Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

PHẨM CHẤT CỦA NHÀ TRỊ LIỆU TRẺ EM TRONG LIỆU PHÁP CHƠI KHÔNG HƯỚNG DẪN (PHI ĐỊNH HƯỚNG) - Phần 1

Nguồn: Play Therapy
Tác giả: Virginia Axline

Trích đoạn từ
Phần 2: Liệu pháp Chơi không hướng dẫn - Tình huống và Người tham gia; Chương 5: Nhà trị liệu

Người dịch:
ÔN BÍCH NGỌC - Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Học đường
ĐẶNG THỊ THANH TÂM - Cử nhân Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Học đường

Virginia Mae Axline (1911–1988)


Virginia Mae Axline (1911-1988) là một tâm lý gia Hoa Kỳ, là một trong số những người tiên phong trong việc áp dụng Liệu pháp Chơi nhằm hỗ trợ cho những trẻ em có vấn đề khó khăn về tâm lý. Các tác phẩm nổi tiếng của bà là "Dibs in Search of Self" và "Play Therapy". Từ thập niên 1940s, bà bắt đầu phát triển "Liệu pháp Chơi Không hướng dẫn" (còn có thể dịch là "LP Chơi phi định hướng" - "Non-Directive Play Therapy), trong đó vận dụng các nguyên lý của cách tiếp cận nhân vị trọng tâm của Carl Rogers làm nền tảng cho cách trị liệu của mình. Dưới đây là phần nói về phẩm chất của nhà trị liệu.

Phần 1

Ở cùng với đứa trẻ trong phòng chơi, không phải là người giám sát hay giáo viên cũng không phải là người thay thế phụ huynh, mà là một nhà trị liệu. Những mô tả dưới đây sẽ nói về những phẩm chất về nhân cách và cách thức hiện diện của một nhà trị liệu vào mối quan hệ trị liệu trong quá trình chơi không hướng dẫn.

Vai trò của nhà trị liệu, mặc dù không hướng dẫn, vẫn không đóng vai trò thụ động, mà là một vai trò đòi hỏi sự tỉnh táo, nhạy cảm và luôn đánh giá cao những gì trẻ làm hoặc nói. Nó kêu gọi sự hiểu biết và quan tâm thực sự của nhà trị liệu đến đứa trẻ. Nhà trị liệu phải cho phép và chấp nhận trẻ mọi lúc. Những thái độ này dựa trên triết lý về các mối quan hệ của con người, nhấn mạnh tầm quan trọng của cá nhân như một con người có khả năng, đáng tin cậy, người có thể nhận thức được trách nhiệm đối với chính mình. Do đó, nhà trị liệu tôn trọng đứa trẻ. Họ đối xử với trẻ bằng sự chân thành và trung thực. Không dễ cáu giận cũng không phân tích chi tiết – nhà trị liệu giữ cung cách cư xử nhẹ nhàng của mình khi tiếp xúc với trẻ, thẳng thắn và cảm thấy thoải mái khi có mặt của đứa trẻ.

Nhà trị liệu không cần tỏ ra là một người hiểu biết tất cả, không nên hối thúc hoặc thiếu kiên nhẫn với trẻ, không nhanh chóng làm giúp trẻ mọi việc, điều đó sẽ ngụ ý rằng mình thiếu lòng tin về khả năng tự chăm sóc bản thân của trẻ. Họ không bao giờ chế nhạo trẻ -  có thể cười với trẻ, nhưng không bao giờ cười nhạo đứa trẻ. (Nguyên văn: “She never laughs at him - with him, sometimes but never at him.”)

Nhà trị liệu phải thật sự kiên nhẫn và có khiếu hài hước, điều này khiến trẻ thư giãn, cảm thấy thoải mái và khích lệ trẻ chia sẻ về thế giới nội tâm của trẻ với họ.

Nhà trị liệu là người trưởng thành, hiểu được trách nhiệm của mình, khi được giao phó đảm nhận làm việc với một đứa trẻ. Họ duy trì thái độ chuyên nghiệp với công việc và không tiết lộ bí mật của trẻ với phụ huynh, giáo viên hoặc bất kì ai khác tò mò về những gì trẻ nói và làm trong suốt phiên trị liệu. Đó thực sự là thời gian của trẻ, và duy trì nguyên tắc bảo mật về những gì trẻ nói và làm trong suốt phiên làm việc là nguyên tắc nghiêm ngặt nhất cần được tuân thủ.

Nhà trị liệu phải thích trẻ em và thực sự biết về trẻ. Sẽ là một thuận lợi cho nhà trị liệu nếu họ có một vài kinh nghiệm cá nhân với trẻ em bên ngoài tình huống trị liệu, điều đó giúp họ có hiểu biết và kiến thức về thế giới của trẻ bên ngoài phòng làm việc.

Tuổi tác và vẻ bề ngoài của nhà trị liệu dường như không quá ảnh hưởng. Giới tính của nhà trị liệu cũng không quan trọng. Nhà trị liệu là nam hay nữ cũng đều có thể thành công khi làm việc với trẻ em. Yếu tố quan trọng cần được xem xét đó là thái độ ngầm ẩn của nhà trị liệu đối với trẻ và đối với việc trị liệu trong tâm trí của họ.

Đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm với sự chân thành của người lớn. Trẻ có thể nhanh chóng nắm bắt được sự thiếu nhất quán giữa thái độ và hành vi của người lớn. Do đó, có vẻ như lời khuyên cho các nhà trị liệu là nên làm rõ thái độ của mình đối với quá trình trị liệu và sau đó tiến hành một cách nhất quán và trung thực.

Bằng nhiều cách khác nhau, một nhà trị liệu “tốt” cũng giống như một giáo viên được yêu thích. Thông thường, một giáo viên được yêu thích đã đạt được ưu tiên đó vì cơ bản ở thái độ của họ đối với học sinh của mình – một thái độ xem trọng sự tử tế kèm theo nguyên tắc đặt trách nhiệm và sự tin tưởng vào học sinh. Người giáo viên hoặc nhà trị liệu thành công đều có thể là trẻ hoặc già, diện mạo xinh đẹp hoặc không, trang phục lịch sự hoặc thoải mái, nhưng thái độ với trẻ luôn là sự tôn trọng và chấp nhận.

Nhà trị liệu không thể giả tạo những thái độ này. Chúng phải là một phần thiết yếu trong nhân cách của nhà trị liệu. Chỉ cho đến khi nhà trị liệu hoàn toàn nhận ra tầm quan trọng của việc thực sự chấp nhận người khác một cách trọn vẹn và thật sự hiểu về tất cả những hàm ý của thuật ngữ này, nhà trị liệu mới có thể dễ dàng cho phép đứa trẻ có thể là chính mình, có thể thể hiện bản thân một cách đầy đủ, và họ có thể chấp nhận đứa trẻ mà không phán xét.

Đón xem tiếp Phần 2



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...