Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ LỊCH SỬ VĂN CHƯƠNG VỀ DỊCH BỆNH

“What We Can Learn From Literary History About Pandemics”
Tác giả: Chelsea Haith, DPhil Candidate về Văn chương Đương đại Anh, Đại học Oxford
Nguồn: InnerSelf

Người dịch: NGUYỄN MINH TIẾN



“Đại tiệc trong khu rừng thông” – Một trong số những bức hoạ từ những mẫu truyện trong tác phẩm Decameron (Mười Ngày) của nhà văn Ý Boccaccio – Hoạ sĩ Sandro Botticelli

 

Trong suốt chiều dài lịch sử văn chương Tây Phương, từ Illiad của Homer và Decameron của Boccaccio, đến The Stand của Stephen King và Severance của Ling Ma, đều đã mang đến rất nhiều cách thức tạo nên sự thanh tẩy về cảm xúc (catharsis), những cách để chúng ta xử lý các cảm xúc mạnh và thực hiện những bình chú có tính chính trị về cách làm thế nào mà con người đáp ứng với những khủng hoảng về sức khoẻ công cộng.

Văn chương cũng có một vai trò hết sức quan trọng trong việc định khung cho những đáp ứng của chúng ta đối với đại dịch COVID-19. Cũng đáng giá để chúng ta trở lại với một số nguyên bản của những tác phẩm này để hiểu rõ hơn về những phản ứng của chúng ta và về cách làm thế nào để có thể làm giảm bớt những tình trạng phân biệt chủng tộc (racism), thái độ bài ngoại (xenophobia) và phân biệt đối xử với những người thiểu năng (albeism) trong những câu chuyện xoay quanh sự lan truyền của coronavirus.

Từ những tác phẩm cổ điển cho đến những tiểu thuyết đương đại, danh mục những tác phẩm văn chương viết về đại dịch đã mang đến điều gì đó trong cách thức tạo nên một sự thoải mái bấp bênh (uncertain comfort) và một hướng dẫn về những gì xảy ra kế tiếp.

Như nhà khảo cứu văn học cổ Mary Beard, tại Cambridge, đã nhắc nhở chúng ta, trong tác phẩm Illiad của Homer đã mở đầu với chuyện một trận dịch đã xảy ra ở một doanh trại của quân Hy Lạp tại thành Troy, nhằm trừng phạt người Hy Lạp về việc Agamemnon đã biến nàng Chryseis thành nô lệ. Học giả Hoa Kỳ Daniel R Blickman thì lập luận rằng tích truyện về cuộc tranh cãi giữa Agamemnon và Achilles “không nên che mắt chúng ta về vai trò của dịch bệnh trong việc làm nền cho những gì xảy ra sau đó, và quan trọng hơn, là trong việc tạo nên một khuôn mẫu đạo đức nằm gần trong phần trung tâm của câu chuyện”. Nói cách khác, tác phẩm The Illiad trình bày một “phương thức định hình dưới dạng chuyện kể” (narrative framing device) về những thảm hoạ bắt nguồn từ những hành vi ngu xuẩn của các nhân vật liên quan.



Văn chương Tây Phương khởi đầu với một trận dịch – Nguồn: Wikimedia Commons


COVID-19 chắc hẳn đã làm chấn động nền kinh tế và gây co cụm các tiến trình định chế (institutional process), như chúng ta đang thấy sự chuyển đổi sang cách thức học tập từ xa đang áp dụng ở các trường đại học trên khắp thế giới là một ví dụ. Những tác phẩm này cho chúng ta cơ hội để ngẫm nghĩ về cách các khủng hoảng tương tự đã được xử lý như thế nào, cũng như những ý tưởng làm thế nào để chúng ta có thể cấu trúc lại xã hội của chúng ta một cách bình đẳng hơn từ những hệ luỵ của chúng.

Tác phẩm The Decameron (1353) của Giovanni Boccaccio, được viết trong thời kỳ “Trận Dịch Đen” (Black Death), đã hiện ra vai trò rất quan trọng của việc kể chuyện trong thời gian diễn ra thảm hoạ. Có 10 người đã tự cách ly trong một ngôi nhà ở bên ngoài thành Florence 2 tuần trong thời gian lan tràn bệnh dịch hạch. Trong thời gian họ cách ly, cả nhóm đã luân phiên kể cho nhau nghe những câu chuyện về các đề tài luân lý, tình yêu, tình dục, thương mại và quyền lực.

Trong tuyển tập những mẫu chuyện này, việc kể chuyện có chức năng như một phương pháp bàn luận về cơ cấu xã hội và tương tác xã hội trong buổi đầu của Thời kỳ Phục Hưng (Renaissance). Những câu chuyện mang đến cho người nghe (lẫn những độc giả của Boccaccio) những cách thức mà thông qua đó họ có thể tái cấu trúc lại cuộc sống hằng ngày “bình thường” của họ, những thứ đã bị dở dang bởi dịch bệnh.

Thất bại của giới chức thẩm quyền trong việc đáp ứng
(Authority’s failure to respond)

Chuẩn tắc về một cuộc sống đời thường cũng là trọng tâm của quyển tiểu thuyết về sự khải huyền (apocalypse novel) của Mary Shelley tựa đề The Last Man (1826). Truyện được dựng về hoàn cảnh nước Anh trong thì tương lai, khoảng thời gian 2070 đến 2100 – được dựng thành phim năm 2008 – đã mô tả chi tiết về cuộc sống của Lionel Verney, người đã trở thành “người cuối cùng” sau khi xảy ra một trận dịch huỷ diệt toàn cầu.

Tiểu thuyết của Shelley nhấn mạnh vào giá trị của tình bạn, và kết thúc với cảnh Verney trên đường lang thang với sự đồng hành của một chú chó chăn cừu (nhắc nhở về việc những thú cưng có thể là nguồn tạo sự an tâm và ổn định trong thời gian khủng hoảng). Tiểu thuyết này cũng đặc biệt tỏ ra gay gắt với chủ đề về những đáp ứng của các định chế đối với dịch bệnh. Nó châm biếm chủ nghĩa cách mạng không tưởng (revolutionary utopianism) và sự xung đột nội bộ (in-fighting) bên trong những nhóm người sống sót trước khi họ bị ngã quỵ.

Truyện ngắn của Edgar Allen Poe, The Masque of the Red Death (1842), cũng mô tả sự thất bại của những giới chức có thẩm quyền trong việc đáp ứng một cách nhân đạo và đầy đủ đối với một thảm hoạ như thế. Căn bệnh có tên “Cái Chết Đỏ” (The Red Death) gây ra tình trạng xuất huyết từ các lỗ chân lông cho đến chết. Để đối phó, Ông hoàng Prospero đã tập hợp một nghìn cận thần vào trong một tu viện ẩn dật nhưng xa hoa, hàn kín các cánh cổng, và tổ chức một vũ hội hoá trang.

“Thế giới bên ngoài có thể tự chăm sóc lấy nó. Lúc này, thật là dại đột khi buồn lòng hoặc ưu tư. Ông hoàng đã cung cấp tất cả phương tiện để vui thú rồi.”

Poe đã mô tả chi tiết những buổi liên hoan xa xỉ, kết thúc khi có sự âm thầm xuất hiện của “Cái Chết Đỏ” trong hình hài con người của một vị khách đến với buổi vũ hội. Dịch bệnh, được nhân cách hoá, đã đến lấy đi sinh mạng của ông hoàng, và sau đó là của những vị cận thần.

“Và rồi máu chảy từng giọt một, những con người miệt mài vui chơi trong sảnh đường đẫm máu của buổi liên hoan, từng người một chết đi trong tư thế đang ngã xuống một cách tuyệt vọng”.

Văn chương hiện đại và đương đại
(Modern and Contemporary Literature)

Vào thế kỷ 20, các tác phẩm The Plague (1942) của Albert Camus và The Stand (1978) của Stephen King đã đưa sự chú ý của độc giả đến ý nghĩa xã hội của những trận đại dịch – đặc biệt về chủ đề cách ly (isolation) và sự thất bại của các quốc gia cả trong việc khắc chế đại dịch lẫn việc bình ổn những nỗi sợ hãi kéo theo sau đó. Tình trạng tự cô lập trong tiểu thuyết của Camus tạo nên một nhận thức âu lo về sự tiếp xúc và những mối quan hệ giữa những cư dân trong thành phố Oran, nước Algeria đang bị dịch bệnh tấn công.

“Sự tước đoạt quyết liệt, đành đoạn và việc hoàn toàn không thể hiểu biết những gì được chờ đợi trong tương lai sẽ khiến chúng ta trở nên không nhận thức được; chúng ta không thể phản ứng lại những khẩn cầu thầm lặng của những gì đang hiện diện, dẫu còn gần mà cũng đã khá xa, ám ảnh chúng ta qua những ngày dài” (This drastic, clean-cut deprivation and our complete ignorance of what the future held in store had taken us unawares; we were unable to react against the mute appeal of presences, still so near and already so far, which haunted us daylong.)

Trong The Stand (Cuộc Đấu) của King, một loại “siêu cúm” đã qua xử lý kỹ thuật sinh học (bioengineered superflu) có tên là “Dự án Xanh” (Project Blue) bị dò rỉ từ một căn cứ quân sự của Mỹ. Đại loạn đã xảy ra sau đó. King gần đây đã nêu trên Twitter rằng COVID-19 chắn chắn không nghiêm trọng bằng trận đại dịch trong truyện viễn tưởng của ông, trong khi ông thúc giục công chúng thực hiện những cách phòng ngừa hợp lý.

Tương tự trong tiểu thuyết Fever (Cơn Sốt) năm 2016, tác giả người Nam Phi Deon Meyer về sự phát tán mang tính tận diệt của một loài virus được chế tác để làm vũ khí sinh học, dẫn đến việc các khu vực của những người sống sót phải tự phong toả lẫn nhau để tìm cách xoay trở.

Trong Severance (2018), Ling Ma đã thực hiện một cuốn phim đương đại dựa trên một tiểu thuyết về xác sống (zombie) khi một căn bệnh hư cấu có tên “Shen Fever” đã biến con người thành những người máy lập đi lập lại cho đến khi họ chết. Trong một ẩn dụ mong manh về những “con người nhỏ nhoi trong xã hội tư bản” (capitalist cog-in-the-machine), nhân vật chính Candace, hằng ngày buông trôi tại nơi làm việc của cô trong một thành phố New York đang từ từ tan rã. Sau cùng cô đã gia nhập vào một nhóm người sống sót, đồng hoá bản thân cả về văn hoá lẫn về luân lý với thái độ bạo lực của nhóm người đó đối với những xác sống zombie, “hiện thân cho sự vỡ vụn của những con người trong xã hội tư bản thời kỳ cuối (late-capitalist humans), trong một xã hội trần trụi trơ xương”, theo cách nói của nhà phê bình Jiayang Fang.

Đối với một số người, sự kết thúc đã đến

Hãy xem xét về những “thuyết vị lai của những thổ dân bản địa” (indigenous futurism) – một thuật ngữ được nêu bởi lý thuyết gia chuyên nghiên cứu về văn hoá và chủng tộc của người Da Đỏ bản địa, Grace L Dillon, khi ông nói về những truyện viễn tưởng của dân bản địa và của các tác giả da màu như Broken Earth series của NK Jemisin , Terra Nullius (Vùng đất vô chủ) của Claire G. Coleman và truyện ngắn Inventory của Carmen Maria Machado – Những thuyết ấy từ lâu đã xem chủ nghĩa thực dân và việc những căn bệnh bị lây lan từ những người thực dân như là nguồn gốc của những gì hiện vẫn đang trải nghiệm như một sự khải huyền đang tiếp diễn (ongoing apocalypse). Đối với nhiều người sống từ những vùng mà trước đây từng là thuộc địa thì sự khải huyền thực sự đã đến – các trận đại dịch (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) đã xoá sổ những cư dân của họ.

Sự thanh tẩy cảm xúc mà một số tác phẩm văn chương đã nêu trong phần trước đã trở nên không ổn trước những thực tế về đại dịch và những tình trạng khải huyền được miêu tả trong rất nhiều chuyện viễn tưởng của những sắc dân bản địa. Nếu chúng ta sử dụng thời gian sắp tới của chính mình cho việc tự cô lập (self-isolation) để thuyết giải về những cơ cấu xã hội thay thế khác, và để kể cho nhau nghe những câu chuyện, thì liệu chúng ta có thể kể những câu chuyện gì?



 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...