Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

LIỆU PHÁP Ý NGHĨA - HỌC THUYẾT VỀ Ý NGHĨA CỦA VIKTOR FRANKL - Phần 2

Tác giả: MELISSA MADESON, Ph.D.  

Logotherapy: Viktor Frankl’s Theory of Meaning, 25-05-2021
Nguồn: Positive Psychology

Dịch và biên tập: 
HỒ TÂM ĐAN - Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên tham vấn
TRẦN NGUYỄN NGỌC TRINH - Cử nhân tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường


Xem lại Phần 1


Phần 2

Kỹ thuật của liệu pháp Ý nghĩa

Những nỗ lực trong việc nhân bản hóa tâm lý trị liệu của Frankl bao gồm các kỹ thuật thực tiễn để sử dụng với những thân chủ trầm cảm, đau khổ, đau/bệnh mãn tính, lo âu, ám sợ, ám ảnh và có những thay đổi lớn trong cuộc sống.

Có những điểm tương đồng giữa các kỹ thuật trị liệu của liệu pháp ý nghĩa với cả liệu pháp Nhận thức Hành vi (CBT: Cognitive Behavioral Therapy) và liệu pháp Chấp nhận và Cam kết (ACT: Acceptance and Commitment Therapy).

1.  Suy ngẫm lại (Dereflection)

Kỹ thuật đầu tiên là dereflection (suy ngẫm lại), nhằm mục đích giúp thân chủ tránh việc quá chú tâm vào vấn đề và lời than phiền và hướng đến điều gì đó tích cực. Kỹ thuật này dựa trên khái niệm tự-giữ-khoảng-cách (self-distancing) và tự-siêu-việt (self-transcendence).

Thực tế mà nói, kỹ thuật này liên quan đến việc đặt các câu hỏi như “Cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu không có vấn đề X?”; “Cuộc sống hoàn hảo với bạn là như thế nào?”; và “Có bất cứ điều gì trong cuộc sống mà bạn thậm chí có thể hy sinh mạng sống cho nó không?”

2. Dự định nghịch lý (Paradoxical Intention)

Dự định nghịch lý là một kỹ thuật hiệu quả để áp dụng cho chứng ám sợ, sợ hãi và lo lắng.

Cơ sở của kỹ thuật này là sự hài hước và chế giễu có thể hữu ích khi nỗi sợ hãi đang làm chúng ta tê liệt. Sợ hãi được xóa bỏ khi hành động/ý định tập trung vào những gì đáng sợ nhất. Ví dụ, nếu một người phải vật lộn với nỗi sợ bị từ chối, họ sẽ cố tình đặt bản thân họ vào tình thế mà họ sẽ bị từ chối hoặc nhận được câu trả lời là “không”.

Một minh họa phù hợp là trong Harry Potter và Tên tù nhân ngục Azkaban (Rowling, 1999), trong đó các học viên trẻ phải đối mặt với nỗi sợ kinh khủng nhất của mình. Để khắc phục nỗi sợ, họ phải biến ý nghĩ đáng sợ thành một thứ gì đó buồn cười, chẳng hạn như một con nhện lớn trên giày trượt patin, từ đó chế giễu và vượt qua nỗi sợ hãi gây tê liệt.

3. Đối thoại kiểu Socrate

Đối thoại kiểu Socrate (Socratic Dialogue) là một công cụ trong liệu pháp ý nghĩa hướng dẫn thân chủ trải qua quá trình tự khám phá bản thân bằng ngôn từ của họ.

Kỹ thuật này khác với kỹ thuật Hỏi kiểu Socrate (Socratic Questioning), thường được sử dụng trong CBT. Hỏi kiểu Socrate phá vỡ những suy nghĩ lo lắng hoặc tiêu cực, trong khi đối thoại Socrate được sử dụng để tìm ra ý nghĩa trong một cuộc trò chuyện. Đối thoại Socrate cho phép thân chủ nhận ra rằng họ thật ra đã có đáp án cho mục đích, ý nghĩa và sự tự do của họ.

Hoạt động và Bảng kế hoạch cho các bài tập (Activities and Worksheets)

1. Sống có giá trị trong những lúc khó khăn

Bài tập Sống có giá trị trong những lúc khó khăn (Valued Living During Challenging Times) hoàn toàn phù hợp với liệu pháp ý nghĩa của Frankl, khi nó cho phép thân chủ ngẫm nghĩ lại một hoàn cảnh khó khăn và kết nối lại với những giá trị cá nhân. Thông qua tiến trình này, thân chủ có thể tìm thấy ý nghĩa trong nỗi đau khổ của họ và trở nên kiên cường và chống chịu áp lực tốt hơn.

2. Hoạt động nhóm Hành khách trên xe buýt

Phép ẩn dụ được kiểm chứng bằng thực nghiệm “hành khách trên xem buýt” (passengers on the bus) đã được áp dụng hiệu quả trong can thiệp ACT (Chấp nhận và Cam kết). Hoạt động nhóm Hành khách trên xe buýt sử dụng phương pháp đóng vai và phỏng vấn để giúp thân chủ học cách phản ứng với các tình huống đau buồn sao cho phù hợp với giá trị của họ thay vì chọn cách trốn tránh đau khổ hoặc hành xử cảm tính.

3. Hình xăm Giá trị

Khi liệu pháp ý nghĩa sử dụng kỹ thuật đối thoại Socrate để tìm ra ý nghĩa, thì bài tập Hình xăm giá trị (Valued Tattoo) lại hữu ích cho những thân chủ nào cảm thấy các câu hỏi là quá khó khăn hoặc thách thức. Thay vì hỏi rằng, “Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống?" thân chủ được khuyến khích dùng sự sáng tạo và tưởng tượng về một hình xăm có ý nghĩa đối với họ.

4. Bài tập Phát hiện mục đích của bạn

Bài tập Phát hiện mục đích của bạn (Find Your Purpose) sẽ yêu cầu bạn trả lời một loạt câu hỏi được thiết kế để xác định những năng khiếu, tài năng, kỹ năng và năng lực, những điều mà sau cùng có thể giúp bạn nhận ra được mục đích sống của bản thân. Bằng cách nhận ra được mục đích và sử dụng các thế mạnh của bản thân một cách tích cực, bạn có thể tạo ra tác động lâu dài đến thế giới xung quanh và sau cùng là tìm ra được ý nghĩa cuộc sống.

 

Trích dẫn (Quotes) nổi tiếng về cuộc sống và ý nghĩa

Dù rằng việc tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống được xem là mục tiêu hàng đầu của liệu pháp ý nghĩa, Frankl lập luận rằng thay vì đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống, một cá nhân nên nhận ra rằng họ mới là người đang được chất vấn.

Ông nói: “Vấn đề không phải là chúng ta mong đợi gì từ cuộc sống, mà vấn đề là cuộc sống mong đợi gì ở chúng ta”

“It doesn’t really matter what we expected from life, but what life expected from us” 

(Frankl, 1986).

 

Các trích dẫn đáng chú ý khác từ tác phẩm Đi tìm lẽ sống (2006) của Frankl bao gồm:

Khi chúng ta đã không còn khả năng thay đổi hoàn cảnh, chính là lúc chúng ta bị thách thức để thay đổi chính mình.

When we are no longer able to change a situation, we are challenged to change ourselves.


Đau khổ là một phần không thể tách rời của cuộc sống, cũng giống như số phận và cái chết. Không có đau khổ và cái chết thì cuộc sống của con người không thể trọn vẹn.

Suffering is an ineradicable part of life, even as fate and death. Without suffering and death human life cannot be complete.


Vì thành công, cũng giống như hạnh phúc, không thể tìm kiếm mà có; nó phải tự sản sinh mà ra, và chỉ có thể xuất hiện khi một người cống hiến hết mình, hoặc sống vì người khác hơn là vì bản thân mình.

For success, like happiness, cannot be pursued; it must ensue, and it only does so as the unintended side-effect of one’s personal dedication to a cause greater than oneself or as the by-product of one’s surrender to a person other than oneself.

 

Các trích dẫn nổi tiếng có liên quan bao gồm:

Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh.

He who has a why to live for can bear with almost any how.

Nietzsche


“Mọi thứ mà một người có đều có thể bị lấy mất, chỉ trừ… quyền tự do cuối cùng của con người – để lựa chọn cách họ phản ứng trong bất kỳ hoàn cảnh nhất định nào.”

“Everything can be taken from a man but… the last of the human freedoms – to choose one’s attitude in any given set of circumstances.”

Viktor Frankl


Thông điệp

Có lẽ câu hỏi rằng, “ý nghĩa cuộc sống là gì?” không phải là một câu hỏi phù hợp.

Đặt câu hỏi này giống như thể chúng ta đang giải quyết triệu chứng hơn là vấn đề thực sự.

Nếu chúng ta nỗ lực tìm kiếm nguồn ý nghĩa trong cuộc sống của mình thông qua cả những trải nghiệm tích cực lẫn tiêu cực, thì chúng ta có thể có thêm khả năng để giải tỏa các vấn đề hiện sinh và nâng cao khả năng phục hồi cũng như cảm nhận hạnh phúc của bản thân.

Khi chúng ta tìm thấy những nguồn ý nghĩa tiềm năng này và kết hợp chúng với thế mạnh và giá trị của bản thân, điều này đến cuối cùng sẽ dẫn đến cảm giác vui vẻ và ý nghĩa sâu sắc nhất có thể.

 

Chúng tôi hy vọng bạn thích đọc bài viết này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...