“4 Reasons Why You Need Stress!”
Nguồn: INEEDMOTIVATION
Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC – Thạc sĩ Tâm lý,
Chuyên viên tâm lý học đường
Người ta đã nói rất nhiều về stress giống như một
"đại dịch đen" (black plague), nó toàn là những điều tồi tệ và tất cả chúng ta nên
làm bất cứ điều gì cần thiết để loại bỏ tất cả stress khỏi cuộc sống của mình.
Sự thật là, stress có thể là một nguồn lực quan trọng đối với cuộc sống của bạn.
Trong những hoàn cảnh thích hợp, stress có thể là người bạn tốt nhất của bạn!
Hãy xem một số lý do tại sao bạn cần stress:
Năng suất (Productivity)
Những đợt stress ngắn thực sự có thể tạo động lực
cho bạn! Bất cứ khi nào bạn cảm thấy stress về việc phải hoàn thành một nhiệm vụ
nào đó, nó có thể tạo ra nguồn cảm hứng để giúp bạn bắt đầu. Tôi biết rằng khi
tôi “hơi bị stress”, mức năng suất của tôi sẽ tăng vọt. Khi tôi có một số việc
cần phải hoàn thành vào một thời điểm nhất định, tôi trở nên quyết tâm và nhờ vậy
tôi hoàn thành công việc. Nếu không có cơn stress đó, tôi có lẽ sẽ vô tư hơn và
còn lâu tôi mới tiến xa được. Vì vậy, trong trường hợp đó, stress trở thành một
người bạn. Chìa khóa ở đây là biết cách biến stress thành một đồng minh hữu
ích. Bất kỳ cảm giác quá tải hoặc “tê liệt tinh thần” nào do stress sẽ đòi hỏi
bạn phải thực hiện các biện pháp thích hợp thông dụng để loại bỏ stress như hít
thở sâu, thiền định, yoga, v.v. Những đợt stress ngắn nằm trong tầm kiểm soát sẽ
tạo ra sự khác biệt khi nó đi kèm với năng suất. Loại stress này có thể giúp loại
bỏ sự trì hoãn, buồn chán và cảm giác bản thân thiếu giá trị.
Sự cạnh tranh (Competition)
Bất cứ ai đã từng chơi một môn thể thao đều biết
rằng cảm giác bồn chồn và lo lắng trước khi khi ra sân và áp lực chiến thắng là
điều hoàn toàn cần thiết để thành công. Nếu bạn không cảm nhận được sự bồn chồn
đó, bạn không thuộc về cuộc chơi này! Stress có thể giúp bạn vượt lên trên đối
thủ cạnh tranh và giúp bạn đạt đến thành công ở những đỉnh cao mà bạn chưa bao
giờ nghĩ rằng mình có thể đạt tới. Ví dụ, hãy tưởng tượng một trận đấu khúc côn
cầu, đội bị dẫn trước 2-1 khi chỉ còn 50 giây. Tất cả người chơi sẽ có cảm giác
bồn chồn và lo lắng, nhưng điều này sẽ giúp họ làm được những điều đáng kinh ngạc
để cân bằng điểm số. Trong trường hợp này, stress tạo ra mức độ cam kết cao hơn
mà nếu không có stress thì sẽ không tồn tại sự cam kết ấy. Một ví dụ khác là sự
cạnh tranh trong công việc hoặc trong kinh doanh. Khi tôi làm việc trong lĩnh vực
bán hàng, việc nhìn thấy ai đó vượt trội hơn tôi về kết quả sẽ khiến tôi phải cố
gắng hết sức để đánh bại họ. Nếu không có kiểu stress đó, tôi sẽ thụ động, không
quan tâm và không thành công nhiều như vậy. Kiểu stress này đã giúp tôi trở
thành một nhân viên bán hàng hàng đầu và kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này
cũng đúng với sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp nhìn thấy
doanh nghiệp khác có một đợt giảm giá, ý nghĩ về việc mất khách hàng và doanh số
bán hàng tạo ra một áp lực khiến họ sáng tạo hơn và đưa ra một chiến lược cạnh
tranh để giành được khách hàng và gia tăng doanh số. Vì vậy, stress trong cạnh
tranh có thể mang lại động lực, sự quyết đoán, khát khao và sáng tạo hưa từng
có trước đó.
Sự an toàn (Security)
Đây là một điều thú vị, bởi vì ở một mức độ nào
đó, chúng ta trải nghiệm điều này hàng ngày và nó có thể cứu mạng chúng ta. Hãy
nghĩ đến việc bạn đang lái xe, và ai đó đột ngột tạt ngang trước mặt bạn. Nếu
không có stress thúc đẩy bạn bẻ lái sang hướng khác, bạn đã có thể gặp tai nạn.
Vì vậy, stress có thể bảo vệ tính mạng của bạn! Một ví dụ khác là khi bạn cảm nhận sự nguy hiểm. Giả sử bạn đi trong một
con hẻm tối nguy hiểm mà không quan tâm hay cảnh giác gì cả, bạn sẽ ứng phó như
thế nào trong trường hợp có sự cố xảy ra? Trong trường hợp này, stress giúp bạn
nhận thức được nguy hiểm và chuẩn bị tinh thần cho nó. Stress kích hoạt cơ chế
"chống hoặc chạy" (fight or flight) bên trong bạn và đây có thể là một
“tác nhân hộ mệnh” (life saver) của bạn. Trong những tình huống như vậy, stress
có thể mang lại sự cảnh giác, mức độ nhận thức cao hơn và kỹ năng ra quyết định
nhanh chóng - những điều có thể thực sự tạo nên ý nghĩa khác biệt giữa sự sống
và cái chết.
Sức khỏe (Health)
Tất cả chúng ta đều biết những thiệt hại mà những
đợt stress kéo dài có thể gây ra cho cuộc sống của một người. Nó là nguyên nhân
của hàng loạt các vấn đề ung thư và bệnh tật, cũng như làm cho chúng ta già đi
nhanh chóng. Tuy nhiên, những đợt stress ngắn lại thực sự tốt cho sức khỏe của
bạn. Trên thực tế, nó rất quan trọng đối với sự an lành hạnh phúc (well-being)
của bạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng nó có thể tăng cường hệ miễn dịch và phòng ngừa
được các bệnh như Alzheimer, giúp cho các tế bào não bộ hoạt động với năng suất
cao nhất. Các nghiên cứu cũng cho thấy những bệnh nhân trải qua stress ở mức độ
trung bình phục hồi nhanh sau phẫu thuật hơn những bệnh nhân trải qua stress ở
mức độ cao hơn hoặc thấp hơn. Từ khóa ở đây là "trung bình". Chúng ta
cần stress để cơ thể hoạt động bình thường, về mặt sinh lý học, nhưng cũng giống
như những thứ khác, quá nhiều sẽ gây ra tác động ngược lại.
Một đợt stress ngắn giống như một đợt tăng cường
năng lượng và đó là lý do tại sao nó có thể khiến chúng ta làm được những việc
đáng kinh ngạc. Điều cần làm là điều chỉnh stress ở mức độ vừa phải sao cho
chúng ta vẫn làm việc hiệu quả những không bị quá choáng ngợp. Khi bị căng thẳng
lấn át, bạn bắt đầu cảm thấy đau nhức, khó thở, dễ bệnh và tinh thần ủ dột. Đó
là những dấu hiệu cho thấy bạn đã bị stress quá mức và bạn nên thử các kỹ thuật
thư giãn phổ biến và được yêu thích. Stress là điều khó tránh khỏi. Đó là một
phần của cuộc sống. Chúng ta càng hiểu về cách ứng phó với stress và sử dụng nó
như một lợi thế, chúng ta sẽ thành công hơn ở bất cứ điều gì chúng ta đang làm.
Stress có thể là một công cụ có giá trị trong bất cứ điều gì bạn làm. Khi bạn cảm
thấy stress, hãy thừa nhận nó và chuyển hướng nó theo những cách tạo ra lợi ích
cho bạn. Cũng giống như bất kỳ công cụ nào, hãy sử dụng nó đúng cách và kết quả
là điều kỳ diệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét