Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

DỊCH VỤ SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO THÂN CHỦ TRONG TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG HOẶC THẢM HOẠ - Kỳ 3 và hết

“Providing Mental Health Services to Clients in Crisis or Disaster Situations”
Tác giả: HOWARD B. SMITH
Nguồn: Hội Tham vấn Hoa Kỳ (ACA)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Kỳ 3 và hết

Có lẽ sai sót thường gặp nhất của một chuyên viên thực hành được huấn luyện kém trong lĩnh vực này đó là thường hay “bệnh lý hoá” (pathologize) thân chủ của mình. Thật vậy, những phản ứng của thân chủ có thể diễn tiến cấp tính, can thiệp vào chức năng sống thường ngày, ít ra cũng làm thân chủ khó chịu và mất sức sống, tùy theo loại sự kiện gây thảm hoạ là gì; tuy nhiên, đây là những cảm nhận, cả về thể lý lẫn cảm xúc, khiến người ta có thể trông đợi sẽ có tình trạng sang chấn đi kèm theo sau đó. Ở mức độ tệ nhất là khi một sự đánh giá kém dẫn đến kết quả là nhập viện quá mức cần thiết (overhospitalization) (Hoff, 1995). Shapiro and Koocher (1996) đã lưu ý chúng ta về một giả định cơ bản trong can thiệp khủng hoảng đó là: phần lớn các phản ứng đối với khủng hoảng là KHÔNG phải bệnh lý. Theo Hoff (1995), chỉ riêng việc ta “chẩn đoán” (hoặc “đánh giá quá mức”) một người nào đó đang trải qua khủng hoảng thì ta đã xem các phản ứng với khủng hoảng như là một căn bệnh, thay vì là một cơ hội để tăng trưởng.

Điều quan trọng là cần phải nêu ra đây một bàn luận tóm tắt (brief discussion) về cách phân loại tâm lý theo mức độ nặng nhẹ (psychological triage). Các chuyên viên sức khoẻ tâm thần “tầm trung” thường không xem xét việc cung ứng dịch vụ theo nhãn quan phân loại nặng nhẹ (triage perspective). Các chương trình đào tạo tham vấn của chúng ta (Hoa Kỳ) hiếm khi chạm đến chủ đề này. Cách tiếp cận phân loại nặng nhẹ (triage approach) cung cấp một quá trình lấy quyết định về việc ưu tiên điều trị sao cho số người nhận sự chăm sóc đúng đắn có thể đạt mức tối đa và những mất mát thì có thể được hạn chế đến mức tối thiểu tuỳ theo hoàn cảnh. Phần việc ban đầu của cách phân loại nặng nhẹ là phải xác định những cá nhân nào đang chịu tác động rõ rệt nhất bởi khủng hoảng hoặc thảm hoạ để họ có thể tức thời nhận được sự hỗ trợ tâm lý ban đầu (psychological first aid). Nó cũng bao gồm việc lấy những quyết định liên quan đến nhu cầu cần trị liệu tâm lý dựa trên diễn biến của tình hình. Ngoài ra, đây cũng là công cụ để xác định ai là người không cần đến bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Myer (2001) cho rằng nếu muốn đạt hiệu quả tối ưu các chiến lược can thiệp khủng hoảng phải thoả 3 tiêu chí như sau:

Một là, can thiệp khủng hoảng là quá trình có tính chất giới hạn về thời gian, một khoảng thời gian kéo dài không quá 6 tuần. Số lượng và thời lượng của các phiên làm việc thay đổi rất nhiều tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của các vấn đề cụ thể mà thân chủ đang đối mặt vào thời điểm đó. Mói chung, nếu một thân chủ cần sự hỗ trợ về sức khoẻ tâm thần ngoài thời gian 6 tuần này, cách tốt nhất là chuyển người đó sang một liệu trình liên tục hơn (ongoing therapy).

James and Gilliland (2005) nhấn mạnh các can thiệp trong khoảng thời gian này cần phải có tính định hướng hoạt động (action oriented), phải cho thân chủ những “bài tập về nhà” (home assignments) để họ thực hiện bên ngoài các phiên trị liệu.

Hai là, can thiệp khủng hoảng phải nêu ra một chủ đề chuyên biệt và cố gắng giúp thân chủ giải quyết chủ đề đó. Vì thế, phải tập trung vào việc thiết lập và duy trì những mục đích thực tế chỉ riêng cho chủ đề ấy thôi. Nếu các chủ đề khác phát sinh, phải bảo đảm rằng chúng phải có liên quan đến việc giải quyết sự kiện gây khủng hoảng hoặc thảm hoạ.

Ba là, có một “chiều kích trị liệu độc đáo” (unique treatment dimension). Slaikeu (1990) cho rằng mục đích của “can thiệp bậc 1” (first-order intervention) là tái thiết lập khả năng ứng phó tức thời và cung cấp sự hỗ trợ. Việc này có thể được gọi là hỗ trợ tâm lý ban đầu (psychological first aid) như đã nêu ở phần trên. Đây là điều tối quan trọng để giúp thân chủ trở lại làm chủ sức mạnh của bản thân họ. Điều này đòi hỏi các chuyên viên thực hành cung cấp sự hỗ trợ, nhưng trọng tâm phải là phần hoạt động chức năng (functionality). Các mục đích của can thiệp khủng hoảng bậc 2 (second-order) là thống hợp các trải nghiệm vào cuộc sống của thân chủ bằng cách phát triển những kỹ năng ứng phó mới và thích ứng với khủng hoảng hoặc thảm hoạ như là một phần “quá khứ” của thân chủ (nhấn mạnh vào “quá khứ”, “đã qua”) để giúp họ đi đến chỗ nhận ra “tôi là một người sống sót/người đã trải qua” (I’m a survivor) thay vì nhận ra theo kiểu “tôi là một nạn nhân” (I’m a victim).

Greenstone and Leviton (2002) đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho các chuyên viên sức khoẻ tâm thần để can thiệp khủng hoảng hiệu quả: 

(1) Hành động tức thời để ngăn lại việc “chảy máu cảm xúc” (emotional bleeding)

(2) Giữ quyền kiểm soát (take control) và bằng cách làm như thế ta có thể giúp tái lập trật tự đối với tình trạng hỗn độn đang diễn ra trong cuộc sống lúc đó của thân chủ

(3) Đánh giá tình thế một cách chính xác để xác định điều gì đang gây rối loạn cho thân chủ ở ngay thời điểm đó

(4) Quyết định cách làm thế nào để xử lý tình huống đó bằng cách giúp thân chủ nhận ra và huy động các nguồn lực của chính họ

(5) Thực hiện việc chuyển gửi thân chủ khi cần

(6) Theo dõi thân chủ để bảo đảm rằng họ đã tiếp xúc với nơi được chuyển gửi

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...