“Why Shrinks Have Problems”
Tác giả: ROBERT EPSTEIN Ph.D. và TIM BOWER
Nguồn: Psychology Today - published July 1, 1997 - last reviewed
on June 9, 2016
Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non
(*) Chú thích của TN Online - Trong bài, tác giả dùng một từ lóng tiếng Anh là “shrink”. Chữ này hàm ý chỉ các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần, bao gồm bác sĩ tâm thần, tâm lý gia, đặc biệt là các phân tâm gia. “Shrink” là viết tắt của từ “Headshrinker”, chỉ những người thuộc một số bộ tộc nguyên thuỷ sống ở vùng Amazon, Nam Mỹ, chuyên dùng đầu của kẻ thù, thu nhỏ lại và xem như chiến lợi phẩm. “Headshrinking” là từ chỉ việc thu nhỏ đầu đối thủ. Họ thu nhỏ đầu đối thủ để ngăn không cho những linh hồn ấy quay lại trả thù. Một số sử gia cho rằng từ “shrink” có một kiểu liên quan khác đối với lĩnh vực tâm lý trị liệu. Họ cho rằng công việc của các chuyên gia tâm lý trị liệu ở đây là “shrinking” (thu nhỏ) các vấn đề của thân chủ và để rồi giảm thiểu chúng. Khi một thân chủ nói: “Tôi có hẹn đi gặp shrink của tôi ngày mai”, đó là cách nói có tính mến chuộng chứ không phải “cà khịa”! Trong bài dịch, có lúc chúng tôi sẽ tạm dịch từ “shrink” là “thầy chữa”.
Phần 1
Tự sát, stress, ly hôn – các tâm lý gia và các chuyên gia về sức
khỏe tâm thần khác có thể thực sự khó khăn hơn phần còn lại của chúng ta.
Năm 1899, Sigmund Freud nhận số
điện thoại mới: 14362. Tại thời điểm đó ông 43 tuổi. Ông đã vô cùng bối rối bởi
những con số trong dãy số mới. Ông tin rằng những con số này báo hiệu ông ấy sẽ
chết ở độ tuổi 61 (số 1 và số 6 nằm quanh số 43), hoặc tốt hơn là ở độ tuổi 62
(hai số cuối trong dãy số). Ông bám vào niềm tin kỳ quái này một cách đau khổ
trong nhiều năm. Có lẽ ông đã cố gắng xem lại sự đánh giá của mình vào sinh nhật
lần thứ 63, nhưng ông lại bị ám ảnh bởi những điều mê tín khác cho đến khi ông
chết – bằng cách có sự hỗ trợ tự sát (sau một thời gian ung thư vòm họng, Freud
đề nghị bác sĩ cho một liều morphine gây tử vong – ND) - ở độ tuổi 83.
Đó mới chỉ là khởi đầu. Freud
cũng thường xuyên có những cơn mất ý thức tạm thời (blackouts). Ông từ chối việc
bỏ thuốc lá thậm chí sau 30 lần phẫu thuật vì những tổn thương nặng nề ông ấy phải
chịu đựng do ung thư vòm họng. Ông tự nhận mình là một người nhiễu tâm
(neurotic). Ông cũng mắc phải chứng ám ảnh sợ khoảng rộng (agoraphobia) ở mức độ
nhẹ. Và có thời gian, ông có vấn đề nghiêm trọng với cocaine.
Nhiễu tâm? Mê tín? Lạm dụng chất?
Những cơn vắng ý thức? Và tự sát? Quá nhiều điều xảy ra với vị cha đẻ của phân
tâm học. Nhưng đây có phải là những vấn đề điển hình của nhà tâm lý? Những người
kế tục của Freud đang như thế nào? Hoặc, đặt câu hỏi theo cách khác: Liệu các “thầy
chữa” có thật sự là “điên rồ” không? (Are shrinks really "crazy"?)
Chính tôi (tác giả) cũng là một
nhà tâm lý trong gần hai thập kỷ, chủ yếu là giảng dạy và làm nghiên cứu. Vì vậy
sự thật là tôi đã có một vài thành kiến về chủ đề này trước khi tôi bắt đầu
nghiên cứu về nó. Nhiều năm trước, khi mẹ tôi nói rằng phiên làm việc duy nhất
của bà với một nhà tâm lý trị liệu rất đáng thất vọng bởi vì “gã đó rõ ràng còn
điên hơn mẹ rất nhiều”, tôi cho rằng, hoặc ít nhất hy vọng rằng, bà đang nói
đùa. Có đúng là những chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần đã tiếp cận với những
công cụ và kỹ thuật đặc biệt có thể tự giúp họ đi qua những hiểm họa của cuộc sống?
Chắc hẳn Freud là một trường hợp
rất đặc biệt, và, vâng, tôi cũng đã nghe rằng Jung từng có những đợt nhiễu tâm.
Nhưng mặc dù có những tin đồn trái ngược lại, tôi vẫn luôn thừa nhận rằng những
chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần có lẽ khá lành mạnh.
Hóa ra tôi đã sai.
Bác sĩ, ông/bà cảm thấy tốt chứ?
Nhìn chung, các chuyên gia sức
khỏe tâm thần cũng bị điên khá nhiều – ít ra họ cũng gặp rắc rối giống như mọi
người. Điều này nghe có vẻ thảm, nhưng bạn sẽ thấy, việc đó đây có những “thầy
chữa” điên rồ, tự nó không phải là một vấn đề nghiêm trọng đâu. Trên thực tế, một
số chuyên gia tin rằng những nhà trị liệu từng chịu đau khổ theo một cách nào
đó lại có thể là những nhà trị liệu rất tốt.
Vấn đề là những chuyên gia sức
khỏe tâm thần đó – đặc biệt là những tâm lý gia – đã không làm tốt việc theo
dõi các vấn đề sức khỏe tâm thần của chính mình và của đồng nghiệp của mình.
Trên thực tế, trách nhiệm chính lẽ ra thuộc về một nhà trị liệu đang có vấn đề thì
dường như lại rơi vào bệnh nhân, những người được xem là đang đương đầu với những
vấn đề của họ. Thật là một điều vớ vẩn!
Nhà trị liệu đang nỗ lực với những
vấn đề trong hôn nhân, nghiện rượu, lạm dụng chất, trầm cảm và những khó khăn khác
sẽ không làm tốt vai trò của một nhà trị liệu, vì vậy chúng ta không thể đơn giản
phớt lờ những đau khổ của họ. Và trớ trêu thay, chỉ với một số ít ngoại lệ, những
chuyên gia sức khỏe tâm thần lại ít có những nguồn lực để tiếp cận vào lúc họ rất
cần sự giúp đỡ. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Làm thế nào để thân chủ có thể được
bảo vệ và bằng cách nào để những nhà trị liệu gặp khó khăn có thể được giúp đỡ.
Lá rách đùm lá nát (Tạm dịch vui từ nguyên văn: The Odd Treating the Id
– Nguyên nghĩa: “kẻ lập dị” chữa trị cho “cái Ấy” - ND)
Đây là một học thuyết không hẳn
là điên rồ: Có lẽ nhiều người bước vào lĩnh vực sức khỏe tâm thần bởi vì bản
thân họ có một lịch sử khó khăn về tâm lý. Có lẽ họ đang cố gắng tìm hiểu và vượt
qua những vấn đề của mình, điều này khiến cho lúc khởi đầu chúng ta sẽ có một khối
những nhà trị liệu “không bình thường”. Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ để giải
thích cho hình ảnh về một giới “thầy chữa” điên rồ.
Trong số những tâm lý gia nổi tiếng mà
tôi đã phỏng vấn trong những tháng gần đây, chỉ một người tự nhận rằng ông ấy
bước vào lĩnh vực chuyên môn này vì vấn đề cá nhân. Nhưng hầu hết đều cảm thấy đây
là một điều xảy ra rất phổ biến. Trên thực tế, ý tưởng cho rằng trị liệu là một
nơi nương náu cho những người bị tổn thương về tâm lý đã trở nên cổ xưa giống
như chính nghề nghiệp này. Chính Freud xác nhận những mất mát thuở thơ ấu là những
nguyên nhân ẩn chứa bên dưới những khao khát ở người lớn trong việc giúp đỡ người
khác. Và con gái của Freud, Anna, chính bà cũng là một nhà phân tâm nổi tiếng,
đã từng nói: “Cơ chế phòng vệ tinh tế nhất mà tôi từng gặp đó là trở thành một
nhà tâm lý trị liệu”. Vì vậy bác sĩ John Fromson, giám đốc chương trình hỗ trợ
cho những thầy thuốc gặp khó khan tại Massachusetts
(Massachusetts program for impaired physicians), đã mô tả lĩnh vực sức khỏe tâm
thần như là “kẻ lập dị chăm sóc cho người sống theo bản năng” (Một kiểu chơi chữ
- “the odd care for the id”). Ông ấy cười khúc khích khi nói điều này trong khi
Freud cho rằng hài hước thường là mặt nạ che đậy của những sự thật đang rối rắm.
Những ấn tượng này đã được xác
nhận bởi những nghiên cứu đã được công bố. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm thần
học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) kết luận rằng “bác sĩ có những rối
loạn về tâm trạng thường có khuynh hướng lựa chọn chuyên ngành tâm thần” (Điều
kỳ lạ là những tác giả trình bày điều này như là niềm tin của họ, “vì nhiều lý
do khác nhau” mà không có sự giải thích). Trong một nghiên cứu 1993, tiến sĩ
James Guy, trưởng Khoa Tâm lý học tại Trương Dòng chuyên về Thần học Fuller
Theological Seminary, so sánh trải nghiệm đầu đời của những nữ chuyên gia tâm
lý trị liệu với những phụ nữ trong những lĩnh vực chuyên môn khác. Những nhà trị
liệu này đã báo cáo một tỷ lệ loạn chức năng trong gia đình, cha mẹ nghiện rượu,
lạm dụng thể chất và tình dục, nhập viện do các vấn đề tâm thần cao hơn so với
nhóm phụ nữ hành nghề khác. Một khảo sát năm 1992 trên những nhà trị liệu nam
và nữ cho thấy có hơn 2/3 nữ giới và 1/3 nam giới của nhóm khảo sát đã từng bị
lạm dụng thể chất hoặc tình dục trong giai đoạn đầu đời. Dường như Freud đã đúng
về điều này: Ngành sức khỏe tâm thần có tính hấp dẫn đối với người từng đau khổ
(the mental health professions attract people who have suffered).
Bệnh nhân có thể thật sự làm hỏng
cả ngày của bạn
Vì vậy dường như chúng ta đang
bắt đầu với một khối những nhà thực hành mang nhiều ý nghĩa tốt nhưng hơi có
chút tổn thương. Và bây giờ điều ngộ nghĩnh mới thật sự bắt đầu.
Hãy kiểm tra những con số này:
theo những nghiên cứu được công bố năm 1990 và 1991, một nửa số nhà trị liệu (therapists)
bị thân chủ đe dọa ở một mức độ nào đó bằng bạo lực thể chất và khoảng 40% bị tấn
công thật sự. Thử đặt điều này vào trong bối cảnh. Một mối quan hệ thân mật, đặc
biệt tồn tại giữa nhà trị liệu và thân chủ. Vì vậy bị tấn công bởi một thân chủ
là một cú giáng nghiêm trọng về mặt cảm xúc, có lẽ trong một số trường hợp có
thể so sánh được với việc con tấn công cha mẹ. Không cần nói cũng có thể hiểu rằng
những nhà trị liệu bị tấn công hẳn sẽ rất đau lòng. Họ cảm thấy mình mong manh
hơn và thật yếu kém năng lực, và đôi khi cảm thấy những bất cập đang ngấm vào trong
những mối quan hệ cá nhân của họ.
Hãy tiến thêm một bước nữa.
Hãy hình dung về chuyện làm việc với một bệnh nhân trầm cảm mỗi tuần, nếu không thất bại, rồi
trong một vài năm sau đó nhận được cuộc gọi báo rằng cô ấy đã tự sát. Bạn cảm
thấy thế nào? Trời ơi, bệnh nhân tự sát là một sự rủi ro khác của công việc
này. Có 20 đến 30 % trong tất cả các nhà trị liệu đã trải qua trường hợp bệnh nhân
tự sát ít nhất một vụ, lại thêm một cú giáng huỷ hoại tâm lý nữa. Trong một
nghiên cứu trong môi trường bệnh viện năm 1968, những bác sĩ tâm thần báo cáo rằng,
họ đã phản ứng trước việc bệnh nhân tự sát với những cảm nhận “có lỗi và tự buộc
tội”. Những người khác thì xem sự tự sát là “một hành động trực tiếp thể hiện nỗi
oán hận” hoặc nói rằng nó giống như họ bị “bắn” (Nguyên văn dùng từ “fired” –
Giống như bị hô “bắn” khi ra pháp trường hoặc ra trận – ND). Dù là phản ứng thế nào thì sự chấn động về mặt cảm xúc cũng là rất lớn.
Hầu như tất cả các chuyên gia
chăm sóc sức khỏe tâm thần đồng ý rằng công việc này vốn rất nhiều rủi ro. Nó
cần đến một thứ sức mạnh siêu phàm (superhuman strength) đối với hầu hết mọi
người chỉ để nghe lời than van của một người hàng xóm về cuộc hôn nhân tồi tệ của
người ấy trong 15 phút. Dĩ nhiên những nhà tâm lý đã chọn lựa bước vào công
việc này, nhưng bạn có thể hình dung những ảnh hưởng của việc lắng nghe thân chủ
nói kinh cầu bất tận về những vấn đề nghiêm trọng – kéo dài 8 giờ mỗi ngày, 50
tuần mỗi năm. “Cha mẹ tôi ghét tôi. Cuộc sống của tôi vô nghĩa. Tôi thất bại.
Tôi bất lực. Trên đường tới đây, tôi cảm thấy giống như đang lái xe đâm vào một
cột giăng dây điện thoại. Tôi sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc. Chẳng ai hiểu tôi.
Tôi không biết mình là ai. Tôi ghét công việc của mình. Tôi ghét cuộc sống của
tôi. Tôi ghét bạn…”
Chỉ suy nghĩ về những điều đó cũng
khiến bạn phải rùng mình.
Đó là một thứ thế giới thô phàm
ngoài kia.
Những bệnh nhân không chỉ là nguồn
gây stress duy nhất đối với nhà tâm lý trị liệu. Chính thế giới này cũng đòi hỏi
quá khắt khe.
Sau tất cả, đó là lý do tại sao
có những bệnh nhân…
Đón xem tiếp Phần 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét