Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

TỰ BỘC LỘ: NHỮNG LỢI ÍCH CÓ TÍNH TRỊ LIỆU CỦA SỰ SÁNG TẠO

“Express Yourself: The Therapeutic Benefits of Creativity”
Người viết: Jenna Mann
Nguồn: Barcelona Metropolitan - April 27, 2020 

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN - Thạc sĩ tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM; Thành viên CLB Trăng Non.


Theo suốt chiều dài lịch sử, con người từng sử dụng nghệ thuật để giúp ứng phó với những tình huống khó khăn. Giờ đây với đại dịch COVID 19, chúng ta đang trải qua một sự kiện lịch sử. Mỗi người ứng phó với khủng hoảng này theo cách của họ. Đối với nhiều người, khủng hoảng toàn cầu này làm trầm trọng thêm những khó khăn họ đang trải qua. Điều độc đáo về những gì đang xảy ra trên thế giới ngày nay là nó đang ảnh hưởng ít nhiều đến tất cả mọi người cùng một lúc. Carl Jung nói về vô thức tập thể: một tập hợp các ký ức và xung năng chung cho toàn nhân loại bắt nguồn từ cấu trúc được kế thừa bên trong não. Jung phát triển cách tiếp cận của mình bằng cách phân tích cách một cá nhân trải nghiệm chịu ảnh hưởng bởi cách suy nghĩ chung. Một trong những điều lớn nhất cá nhân tôi từng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch là nhận ra rằng chúng ra có sự kết nối toàn cầu.

Tìm cách bộc lộ chính mình thông qua vẽ, nhảy múa, ca hát và viết chúng ta có thể giúp chính mình ứng phó với những gì chúng ta đang trải qua lúc này và hiểu kinh nghiệm tập thể này có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Là một nhà trị liệu nghệ thuật, tôi muốn đưa ra một vài lời khuyên và cung cấp chuyên môn của tôi trong việc phát triển sự bộc lộ sáng tạo như là một cách để tìm thấy những trải nghiệm tích cực trong tình huống khó khăn.

Con đường khám phá bản ngã

Trị liệu nghệ thuật là một tiến trình trị liệu sử dụng nghệ thuật như là một công cụ bộc lộ. Trong cách tiếp cận tâm động học, nhà trị liệu và thân chủ sử dụng việc thể hiện mang tính nghệ thuật (artistic expression) như là một công cụ khám phá cái ngã bên trong của mỗi người. Con đường khám phá cái ngã (self discovery) là điều then chốt để giúp cho cá nhân đương đầu và giải quyết những xung đột bên trong.

Tôi (tác giả bài viết) tin rằng tất cả mọi người đều có khả năng sáng tạo nội tại và khao khát bẩm sinh tìm cách bộc lộ chính mình.

“Trước khi biết nói, một đứa trẻ sẽ hát. Trước khi biết viết, trẻ vẽ. Ngay khi biết đứng lên, trẻ sẽ nhảy. Nghệ thuật là nền tảng bộc lộ của con người.”  - Phylicia Rashad

Người ta thường nói với tôi “Ô, tôi không phải là nghệ sĩ” hoặc “Tôi không biết vẽ”. Nhưng nếu bạn quan sát những đứa trẻ rất nhỏ, chúng có thể thực hiện bất kỳ loại hình nghệ thuật thể hiện nào và trẻ nhỏ làm điều đó một cách rất tự do. Ở trường học, chúng ta học ai đó giỏi toán, giỏi khoa học hoặc là những nghệ sĩ. Tôi tin rằng con người đã bị “điều kiện hoá” để tin rằng mình không phải là nghệ sĩ và không có khả năng sáng tạo. Trong trị liệu nghệ thuật, điều được nhấn mạnh là tiến trình hơn là sản phẩm. Mục tiêu không phải là tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đẹp: mục tiêu là để trở nên đắm mình trong chính hoạt động đó. Bạn có thể quen với một từ mà các nhà tâm lý hay nhắc đến, đó là “lưu chuyển” (flow): đó là khoảnh khắc khi bạn trở nên đắm mình vào hoạt động mà bạn mất tất cả cảm nhận về thời gian và những gì đang xảy ra xung quanh bạn. Đó là cách hấp dẫn chính mình vào hiện tại như là một cách để thấy không còn gì là quan trọng.

Sáng tạo

Với việc dành rất nhiều thời gian ở nhà trong suốt giai đoạn giãn cách xã hội, tôi muốn mời bạn phát triển thói quen tham gia vào một vài hoạt động nghệ thuật. Ngoại trừ những hiệu ứng mang tính trị liệu mà sự biểu hiện cá nhân có thể có, tôi cũng tin rằng đây là một cách quan trọng để một người có thể “đóng gói” lại những khoảnh khắc đặc biệt này. Đây là cách ghi nhớ việc bạn đang trải nghiệm như thế nào về khoảnh khắc đặc biệt này trong một thế giới đang đổi thay.

Tạo ra sản phẩm nghệ thuật không chỉ có hiệu ứng giúp bình tâm mà còn giúp tạo ra những thay đổi thần kinh trong não. Trong kinh nghiệm của tôi như một nhà trị liệu, có những người nói với tôi khi kết thúc một phiên trị liệu rằng họ đã cảm thấy bình yên hơn nhiều như thế nào. “Cân bằng tiến trình dùng lời và không dung lời giúp hỗ trợ cho sự thống hợp về thần kinh (neural integration) và giảm stress.” Khi tạo sản phẩm, tôi khuyến khích bạn sử dụng những kỹ thuật yên lặng như là “tiếp đất” và “neo đậu”, thường được nhà trị liệu sử dụng với thân chủ của họ.

“Tiếp đất” (grounding) là cách củng cố trạng thái ở đây và bây giờ (here and now) bằng cách tập trung vào một khía cạnh nào đó của thực tế bên ngoài, thường dựa trên những giác quan. Ví dụ trong khi bạn đang làm, hãy trân trọng những phẩm chất đặc biệt của những vật liệu mà bạn đang sử dụng, chẳng hạn như chú tâm vào các đường gân của một cái cung, hoặc sờ chạm vào những sợi dây của chiếc vĩ cầm.

“Neo đậu” (anchoring) là một cách khác, tập trung vào hiện tại thông qua việc chuyển nỗi lo lắng thành những cảm nhận bình lặng bằng cách sử dụng một vật thể nào đó. Trong trường hợp khi bạn tạo ra một sản phẩm gì đó ở nhà trong thời gian cách ly do dịch bệnh, bạn có thể sử dụng một sản phẩm nghệ thuật, một bài viết, hoặc tác phẩm tạo nên bởi âm thanh (nhạc hoặc âm) như là thực tế sống bên ngoài. Khi mục tiêu của bạn là làm một điều gì đó, khi ấy nó sẽ giúp bạn tập trung vào điều đó hơn là tình trạng lo lắng mà tất cả chúng ta đang gặp phải.

Làm cho điều đó xảy ra

Với tư cách là một người tự mình là nghệ sĩ và đồng thời theo cách tiếp cận của tôi như một nhà trị liệu, tôi muốn cung cấp một vài bí quyết về việc làm thế nào để bắt đầu.

Đầu tiên và đặc biệt đối với những người chưa từng tự mình làm sản phẩm nghệ thuật, tôi sẽ thử và chỉ sử dụng những chất liệu bạn đang sử dụng. Có thể bạn không có gì nhiều ở nhà ngoài một cây bút chì. Tôi sẽ bảo bạn hãy thử nghiệm dung bút chì để tạo nên những đường nét khác nhau bằng cách thay đổi cách ấn bút mạnh, nhẹ khác nhau. Hãy tạo các đường vẽ khác nhau theo nhịp điệu của một bản nhạc mà bạn yêu thích hoặc nhảy múa một chút bằng cây bút chì, vẽ ra một mẫu hoa văn và tô bút vào đó. Có thể sử dụng những vật dụng bỏ đi không dung, ví dụ lõi giấy vệ sinh và tạo nên một tác phẩm điêu khắc. Hãy kết nối với đứa trẻ bên trong của bạn và vui đùa.

Tôi cũng đề nghị dành một chút thời gian trong ngày để làm một điều gì đó hoặc giải phóng một phần năng lượng bị dồn nén. Ví dụ, tôi làm nhật ký bằng những hình ảnh của chính mình, sử dụng camera chụp in ảnh ngay tức thì, chụp ít nhất một bức ảnh mỗi ngày. Duy trì viết nhật ký, hoặc thêm một bức vẽ tĩnh vật mỗi ngày. Có hàng trăm cách một người có thể sáng tạo và tôi tin nó thật sự sẽ giúp chúng ta có thể ứng phó với những vấn đề tinh thần.

Với những người có con nhỏ hoặc phải dành nhiều thời gian cho cha mẹ, thì việc cùng tham gia một số loại hình nghệ thuật như âm nhạc hoặc nhảy múa có thể kết nối con người với nhau. Xem nó giống như một trò chơi cùng với nhau hoặc là một thử nghiệm nghệ thuật sử dụng những điều bạn chưa từng sử dụng trước đây theo một cách thức mới. Cùng nhau viết một kịch bản hoặc chỉ đơn giản là hoá trang với những kiểu quần áo khác nhau theo một cách thức có tính sáng tạo…

Tuy nhiên bạn phải lựa chọn cách thể hiện của chính mình. Tôi cực kỳ nhấn mạnh bạn hãy tập trung vào tiến trình hơn là sản phẩm. Có quá nhiều điều không chắc chắn về tương lai, chúng ta giảm đi cảm nhận về khả năng kiểm soát trong nhiều lĩnh vực của đời sống mỗi ngày. Đây là cơ hội để tự bạn nâng cao sức mạnh và tham gia vào một tiến trình mà bạn có thể quyết định kết quả. Và thậm chí nếu bạn không vui với kết quả cuối cùng của mình, cũng vẫn hãy ôm giữ lấy những kết quả ấy, bởi vì nó cũng có thể là hiện thân của rất nhiều cảm nhận mà không mong muốn có. Nếu bạn cảm thấy bị tách biệt, cô đơn, giận dữ… hãy ném cảm giác đó vào trong sản phẩm của bạn và để nó ở đó giống như một hành động có tính thanh tẩy (act of catharsis).

Đối với tôi, một đóng góp tích cực và có ý nghĩa khác của việc tạo ra sản phẩm nghệ thuật là nó giúp tôi cảm thấy mình có năng lực sáng tác, cụ thể thông qua những chất liệu có thể được viết ra và được nhìn thấy: khi tôi tạo ra một sản phẩm, tôi thấy được bằng chứng của sự tiến bộ trong tôi rằng tôi đã từng làm điều gì đó. Với niềm hy vọng, mỗi sản phẩm được tạo ra sẽ là một vật để bạn có thể phản ảnh bản thân mình vào đó và cũng có thể học tập được gì đó từ nó – và có thể bạn sẽ tìm thấy điều gì đó của chính bạn mà bạn chưa từng thấy trước đó.

Jenna Mann xuất thân từ Brooklyn, New York và đã dành cả thập niên qua để sống tại Tây Ban Nha. Cô theo học chuyên ngành nghệ thuật trị liệu và đồng thời học về phân tâm học lâm sang, cả hai đều từ Đại học Barcelona. Có kinh nghiệm làm việc trong nhiều môi trường khác nhau với nhiều than chủ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau. Cô cũng chuyên về giáo dục trẻ nhò (0-3 tuổi). Truy cập website của cô ấy tại: jmannarttherapy.com


Đón xem các video chuyên môn trên kênh Youtube Trăng Non Online

Bài nói chuyện về Trị liệu Nghệ thuật (Art Therapy)
Thuyết trình: ThS Trần Thị Thu Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...