Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

SỰ PHÂN LY VÀ TÌNH TRẠNG ĐA NHÂN CÁCH

“Dissociation and Multiple Personalities” 
Tác giả: David G. Myers 
Nguồn: Psychology – Seventh Edition, Worth Publishers

Người dịch: Nguyễn Minh Tiến (2008) 


Có hay không một tình trạng gọi là "đa nhân cách"?

Trong số các rối loạn tâm thần hiếm gặp và thu hút sự quan tâm nhiều nhất, có một tình trạng được gọi tên là rối loạn phân ly (dissociative disorders). Người bị rối loạn ấy có thể trải qua tình trạng đột ngột bị mất trí nhớ hoặc tự nhiên thay đổi hẳn về mặt bản sắc (identity). Con người thường “tự phân ly bản thân mình” khi đứng trước một hoàn cảnh gây stress quá sức chịu đựng. Khi đó ý thức của người đó sẽ được cách ly với những gì đau thương nhất, cả trong ký ức, suy nghĩ và cảm xúc (Cách lý giải này thừa nhận sự tồn tại của những ký ức bị dồn nén, nghĩa là thừa nhận sự tồn tại của vô thức).

Một số triệu chứng của tình trạng phân ly thực sự không phải là hiếm gặp. Đó đây vẫn có nhiều người có cảm nhận về bản thân mình như là không có thực, hoặc cảm giác về tâm trí mình bị tách rời khỏi thân thể, hoặc có người tự quan sát bản thân mình như một nhân vật trong một cuốn phim... Một người có thể lên xe và đi đến một nơi nào đó không định trước trong khi đầu óc thì hoàn toàn nghĩ đến một nơi khác. Khi đương đầu với một sang chấn, một sự phân tách như thế có thể thực sự giúp bảo vệ cho đương sự tránh khỏi tình trạng bị tràn ngập bởi các xúc cảm. Chỉ khi những trải nghiệm như thế có tính chất nghiêm trọng và kéo dài thì người ta mới gọi đó là rối loạn phân ly.

Đặc biệt nhất trong số các rối loạn phân ly là tình trạng có tên rối loạn bản sắc phân ly (dissociative identity disorder), trong đó có sự phân ly toàn bộ bản ngã ra khỏi phần ý thức thường ngày của đương sự. Những người này được cho là có từ hai hoặc nhiều hơn hai “nhân thân” khác nhau (tức các phần nhân cách có bản sắc khác nhau) mà các phần này luân phiên nhau kiểm soát các hành vi của đương sự. Những người bị chứng rối loạn này có thể lúc này thì nghiêm túc và chuẩn mực, nhưng lúc khác thì lại nhí nhố, lăng nhăng. Mỗi một nhân cách sẽ có tác phong và ngôn phong riêng của nó, và một cách đặc trưng thì nhân cách gốc ban đầu sẽ chối bỏ không thừa nhận những nhân cách khác đang cùng tồn tại.

Mặc dù những người được chẩn đoán là đa nhân cách (multiple personalities) thường không có hành vi bạo lực, nhưng cũng có những trường hợp được báo cáo trong đó đương sự bị phân ly thành hai nhân cách “tốt” và “xấu” (hung hăng) – giống như nhân vật bị phân tách làm hai Tiến sĩ Jekyll và Ông Hyde trứ danh trong câu truyện của Robert Louis Stevenson. Freud hẳn cũng sẽ cho rằng khi loại bỏ được sự nhận biết có ý thức của phần nhân cách ban đầu vốn là “tốt”, phần nhân cách thứ hai với tính chất “xấu” sẽ tự do phóng thích các xung năng mà trước đó đã bị ý thức cấm cản. Sự diễn giải này dường như phù hợp với Kenneth Bianchi, một con người bất thường đã bị đưa ra tòa như một kẻ chuyên gây án theo kiểu “bóp cổ trên sườn đồi”, kẻ đã từng cưỡng bức và giết chết mười phụ nữ ở bang California, Hoa Kỳ. Trong một buổi thực hiện thôi miên cho Bianchi, nhà tâm lý John Watkins (1984) đã “gọi được” một nhân cách đang bị ẩn giấu của anh ta: Tôi đã nói chuyện một ít với Ken, nhưng tôi nghĩ rằng có thể đã có một phần khác của Ken mà tôi đã không thể nói chuyện được, một phần được cảm nhận như có chút gì đó hơi khác với cái phần mà tôi đã nói chuyện... Khi tôi hỏi ‘‘Anh nói chuyện với tôi chứ?” Bianchi trả lời “Vâng”, nhưng sau đó tự nhận tên mình là “Steve”.

Khi nói chuyện như là một người tên Steve, Bianchi đã nói anh ta (Steve) ghét Ken (cũng chính là Bianchi), bởi vì Ken là người tốt, còn Steve với sự trợ giúp của một người bà con mới chính là kẻ đã giết chết những phụ nữ. Steve cũng cho rằng Ken chẳng biết gì về sự hiện diện của Steve cả và Ken vô tội không phải là kẻ giết người. Liệu rằng cái nhân cách thứ hai của Bianchi có phải là một trò bịp bợm và chạy tội cho những hành động của anh ta hay không? Câu trả lời là “Đúng”. Bianchi, một “chuyên gia nói dối”, một người đã từng đọc các sách tâm lý học viết về đề tài đa nhân cách, và anh ta sau đó đã bị kết án.

Trong khi khảo sát khả năng của con người trong việc chuyển đổi nhân cách, Nicholas Spanos (1986, 1994, 1996) đã yêu cầu một số sinh viên đại học giả định là họ đang bị kết tội là kẻ sát nhân và đang được khám xét bởi một bác sĩ tâm thần. Khi những sinh viên ấy được trải qua sự thôi miên tương tự như cách đã làm với Bianchi, hầu hết trong họ đều tự nhiên thể hiện ra một nhân cách thứ hai. Khám phá này khiến cho Spanos đặt câu hỏi: Phải chăng những “bản sắc” (identity) khác nhau là những phiên bản “cực đoan” hơn của những khả năng bình thường ở con người trong việc thay đổi những cái “ngã” khác nhau mà chúng ta vẫn thường thể hiện – chẳng hạn như ta vẫn thường thể hiện cái tính cách “ngông nghênh”, “quậy phá” khi bù khú với bạn bè, trong khi đó lại thể hiện một cách ngã rất dịu dàng, tôn kính khi ở cạnh ông bà, cha mẹ? Liệu rằng những nhà lâm sàng đã phát hiện ra tình trạng đa nhân cách chỉ vì họ đã kích hoạt khả năng diễn xuất một vai trò nào đó ở những người có xu hướng hay huyễn tưởng (fantasy-prone)? Nếu điều ấy đúng, liệu những người này sau đó có tự thừa nhận rằng thực sự họ chỉ diễn xuất các vai trò của chính họ mà thôi? Họ có giống như các diễn viên không, vì những người này vẫn có lúc thấy mình “tự đánh mất bản thân” trong các vai diễn?

Những tác giả nào công nhận tình trạng bản sắc bị phân ly (dissociative identity) thực sự là một rối loạn có thể tìm thấy những bằng chứng hỗ trợ cho quan điểm của họ trong các trạng thái hoạt động của não bộ và cơ thể trong những nhân cách khác nhau (Putnam, 1991). Khuynh hướng hoạt động bằng một tay (handedness) đôi khi cũng làm chuyển đổi nhân cách (Henninger, 1992). Những ký ức mơ màng về những trải nghiệm của nhân cách này đôi khi không thể chuyển sang cho một nhân cách khác (Eich, 1997). Trong một nghiên cứu của một số bác sĩ nhãn khoa, người ta nhận thấy rằng sự tinh tế về thị lực và sự cân bằng hoạt động của các cơ vận nhãn có thể bị thay đổi khi người bệnh bị chuyển đổi nhân cách. Những thay đổi này không xảy ra trong số những đối tượng nghiên cứu thuộc nhóm đối chứng đang cố giả vờ có tình trạng đa nhân cách (Miller, 1991).

Những người hoài nghi thì vẫn có những nghi ngờ về việc tình trạng đa nhân cách đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian cuối thế kỷ 20. Ở khu vực Bắc Mỹ, số lượng các trường hợp được chẩn đoán từ khoảng 2 ca mỗi thập niên (trong khoảng thời gian 1930-1960) tăng lên đến 20.000 trường hợp chỉ trong thập niên 1980 (McHugh, 1995a). Số lượng các nhân cách được thể hiện cũng tăng vọt từ 3 lên đến 12 nhân cách trên mỗi bệnh nhân (Goff & Sims, 1993). Bằng cách nào mà một loại rối loạn rất có ấn tượng như thế lại có thể trải qua một thời gian dài không được chú ý đầy đủ như vậy? Liệu sự gia tăng đột biến các ca được chẩn đoán có phải là do ảnh hưởng bởi các sách vở và phim ảnh về trạng thái đa nhân cách đã được phát hành trong thời gian đó? Trong khi đó ở khu vực Nam Mỹ, nhiều thầy thuốc lâm sàng đã chẳng hề gặp phải một trường hợp phân ly bản sắc nào và rối loạn này hầu như được xem là không tồn tại, mặc dù ở một số nước, có một số người đã được cho là “sở hữu” thêm một “tinh thần lạ” (alien spirit) (Altridge-Morris, 1989; Kuft, 1991). Ở Anh, chẩn đoán đa nhân cách được xem là hiếm và là một “thói dở hơi theo kiểu Mỹ” (a wacky American fad) (Cohen, 1995). Tại Ấn Độ và Nhật Bản, rối loạn này được xem là không tồn tại.

Đối với những người hoài nghi, những phát hiện này cho thấy đây là một hiện tượng có tính văn hóa – nghĩa là một loại rối loạn được tạo dựng nên bởi các nhà trị liệu trong một bối cảnh xã hội đặc thù nào đó (Merskey, 1992). Những bệnh nhân khi tham gia vào việc trị liệu đã không thể nói rằng “Cho phép tôi tự giới thiệu về bản thân mình”, mà thay vì vậy, những nhà trị liệu đã “thả câu” (go fishing) để tìm kiếm tình trạng đa nhân cách thông qua những câu hỏi như “Bạn có bao giờ cảm thấy một thành phần khác trong con người bạn làm những điều mà bạn không thể kiểm soát được? Thành phần này của bạn có một tên gọi riêng không? Liệu tôi có thể nói chuyện với với cái con người đang giận dữ bên trong bạn không?” Một khi bệnh nhân cho phép nhà trị liệu nói chuyện, bằng tên riêng, với “con người đang nói ra những điều giận dữ ấy bên trong bệnh nhân” thì bệnh nhân sẽ bắt đầu thể hiện cái huyễn tưởng ấy ra bên ngoài thông qua những hành động của họ (acting out the fantasy). Kết quả có thể dẫn đến một hiện tượng có thật là bệnh nhân có thể trải nghiệm về bản thân mình với một bản ngã hoàn toàn khác. Tuy nhiên, những người hoài nghi nói rằng cũng chẳng phải là điều trùng hợp khi mà các nghiên cứu về đa nhân cách đã bắt đầu được thực hiện bởi những nhà thực hành thôi miên và rằng các triệu chứng thường thể hiện ngoạn mục nhất sau khi bắt đầu trị liệu (Goff, 1993; Piper, 1998).

Trong rối loạn phân ly cũng như các rối loạn lo âu, cả trường phái phân tâm lẫn những người theo lý thuyết học tập (learning perspective) đều cho rằng các triệu chứng là những cách thức mà đương sự sử dụng để đương đầu với sự lo âu. Các nhà phân tâm xem triệu chứng như là cơ chế phòng vệ chống lại lo âu gây ra bởi sự tuôn trào của các xung năng không thể chấp nhận được. Các tác giả theo lý thuyết học tập lại xem chúng như những hành vi được củng cố bằng hiệu quả làm giảm lo âu của chúng.

Một số tác giả khác xem rối loạn phân ly như là các rối loạn sau sang chấn tâm lý (post-traumatic disorders) – một cách thức đáp ứng tự nhiên và có tính bảo vệ đối với “lịch sử các sang chấn thời thơ ấu” (Putnam, 1995). Các nhà nghiên cứu vẫn còn đang tranh luận về việc liệu những bệnh nhân có rối loạn bản sắc phân ly đã từng có tình trạng bị xâm hại về thể chất, tình dục hoặc tinh thần lúc thơ ấu hay không (Greaves, 1996; Lilienfeld, 1999). Một cuộc nghiên cứu trên 12 kẻ sát nhân được chẩn đoán là có rối loạn bản sắc phân ly đã cho thấy có 11 trường hợp trong số đó đã từng bị xâm hại nghiêm trọng lúc còn nhỏ (Lewis, 1997). Một trường hợp đã bị cha mẹ của mình châm lửa đốt; một trường hợp khác đã từng bị sử dụng vào những trò chơi khiêu dâm trẻ em và đã từng hoảng sợ khi bị đặt ngồi lên một bếp lò đang cháy. Khi ấy, tình trạng đa nhân cách có thể là sự cố gắng một cách tuyệt vọng của những nạn nhân muốn lẫn trốn vào bên trong (to flee inward).

Nhưng những người hoài nghi lại thắc mắc thế thì tại sao những trẻ em sống sót từ các cuộc thảm sát người Do Thái, từ các trại tập trung phát xít và chứng kiến cha mẹ bị giết hại lại không phát sinh các chứng rối loạn bản sắc phân ly? Liệu rối loạn này có phải đã được tạo nên bởi những người có xu hướng huyễn tưởng và dễ thay đổi về cảm xúc hay là đã được tạo dựng nên từ trong các tương tác giữa bệnh nhân và nhà trị liệu? Nếu thế, sẽ không có sự cảm thông nào trong phán xét của lịch sử. Chuyên gia tâm thần học Paul McHugh (1995b) tiên đoán rằng “trận dịch này” sẽ chấm dứt theo cách thức mà thói đam mê trò phù thủy đã kết thúc ở Salem. Hiện tượng đa nhân cách sẽ được xem như một sản phẩm nhân tạo và cách giải thích về một “ký ức bị dồn nén” là một điều sai lầm, còn các bác sĩ tâm thần sẽ không còn áp dụng những phương pháp thực hành dễ tạo ra những chứng bệnh không thật như thế nữa...


1 nhận xét:

  1. Con cảm ơn thầy và Trăng Non đã chia sẻ một bài viết rất hay ạ.

    Trả lờiXóa

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...