Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

DSM VÀ LỊCH SỬ ĐẦY QUYẾN RŨ CỦA NÓ

“The DSM and its Fascinating History”
Nguồn: Exploring Your Mind - Last update: 02 August, 2021

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



*DSM: Viết tắt của chữ “Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, tức là “Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần”

Đối với một số người, câu chuyện của DSM là một câu chuyện thất bại. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta vẫn sử dụng sổ tay này như một công cụ chẩn đoán chính cho bệnh tâm thần.

Lịch sử của DSM là câu chuyện về cách một bộ phận của nhân loại quan niệm về tâm trí con người. Nhiều quốc gia vẫn sử dụng sổ tay này như một công cụ chẩn đoán chính cho bệnh tâm thần. Tuy nhiên, sự phát triển của nó vẫn là chủ đề gây tranh cãi và theo thời gian, nhiều câu hỏi đã được đặt ra.

Một trong những lời chỉ trích đầu tiên là, mặc dù tên của nó (có chữ “Thống kê” – ND), nó lại không chứa số liệu thống kê. Các câu hỏi cũng xoay quanh cách thức mà sổ tay phân loại các rối loạn tâm thần. Hơn nữa, bản thân lịch sử của DSM chứa các chương dường như hoàn toàn trái ngược với bản chất khoa học của nó.

Thường thì các rối loạn mà họ mô tả trong sách hướng dẫn này được sử dụng để dán nhãn cho con người nhiều hơn là như các phương pháp điều trị. Ngoài ra, phương pháp điều trị mà họ đề xuất hầu như luôn luôn là dùng thuốc. Nhiều chuyên gia chỉ trích thực tế này. Nhưng dù sao, chúng ta cũng hãy xem xét kỹ hơn lịch sử hấp dẫn của DSM.

“Chúng ta sẽ bắt đầu cho điều gì đó mới mẻ hoặc liệu pháp chữa trị sẽ được thiết lập nên bởi một “viên thần dược”? Liệu tâm thần học có được thiết lập lại không? Trên cơ sở nào? Một thời kỳ thú vị đang đến. ”

-Alejandro García-

Lịch sử của DSM

Tại Hoa Kỳ, một hệ thống chính thức đầu tiên để phân loại các rối loạn tâm thần đã được đưa ra vào năm 1917. Nó được thiết kế bởi Hiệp hội Tâm lý - Y học Hoa Kỳ (American Medico-Psychological Association). Tổ chức này sau đó trở thành Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association - APA). Tuy nhiên, phải đến năm 1952, họ mới xuất bản quyển DSM lần đầu tiên. Đây là DSM 1.

Một trong những khía cạnh có vấn đề trong lịch sử của DSM là nó xuất hiện vào thời điểm mà người ta rất quan tâm đến một “xã hội đang được an bình trở lại” (pacifying society) sau những chuyện tàn bạo đã xảy ra trong Thế chiến thứ hai. Trên thực tế, APA đã tiếp cận nhiều nhà tâm lý học quân sự để thiết kế nên quyển cẩm nang này.

Ngay từ đầu, một câu hỏi đã được đặt ra liên quan đến việc phân loại các rối loạn tâm thần theo cách thức phân loại như vậy. Những lời chỉ trích này đến từ các lĩnh vực tâm lý học và phân tâm học khi họ vẫn duyy trì những quan điểm mang tính tổng thể hơn. Khởi đầu, DSM  chỉ phân loại cho một số ít rối loạn thôi. Điều này dẫn đến phiên bản thứ hai bao gồm 36 chứng rối loạn.

Bước ngoặt

Có một bước ngoặt cụ thể trong lịch sử của DSM. Nó xảy ra khi David Rosenhan thực hiện thí nghiệm nổi tiếng của mình.

Thí nghiệm nổi tiếng này mang tên “Thud Experiment”, được thực hiện năm 1973 bởi David Rosenhan, giáo sư tại Đại học Standford. Trong đó, một nhóm người tình nguyện, giả vờ mình có triệu chứng ảo giác và được đưa vào một số bệnh viện tâm thần tại Hoa Kỳ, nhưng sau đó thì lại thể hiện như người bình thường không triệu chứng. Tất cả đều đã được chẩn đoán là “có bệnh” và đã được dùng thuốc để chữa trị. Thực nghiệm này được công bố trên tạp chí Science dưới tiêu đề "On Being Sane in Insane Places" – Nghĩa nôm na là “Trở nên điên ở những nơi điên”. Thực nghiệm này là cách để kiểm tra độ tin cậy của các chẩn đoán tâm thần. Nghiên cứu cũng kết luận "rõ ràng là chúng ta không thể phân biệt được người khỏe mạnh với người mất trí trong các bệnh viện tâm thần" và cũng minh họa cho sự nguy hiểm của việc dán nhãn và sự phi nhân tính hoá (dehumanization) trong các bệnh viện tâm thần thời đó. – Chú thích của người dịch.

Trên thực tế, Rosenhan đã chứng minh rằng các tiêu chuẩn chẩn đoán được sử dụng trong DSM là cực kỳ không chính xác và có tính rủi ro. Do đó, người ta đã đặt những nghi vấn đối với tâm thần học. Đối mặt với điều này, bác sĩ tâm thần Robert Spitzer đã phát động một cuộc tấn công. Kết quả của việc này là sự ra đời của DSM III.

Robert Leopold Spitzer (1932-2015) - bác sĩ tâm thần và giáo sư tâm thần học tại Đại học Columbia, Thành phố New York, Hoa Kỳ. Ông là người có công lớn trong việc phát triển Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần (DSM) – Chú thích của ND

Ý tưởng là tạo ra một cuốn sổ tay với việc hoàn toàn bỏ qua bất kỳ sự chủ quan nào. Mãi cho đến thời điểm đó, quyển sổ tay vẫn bao gồm các nguyên nhân có thể gây ra rối loạn cũng như một số nhận xét nhất định về các phương pháp điều trị. Tuy nhiên, phiên bản thứ ba (DSM III) đã loại bỏ hết những việc này. Trên thực tế, phiên bản này nhằm mục đích là lập ra một danh sách các chứng rối loạn và mô tả các tập hợp triệu chứng xác định cho từng loại rối loạn.

Ai đã thực hiện công việc này? Chính là một nhóm các bác sĩ tâm thần người Mỹ. Họ đã xác định từng chứng rối loạn và đặc điểm của nó như thế nào? Thông qua một phương thức cực kỳ “dân chủ”: đó là bỏ phiếu. Nếu đa số bỏ phiếu để thông qua một rối loạn nào đó, họ đã đưa nó vào danh sách. Nếu không, họ loại bỏ nó. Chỉ có các bác sĩ tâm thần thuộc trường phái “cơ hữu” này (organic school) mới được nhận vào nhóm.

Mục đích là nhằm đưa quyển sổ tay này vào sử dụng phổ quát. Trong thực tế, là cho tất cả các nền văn hóa và cho tất cả các cá nhân. Danh sách cuối cùng bao gồm 265 chứng rối loạn. Điều duy nhất không được chấp thuận là "hội chứng trẻ em không điển hình" (atypical child syndrome) mà người tạo ra nó định nghĩa là "một đứa trẻ không thể định nghĩa được là gì ngoài sự biểu hiện  các triệu chứng không điển hình" (a child with indefinable but atypical symptoms).

DSM ngày nay

Năm 1994, họ tạo ra phiên bản thứ tư của DSM (DSM IV). Cũng như trước đây, họ dự định cung cấp độ chính xác và tính chuyên biệt hơn cho các khái niệm được đưa ra. Hơn nữa, họ nhắm đến việc sử dụng loại ngôn ngữ ít mơ hồ hơn. Trong phiên bản này, họ liệt kê 404 chứng rối loạn.

Đến năm 2013, họ tạo ra phiên bản thứ năm (DSM-5). Tuy nhiên, phiên bản này đã gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử của DSM. Trên thực tế, nó đã bị chỉ trích về mọi mặt. Nó tiêu tốn rất nhiều tiền, được làm trong 10 năm, nhưng đã tạo ra kết quả rất đáng thất vọng. Ngay cả chính các tác giả cũng thừa nhận điều đó.

Phiên bản này bao gồm các thực thể lâm sàng đầy nghi vấn chẳng hạn như “hội chứng loạn thần yếu/nhẹ” (attenuated psychosis syndrome), còn được gọi là “hội chứng nguy cơ loạn thần” (psychosis risk syndrome). Đó là một tình trạng cho thấy một người nào đó “có thể bị loạn thần trong tương lai”. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định rằng nó có thể dẫn đến chẩn đoán dương tính giả (false-positive diagnoses) đến 75% trong thể loại này.

Cũng không phải là vô lý khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến nghị sử dụng quyển sổ tay hướng dẫn này. Thay vào đó, họ đề xuất sử dụng ICD-10 (Phân loại bệnh quốc tế). Tuy nhiên, chính ấn phẩm này cũng không phải là không gây tranh cãi. Mặc dù vậy, đã có thêm Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH - National Institute of Mental Health) cũng quyết định từ bỏ hoàn toàn DSM.

Có lẽ chương cuối cùng của nó đã bắt đầu.

Xem thêm:
Phê phán DSM-5 có phải là "chống tâm thần học" hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...