REVIEW OF A CASE STUDY IN LIGHT OF BOWEN THEORY:
DIFFERENTIATION OF SELF
Tác giả: ESRA NIHAN
BRIDGE - Kadikoy Counseling and Research Center
Nguồn: Life Skills
Journal of Psychology, 2019; 3(5), 65-72
Người dịch: BS NGUYỄN
MINH TIẾN
Phần
1
Mục đích của bài luận này là nhằm
minh hoạ về lý thuyết, thực hành và những kết quả từ lý thuyết về hệ thống gia
đình của Murray Bowen. Murray Bowen là người khởi xướng lý thuyết hệ thống gia
đình (family systems theory) và là một trong số những nhà tiên phong về liệu
pháp gia đình. Lý thuyết hệ thống gia đình cho rằng sự cá biệt hoá bản thân có
vai trò quyết định đối với các mối quan hệ mật thiết lâu dài. Với thuật ngữ
này, Bowen muốn nói đến sự trưởng thành về mặt cảm xúc (emotional maturity) và
khả năng duy trì sự suy nghĩ độc lập trong các mối quan hệ tình cảm, biểu hiện qua
khả năng một người có thể phân định được giữa cảm xúc và tư duy khi đang trong
những tình huống gây stress.
Lý thuyết của Bowen có ảnh hưởng
to lớn trong giới chuyên môn làm liệu pháp gia đình và các nghiên cứu còn cho
thấy hiệu quả của nó trong trị liệu cho những cá nhân. Bài viết này nhấn mạnh
vào cách định hình của lý thuyết Bowen và vận dụng nó vào một trường hợp lâm
sàng về một cá nhân đang phấn đấu để cá biệt hoá. Trước tiên, bài viết sẽ trình
bày phần tổng quan về sự phát triển của lý thuyết Bowen, kế đó là phần nói về 8
khái niệm đan xen nhau trong lý thuyết Bowen và sau cùng là minh hoạ một trường
hợp lâm sàng, áp dụng lý thuyết hệ thống gia đình trên một cá nhân liên quan đến
chủ đề cá biệt hoá và những bàn luận trên kết quả.
PHẦN GIỚI THIỆU
Murray Bowen là cha đẻ của lý
thuyết hệ thống gia đình và là một trong số những nhà tiên phong về liệu pháp
gia đình (Haefner, 2014). Trong lúc làm việc với những bệnh nhân tâm thần phân
liệt, ông cũng làm việc với những gia đình, đặc biệt là những người mẹ (Haefner,
2014). Ông đã chú ý rằng trong những gia đình đó, một trong những yếu tố then
chốt gây nên lo âu là do sợ tạo khoảng cách trong mối quan hệ của họ. Do vậy
ông đã chú tâm đến những mối quan hệ bị dính chặt (enmeshed) trong các gia đình
ấy. (Brown, 1999)
Từ nhãn quan này, Murray Bowen
(1966) đã đưa ra định nghĩa thuật ngữ “cá biệt hoá bản thân” như là khả năng đạt
được sự cân bằng giữa cảm xúc và trí năng (emotional and intellectual
functioning) mà không có sự hoà lẫn (fusion). Bowen xây dựng thuật ngữ này dưới
cái nhìn của lý thuyết hệ thống gia đình và ông tin rằng sự cá biệt hoá bản
thân có mối liên hệ chặt chẽ với đời sống gia đình của một cá nhân. Bowen cho rằng
mức độ cá biệt hoá bản thân của một người thể hiện khả năng của người đó trong
việc phân định giữa cảm xúc và tư duy khi đang trải qua những tình huống gây
stress (Skowron & Dendy, 2004). Với cách nói này, Bowen (1976) nhấn mạnh
vào tầm quan trọng của việc kiểm soát tiến trình cảm xúc và cũng nhấn mạnh đến
tầm quan trọng của sự cá biệt hoá bản thân trong việc điều hoà những cảm xúc. Sự
cá biệt hoá bản thân cũng gia tăng khả năng điều hoà cảm xúc bao gồm làm giảm
nhẹ sự lo âu của bản thân đồng thời không bị quá tải bởi sự lo âu của người
khác (Schnarch, 1997).
Lý thuyết hệ thống gia đình cho
rằng sự cá biệt hoá bản thân là có tính cốt yếu cho những mối quan hệ mật thiết
lâu dài (Skowron, 2000). Xét trong các mối quan hệ gần gũi, sự cá biệt hoá bản
thân dường như giúp duy trì một cảm nhận về bản ngã (sense of self) và khả năng
đảm nhận vị trí “tôi” (I position) (Skowron, 2000). Cá biệt hoá (differentiation)
là khả năng duy trì tính tự chủ trong các mối quan hệ mật thiết, qua đó những
người cá biệt hoá tốt có thể hỗ trợ cho người bạn đời của mình mà không trải
nghiệm sự mất đi bản sắc cá nhân (Schnarch, 1997). Theo nghĩa ấy, Bowen cũng nêu
rõ giá trị của tính tự chủ và sự trưởng thành về mặt cảm xúc, đồng thời cũng nhấn
mạnh tầm quan trọng của việc duy trì khả năng suy nghĩ độc lập trong những mối
quan hệ tình cảm (Skowron & Friedlander, 1998).
Theo Bowen (1976), những người
có khả năng cá biệt hoá kém (poorly differentiated or undifferentiated
individuals) thường được “bao quanh” họ bởi những cảm xúc và thường có những
quyết định dựa trên cảm tính. Họ sống với cuộc đời “hướng theo các mối quan hệ”
(relationship-oriented lives), đặt trọng tâm vào sự thoải mái và cân bằng trong
mối quan hệ. Nghiên cứu của Skowron và cs. (2009) cho thấy những người cá biệt
hoá kém thường phải nỗ lực rất nhiều với những buồn phiền trong mối quan hệ liên
cá nhân (Skowron, Stanley, & Shapiro, 2009). Trong mối quan hệ, họ mong cầu
được chấp nhận, được tán thành và có được tình cảm gần gũi, từ đó dẫn đến sự
hoà lẫn hoặc những mối quan hệ bị mắc mứu (fusion or enmeshed relationships)
(Bowen, 1976). Bowen (1976) cũng nêu rằng
nếu những cá nhân ấy không được cá biệt hoá tốt, hệ thống cảm xúc của họ (emotional
system) sẽ trở nên nổi trội hơn hệ thống trí năng (intellectual system). Họ sẽ
trở nên dễ phản ứng theo cảm tính trong khi stress, họ cũng sẽ kém linh hoạt,
kém thích ứng và trở nên lệ thuộc về mặt cảm xúc vào người khác (Bowen, 1976).
Theo Skowron (2000), những người cá biệt hoá kém dường như có sự kém trưởng
thành về mặt cảm xúc.
Trái lại, Bowen (1976) giải
thích rằng những người cá biệt hoá tốt thường lấy các quyết định dựa trên tư
duy hợp lý. Trong cuộc sống tình cảm, họ có thể trải nghiệm sự gần gũi, mật thiết
mà không bị hoà lẫn. Họ có khả năng đương đầu với các xung đột, sự phản bác và
sự chia ly (Haefner, 2014). Ngoài những kỹ năng ứng phó tốt với stress, họ cũng
ít gặp những vấn đề đáng kể trong các mối quan hệ so với những người cá biệt
hoá kém (Skowron và cs., 2009). Nghiên cứu của Murdock và Gore(2004) nhấn mạnh
rằng trong những tình huống stress có cùng mức độ, những người cá biệt hoá tốt
ít thể hiện các rối loạn chức năng tâm lý hơn. Những người cá biệt hoá tốt thường
trải nghiệm được sự ưu thế về trí năng của họ trội hơn cảm tính của họ và trội
hơn với cả tình huống gây stress; họ thể hiện tính linh hoạt cao hơn, thích ứng
tốt hơn và độc lập hơn về mặt cảm xúc (Bowen, 1976).
Skowron and Dendy (2004) cũng
lưu ý đến những điều tương tự giữa thuyết gắn bó của Bowlby và lý thuyết của
Bowen; cả hai đều nhấn mạnh vào một “cái ngã tự chủ” (autonomous self) trong
khi vẫn duy trì những mối liên hệ cảm xúc với cha mẹ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng
những người cá biệt hoá bản thân kém thường đòi hỏi tình yêu thương, sự chấp
thuận và sự an toàn (security), mà an toàn thì phải có nghĩa là không gây đe doạ
và không gia tăng lo âu (Peleg-Popko, 2002). Theo Skowron (2000), những người
cá biệt hoá tốt thì ít khi trải qua nỗi sợ hãi bị bỏ rơi trong mối quan hệ của
họ trong khi những người cá biệt hoá kém thì thường gặp khó khăn cả về sự gần
gũi lẫn sự chia ly.
Có thể tiên đoán được rằng mức
độ cá biệt hóa bản thân là có tính cốt yếu cho sự phát triển lành mạnh và an
nhiên về tâm lý (Bowen, 1976; Skowron, Stanley & Shapiro, 2009). Các tác giả
Skowron, Holmes, and Sabatelli (2003) đã thực hiện một nghiên cứu trên 87 nam
và 134 nữ trong tổng số 221 người tham gia để đánh giá mức độ cá biệt hoá bản
thân và hạnh phúc tinh thần của họ. Trong các đối tượng nghiên cứu nam giới thường
cho biết rằng họ có những vấn đề khó khăn trong khả năng thích ứng đi kèm với
phản ứng cảm xúc với mức độ thấp hơn và phát triển một cảm nhận về bản thân (sense
of self) rõ ràng. Trong cùng nghiên cứu, các đối tượng nghiên cứu nữ thường báo
cáo về những vấn đề về tự điều hoà bản thân (self-regulation) và quan hệ phụ
thuộc qua lại (interdependent relating problems). Các phát hiện trong nghiên cứu
này ủng hộ cho điều rằng những kỹ năng tự quản (self-management skills) cùng mối
quan hệ phụ thuộc qua lại là những điều rất quan trọng cho hạnh phúc ở nữ giới (Skowron,
Holmes & Sabatelli, 2003). Bowen giải thích rằng những người cá biệt hoá
kém thường bị lo âu, không hài long với hôn nhân và có những vấn đề về thể lý (Jenkins,
Buboltz Jr, Schwartz, & Johnson, 2005). Thêm vào đó, Peleg-Popko (2002) nhấn
mạnh mối liên quan giữa cá biệt hoá kém với các tình trạng gia tăng chứng lo âu
xã hội (social anxiety) và độ nặng của các vấn đề khó khăn ở tuổi vị thành
niên. Nghiên cứu bởi Jenkins và cs. (2005) cũng hỗ trợ cho ý tưởng của Bowen
qua phát hiện rằng mức độ cá biệt hoá có thể tiên đoán về khả năng thích nghi về
tâm lý ở một người trưởng thành.
Bowen (1976) cũng tin rằng mức độ cá biệt hoá có ảnh hưởng trên chức năng sống của các thành viên bên trong gia đình. Skowron (2005) cũng ủng hộ cho ý tưởng này bằng cách chỉ ra rằng mức độ cá biệt hoá của cha mẹ có tính tiên báo cho sự thuần thục của các con của họ. Bởi vì các bậc cha mẹ có khả năng cá biệt hoá tốt thì sẽ điều hoà tốt các khuấy động cảm xúc và đương đầu với stress một cách hiệu quả, nên các con của họ cũng thể hiện là những trẻ có năng lực, học được cách tự điều hoà bản thân và duy trì được năng lực vượt khó (resilience) trong các tình huống stress (Skowron, 2005). Lý thuyết hệ thống gia đình giải thích những nguyên nhân của tình trạng cá biệt hoá kém theo quan niệm về những mối quan hệ gia đình (family relations), và nêu tên một số những đặc trưng của các gia đình đã diễn ra tình trạng cá biệt hoá kém (Murdock & Gore,2004). Những đặc trưng này được liệt kê thành một danh sách gồm 8 khái niệm có nội dung đan xen lẫn nhau (eight interlocking terms) và rất cần phải giải thích chúng để có thể hiểu sâu về lý thuyết này.
TÁM
KHÁI NIỆM ĐAN XEN NHAU
Theo Bowen (1976), việc hợp thành một bộ ba hay một tam giác (triangulation) là
một cấu trúc cảm xúc bao gồm ba người và đó cũng là một hệ thống quan hệ ổn định
nhỏ nhất bên trong một gia đình. Khi áp lực gia tăng lên trong mối quan hệ giữa
hai thành viên nào đó, việc hợp thành bộ ba sẽ khởi động bằng cách đưa thêm vào
một thành viên thứ ba nhằm để làm giảm bớt nỗi lo âu (Haefner, 2014). Bowen
(1976) minh hoạ về một bộ ba thường thấy nhất đó là tam giác giữa bố, mẹ và đứa
con, trong đó đứa con là thành viên thứ ba hay thành viên “bị ghép vào bộ ba”
(triangulated). Thành viên dễ bị tổn thương nhất trong gia đình thường sẽ là đứa
con cả hoặc đứa con út (Bowen, 1976).
Hệ thống cảm xúc
gia đình hạt nhân (Nuclear family emotional system) nhấn mạnh
việc một gia đình phải đáp ứng với các stress được chuyển từ các thế hệ trước trong
quá khứ sang đến các thế hệ tương lai. Theo lý thuyết của Bowen, việc này có thể
biểu hiện qua một trong ba cách như sau: (1) dưới dạng những xung đột trong hôn
nhân, (2) sự mất chưc năng ở một trong hai người đồng hôn phối, hoặc (3) sự yếu
kém ở một hoặc vài đứa con (Bowen, 1976). Bowen giải thích khái niệm này như
sau: Một người, phát triển khả năng cá biệt hoá bản thân từ gia đình gốc của
mình, sẽ lựa chọn người bạn đời có mức độ cá biệt hoá tương đương với mình. Những
cặp đôi có mức cá biệt hoá thấp có thể trở nên căng thẳng hơn trong sự hoà lẫn
về mặt cảm xúc và họ thường gặp vấn đề khó khăn nhiều hơn. Trong mối quan hệ ấy,
một trong hai người sẽ giữ vai trò trội hơn và trở thành người quyết định,
trong khi người kia bị đẩy vào vai phải tuỳ theo. Khi người ở vai trội “được là
chính mình” (gain self) thì người ở vai phụ thuộc sẽ “không còn là mình” (lose
self). Những cặp đôi có tính cá biệt hoá tốt ít bị hoà lẫn (fusion) trong khi
các cặp đôi cá biệt hoá kém thường trải qua trạng thái hoà lẫn nhiều hơn, từ đó
dẫn đến lo âu tăng cao hơn trong quan hệ lứa đôi. Để giải quyết lo âu, cặp đôi
thường phản ứng theo kiểu tạo ra khoảng cách về cảm xúc với người kia (Bowen, 1976).
Đón xem tiếp Phần 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét