Tài liệu Tập huấn của CLB Trăng Non
Người dịch và tổng hợp: BS. NGUYỄN MINH TIẾN
Phần IV
TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN NHÂN CÁCH
Trường phái T.A. cho rằng bên trong mỗi con người đều có một tiềm năng về cơ bản là có tính tích cực, và tiềm năng ấy sẽ trở thành hiện thực, miễn là nó được nuôi dưỡng đúng cách (Dusay & Steiner, 1971). Mặc dù các yếu tố về sinh học, tâm lý và kinh tế xã hội có ảnh hưởng đến mọi con người, nhưng chúng chỉ xác định nên những giới hạn chung để mỗi người có thể phát triển.
Các lý thuyết gia T.A. tin rằng sự phát triển về nhân cách đã bắt đầu trước khi sinh ra: những yếu tố như số người có trong gia đình, đứa trẻ sinh ra có được mong đợi hay không, bố mẹ muốn con trai hay con gái, vv… sẽ xác định nên một môi trường mà từ đó đứa trẻ được sinh ra. Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng lên trên loại tương tác kích thích mà đứa trẻ có thể nhận được khi nó được sinh ra, và từ đó có thể ảnh hưởng lên việc chọn lựa vị thế sống của đứa trẻ. Trong một số trường hợp, các yếu tố trước sinh có ảnh hưởng tích cực; trong trường hợp khác, chúng lại có tác dụng gây nguy hại cho đứa bé.
Vị thế sống ban đầu của đứa bé sơ sinh là vị thế sống với lòng tin một cách tự nhiên “I’m OK – You’re OK”. Nếu muốn vị thế sống đó được duy trì, bố mẹ phải cung cấp cho đứa bé những tương tác kích thích có tính tích cực và vô điều kiện. Cùng với việc chăm sóc những nhu cầu sinh lý cơ bản của đứa trẻ, những tương tác kích thích này là tất cả những gì cần có để duy trì sự phát triển tích cực trong thời gian nửa năm đầu tiên của cuộc sống. Khi trẻ bắt đầu vận động và khám phá bản thân nó, việc giúp trẻ duy trì vị thế “I’m OK” sẽ trở nên khó khăn hơn. Falzett và Maxwell (1974) đã mô tả các lọai hành vi mà bố mẹ có thể thúc đẩy họac gây cản trở cho quá trình phát triển lành mạnh của một đứa trẻ từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi như sau:
Bảng trình tự phát triển của Falzett và Maxwell
6-18th Chăm sóc tốt Cha mẹ giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh; bảo vệ để trẻ có thể khám phá và nhận lấy những tương tác kích thích tích cực và vô điều kiện. Kỷ luật hợp lý và thích đáng. Giao tiếp chủ yếu giữa cái Tôi C của bố mẹ với cái Tôi C của trẻ. Chăm sóc không tốt Cha mẹ từ chối bảo vệ trẻ và không cho phép trẻ khám phá thế giới xung quanh; giới hạn các vận động của trẻ và nghiêm khắc khi tập cho trẻ đi vệ sinh. 18th-3 tuổi Chăm sóc tốt Cha mẹ giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát bản thân và xem xét đến những cảm xúc và nhu cầu của người khác. Một số khả năng lý lẽ của trẻ được khuyến khích bằng cách đôi khi cha mẹ sử dụng hình thức giao tiếp giữa hai cái Tôi A và A với trẻ, mặc dù phần lớn các tương giao nói chung vẫn còn trên bình diện C và C. Đây là lúc thích hợp tập cho trẻ đi vệ sinh và áp dụng một số hình thức kỷ luật. Chăm sóc không tốt Cha mẹ không áp dụng kỷ luật gì mà cũng không kỳ vọng gì nơi trẻ cả; hoặc các kỳ vọng được đặt ra quá cao và chịu áp lực nghiêm khắc. Trẻ không được khuyến khích suy nghĩ để giải quyết vấn thông qua các tương giao giữa hai cái Tôi A-A. 3-6 tuổi Chăm sóc tốt Cha mẹ tiếp tục khuyến khích trẻ thực hiện các hành vi giải quyết khó khăn, giúp trẻ hiểu được cảm xúc của chính mình và khám phá những cách thức tìm kiếm các tương tác kích thích. Cha mẹ khuyến khích trẻ thực hiện những hành vi được xã hội chấp nhận và không khuyến khích trẻ tìm kiếm các tương tác kích thích thông qua những “trò chơi”. Chăm sóc không tốt Cha mẹ trêu ghẹo hoặc phản bác những ý kiến của trẻ. Trẻ thường bị bỏ mặc một mình hoặc không được khuyến khích để giải quyết các khó khăn. 6-12 tuổi Chăm sóc tốt Các tương giao được nhấn mạnh trên bình diện cái Tôi A-A. Cha mẹ lắng nghe các ý kiến của trẻ và tôn trọng quyền của trẻ tin theo những gì trẻ tin. Trẻ được tạo điều kiện để có nhiều trải nghiệm và phát triển những kỹ năng của cá nhân. Chăm sóc không tốt Cha mẹ áp dụng những luật lệ và các giá trị rất nghiêm khắc, hoặc không có luật lệ gì cả. Không tôn trọng những ý kiến hoặc khả năng lý lẽ của trẻ. |
Trong bảng hướng dẫn tổng quát của Falzett và Maxwell chứa đựng một giả định cơ bản là cha mẹ nên tôn trọng đứa con của mình, khuyến khích khả năng phát triển và tự kiểm soát bản thân của trẻ. Nếu được dưỡng dục tốt, trẻ có thể duy trì vị thế tự nhiên ban đầu “I’m OK”; còn ngược lại trẻ sẽ dễ chấp nhận vị thế “I’m not OK”. Giáo dục tốt cũng giúp trẻ phát triển những phương thức tìm kiếm các tương tác kích thích không dựa trên các “trò chơi” hoặc các nghi thức, tạo lập những trạng thái cái Tôi vận hành đúng chức năng và không bị “ô nhiễm”.
Mỗi một trong số ba trạng thái cái Tôi – P, A và C – có thể được phân chia nhỏ thêm tùy theo dữ liệu được đến từ đâu trong quá trình phát triển từ trạng thái cái Tôi ấy. Nếu phát triển bình thường, mỗi trạng thái cái Tôi đều có tiềm năng kiểm sóat được hành vi của con người, kể cả về mặt thể chất lẫn tâm lý. Mỗi lúc chỉ có một trạng thái cái Tôi đảm nhận trách nhiệm. Theo thuật ngữ T.A., vào mỗi thời điểm, chỉ có một trạng thái cái Tôi được “đầu tư năng lượng” (cathected), “nghĩa là được nạp đầy năng lượng cần thiết để hoạt hóa hệ thống cơ bắp liên quan đến việc thực hiện hành vi” (Dusay & Steiner, 1971). Tuy nhiên, sự thật là một trạng thái cái Tôi có thể được đầu tư năng lượng, trong khi các trạng thái cái Tôi khác vẫn có đủ năng lượng để nhận biết rõ những gì mà trạng thái cái Tôi này đang vận hành.
Một đứa trẻ nhận được môi trường dưỡng dục lành mạnh sẽ có thể đầu tư năng lượng cho từng trạng thái cái Tôi và giúp nó vận hành vào những hoàn cảnh thích hợp. Nói theo cách của T.A., là có một sự mềm dẻo, linh hoạt giữa các trạng thái cái Tôi. Cái Tôi P của mỗi người thường được vận dụng tốt nhất trong những tình huống cần phải thực hiện việc kiểm soát trẻ em hoặc những người dưới quyền; cái Tôi A cần được vận dụng khi hoàn cảnh cần đến những quyết định hợp lý; và cái Tôi C là phù hợp nhất khi ta cần bày tỏ cảm xúc hoặc thể hiện tính sáng tạo (Dusay & Steiner, 1971).
Sự phát triển nhân cách bình thường, khi đó, là sản phẩm của quá trình dưỡng dục lành mạnh. Nó được đặc trưng bởi sự duy trì vị thế sống “I’m OK”, bởi việc chấp nhận một kịch bản sống tích cực không cần nhiều đến những “trò chơi” để có thể nhận được những tương tác kích thích, và bởi đặc tính trao đổi uyển chuyển giữa các trạng thái cái Tôi mà con người sử dụng một cách tương thích với hoàn cảnh thực tế.
SỰ PHÁT TRIỂN BẤT THƯỜNG
Một người thường xuyên nhận những điều kiện dưỡng dục không lành mạnh sẽ có khả năng lựa chọn vị thế sống “I’m not OK” và một kịch bản sống để duy trì vị thế ấy. Đương sự khi ấy sẽ không thể vận hành đầy đủ các trạng thái cái Tôi của mình. Mức độ nghiêm trọng của hành vi không thích nghi tùy thuộc vào vị thế sống được chọn và tùy thuộc vào việc quá trình phát triển các trạng thái cái Tôi bị tổn thương ở mức độ nào.
Nếu đương sự rời bỏ vị thế “I’m OK – You’re OK” để chuyển sang vị thế thường gặp “I’m not OK – You’re OK”, thì cuộc sống của người ấy có lẽ sẽ khá là bình thường và hữu dụng, nhưng nó khó có thể mang lại niềm vui và hạnh phúc thật sự.
Những người chấp nhận vị thế sống “I’m not OK – You’re not OK” sẽ có một cuộc sống vô vọng và đầy hụt hẫng. Đương sự thường không gây khó khăn cho bất kỳ ai, nhưng cũng thấy rằng bản thân mình và cuộc sống cũng không có gì hạnh phúc.
Ngoài việc có ảnh hưởng lên vị thế sống mà từ đó dẫn đến những phong cách sống không đúng đắn, việc dưỡng dục không lành mạnh còn có thể dẫn đến hai vấn đề khác trong sự phát triển các trạng thái cái Tôi, đó là sự “ô nhiễm” (contamination) và sự “lọai bỏ” (exclusion).
Sự ô nhiễm
Khi một trạng thái cái Tôi bị ảnh hưởng bởi những dữ liệu đến từ một trạng thái cái Tôi khác, khi đó có sự ô nhiễm xảy ra. Thông thường nhất là cái Tôi A bị ô nhiễm bởi những dữ liệu đến từ cái Tôi P hoặc cái Tôi C. “Ô nhiễm xảy ra khi những niềm tin không có căn cứ từ cái Tôi P hoặc những ý tưởng đến từ cái Tôi C ảnh hưởng lên cái Tôi A. Cái Tôi A khi ấy xem những thông tin trên là có thật, rồi lý giải và phán xét chúng” (James & Jongeward, 1971). Hậu quả của việc này là cái Tôi A bị ngăn trở không thể xử lý được các dữ liệu một cách chính xác. Thường xảy ra nhiều nhất là cái Tôi A bị ô nhiễm do phải chấp nhận những niềm tin phi lý từ cái Tôi P. Một trong những hình thức thể hiện sự ô nhiễm này là sự hiện diện của những thành kiến đã được chuyển giao từ cái Tôi C của cha mẹ đến cái Tôi P của đứa con. Hoang tưởng có thể xảy ra khi mức độ ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng thường thì chỉ đủ ở mức độ gây bóp méo khả năng nhận thức về thực tại của đương sự và từ đó gây ra những hành vi không thích nghi.
Sự loại bỏ
Trong những tình huống sống thông thường, mỗi cá nhân sẽ phát triển khả năng chuyển sự đầu tư từ trạng thái cái Tôi này sang trạng thái cái Tôi khác sao cho phù họp với hòan cảnh. Tuy nhiên, khi sự phát triển các trạng thái cái Tôi diễn ra bất thường, những đường biên giới giữa các trạng thái cái Tôi có thể trở nên lỏng lẻo hoặc quá cứng nhắc.
Khi những đường biên giới giữa các trạng thái cái Tôi quá lỏng lẻo, thì chỉ cần một kích thích nhỏ từ môi trường bên ngoài, đương sự cũng sẽ dễ dàng chuyển đổi từ trạng thái cái Tôi này sang trạng thái cái Tôi khác. Một người như thế sẽ thiếu một bản sắc riêng khi thể hiện bản thân và kém khả năng đối mặt với cuộc sống một cách có ý nghĩa. Một người như thế sẽ không thể nói được rằng sắp tới anh ta sẽ làm gì.
Ở một cực đối lập lại, là tình trạng đường biên giới giữa những trạng thái cái Tôi quá cứng nhắc, và điều này khiến ngăn trở các “dòng chảy” của những năng lượng tâm trí vận chuyển giữa các trạng thái cái Tôi. Nói chung, do đường biên giới cứng nhắc nên hầu hết năng lượng tâm trí chủ yếu tập trung bên trong một trạng thái cái Tôi nào đó và gây cản trở sự vận hành của những trạng thái cái Tôi khác. Hậu quả là, người có đường biên giới cứng nhắc giữa các trạng thái cái Tôi hầu như chỉ sử dụng một trạng thái cái Tôi để đáp ứng lại với tất cả những hoàn cảnh kích thích đến từ bên ngoài; trạng thái cái Tôi được dùng để đáp ứng có thể luôn luôn là cái Tôi P, luôn luôn là cái Tôi C hoặc luôn luôn là cái Tôi A. Một người đang tham dự một bữa tiệc nhưng không thể thực sự thưởng thức những niềm vui của bữa tiệc ấy có thể là một người đang “lọai bỏ” sự hiện diện của trạng thái cái Tôi C. Kết quả của sự loại bỏ này là đương sự sẽ không thể sử dụng được những trạng thái cái Tôi một cách phù hợp để đáp ứng với ngoại cảnh.
Những vị thế sống không phù hợp, sự “ô nhiễm” và sự “loại bỏ” nêu trên, tất cả đều là sản phẩm của quá trình dưỡng dục lúc nhỏ, khi ấy, cha mẹ của đương sự đã tạo nên những tương tác kích thích (stroke) lên đứa con theo kiểu có điều kiện để đứa con có những hành vi ứng xử mà họ mong muốn. Đương sự lúc còn nhỏ hiếm khi được cho phép để khám phá hoặc để phát triển. Thay vào đó, cha mẹ của đương sự đã dựa trên các mệnh lệnh, không bao giờ cho phép con phát triển những trạng thái cái Tôi vận hành đúng chức năng hoặc tự do lựa chọn vị thế “I’m OK – You’re OK”. Trái lại, hành vi thích nghi và sự phát triển bình thường là những sản phẩm của sự dưỡng dục đúng đắn và là kết quả của việc lúc xưa cha mẹ đã dành cho con những tương tác kích thích theo kiểu tích cực và vô điều kiện.
Tóm lại, trường phái phân tích tương giao (T.A.) xem quá trình phát triển nhân cách (cả bình thường lẫn bất thường) chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi những tương giao giữa những trạng thái cái Tôi của bố mẹ và những trạng thái cái Tôi của đứa con. Sự lựa chọn vị thế sống của một người là sản phẩm của những tương giao này, và một khi đã lựa chọn, người ấy sẽ định hình cuộc sống của mình theo một cách thức sao cho có thể duy trì vị thế này và biến những tương tác kích thích mà trước đây mình đã “học được” thành nhu cầu để tìm kiếm trong tương lai. Trong nhiều trường hợp, sự lựa chọn vị thế sống và kế đó là lựa chọn kịch bản sống có thể dẫn đến những khuôn mẫu hành vi không thích đáng và vì thế mà đương sự có nhu cầu cần đến tâm lý trị liệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét