP MINH HỌA
Để minh họa cho quá trình này,
chúng tôi sẽ cung cấp một trường hợp tiêu biểu để giúp bạn thực hành và sau đó
áp dụng trường hợp này vào mô hình 8 chữ P của chúng tôi. Sẵn sàng chưa? Hãy thử
xem.
Joyce là một nghiên cứu sinh 35
tuổi tại một trường đại học trực tuyến. Cô là người da trắng, có xu hướng tính
dục dị tính (heterosexual) và cho biết rằng cô chưa bao giờ ở trong một mối
quan hệ yêu đương nào. Cô ấy tự đến và đang tìm kiếm dịch vụ tham vấn để giảm bớt
chứng lo âu kinh niên và lo âu xã hội (social anxiety) của mình. Gần đây cô bắt
đầu công việc mới tại một hiệu sách - một yếu tố gây stress đã đưa cô ấy đến với
tham vấn tâm lý. Cô cho biết đã cảm thấy rất lo âu khi phát biểu trong các lớp
học trực tuyến của mình và trong các tình thế tiếp xúc xã hội. Cô lo lắng rằng cô
sẽ không thể quản lý được sự lo âu của mình trong công việc mới vì cô ấy sẽ giữ
vai trò quản lý.
Joyce cho biết cô đã rất hay lo
lắng từ khi còn nhỏ. Trong quá khứ, cô đã phủ nhận việc trị liệu tâm lý hoặc
tâm thần dưới bất kỳ hình thức nào nhưng chia sẻ rằng gần đây cô đã đọc một số
cuốn sách “tự xử lý” (self-help books) về chứng lo âu. Cô cũng kiểm soát tình
trạng stress của mình bằng cách dành thời gian cùng với người bạn thân ở lớp,
dành thời gian cho hai chú chó của mình, cho việc vẽ và họa. Cô tỏ ra rất có động
lực cho việc được tham vấn và nói rằng mục tiêu trị liệu của cô ấy là “quản lý
và giảm bớt sự lo lắng của tôi, gia tăng sự tự tin của tôi và cuối cùng là có
được một mối quan hệ lãng mạn”.
Joyce mô tả thời thơ ấu của cô
là cô đơn và bản thân cô là "một người hướng nội tìm cách trở thành một
người hướng ngoại". Cô nói rằng cha mẹ cô là những luật sư thành đạt, những
người coi trọng thành công, thành tựu và sự công nhận của công chúng. Họ phê
bình Joyce rất nhiều khi cô gặp khó khăn với việc học hoặc tỏ ra nhút nhát
trong các tình huống xã hội. Là con một, cô thường chơi một mình và dành thời
gian rảnh rỗi để đọc hoặc vẽ một mình.
Khi được hỏi về cách cô ấy nhìn
nhận bản thân và những người khác, Joyce nói, “Tôi thường không cảm thấy mình đủ
tốt và không có cảm giác thuộc về. Tôi thường cho rằng mọi người tự cho mình là
trung tâm, hay chỉ trích và phán xét”.
BẢN PHÁC THẢO ĐỊNH
HÌNH TRƯỜNG HỢP (Case conceptualization outline)
Chúng tôi đề nghị bạn nên phát
triển một định hình trường hợp với một phác thảo gồm các cụm từ chính (an outline
of key phrases) cho mỗi một trong số tám chữ P [Xem lại Phần 1 – ND]. Dưới đây
là cách mà những cụm từ này có thể được trình bày cho trường hợp của Joyce. Sau
đó, các cụm từ này được kết hợp với nhau thành các câu tạo thành một tuyên bố định
hình trường hợp (a case conceptualization statement) để có thể được đưa vào báo
cáo đánh giá ban đầu của bạn (initial evaluation report).
Tình trạng hiện tại: Các triệu chứng lo âu tổng thể
và lo âu xã hội
Yếu tố gia tăng nguy cơ: Công việc mới và mối bận tâm về
việc quản lý sự lo âu của cô ấy
Khuôn mẫu (kém thích nghi): Tránh gần gủi để tránh
cảm thấy tổn thương
Cơ địa/Bẩm tố:
• Sinh học: Tiền sử
lo âu của nhà nội
• Tâm lý: Xem bản
thân là thiếu sót và những người khác là có tính phán xét; thiếu kỹ năng quyết
đoán, kỹ năng tự xoa dịu bản thân và kỹ năng quan hệ
• Xã hội: Ít bạn
bè, tiền sử mắc chứng lo âu xã hội và cha mẹ là những người rất thành công và
hay chỉ trích
• Văn hóa: Không
có căng thẳng tiếp biến văn hóa hoặc các tác nhân gây căng thẳng về văn hóa mà
căng thẳng do tình trạng kinh tế xã hội của tầng-lớp-thượng-trung-lưu, cũng do
xuất thân có đặc quyền – để tiếp cận các dịch vụ và tài nguyên
Yếu tố duy trì: Hệ thống
hỗ trợ yếu; niềm tin rằng cô ấy không đủ năng lực trong công việc
Yếu tố bảo vệ/nguồn lực: Lòng trắc
ẩn, ứng phó sáng tạo, quyết tâm, chăm chỉ, có tiếp cận các nguồn lực khác nhau,
có động lực để được tham vấn
Kế hoạch (điều trị): Tham vấn hỗ trợ và dựa trên
nguồn lực, kiểm tra suy nghĩ, tự giám sát, thực hành mindfulness, kỹ thuật mũi
tên hướng xuống, huấn luyện kỹ năng ứng phó và kỹ năng về mối quan hệ, giới thiệu
đến tham vấn nhóm
Tiên lượng: Tốt, do động lực điều trị của cô ấy và mức
độ tích hợp các nguồn lực và yếu tố bảo vệ của cô ấy vào quá trình điều trị
PHÁT BIỂU ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP (Case conceptualization statement)
Joyce biểu hiện các triệu chứng
lo âu tổng quát (generalized anxiety symptoms) và lo âu xã hội (tình trạng hiện tại). Một sự kiện kích hoạt gần
đây bao gồm công việc mới của cô ấy tại một cửa hàng sách địa phương - cô ấy lo
ngại rằng mình sẽ mắc lỗi và sẽ bị lo âu ở mức độ cao (yếu
tố gia tăng nguy cơ). Cô ấy thể hiện một tính cách – hoặc kiểu gắn bó –
né tránh và thường tránh các mối quan hệ thân thiết. Cô ấy có một người bạn
thân và chưa bao giờ có mối quan hệ yêu đương. Cô ấy thường tránh xa những người
khác để tránh bị chỉ trích, đánh giá hoặc từ chối (khuôn
mẫu). Một số yếu tố duy trì bao gồm hệ thống hỗ trợ hạn chế của cô ấy và
niềm tin của cô ấy rằng cô ấy không đủ năng lực trong công việc (yếu tố duy trì).
Một số yếu tố bảo vệ và nguồn lực
của cô ấy bao gồm lòng trắc ẩn, sử dụng nghệ thuật và âm nhạc để ứng phó với
căng thẳng, quyết tâm và chăm chỉ, và tính hợp tác trong mối quan hệ trị liệu.
Các yếu tố bảo vệ bao gồm việc cô ấy có một người bạn thân từ thời đi học, được
tiếp cận với các dịch vụ của trường đại học như dịch vụ tham vấn, câu lạc bộ và
tổ chức sinh viên, có động lực để tham gia vào tiến trình tham vấn và có bảo hiểm
y tế (nguồn lực và yếu tố bảo vệ).
Các yếu tố sinh lý-tâm lý-xã hội
sau đây có thể giải thích các triệu chứng lo âu và kiểu nhân cách né tránh của
Joyce (avoidant personality style): tiền sử lo âu của bên nội (sinh học); cô ấy xem bản thân là thiếu sót và những
người khác là có tính chỉ trích và phán xét, và cô ấy phải vật lộn với những
thiếu sót về kỹ năng quyết đoán, kỹ năng tự xoa dịu bản thân và kỹ năng về mối
quan hệ (tâm lý); cô ấy có ít bạn bè, tiền sử
mắc chứng lo âu xã hội và cha mẹ là những người rất thành công và hay chỉ trích
cô ấy (xã hội). Với sự giáo dục từ tầng lớp “trung-thượng-lưu”
của Joyce, cô ấy lại được sinh ra trong một cuộc sống đầy cơ hội và đặc quyền,
vì vậy, việc cuộc sống của cô vốn ở trên một con đường lý tưởng và thoải mái
cũng có thể lý giải cho việc cô ấy đối diện với những thách thức trong việc quản
lý căng thẳng trong cuộc sống (văn hóa).
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho
một mối quan hệ tham vấn mang tính hỗ trợ, thấu cảm và khuyến khích cao, việc
trị liệu sẽ bao gồm cả huấn luyện kỹ năng giáo dục tâm lý để phát triển kỹ năng
quyết đoán, kỹ năng tự xoa dịu bản thân và kỹ năng về mối quan hệ. Những kỹ
năng này sẽ được thực tập thông qua mô hình hóa (modeling – làm mẫu), diễn tập
trong phiên (in-session rehearsal) và đóng vai (role-play). Những thách thức mà
cô ấy gặp phải về các kỹ năng quan hệ và khuôn mẫu tương tác liên cá nhân cũng
sẽ được hỗ trợ bằng việc giới thiệu cô đến một nhóm trị liệu tại trung tâm tham
vấn của trường đại học. Các triệu chứng tự-thoại tiêu cực (negative self-talk),
né tránh người khác (interpersonal avoidance) và lo âu của Joyce sẽ được giải
quyết bằng kỹ thuật câu hỏi Socrate (Socratic questioning), kiểm định suy nghĩ
(thought testing), tự theo dõi (self-monitoring), thực hành sự tỉnh thức (mindfulness)
và kỹ thuật mũi tên hướng xuống (downward arrow technique) (kế hoạch trị liệu).
Kết quả trị liệu với Joyce được
dự đoán là tốt, giúp cô có động lực điều trị, nếu nguồn lực và yếu tố bảo vệ của
cô được tích hợp vào quá trình điều trị (tiên lượng).
****
Hãy lưu ý cách kế hoạch điều trị
được nhắm vào các triệu chứng đang thể hiện (presenting symptoms) và động lực của
khuôn mẫu (pattern dynamics) trong trường hợp của Joyce. Mỗi chữ P trong số tám
chữ P đã được xác định trong định hình trường hợp và bạn có thể thấy dòng chảy
của từng yếu tố và những liên hệ qua lại của nó với các yếu tố khác.
MỘT VÀI GỢI Ý ĐỂ VIẾT ĐỊNH HÌNH TRƯỜNG HỢP HIỆU QUẢ
1) Tìm kiếm sự tư vấn hoặc giám
sát với một đồng nghiệp hoặc người giám sát để có phản hồi về các định hình trường
hợp của bạn. Thông thường, một góc nhìn khác sẽ giúp bạn hiểu các yếu tố khác
nhau (tám chữ P) mà bạn đang cố gắng định hình.
2) Hãy linh hoạt với các giả
thuyết và phỏng đoán trị liệu của bạn khi ghép các phần trong định hình trường
hợp lại với nhau. Đôi khi linh cảm của bạn sẽ chính xác, và đôi khi bạn lại có
thể bị đi chệch hướng.
3) Cân nhắc hỏi thân chủ xem họ
sẽ giải thích vấn đề hiện tại của họ như thế nào. Chúng tôi bắt đầu bằng một
câu hỏi, chẳng hạn như, "Bạn có thể giải thích như thế nào về (các triệu
chứng, xung đột, v.v.) mà bạn đang gặp phải?" Quan điểm của thân chủ có thể
tiết lộ các yếu tố khuynh hướng quan trọng và ảnh hưởng văn hóa cũng như kỳ vọng
của họ đối với việc điều trị.
4) Hãy CHẤP NHẬN việc không
hoàn hảo hoặc sai hoàn toàn. Quá trình này cần thực hành, phản hồi và giám sát.
5) Sau mỗi lần tiếp nhận hoặc
đánh giá ban đầu, hãy ghi lại các động năng (dynamics) hiện tại và đưa ra một số
phỏng đoán về động cơ hoặc căn nguyên của chúng.
6) Có hiểu biết vững chắc về ít
nhất một mô hình lý thuyết nào đó. Đọc một số sách giáo khoa hoặc xem video lý
thuyết tham vấn để giúp bạn có được đánh giá toàn diện về một lý thuyết cụ thể.
Biết những ý tưởng cơ bản của ít nhất một lý thuyết sẽ giúp bạn có được một bản
đồ khái niệm (conceptual map) giúp tổng hợp những thông tin mà bạn đã thu thập
được về thân chủ.
Chúng tôi nhận thấy rằng việc tập
hợp các định hình trường hợp lại với nhau có thể là một thách thức, đặc biệt là
trong giai đoạn đầu. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ thấy rằng cách tiếp cận này phù hợp
với bạn. Gửi đến bạn lời chúc tốt đẹp nhất!
****
Để biết thêm thông tin và cách
học và sử dụng cách tiếp cận này để hình thành định hình trường hợp, hãy xem ấn
bản thứ hai của cuốn sách được xuất bản gần đây của chúng tôi, Định hình trường hợp: Làm chủ năng lực này một
cách dễ dàng và tự tin (Conceptualization: Mastering This Competency With
Ease and Confidence.).
Ngoài ra, Len và Jon Sperry đã
xuất bản một cuốn sách mới vào tháng 11 năm 2021, có tựa đề Định hình trường hợp 15 phút: Làm chủ phương
pháp tiếp cận Tập trung vào Khuôn mẫu (The 15 Minute Case Conceptualization:
Mastering the Pattern-Focused Approach).
****
Jon Sperry là phó
giáo sư tham vấn sức khỏe tâm thần lâm sàng tại Đại học Lynn ở Florida. Ông giảng
dạy, viết và nghiên cứu về định hình trường hợp và tổ chức các hội thảo về định
hình trường hợp trên toàn thế giới. Liên hệ với ông tại jsperry@lynn.edu hoặc
truy cập trang web của ông tại drjonsperry.com.
Len Sperry là giáo sư về giáo dục tham vấn tại Đại học
Florida Atlantic và là thành viên của Hiệp hội Tham vấn tâm lý Hoa Kỳ. Ông từ
lâu đã ủng hộ việc các chuyên viên tham vấn phải học tập và sử dụng định hình
trường hợp, và nhóm nghiên cứu của ông đã hoàn thành 8 nghiên cứu về việc này.
Liên hệ với ông tại lsperry@fau.edu.
Các bài viết Chia sẻ kiến thức
được phát triển từ các phiên trình bày tại các hội nghị của Hiệp hội Tham vấn
tâm lý Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét