Nguồn: Essential Psychotherapies – 1995.
Tưởng nhớ cố BS NGUYỄN VĂN KHUÊ (1950 -2010)
Người đã tham gia dịch bài viết
này năm 2008
Tài liệu Huấn luyện của CLB Trăng Non, TpHCM
Xem lại Kỳ 1
Xem lại Kỳ 2
Kỳ
3
CÁC
LỖI LẦM THƯỜNG HAY XẢY RA TRONG TRỊ LIỆU NHẬN THỨC
Theo Francis Bacon, có thể dễ dàng để nhận biết
một cái bánh dở hơn là làm một cái bánh ngon. Cũng như vậy đối với tâm lý trị
liệu. Thật dễ phát hiện những khuyết điểm hoặc khó khăn trong cuộc trị liệu hơn
là tránh các khuyết điểm. Tuy nhiên, vẫn có một số sai lầm thường xảy ra khi thực
hiện trị liệu như:
- Thân chủ chưa có sự xã hội hóa đầy đủ đối với
khuôn mẫu trị liệu
- Thất bại trong việc phát triển bảng liệt kê
các vấn đề đặc hiệu
- Các bài tâp về nhà chưa phù hợp (và không
theo dõi các bài tập về nhà đã làm)
- Nhấn mạnh quá sớm đến việc nhận ra các sơ đồ
- Nhà trị liệu thiếu kiên nhẫn, hướng dẫn quá
mức để cố gắng giải quyết lập tức các triệu chứng của thân chủ
- Giới thiệu quá sớm các kỹ thuật hợp lý trước
khi hoàn thành sự khái niệm hóa đầy đủ
- Thiếu chú trọng việc phát triển mối quan hệ
cộng tác và chú ý không đầy đủ các yếu tố không đặc thù trong mối quan hệ trị
liệu.
- Không tính đến các phản ứng cảm xúc riêng,
các suy nghĩ tự động và các sơ đồ của nhà trị liệu – phản ứng chuyển di.
KẾT
THÚC TRỊ LIỆU (TERMINATION)
Việc kết thúc trị liệu nhận thức đã bắt đầu từ
lần trị liệu đầu tiên vì mục đích của trị liệu nhận thức không phải là sự chữa
trị, mà là giúp thân chủ có được khả năng ứng phó hiệu quả. Nhà trị liệu nhận
thức không có kế hoạch trị liệu vô hạn; đây là một mô hình tâm lý trị liệu nhắm
đến việc lĩnh hội các kỹ năng. Mục tiêu của nhà trị liệu là giúp thân chủ đạt
được khả năng giải quyết với các tác nhân gây stress bên trong và bên ngoài vốn
là một phần của cuộc sống. Khi các thang đánh giá khách quan, báo cáo của thân
chủ, quan sát của nhà trị liệu và các phản hồi từ những người thân nhất trong
gia đình xác nhận có sự sự cải thiện và nâng cao mức độ thích ứng của thân chủ
thì việc trị liệu có thể kết thúc.
Mặc dầu nghiên cứu cho thấy trị liệu nhận thức
đạt hiệu quả cao nhất qua 12 đến 15 phiên trị liệu, song vẫn chưa có một thời
gian tiêu biểu nào cho việc trị liệu. Khi giúp đỡ các thân chủ có các khó khăn
lâu dài trầm trọng (như rối loạn nhân cách ranh giới chẳng hạn) chúng ta cũng
có thể đạt được nhiều lợi ích đáng kể khi thực hiện trị liệu trong nhiều tuần
vì thân chủ có thể học được các kỹ thuật đương đầu với những cảm giác trầm cảm,
lo âu và giận dữ. Trị liệu nhận thức cũng có thể có lợi khi được tiếp hành từ 2
đến 3 năm vì các giả định và sơ đồ phải được xem xét và tác động đến. Tuy
nhiên, các nghiên cứu gần đây không tìm ra mối liên hệ giữa thời gian trị liệu
và hiệu năng của trị liệu (Berman, Miller and Massman 1985, Sharpiro 1982). Các
cuộc nghiên cứu cho rằng lợi ích của việc tiếp tục trị liệu sau 12 đến 15 phiên
trị liệu là khiêm tốn, cần bàn bạc với thân chủ từ lúc khởi đầu về mục tiêu và
thời điểm kết thúc. Điều này khuyến khích nhà trị liệu và thân chủ duy trì sự tập
trung vào tính cấp bách của quá trình trị liệu.
Việc kết thúc trị liệu nhận thức được thực hiện
từ từ để có đủ thời gian cho việc thay đổi và sắp xếp các phiên trị liệu giảm dần
từ một lần mỗi tuần đến mỗi lần hai tuần. Sau đó, các phiên trị liệu có thể thực
hiện một tháng một lần, với các phiên trị liệu theo dõi mỗi 3 đến 6 tháng cho đến
khi tiến trình trị liệu kết thúc. Dĩ nhiên thân chủ có thể gọi và hẹn gặp gỡ
trong trường hợp khẩn cấp. Đôi khi, thân chủ cũng có thể gọi điện chỉ để nhận một
thông tin hay việc tăng cường một hành vi nào đó, hoặc để báo cáo một sự thành
công với nhà trị liệu. Sự tiếp xúc với nhà trị liệu nhận thức, trong vai trò của
một cố vấn hoặc một cộng tác viên, vẫn thích hợp và có tác dụng quan trọng. Khi
việc trị liệu gần đến kết thúc, những suy nghĩ và cảm xúc của thân chủ về việc
kết thúc cần được thăm dò cẩn thận vì chúng phản ánh các sơ đồ và giả định của
họ liên quan sự chia ly (separation). Việc kết thúc trị liệu có thể có ý nghĩa
quan trọng cho thân chủ và có thể hoạt hóa các kỷ niệm và sơ đồ về việc chia ly
với những người khác trong quá khứ của thân chủ (Mann, 1973; Sofran and Segal,
1990). Sự kết thúc có thể cung cấp cho nhà trị liệu một cơ hội thăm dò các suy
nghĩ và cảm xúc của thân chủ cùng những cách thức đặc biệt mà thân chủ đương đầu
với sự chia ly. Điều này, đặc biệt quan trọng khi làm việc với các thân chủ mà
lịch sử gợi ý họ đã đáp ứng với sự chia ly và mất mát một cách không thích ứng.
Những phản ứng như thế không phải là hiếm xảy ra nơi những thân chủ bị rối loạn
nhân cách.
Như đã nêu trên, nhà trị liệu cần phải theo
dõi các phản ứng cảm xúc và suy nghĩ riêng của họ trong suốt quá trình trị liệu.
Điều này càng quan trọng trong giai đoạn kết thúc trị liệu. Ngoài những cảm
giác và niềm tin của nhà trị liệu về sự chia ly, một trong những khó khăn thường
gặp phải trong khi làm trị liệu nhận thức là áp lực thực hiện những cải thiện
đáng kể một cách nhanh chóng. Trị liệu nhận thức, với trọng tâm đặt vào các
thành quả có thể quan sát được, và có tính chiến lược, có thể giúp thân chủ rời
khỏi nhà trị liệu với niềm tin rằng họ chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm mục
tiêu trị liệu đạt được. Có nhiều trường hợp trong cuộc đời của chúng ta, những
mong đợi và mục tiêu của chúng ta không đạt được một cách đầy đủ và công việc
quan trọng có thể dành lại cho thân chủ giải quyết sau khi kết thúc trị liệu.
Trị liệu nhận thức xem cơ chế thay đổi thông qua tâm lý trị liệu cũng tương tự
như cơ chế của sự phát triển trong toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Những kỹ
năng nhận thức và hành vi cùng những cách thức hiểu biết mới về đời sống được
lĩnh hội thông qua trị liệu có thể gieo hạt giống cho sự phát triển sau này khi
thân chủ chấm dứt trị liệu. Như Safran và Segal đã quan sát, những suy nghĩ và
cảm xúc xuất hiện khi trị liệu kết thúc, có ý nghĩa cho mô hình làm việc bên
trong của thân chủ và cho mối quan hệ của thân chủ với nhà trị liệu. Vì thế,
chúng phải được xem xét kỹ lưỡng và sử dụng như một phần quan trọng của tiến
trình trị liệu.
KHÔNG
TUÂN THỦ TRỊ LIỆU (NON-COMPLIANCE)
Không tuân thủ, đôi khi còn được gọi là
‘kháng cự’ (resistance), thường ngụ ý chỉ trường hợp thân chủ không muốn thay đổi
hoặc không muốn ‘trở nên tốt hơn’, với những lý do vô thức hay hữu thức. Sự
kháng cự này có thể biểu hiện một cách trực tiếp (ví dụ: đến trễ hoặc quên cuộc
hẹn trị liệu), hoặc cũng có thể kín đáo thông qua việc bỏ qua không báo cáo lại
một điều gì đó trong phiên trị liệu. Về mặt lâm sàng, chúng ta có thể xác định
một số nguyên do dẫn đến tình trạng không tuân thủ được trình bày dưới đây, các
nguyên do đó có thể riêng lẻ, phối hợp, hoán đổi, hoặc thay đổi mức độ tùy theo
các hoàn cảnh sống của thân chủ, tùy theo những diễn biến trong tiến trình trị
liệu và tùy vào mối quan hệ giữa thân chủ và nhà trị liệu.
1. Thân chủ thiếu kỹ năng thay đổi hành vi của
mình
2. Nhà trị liệu thiếu kỹ năng giúp thân chủ
thay đổi
3. Các yếu tố gây stress trong môi trường và
trong gia đình ngăn trở sự thay đổi
4. Cách thân chủ nhận thức về khả năng xảy ra
thất bại
5. Cách thân chủ nhận thức về kết quả của việc
họ thay đổi ảnh hưởng đối với người khác như thế nào
6. Thân chủ và nhà trị liệu có cùng những lệch
lạc nhận thức
7. Khả năng xã hội hóa kém đối với mô hình trị
liệu nhận thức
8. Lợi ích có được từ việc duy trì hành vi
kém chức năng
9. Mối quan hệ trị liệu thiếu tính cộng tác
10. Thiếu việc định thời hạn cho các can thiệp
trị liệu
11. Thân chủ sợ thay đổi
ÁP
DỤNG TRỊ LIỆU NHẬN THỨC
1.
Giả thuyết về tính chuyên biệt của nhận thức
Sự quan trọng đặc biệt cho nhà lâm sàng là giả
thuyết chuyên biệt nhận thức - định đề cho rằng các trạng thái cảm xúc (và, có
lẽ, các rối loạn lâm sàng) có thể được phân biệt dựa vào những nội dung và tiến
trình nhận thức riêng của chúng. Ví dụ bệnh trầm cảm được tiêu biểu bởi ‘bộ ba
nhận thức’ (Beck 1976) – một tập hợp các khuynh hướng nhận thức và tri giác
tiêu cực về bản thân mình, thế giới xung quanh và tương lai. Các thân chủ trầm
cảm có xu hướng xem bản thân mình bị khiếm khuyết một cách đáng kể và thiếu khả
năng cần thiết để đạt được những mục tiêu quan trọng. Họ thấy tương lai ảm đạm
và cho rằng những người xung quanh không quan tâm hoặc từ bỏ họ. Các quan điểm
của họ về chính mình và thế giới xung quanh được lọc qua một lăng kính đen tối
và tiêu cực. Sơ đồ của những người trầm cảm bao gồm những liên tưởng với các chủ
đề về sự bất toàn, sự mất mát, sự tước đoạt của cá nhân họ (Guidano &
Liotti, 1983; Kovacs & Beck, 1987). Trái lại, các rối loạn lo âu đặt nền tảng
trên sự tri giác tổng quát về một mối đe dọa và nguy hiểm sắp xảy ra mà đương sự
không thể đương đầu nổi.
Ngoài ra, mỗi rối loạn lo âu đặc biệt sau đây
(rối loạn ám ảnh – cưỡng chế, rối loạn hoảng sợ, sự sợ hãi đơn thuần, rối loạn
lo âu lan tỏa, ám ảnh sợ xã hội) có thể được phân biệt bởi sự tập trung đặc thù
của mối đe dọa. Một mô hình tổng quát các rối loạn lo âu (Freeman 1990) sẽ được
trình bày sau đây.
Mô hình này cho thấy bằng cách nào mà một số
yếu tố đã có tác động trên quá trình hình thành các rối loạn lo âu cũng như tiến
trình trị liệu các rối loạn ấy. Khi các cá nhân đương đầu với một tình trạng
nào đó (ví dụ: một kỳ thi sắp tới). Các tri giác về sự kiện đó bị ảnh hưởng bởi
những niềm tin, các ký ức, sơ đồ và giả thuyết hiện hữu của họ. Khi lượng giá
tình hình, họ có hai phán đoán: một là sự đánh giá mức độ nguy cơ hay đe dọa và
hai là sự đánh giá khả năng của họ để đương đầu với nguy cơ. Ví dụ: khi họ tin
rằng mình có khả năng và được chuẩn bị tốt và việc thi cử có rất ít tác động đến
điểm tối hậu của họ, họ sẽ không xem việc thi cử là một sự đe dọa, mà là một sự
thách thức. Tuy nhiên, nếu họ tin rằng việc thi cử là rất quan trọng và họ
không được chuẩn bị tốt thì họ sẽ xem xét tình hình là có tính đe dọa và trở
nên lo lắng. Lo âu có thể được xem như là một đáp ứng có tính thích nghi đối với
mối đe dọa mà đương sự cảm nhận được. Nếu đương sự ứng phó một cách thành công
với mối đe dọa ấy (bằng cách học tập cật lực và đậu kỳ thi) thì trải nghiệm này
sẽ xúc tiến ý thức về bản ngã của đương sự và tạo nên niềm tin trong khả năng của
đương sự trong việc đương đầu với các kỳ thi trong tương lai. Tuy nhiên, nếu
thân chủ thất bại trong cuộc thi, hoặc tránh né sự đe dọa (bằng cách bỏ học)
thì sự tri giác về hiệu năng của cá nhân sẽ bị giảm sút và niềm tin rằng tình
hình này là một sự đe dọa thật sự sẽ tăng lên. Do vậy đương sự sẽ trở nên cảnh
giác hơn hoặc kỹ lưỡng hơn khi gặp những hoàn cảnh tương tự trong tương lai và
sẽ trở nên tránh né các tình huống gây đe dọa khác. Trị liệu các rối loạn lo
âu, bao gồm các việc xem xét, các niềm tin, giả thuyết và sơ đồ, phát triển các
khả năng ứng phó một cách thích nghi: thúc đẩy các tri giác về tính hiệu năng của
bản thân, làm cho sự đe dọa mất đi tính chất thảm họa, không khuyến khích sự
tránh né hoặc rút lui. Các cảm xúc khác (bao gồm giận dữ, tội lỗi, xoa dịu, bất
mãn, thất vọng, hy vọng, phẫn uất, ganh tỵ, niềm vui, thương hại và kiêu hãnh)
và các rối loạn lâm sàng (bao gồm cả các rối loạn nhân cách) có thể được phân
biệt thông qua các diễn tiến và nội dung nhận thức đặc thù (Beck và cs., 1990;
Collin, 1988). Giả thuyết về tính chuyên biệt nhận thức có một tầm quan trọng
trung tâm trong việc thực hành lâm sàng trị liệu nhận thức, vì nó hướng sự chú
ý của chúng ta vào các niềm tin đặc thù và các kiểu cách xử lý thông tin thường
được tìm thấy nơi những thân chủ có các rối loạn đặc hiệu. Nó cho phép chúng ta
cung cấp cho thân chủ một sơ đồ để hiểu biết các kinh nghiệm cảm xúc mà có thể
được họ xem là rất bí mật và nặng nề không chịu nổi, đồng thời cho phép chúng
ta tác động bằng các can thiệp nhận thức hành vi nhằm thay đổi những niềm tin đặc
thù tạo ra sự khó chịu trong tâm trí của thân chủ.
2.
Sự lo âu
Những than phiền về sự lo âu, căng thẳng, bức
xúc... là những vấn đề thường xảy ra nhất đối với nhà chuyên môn sức khỏe tâm
thần. Triệu chứng lo âu thường đi theo một số rối loạn tâm thần sinh lý khác
như trầm cảm, hoặc rối loạn tâm thể, mà các rối loạn này thường che giấu trạng
thái lo âu. Còn trong một số trường hợp khác, triệu chứng có thể biểu hiện dưới
hình thức sinh lý (có thể có hoặc không liên quan đến lo âu). Vì thế, tỉ lệ và
tần suất của chứng lo âu thường được đánh giá rất thấp trong thực hành y khoa.
Các thân chủ lo âu thường chia sẻ một số niềm
tin (Deffenbacher, Zwemer, Whisman, Hill & Sloan, 1986; Mizes,
Landolf-Fritsche, 1987). Nghiên cứu cho thấy rằng những thân chủ lo âu có
khuynh hướng tin tưởng rằng nếu có một nguy cơ hiện hữu, sự lo phiền về nó là một
điều tốt (sự bận tâm quá có tính lo âu), rằng họ cần phải có khả năng thuần thục
để có thể kiểm soát tình thế (khả năng kiểm soát cá nhân và sự hoàn hảo) và rằng
cách thích ứng là nên tránh các vấn đề có tính thách thức (né tránh vấn đề).
Như đã nêu trên, những đề tài chung chia sẻ bởi các rối loạn lo âu là sự tri
giác về mối đe dọa và niềm tin rằng mối đe dọa không thể quản lý được hoặc
tránh né được. Các mối đe dọa có thể hiện thực hay tưởng tượng và thường hướng
về bản thân dương sự. Phải chăng tất cả mối đe dọa lo âu là đến từ bên ngoài?
Chắc chắn là không. Trong lúc vẫn có các mối đe dọa thực sự từ bên ngoài có thể
tạo nên các cảm giác lo âu, như mất việc làm, mất vợ hoặc chồng, thi rớt... thực
tế cũng có các mối đe dọa đến từ bên trong, như những cảm giác cơ thể và các cảm
xúc (xảy ra trong cơn hoảng loạn), các ý nghĩ (như trong rối loạn ám ảnh – cưỡng
chế), cũng như các hình ảnh, xung động và các huyễn tưởng. Tuy nhiên tất cả những
hình thức trên đều giống nhau và được coi là gây nguy hiểm cho sự lành mạnh về
thể chất, tâm lý, cảm xúc và xã hội.
Sự đe dọa có thể gây nên các triệu chứng tâm
lý và cơ thể, tất cả được đặt tên là ‘lo âu’. Có lẽ tính chất nổi bật nhất và
có ý nghĩa lâm sàng trong chẩn đoán lo âu đó là thời gian kéo dài của triệu chứng
lo âu. Các triệu chứng như căng thẳng cơ bắp, tăng hoạt động thần kinh thực vật,
sự trông đợi xảy ra cảm giác sợ hãi, cảnh giác và dò xét phải kéo dài và hiện hữu
ít nhất 6 tháng. Sự lo âu bình thường và lo âu bệnh lý có thể khác nhau một
cách biến thiên tùy theo mức độ nghiêm trọng, nhưng đánh giá sau cùng phải dựa
trên mức độ rối loạn chức năng và sự mất khả năng của cá nhân. Lo âu có thể ảnh
hưởng đến các hệ thống đáp ứng hô hấp, cơ bắp, tuần hoàn, da, tiêu hóa một cách
riêng lẻ hay kết hợp. Các biểu hiện của lo âu nặng thường bao gồm các đáp ứng
hành vi hoặc theo kiểu mệnh lệnh (ví dụ: chống cự hoặc bỏ chạy) hoặc bằng sự bỏ
sót (ví dụ: hành vi tránh né). Có những cảm giác sinh lý báo hiệu sự hiện diện
của lo âu, trải nghiệm cảm xúc liên quan đến lo âu, cùng các sự kiện và tiến
trình nhận thức có tác dụng kích thích và duy trì sự lo âu. Tất cả những điều
trên có thể làm cho người bệnh mất khả năng hoạt động cá nhân, nghề nghiệp và
xã hội.
Mô hình nhận thức lo âu (Barlow 1988, Beck,
Emery & Greenberg, 1985; Freeman & Ludgate, 1988) liên quan đến nhiều yếu
tố. Lo âu, là hoạt động thích ứng với hoàn cảnh, bắt đầu bằng sự tri giác về mối
đe dọa trong một tình huống đặc hiệu. Ý nghĩa mà cá nhân liên kết với hoàn cảnh
được xác định bởi sơ đồ và những ký ức mà họ đã có được từ những hoàn cảnh
tương tự trong quá khứ. Lúc đó cá nhân đánh giá sự trầm trọng của mối đe dọa và
lượng giá hiệu năng bản thân của mình hoặc những tiềm năng của mình để ứng phó
với mối đe dọa ấy. Nếu tình hình được xem là rất nguy hiểm, thì tiếp sau đó sẽ
là ý thức về sự nguy hiểm. Nếu tiếp nhận mối nguy một cách nhẹ nhàng, đương sự
sẽ đáp ứng với nó như là một sự thách thức, đồng thời cảm thấy phấn khích và
nhiệt tình. Các tiến trình nhận thức và tri giác có thể ảnh hưởng bởi trạng
thái cảm xúc hiện tại của cá nhân (Bower 1981). Trong trường hợp này, khi một
người cảm thấy lo âu, anh ta có thể trở nên cảnh giác với mối đe dọa và bắt đầu
hồi tưởng những tình huống kinh khủng, có tính đe dọa trong quá khứ, do đó
đương sự có thể nhận ra được về một mối đe dọa mà có thể đã không hiện hữu trước
đó.
Quá trình trị liệu nhận thức cho rối loạn lo
âu cũng theo nguyên tắc chung đã bàn ở trên: khi khái niệm hóa sự lo âu của một
người nào đó, chúng ta bắt đầu bằng việc đánh giá “ngưỡng lo âu” hoặc khả năng
chịu đựng sự lo âu của đương sự. Mỗi người có một ngưỡng lo âu chung cũng như
khả năng chịu đựng lo âu trong những tình huống chuyên biệt. Những ngưỡng lo âu
này có thể chuyển đổi để đáp ứng với các tác nhân gây stress trong đời sống hằng
ngày của đương sự và tùy thuộc vào những nguồn lực hỗ trợ sẵn có của đương sự.
Nhà trị liệu sẽ bắt đầu bằng việc hỏi về những sự kiện đặc hiẹu nào, tình huống
đặc hiệu nào và các tương tác nào có tác dụng khởi hoạt nỗi lo âu nơi đương sự.
Kế tiếp, nhà trị liệu sẽ thực hiện một sự
đánh giá về những suy nghĩ tự động đi kèm theo các cảm giác lo âu. Mặc dầu những
suy nghĩ của bản thân người bị lo âu thường tập trung xung quanh các chủ đề về
sự đe dọa và tính mẫn cảm của họ, nội dung riêng biệt của nỗi lo âu nơi mỗi người
có thể hoàn toàn mang tính riêng tư hoặc rất cá biệt, và có thể liên quan đến một
hội chứng có tính rất chuyên biệt.
Như giả thuyết về tính chuyên biệt nhận thức,
mỗi rối loạn lo âu có thể được phân biệt dựa trên nền tảng của các nội dung và
diễn tiến nhận thức kèm theo chúng. Ví dụ rối loạn hoảng sợ (panic disorder) được
tiêu biểu bởi sự nhạy cảm hoặc sự cảnh giác với các cảm giác cơ thể và một
khuynh hướng diễn nghĩa các cảm giác cơ thể này theo kiểu bi thảm hóa vấn đề.
Ví dụ, những cảm giác chóng mặt tạm thời có thể được diễn giải là do có một bướu
máu trên não, hoặc u trên não. Ám ảnh sợ khoảng rộng (agoraphobia), một cách đặc
hiệu, có thể bao gồm một nỗi sợ rằng bản thân không thể nhanh chóng đi đến được
một “khu vực an toàn”, chẳng hạn như nhà của mình, khiến cho đương sự hầu như
phải tránh né đi xe hơi, máy bay hoặc các phòng đông người – những nơi mà việc
‘trốn chạy’ này bị ngăn trở. Ngược lại, ám ảnh sợ chuyên biệt (specific phobia)
thường liên quan một đối tượng chuyên biệt (như sợ một con chó lớn) hay một
tình huống chuyên biệt (sợ nói trước đám đông). Rối loạn ám ảnh – cưỡng chế
tiêu biểu bởi sợ những suy nghĩ hoặc hành vi đặc thù nào đó. Trong khi rối loạn
lo âu lan tỏa (G.A.D – General Anxiety Disorder) liên quan đến một cảm nhận mơ
hồ về tính mẫn cảm dễ bị thương tổn và một nỗi lo sợ các mối nguy hiểm về cơ thể
hoặc về tâm lý của đương sự. Như đã nêu, khi cá nhân giáp mặt với tình thế, họ
sẽ có nhiều sự lượng giá. Điều đầu tiên là “nguy cơ nào có thể xảy đến cho tôi
trong tình huống này”. Kế tiếp là sự đánh giá các nguồn tiềm năng của bản thân
hoặc của môi trường có thể sẵn có đối với đương sự. Nếu đương sự nhận thấy mình
có thể đương đầu với nguy cơ, họ sẽ không lo âu. Các can thiệp nhận thức hướng
về việc giảm đi tri giác đe dọa và làm tăng cường niềm tin của cá nhân trong khả
năng đương đầu với tình thế. Tuy nhiên trước khi can thiệp, điều quan trọng là
phải đánh giá được rằng mối đe dọa kia là ‘có thật’ hay không, cá nhân đương sự
có thật sự thiếu khả năng đương đầu với tình thế hay không, và sự tri giác của
thân chủ về việc thiếu nguồn lực hỗ trợ là có chính xác hay không.
Ví dụ: Một nữ sinh viên 18 tuổi đang làm một
luận án tiến sĩ triết học than phiền là không có khả năng học môn ngoại ngữ cho
kỳ thi sắp đến. Cô run rẩy vì lo lắng lúc bắt đầu thi cử và bật khóc khi miêu tả
sự sợ hãi không vượt qua kỳ thi. Cô cảm thấy cuộc thi đã chứng tỏ rằng cô không
thể hoàn thành bằng tiến sĩ và cô là một người vợ, người mẹ không xứng đáng. Những
tư tưởng có tính bi thảm hóa xảy ra trong niềm tin là cô muốn ra sống ngoài đường
phố và tùy thuộc vào người khác, nhưng không có ai ở ngoài đường cả. Khi được hỏi,
có khi nào bị lo âu như thế trong quá khứ không, cô trả lời đã có trước khi đi
thi. Khi được hỏi có khi nào bị thi hỏng không, cô cười và cô trả lời “Dĩ nhiên
không, tôi chưa bao giờ đạt điểm B trong các kỳ thi, mà luôn luôn đạt điểm A”.
Mặc dầu chúng ta không thể tiên đoán khả năng đậu kỳ thi của cô một cách chắc
chắn, kinh nghiệm cuộc sống của cô cho thấy rằng sự tri giác về thiếu khả năng
đương đầu của cô ta là ảo tưởng hơn là thực tế. Tuy nhiên, nếu có sự thiếu sót
kỹ năng, các can thiệp hành vi sẽ là thích hợp và nên cố gắng phát triển năng lực
và xúc tiến các nguồn lực nâng đỡ của xã hội. Các nét nhân cách tự lập hoặc lệ
thuộc, thường ảnh hưởng đến cách thức mà mỗi cá nhân đương đầu với các tình huống
gây lo âu. Các cá nhân có nhân cách độc lập thường phát triển tư thế hướng về mục
đích và thích hành động trong khi các cá nhân có nhân cách lệ thuộc thường tìm
kiếm sự nâng đỡ, an ủi và sự bảo vệ của người khác. Các đáp ứng bình thường với
stress là chiến đấu, chạy trốn hoặc “đóng băng lại”. Những cá nhân có nhân cách
độc lập thường tìm cách chính mình giải quyết vấn đề, họ ít khi tìm kiếm sự
giúp đỡ một cách tự phát và không tìm đến sự trị liệu ngay. Họ thường miêu tả sự
lo âu bằng các triệu chứng sinh lý mơ hồ và có thể cảm thấy “sập bẫy” và bị lấn
quyền trong những phiên trị liệu. Nếu nhà trị liệu cố tạo ra một mối quan hệ gần
gũi, nồng nhiệt với thân chủ tự lập, hoặc đưa ra các lời khuyên trực tiếp hay
các bài tập làm ở nhà, điều này sẽ dễ khiến cho thân chủ lo lắng hơn và có thể
bỏ cuộc trị liệu. Ngược lại, các thân chủ có nhân cách lệ thuộc sẵn sàng tới trị
liệu nhiều lần. Họ cảm thấy sự lo âu làm cho họ bị tê liệt và tích cực tìm kiếm
sự hướng dẫn và nâng đỡ của người khác. Họ có thể tìm đến sự trị liệu nhiều lần
và có thể bận tâm về việc nếu họ không nói với nhà trị liệu mọi việc, khả năng
giúp đỡ của nhà trị liệu sẽ bị tổn hại. Khi bị stress, những cá nhân lệ thuộc dễ
có cảm giác trở nên yếu đuối vì cảm giác bị bỏ rơi. Họ thường theo lời khuyên của
nhà trị liệu và cần làm mẫu trước khi áp dụng các bài tập ở nhà. Tuy nhiên,
khuynh hướng chiếu theo quyền người khác của họ và tìm sự trấn an hay hướng dẫn
của người khác có thể sẽ giới hạn khả năng ứng phó của họ với những vấn đề
trong đời sống một cách độc lập. Vì thế, mục tiêu trị liệu cần phải khuyến
khích họ nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc phát hiện các vấn đề và đưa ra
những giải pháp khác. Không phải tất cả các phản ứng lo âu là giống nhau. Đúng
hơn, các khuôn mẫu triệu chứng biến đổi tùy theo từng người. Cá nhân này có thể
trải nghiệm các triệu chứng về cơ thể nhiều hơn như tim đập nhanh, khó thở,
chóng mặt, ăn khó tiêu, do dự hoặc các triệu chứng bốc hỏa. Trong những trường
hợp này cần ‘cá thể hóa’ sự trị liệu. Tuy nhiên, sự lo âu của một cá nhân khác
có thể đặc trưng bởi nỗi lo sợ về ‘điều tệ hại nhất sẽ xảy ra’ và những suy
nghĩ mất sự kiểm soát. Chương trình trị liệu của họ sẽ có phần nào khác nhau.
Khi trị liệu những rối loạn lo âu, thật ích lợi nếu giữ trong đầu tính biến
thiên này và tiếp cận mỗi triệu chứng một cách riêng biệt. Các rối loạn lo âu
thường có tính hay phát triển bên trong gia đình. Các rối loạn hoảng sợ, ám ảnh
– cưỡng chế, ám ảnh sợ và rối loạn lo âu lan tỏa là khá phổ biến trong số những
anh chị em ruột hơn là trong số những bà con xa. Mặc dầu các nghiên cứu nhấn mạnh
rằng các yếu tố di truyền có thể tham gia vào việc phát sinh các rối loạn này,
song vai trò của các yếu tố môi trường và học tập xã hội cũng được chứng minh
rõ ràng. Việc lượng giá lịch sử gia đình của thân chủ bị lo âu cũng có thể hữu
ích vì nó có thể cung cấp cho chúng ta những thông tin, các kinh nghiệm đầu đời
của thân chủ đã góp phần vào sự hình thành những niềm tin gây lo âu. Ngoài ra,
nó có thể soi sáng các thách thức mà các thành viên khác trong gia đình đương đầu
với các cảm giác lo âu, những đáp ứng đương đầu mà thân chủ đã học tập theo. Mục
tiêu là nhằm đạt được sự hiểu biết về nguồn gốc của những niềm tin ẩn ngầm bên
dưới của thân chủ và cách thức mà thân chủ đã học tập để quản lý các cảm giác
này.
Cũng như các vấn đề quan trọng khác về mặt
lâm sàng, việc trị liệu chứng lo âu bắt đầu bằng cách khái niệm hóa trường hợp
một cách chi tiết và mạch lạc. Bằng một nhãn quan theo kiểu hiện tượng học,
chúng ta tìm cách hiểu biết các suy nghĩ, cảm xúc và đáp ứng hành vi của các
thân chủ khi họ đương đầu với các tình thế gây lo âu. Các câu hỏi được đặt ra
như sau:
* Thân chủ có trong tình trạng nguy hiểm thật
sự, hay là sự đáp ứng của thân chủ đã trở nên quá mức với sự đe dọa? Nếu thân
chủ đối đầu với một đe dọa thực sự, sự tái qui lỗi sẽ là một biện pháp không
phù hợp.
* Thân chủ đã dùng sự qui lỗi nào để gán cho
nguyên nhân lo âu?
* Thân chủ có đánh giá đúng khả năng của mình
hay không, hay là nhà trị liệu có những quan điểm sai lệch về tính hiệu năng và
sự thuần thục của cá nhân mình.
* Thân chủ mong đợi gì về hành vi của mình và
hành vi của người khác? Các mong đợi cho mình và (nhà trị liệu) có hợp lý
không?
* Các suy nghĩ tự động và sai lệch nhận thức
đi theo sự lo âu là gì?
* Các sơ đồ và giả thuyết duy trì sự lo âu của
thân chủ là gì ?
* Các kỹ năng hành vi nào cần thiết để ứng phó
hiệu quả hơn? Thân chủ có thực hiện những hành vi kém thích ứng (ví dụ như
tránh né, sử dụng ma tuý, tìm kiếm thái quá sự an ủi) có thể làm tăng cảm giác
yếu đuối của mình hay không?
Việc xem xét các câu hỏi trên đây sẽ giúp nhà
trị liệu hướng đến một chương trình trị liệu hiệu quả và có hệ thống hơn.
3.
Các rối loạn nhân cách
Các rối loạn nhân cách ám chỉ tới các khuôn mẫu
suy nghĩ, tri giác và các quan hệ tương tác cá nhân có tính chất kéo dài, không
linh hoạt và kém thích ứng. Chúng có khuynh hướng xảy ra trong một loạt những
tình huống và thường kèm theo nhiều phiền lụy sau đó. Thông thường, chúng gây tổn
hại rất lớn trên các chức năng nghề nghiệp và xã hội. Rối loạn nhân cách khác với
các vấn đề lâm sàng quan trọng khác như (trầm cảm hoặc rối loạn lo âu) ở chỗ
chúng không thay đổi tho thời gian và không đặc trưng bởi các giai đoạn phiền
muộn từng đợt.
Giống như những vấn đề đã được bàn luận, mỗi
rối loạn nhân cách được mô tả như một hợp thành các nội dung và tiến trình nhận
thức (Layden 1993). Sơ đồ của một thân chủ có nhân cách lệ thuộc được tiêu biểu
bởi sơ đồ có hình thức “tôi là một người có tì vết hoặc không có khả năng” (bản
thân) hoặc “thế giới là một chỗ nguy hiểm” (thế giới) hoặc gia đình “nếu tôi có
thể duy trì quan hệ thân thiết với một người nâng đỡ, tôi có thể cảm thấy an
tâm”. Do đó một người rối loạn nhân cách lệ thuộc luôn luôn tìm mối quan hệ với
người khác, sợ mất mối quan hệ và cảm thấy thất vọng và lo âu khi mất sự ủng hộ
của người khác.
Ngược lại, một thân chủ rối loạn nhân cách
phân liệt, cũng cho rằng “thế giới là một chỗ nguy hiểm” (thế giới) nhưng đồng
thời cho rằng “những người khác cũng nguy hiểm hay ác độc” và giả định “nếu tôi
có thể tránh được các quan hệ thân thiết với người khác, tôi cảm thấy an toàn
hơn”. Do đó, các đáp ứng cảm xúc và hành vi hoàn toàn khác biệt. Họ có khuynh
hướng thờ ơ với sự khen ngợi hoặc chỉ trích của người khác, ít có bạn bè thân
thiết và có cảm xúc xa vời với người khác. Như một thân chủ đã phát biểu “giấc
mơ của tôi là học xong trường luật, như thế tôi có thể kiếm được nhiều tiền… rồi
tôi sẽ mua một hòn đảo mà tôi sẽ không bao giờ bàn bạc với ai. Đó là lý tưởng của
tôi”.
Những rối loạn nhân cách phản ảnh hoạt động của
những sơ đồ và giả định kém thích ứng (Beck và cs., 1990; Freeman, 1999). Mặc dầu
các sơ đồ này đã thích ứng trong hoàn cảnh mà từ đó nó đã được phát triển, từ
lâu nó đã mất đi các giá trị chức năng. Vì những niềm tin nằm bên dưới rối loạn
nhân cách là ngấm ngầm nên thường không được đem ra mổ xẻ. Do đó, các thân chủ
có khuynh hướng không xem các tri kiến, suy nghĩ, hành vi của mình là có vấn đề,
ít ra là trong lúc đầu. Các khó khăn của họ có tính cách ‘đẳng trương với cái
ngã’ (ego-syntonic).
Họ cho rằng vấn đề là nằm ở người khác. Như
trường họp người phụ nữ vừa nêu trên đã nói: ‘Tôi chỉ đang phát hiện ra vấn đề,
ho phải thay đổi chúng’. Bà tin rằng hành vi của mình là thích ứng và hợp lý và
rằng bà đang mang đến sự giúp đỡ cho người khác bằng cách nêu ra các khuyết điểm
của họ. Bởi vì các khó khăn của họ là đẳng trương với cái ngã. Các thân chủ rối
loạn nhân cách thường tìm đến nhà trị liệu là vì lý do trầm cảm, lo âu, giận dữ
hoặc khó khăn trong công việc hay quan hệ. Điều quan trọng nên nhớ rằng các mục
tiêu trị liệu thân chủ không được chia sẻ với người khác (gồm nhà trị liệu) nếu
thân chủ không muốn làm nêu rõ các vấn đề cốt lõi của mình, việc trị liệu vẫn
có hữu ích bằng cách cung cấp cho thân chủ các kỹ thuật để kiểm soát các cảm
xúc trầm cảm hoặc lo âu và giúp cho thân chủ phát triển các quan hệ tin cậy. Mặc
dầu tốn nhiều thời gian, phương pháp cởi mở dần dần những sơ đồ (schemata)
thông qua sự khám phá có hướng dẫn và sự chứng minh rằng các sơ đồ là kém thích
ứng, có thể dẫn đến kết quả hơn là sự đối đầu trực tiếp.
Trị liệu nhận thức đối với các rối loạn nhân
cách khác với tâm lý trị liệu nhận thức ngắn hạn (short-term cognitive
psychotherapy) vì nó cần thăm dò toàn diện hơn về nguồn gốc phát triển của các
sơ đồ (phân tích phát triển) và khám xét các cách thức trong đó sơ đồ được thể
hiện trong các quan hệ trị liệu. Tuy nhiên không giống như trị liệu tâm động học,
nhà trị liệu nhận thức không cho phép phát triển quan hệ chuyển di tiêu cực
(negative transference) như là một phương tiện, cho phép giải thích các xung
năng thúc đẩy bên dưới hoặc diễn giải chức năng của cái Tôi. Sự phát triển mối
quan hệ trầm cảm và giận dữ với nhà trị liệu sẽ làm tổn hại sự cọng tác trị liệu.
Tốt hơn là nên tấn công vào các tri kiến, các trông đợi và những cách qui lỗi
tiêu cực một cách trực tiếp. Mối quan hệ trị liệu được sử dụng như một bằng cớ
rằng niềm tin nằm ẩn ngầm bên dưới là không có thật.
Ví dụ: một phụ nữ 39 tuổi tìm kiếm sự trị liệu
vì luôn luôn cảm giác trầm cảm, lo âu và cảm giác trống rỗng. Trước đây bà đã lập
gia đình nhiều lần và mối quan hệ hiện tại (với một người nghiện ma túy và nghiện
rượu) vừa không thỏa mãn vừa bất ổn. Sau một cuộc trị liệu mạnh mẽ, bà đã mang
một món quà quý báu đến cho nhà trị liệu. Khi được hỏi tại sao, bà đã nhận xét
‘bất cứ khi nào một người đàn ông làm một điều gì cho tôi, tôi cảm thấy tôi phải
đáp lại nếu không ông ta sẽ rời bỏ tôi’. Bà kể rằng mình đã suy nghĩ nhiều về
nhà trị liệu, sẽ nghĩ rằng mình đã được trị liệu xong, và phải đến hồi kết
thúc. Trong tuần lễ trước đó, bà hay nằm mơ là người bạn tình sẽ rời bỏ mình.
Khi nhà trị liệu hỏi bà cảm thấy thế nào nếu ông ta từ chối nhận quà. Bà bắt đầu
bức xúc và khóc lóc. Lúc đó nhà trị liệu hỏi có điều gì ông đã nói hay làm để gợi
ý rằng ông sẽ từ bỏ bà và chấm dứt việc trị liệu, bà đã xác nhận là không có.
Nhà trị liệu nói như vậy là suy nghĩ từ đâu? Bà trả lời: không phải từ ông, mà
từ khi tôi mới lớn lên. Cuộc trị liệu tiếp tục với sự thảo luận làm thế nào bà
ta có thể nhận ra và đương đầu các phản ứng cảm xúc đặt nền tảng trên những sơ
đồ tiềm ẩn của bà.
Mối quan hệ trị liệu đóng một vai trò quan trọng
trong việc trị liệu các rối loạn nhân cách. Mối quan hệ trị liệu được sử dụng
như một tiểu vũ trụ của các đáp ứng mà thân chủ thực hiện với người khác. Tính
chất nhạy bén của mối quan hệ có ý nghĩa rằng nhà trị liệu phải rất thận trọng.
Đối với thân chủ rối loạn nhân cách lệ thuộc chỉ cần trễ 2 phút chờ đợi cũng
làm cho họ sợ bị bỏ rơi. Cần phải thảo luận trước về khung thời gian để trị liệu
với các thân chủ ngay từ khi khởi sự trị liệu. Ví dụ, nhiều thân chủ có thể đã
đọc về trị liệu nhận thức và mong đợi họ sẽ được trị liệu từ 10 đến 20 lần. Tuy
nhiên, vì tính kinh niên và trầm trọng của khó khăn của họ cần phải có một thời
gian lâu dài hơn. Mặc dầu thân chủ có thể mong đợi sự cải thiện một số triệu chứng
trong thời gian ngắn hơn. Cần ít nhất một năm đến 20 tháng để nhận ra và thay đổi
các niềm tin nằm bên dưới. Trị liệu nhận thức các rối loạn nhân cách là một
lãnh vực phát triển rất nhanh cho nghiên cứu và lý thuyết lâm sàng. Mặc dầu ít
công trình nghiên cứu thực nghiệm đã hoàn tất, kinh nghiệm lâm sàng của chúng
ta gợi ý rằng mô hình trị liệu nhận thức cung cấp một phương tiện tinh tế để hiểu
biết các kiểu cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi dai dẳng và làm thất bại bản
thân. Giá trị tiềm tàng của trị liệu nhận thức để trị liệu các thân chủ đầy
thách thức này là rất lớn lao, mặc dầu chưa được nhận biết được hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét