Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

NHÂN VIÊN XÃ HỘI TRONG ĐẠI DỊCH – NHÌN TỪ ANH QUỐC – Phần Cuối (*)

(*) Tựa được đặt lại

Đây là phần cuối được trích từ bài viết: VAI TRÒ CỦA NHÂN VIÊN XÃ HỘI TRONG ĐẠI DỊCH VÀ HỆ QUẢ CỦA NÓ - BÀI HỌC TỪ COVID-19 (The role of social workers in a pandemic and its aftermath: learning from Covid-19). Chúng tôi tiếp tục giới thiệu để bạn đọc tham khảo và có cách đối chiếu với tình hình ở Việt Nam

Nguồn: BASW - Hiệp hội Công tác Xã hội và Nhân viên Xã hội Chuyên nghiệp Anh Quốc

*BASW: British Association of Social Workers - Gọi tên đầy đủ theo chức năng là “The Professional Association for Social Work and Social Workers”

Xuất bản lần đầu: 28/5/2020

Người dịch: NGUYỄN ĐỨC TÀI – Cử nhân Tâm lý, Cử nhân Công tác Xã hội



CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CHIẾN LƯỢC KHẨN CẤP TẠI ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÁC ĐỐI TÁC TRONG CUNG ỨNG DỊCH VỤ

Để có thể sử dụng hiệu quả chuyên môn của mình, nhân viên xã hội trên khắp Vương quốc Anh cần phải được bố trí và tích hợp vào trong các cơ cấu có chức năng lên kế hoạch ứng phó khẩn cấp tại cấp địa phương và các cộng đồng (ví dụ chính quyền địa phương, các tổ hợp y tế-xã hội, hoặc rộng hơn là các hệ thống sức khỏe và chăm sóc liên cơ quan). Nhân viên xã hội vận dụng kỹ năng của họ cả khi tác nghiệp cá nhân lẫn khi là nhân tố hỗ trợ hoặc điều phối việc cung ứng những dịch vụ cứu trợ khẩn cấp mang tính chiến lược và lồng ghép.

Các dịch vụ xã hội luôn cần phải hoạt động liên tục “24/7”. Các nhóm công tác xã hội đáp ứng khẩn cấp làm việc kể cả ngoài giờ (social work emergency out of hours response teams), được xác định có vai trò “dẫn dắt mang tính chiến lược” (strategic leads) và vai trò này nên được bao gồm trong tất cả mọi quy trình hoạch định ứng phó khẩn cấp do Covid-19 hiện nay, với các chức năng và nhiệm vụ được định rõ bao gồm các giai đoạn trong khẩn cấp, sau khẩn cấp và giai đoạn hồi phục.

Nhân viên xã hội vận dụng những kiến thức cần thiết và quyền năng theo pháp luật quy định vào việc tổ chức ứng phó khẩn cấp liên cơ quan ở cấp địa phương, bảo vệ các quyền và phòng ngừa tác hại, bao gồm cả việc bảo vệ trẻ em và người lớn, đánh giá Luật Sức khoẻ Tâm thần (Mental Health Act assessments), xử lý bạo lực gia đình và thực hiện việc đánh giá về năng lực sức khoẻ tâm thần.

Với tất cả những vai trò trên, họ đặt trọng tâm đạo đức (ethical focus) vào việc tối ưu hoá quyền tự quyết của người dân (maximise empowerment of people), cho phép sự lựa chọn, kiểm soát và cùng sản xuất/làm việc với nhau (co-production/’working with’), ngay cả trong những tình huống gay go nhất.

Nhân viên xã hội chú trọng vào phẩm chất và khả năng có thể tiếp cận của các dịch vụ chăm sóc xã hội và công tác xã hội trong một hệ thống đáp ứng khẩn cấp đa cơ quan. Họ phải được phép theo dõi và giám sát chất lượng của những dịch vụ chăm sóc và các vấn đề nguy cơ đối với người dân (ở mọi lứa tuổi), cả về chăm sóc lẫn về cung ứng những phương tiện phục vụ đời sống và các bố trí khác. Họ cũng phải có khả năng tiếp tục vai trò kiểm định chất lượng về dịch vụ chăm sóc xã hội (social care) được cung cấp tận nhà thông qua chi trả trực trực tiếp hoặc hỗ trợ cá nhân. Các dịch vụ chăm sóc xã hội có thể bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19 và nhân viên xã hội cần có khả năng khắc phục tình huống một cách an toàn và nhanh chóng.

Nhân viên xã hội cần nhận diện, hỗ trợ và lên tiếng cho những người bị thiệt thòi nhiều nhất. Nhân viên xã hội thúc đẩy sự công bằng, bình đẳng và tiếp cận những người cần hỗ trợ nhất, vượt qua những rào cản về giao tiếp và sử dụng những kỹ năng quan hệ tốt để làm việc với những cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng (bao gồm việc chia sẻ những thông tin xấu), lập bảng chỉ dẫn, hỗ trợ những cá nhân, gia đình và cộng đồng ứng phó với những tình huống khó khăn, gây sang chấn.

Nhân viên xã hội là “hòn đá tảng” trong việc hỗ trợ sự bình ổn của cộng đồng trong những giai đoạn đầu tiên của tình trạng khẩn cấp và cũng cần phải đóng vai trò trung tâm của nhiệm vụ này trong cả những đáp ứng của giai đoạn phục hồi. Làm việc một cách gắn bó với cộng đồng là yếu tố mang tính sống còn của giai đoạn phục hồi và tái thiết sau đại dịch.

CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG CÁC GIAI ĐOẠN CỦA ĐẠI DỊCH 

Nguy cơ và tác động của Covid-19 đối với Anh Quốc sẽ thay đổi theo thời gian như thế nào thì chưa biết được chính xác và nó còn chịu ảnh hưởng bởi một số yếu tố bao gồm:

- Sự thành công cùa biện pháp phong toả và các biện pháp giãn cách xã hội tiếp diễn

- Hệ thống truy vết các ca nhiễm

- Giải pháp ngăn ngừa lây nhiễm nội viện, đặc biệt là trong các bệnh viện và dưỡng viện

- Giải pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng, bao gồm cả cho những ai đang được hỗ trợ đời sống và tiếp nhận hỗ trợ nhà ở

- Tác động của sự bất bình đẳng về y tế, sức khoẻ

- Hiệu quả của điều trị và vaccine

Trong bất cứ chi tiết nào đã được nêu, nhân viên xã hội đang và vẫn sẽ đóng vai trò trung tâm trong những giai đoạn và những đổi thay khác nhau trong thời gian diễn ra dịch bệnh này.

Cụm từ “các giai đoạn” (phases) được sử dụng khá uyển chuyển ở đây và có thể được xét lại trong các phiên bản tiếp theo. “Các giai đoạn” không nên được hiểu như là những diễn tiến theo trình tự một cách cứng nhắc hoặc cũng không nên xem như là một kiểu trải nghiệm giống nhau ở tất cả mọi người. Chúng chỉ mang tính chất biểu thị (indicative).

Vai trò và nhiệm vụ của nhân viên xã hội ở các giai đoạn khác nhau bao gồm:

Từ lúc khời đầu và đang diễn tiến của đại dịch

Chia sẻ thông tin về việc giảm thiểu sự lan rộng ban đầu của Covid-19

Từ lúc khởi đầu cho đến khi đi vào phục hồi và tái thiết

Hỗ trợ và giúp giảm nhẹ tức thời, cả về thực tế lẫn về cảm xúc. Bao gồm những hỗ trợ đặc biệt cho những ai đang bị bệnh hoặc mất người thân. Bao gồm việc thích ứng nhiệm vụ của công tác xã hội vào hoàn cảnh trải qua đại dịch, đó là vai trò “che chắn, bảo vệ” (safeguarding) trong hoàn cảnh địa phương bị phong toả.

Khi diễn tiến dịch ban đầu được thuyên giảm, số ca tử vong và ca nhiễm giảm đi, và các biện pháp kiểm soát ban đầu được nới lỏng

o Hỗ trợ phục hồi – về cảm xúc lẫn về thực tế.  Phát hiện, nhận biết các sang chấn và những tác động về mặt cảm xúc.

o Giải quyết các yêu cầu bị tồn đọng mà nay cần đến dịch vụ công tác xã hội, ví dụ: học sinh trở lại trường học, nới lỏng phong toả và sinh hoạt được bình thường hoá.

Khi đại dịch thuyển giảm nhiều hơn, người dân bắt đầu nhìn về tương lai dài dạn – bao gồm cả những người ở cấp hoạch định chính sách và người lãnh đạo chuyên môn

Tái thiết – chuyển dịch từ hiểu biết sang hành động và xây dựng trạng thái “bình thường mới”. Đối với công tác xã hội, quan trọng là phải nhận ra những cách thực hành và phục vụ tốt hơn nhờ những kinh nghiệm rút ra từ Covid-19.

Xuyên suốt đại dịch, nhưng nhấn mạnh trong trạng thái “bình thường mới”, là phải đảm bảo những biện pháp và hành vi giúp phòng tránh nhiễm bệnh

Chuẩn bị và dự phòng ngừa thứ cấp, từ hiểu biết sang hành động, để phòng ngừa những đợt bùng phát mới

Xác định đúng thời điểm, bằng suy nghiệm và hiểu biết, và giai đoạn “bình thường mới”

Các nghi thức mặc niệm và tưởng nhớ - tiếp tục hỗ trợ cho những trường hợp đau thương và sang chấn tập thể

Xuyên suốt đại dịch, nhưng nhấn mạnh trong trạng thái “bình thường mới”, nhiệm vụ cốt lõi của công tác xã hội trong tương lai

Làm việc với cộng đồng để nâng cao năng lực vượt khó của địa phương (support local resilience) và sự hồi phục tiếp diễn trong dài hạn.

Xuyên suốt đại dịch, nhưng nhấn mạnh trong giai đoạn phục hồi và tái thiết

Tiếp tục biết cách tự chăm sóc, cả về thể lý, tinh thần và cảm xúc, cùng sự lành mạnh về sức khoẻ tâm thần

HỖ TRỢ CHO NHÂN VIÊN XÃ HỘI

Xuyên suốt quá trình ấy, nhân viên xã hội cần được hỗ trợ tốt, bao gồm những điều sau:

- Giám sát và quản lý hiệu quả trong tất cả các “giai đoạn” của dịch bệnh và cần những đôi tai biết lắng tai nghe của các cấp lãnh đạo địa phương

- Cung cấp những khuyến nghị rõ ràng và những nguồn lực để giảm những nguy cơ về sức khỏe và giúp họ được an toàn trong công việc

- Bố trí công việc sao cho họ có thể công tác an toàn, hiệu quả và vẫn giữ được sự lành mạnh trong những thời điểm khác nhau của đại dịch

- Tập huấn và thông tin liên tục

- Tiếp cận những thiết bị công nghệ thông tin và kỹ thuật số để tối ưu hoá làm việc từ xa, vd. Làm việc tại nhà và tiếp cận trực tuyến với người dân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...