Thứ Ba, 24 tháng 8, 2021

TAM GIÁC KỊCH KARPMAN - Phần 2

Tựa đầy đủ: Tam giác kịch Karpman: Nạn nhân, Người cứu hộ và Kẻ hành hạ
“The Drama Triangle: Victims, Rescuers and Persecutors”
Tác giả: KELLEN VON HAUSER - Licensed Professional Counselor tại Austin, Texas, Hoa Kỳ
Nguồn: KelleVision (Website của tác giả) - Cập nhật ngày: 28-10-2009

Người dịch: BS. NGUYỄN MINH TIẾN



Xem lại Phần 1

Phần 2

Trò chơi

Điều thú vị về kịch bản này là những vai trò có tính chất dễ thay đổi. Đôi khi những vai trò cũng có thể bị chốt giữ một cách kiên định và người chơi cũng có thể đầu tư thật nhiều để giữ vai trò mình đảm nhận bằng mọi giá. Nhưng trong phần lớn thời gian, những người tham gia trong kịch bản này sẽ xoay vòng qua những vai trò một cách dễ dàng và không cần nhiều cố gắng, đến mức họ còn không nhận ra là mình đã thay đổi vai trò. Thật vậy, toàn bộ tiến trình này diễn ra ngoài tầm ý thức của người chơi. Hôm nay là nạn nhân, hôm sau họ có thể là kẻ hành hạ, rồi một ngày khác lại trở thành người cứu hộ. Họ không thể thức giấc buổi sáng để tuyên bố rằng “Hôm nay ta sẽ là kẻ hành hạ!”. Tiến trình này diễn ra dưới ngưỡng có thể ý thức được (subconscious) và hầu hết người chơi không thể nhận biết được nhịp điệu của vũ khúc mà họ đang chơi.

Ngay cả những nhà trị liệu cũng có thể mắc mứu vào cuộc chơi một cách khá thường xuyên, và thường là với vai trò người cứu hộ. Một thân chủ trong vai trò một nạn nhân xuất hiện để mong được giúp đỡ vì một vấn đề nào đó, như bị trầm cảm chẳng hạn. Thân chủ mong nhà trị liệu “cứu giúp” mình. Nếu nhà trị liệu không làm công việc của chính mình, anh ta có thể nhảy ngay vào cơ hội này để trở thành một “anh hùng” và “cứu vớt” thân chủ, đảm nhận vai trò của một người cứu hộ. Họ có thể làm việc với nhau trong nhiều tháng và nhà trị liệu có thể đưa ra nhiều khuyến nghị hữu ích giúp thân chủ biết cách làm gì để làm giảm bớt chứng trầm cảm. Thân chủ chẳng bao giờ hoàn toàn tuân thủ những đề nghị và chẳng có sự cải thiện nào được tạo nên. Thân chủ sẽ dần dần chuyển sang vị thế kẻ hành hạ, quy lỗi cho nhà trị liệu đã thất bại trong việc chữa trị chứng trầm cảm cho mình. Nhà trị liệu có thể bị trượt sang vị thế của một nạn nhân, “Hãy xem lại tất cả những tôi đã làm cho bạn đi và bạn đã không tôn trọng điều đó!” hoặc sẽ đảm nhận vị thế của một kẻ hành hạ bằng cách quy lỗi cho thân chủ là đã làm cho trị liệu bị thất bại.

Những gia đình thường là nơi khởi nguồn cho cuộc chơi này. Một gia đình có vấn đề lạm dụng chất gây nghiện có thể là một bối cảnh tuyệt vời cho trò chơi này xảy ra. Chất được lạm dụng có thể là rượu chẳng hạn. Người nghiện rượu có thể là nạn nhân và chịu sự cho phép bởi người cứu hộ, cho đến khi người cứu hộ chơi quân bài “Hãy xem những gì tao đã làm cho mày”, khi đó nạn nhân sẽ búng nhẹ một cái rồi trở thành kẻ hành hạ, “Nếu không phải vì bố thì con đã không cần phải uống rượu”…

Kiểu chơi này thường được “học” từ thuở nhỏ. Nếu đứa con là một người nghiện ma túy (nạn nhân), thường được chi phối bởi một phụ huynh có quyền hạn cho phép (người cứu hộ), khi trẻ lớn lên thành người lớn, chúng cũng sẽ đòi hỏi những bạn tình, bạn đời của mình và những người khác cũng phải chăm sóc cho mình. Khi những người lớn khác thất bại trong vai người cứu hộ, người nghiện ma túy ấy sẽ chuyển sang vai trò kẻ hành hạ và oán giận những ai đã không cứu giúp mình.

Cách thức duy nhất để thoát khỏi tam giác kịch tính đó là phải nhận biết về cuộc chơi và ngưng ngay việc thể hiện các vai trò. Giống như bất cứ vai trò nào mà bạn đã bị chốt chặt vào, một khi bạn ngừng chơi, những thành viên khác của cuộc chơi sẽ gia tăng áp lực lên bạn để buộc bạn phải thể hiện lại vai trò ấy. Các chiến thuật gây áp lực được thực hiện bởi các thành viên chơi khác có thể là bắt lỗi, lôi kéo, phỉnh gạt hoặc “kết phe nhóm” để gây áp lực lên bạn. Đây là điểm có tính quyết định cho việc thiết lập một ranh giới rõ rệt.

Một điều đáng chú ý khác trong kịch bản này đó là quyền lực (power). Quyền lực trong vở kịch này không nhất thiết thuộc về vị thế mà bạn cho là có thể. Bạn có thể nghĩ rằng kẻ hành hạ hoặc người cứu hộ là những người chơi ở “chiếu trên”, nhưng tôi (tác giả) có thể xem nạn nhân mới là người điều hành toàn bộ vở diễn bằng cách kết tội hoặc điều khiển người cứu hộ phải chăm sóc mọi nhu cầu của họ hoặc họ khiến cho kẻ hành hạ duy trì sự công kích và nhờ thế mà họ sẽ lôi kéo được sự thông cảm của người khác vì họ là nạn nhân. Thường thì một nạn nhân có thể “lắc lư” qua lại giữa vai trò nạn nhân và vai trò kẻ hành hạ sao cho người cứu hộ vẫn bận rộn với việc chăm sóc họ. Dĩ nhiên, việc bị dính chặt vào vị thế nạn nhân hẳn sẽ khiến người này trở thành tù nhân trong chính vị thế ấy.

Cũng nên lưu ý rằng không một ai trong trò chơi này duy trì tốt việc tự chăm sóc cũng như về những ranh giới với môi trường xung quanh. Nhất cử nhất động được thực hiện cũng đều có liên quan đến những cảm xúc và nhu cầu của người khác. Tất cả các thành viên chơi đều cùng “nuôi dưỡng lẫn nhau”. Người cứu hộ nhận được sự coi trọng của nạn nhân, nạn nhân nhận được sự hỗ trợ từ người cứu hộ còn kẻ hành hạ thì đổ tội cho cả hai phía kia. Không có ai trong số họ tự chăm sóc cho những nhu cầu của bản thân mình. Và bên trong hệ thống ấy đầy rẫy những tội lỗi, thao túng, nhi hóa, tiếm quyền, oán giận, quy tội, giả vờ và sống trong trò chơi (guilt, manipulation, infantilizing, enabling, resentment, blaming, shaming and gaming). Đây không phải là những tương tác cởi mở và thành thật. Đây cũng không phải là sự tương trợ mà họ nhận được từ người khác một cách tự do và lành mạnh. Nạn nhân phải phủ phục để cầu được giúp đỡ. Người cứu hộ phải bỏ qua nhu cầu của bản thân để sống vì nhu cầu của nạn nhân. Kẻ hành hạ tự làm cho mình cảm thấy khá hơn bằng cách bắt lỗi người khác và không đảm nhận trách nhiệm về những hành vi của chính mình. Nạn nhân và người cứu hộ có lẽ phải dồn nén những ý nghĩ, cảm xúc và niềm tin của mình để có thể ở lại trong cuộc chơi với người kia. Kẻ hành hạ có thể phải từ bỏ rất nhiều những cảm xúc “yếu mềm” và đặc tính dễ bị tổn thương của mình để có thể duy trì vị thế kẻ hành hạ.

Rời bỏ cuộc chơi

Bí quyết để rời bỏ cuộc chơi có thể kể ra một cách tóm lược như sau:

1. Nhận thức được cuộc chơi đang diễn ra

Bước đầu tiên luôn luôn phải là nhận biết và học hỏi. Bạn cần biết bạn đang làm gì trước khi bạn có thể làm gì đó với việc đó. Hãy xem xét lại những niềm tin của bạn. Bạn có thường xuyên xem người khác như là những người bất lực (nạn nhân), thù địch (kẻ gây hại) hoặc như những thánh nhân (người cứu hộ)? Hãy xem xét hành vi của bạn. Bạn có thường lôi kéo người khác vào để buộc tội hoặc công kích một bên thứ ba nào không? Bạn có tự cho phép mình bị cuốn hút vào việc công kích người khác? Bạn có thu hút sự tức giận hoặc quy lỗi từ người khác? Bạn có tham gia những “cuộc chiến” của người khác? Nếu có, bạn có thể bị bao gồm trong một tam giác kịch tính.

2. Sẵn lòng thừa nhận về những vai trò mà bản thân đang đóng

Hãy nhận trách nhiệm về phần vai diễn mà bạn đang đóng góp vào trong cuộc chơi này. Tự trách nhiệm (accountability) chính là quyền lực (power). Bạn không thể thay đổi ai khác, trừ chính bạn. Khi bạn nhận trách nhiệm về những gì bạn đang làm, bạn sẽ lấy lại sự lựa chọn và quyền lực để thay đổi nó.

3. Sẵn lòng xem xét lại những phần tưởng thưởng (payoff) mà mình nhận được từ cuộc chơi

Hãy xem xét lại những động cơ của bạn cùng những “phần thưởng” khi tham gia vở kịch hoặc khi duy trì một vai diễn nhất định. Bạn nhận được những gì khi làm một Nạn nhân, một Kẻ hành hạ hoặc một Người cứu hộ? Có những lợi ích gì từ việc tạo ra hoặc tham gia vào một vở diễn thay vì cho phép mỗi người tự chịu trách nhiệm với chính mình? Có bao nhiều phần trong cuộc sống của bạn được dành để tham gia vở diễn này? Hãy nhận lấy trách nhiệm và tự nhận ra những “lợi ích” mà bạn nhìn chung đã có được từ việc tham gia vở kịch hoặc duy trì một vai diễn nhất định. Hãy nhận thức rằng việc rời bỏ cuộc chơi có thể sẽ khiến cuộc sống của bạn trải qua một giai đoạn khá là chán chường. Cuộc chơi này vốn rất kịch tính, như chơi trò tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc. Rời bỏ cuộc chơi đó sẽ để lại một khoảng trống cảm xúc cần được lấp đầy.

4. Rời xa (Disengage)

Hãy thông báo với những người chơi khác, một cách trung thực nhất có thể, về những gì bạn nghĩ là đang xảy ra và cho họ biết là bạn không tiếp tục “chơi” nữa. Cố gắng tránh việc công kích hoặc quy lỗi. Hãy nhận trách nhiệm thuộc phần bạn trong cuộc chơi và hãy cho họ biết, đến mức tốt nhất có thể, những điều bạn trông chờ ở chính bạn trong tương lai. “Tôi sẽ không chịu trách nhiệm làm điều tốt cho bạn nữa”, “Tôi sẽ không tham gia vào việc khiển trách hoặc công kích bạn nữa”, “Tôi sẽ không trông chờ bạn chăm sóc cho tôi nữa”.Không nhận trách nhiệm chi phối hành vi của họ và cũng không cố gắng tác động để họ rời bỏ tam giác kịch. Hãy để họ tự lấy quyết định và tự chịu trách nhiệm về những hành vi của họ. Bạn chi niên nói về những gì mà chính bạn lựa chọn để làm. Tránh “lên lớp” về những gì họ nên làm. Đó là vai trò của kẻ gây hại.

5. Tránh mắc mứu vào những “cuộc chiến” với người khác

Không cho phép những người tham gia khác lội kéo bạn trở lại với cuộc tương tác đó. Nếu nạn nhân đến nói với bạn về những gì kẻ gây hại đã đối xử tệ bạc với họ, bạn đừng tham gia. Hãy hướng họ sang việc tự nói những gì họ nghĩ cho kẻ gây hại biết, chứ không phải bạn là người nói. Nếu kẻ gây hại nói với bạn về nạn nhân một cách lâm ly thống thiết, bạn đừng tham gia. Hãy thúc giục họ trực tiếp nói điều đó với nạn nhân, chứ không phải bạn làm việc đó. Mục đích là nhằm tránh các giao tiếp gián tiếp về những chủ đề công kích, oán trách hoặc tội lỗi. Nếu bạn có những vấn đề với một ai đó, hãy bàn bạc trực tiếp với người đó. Không làm việc này với một tác nhân thứ ba. Hãy có trách nhiệm trong việc bày tỏ những cảm nhận và niềm tin của chính bạn. Đừng nhận trách nhiệm của người khác hoặc chuyển trách nhiệm của chính bạn cho một đối tác thứ ba.

6. Hãy nhận trách nhiệm về những hành vi của bạn

Hãy tránh công kích và/hoặc quy lỗi. Hãy luôn nói sự thật và duy trì việc tự trách nhiệm (accountability), và nhận biết về những tác động của việc này. Đến lúc này sẽ rất dễ dàng để vứt bỏ vai trò của kẻ gây hại. Cũng sẽ rất dễ dàng để rơi lại về vai trò của kẻ gây hại. Hãy bảo đảm rằng việc “nói sự thật” của bạn không trở thành lời buộc tội hoặc công kích. Hãy bảo đảm rằng bạn chỉ nói về hành vi của bạn, quyết định của bạn và cảm nhận của bạn. Nếu những thành viên khác trong tam giác từ chối rời khỏi cuộc chơi, bạn phải hạn chế tiếp xúc với họ để tránh không bị kết án, quy lỗi, buộc tội hoặc bị lôi kéo trở lại vào cuộc chơi. Hầu như rất khó để có thể duy trì việc giao tiếp trực tiếp một cách chân thành cởi mở với hai đối tác kia nếu họ vẫn nhất mực từ chối cuộc đối thoại đó.

7. Tĩnh tâm, nhìn lại và tạo lập phương thức tương tác mới

Rất cần phải lùi lại và lấy một hơi thở sâu. Đặc biệt là khi cuộc chơi này vốn là động năng của gia đình gốc. Động năng gia đình (family dynamics) là rất, rất mạnh mẽ và chúng ta có thể nhận ra chính mình đang tham gia một vũ điệu đến mức điên cuồng, thậm chí cả trước khi mình nhận ra rằng nhạc đã nổi lên từ lúc nào rồi! Đôi khi cũng sẽ hữu ích nếu bạn tách mình ra khỏi những người chơi khác, tĩnh lặng lại và tập trung chú ý lại xem coi mục đích của bạn là gì và bạn chịu trách nhiệm về việc gì. Hãy nhớ rõ – sự thật và tự trách nhiệm (truth and accountability) là những mục đích. Hãy nhớ rằng – đây mới là những mục đích của bạn. Chúng không thể là mục đích của người khác. Hãy nhớ rằng sự thật và tự trách nhiệm là những chọn lựa mà bạn tự thực hiện cho chính bạn. Chúng không phải điều bạn chọn để áp dụng cho hành vi của người khác. Công kích, oán trách, buộc tội là những việc phải tránh. Cố gắng sống quanh cùng những người không tham gia loại trò chơi kiểu này để bạn có thể học tập những cách thức tương tác mới với con người.

Chú thích của ND: “responsibility” là trách nhiệm khi một người làm những điều mình được yêu cầu phải làm (a person does what he/she is asked to do), trái lại “accountability”, tạm dịch “tự trách nhiệm” là trách nhiệm mà một người đồng ý đó là việc mình phải làm (a person agrees to do, what he/she is supposed to do). Những định nghĩa này vốn cũng có tính tương đối, dễ nhầm lẫn trong thực tế.

Rời bỏ cuộc chơi có thể là một việc mang nhiều thách thức, nhưng nó đáng để cố gắng thực hiện. Bạn có thể thấy mình lại vấp ngã khi mới bắt đầu rời cuộc chơi, rồi lại thấy mình bị mắc kẹt trở lại. Hãy thoải mái, tha thứ cho chính mình! Hãy nhớ rằng bản thân bạn chính là mục đích! Hãy tái lập lại các ranh giới quanh bạn, và cố gắng, cố gắng trở lại! Cuối cùng bạn sẽ hiểu được nó!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...