Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

MẤT MÁT VÀ ĐAU THƯƠNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 - Kỳ 1

“Loss and Grief During the COVID-19 Pandemic”
Nguồn: Canadian Mental Health Association - CMHA Ontario

Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường 


Kỳ 1

Đại dịch COVID-19 đang khiến nhiều người trong chúng ta phải thay đổi cách sống hàng ngày của mình. Với những thay đổi đó, một số người trong chúng ta đang trải qua một làn sóng của những mất mát (loss): kinh tế, xã hội, vật chất và tình cảm. Đối với một số người, những mất mát này có thể tích tụ và dẫn đến cảm giác đau thương (grief). Tại sao hiểu và chấp nhận những cảm xúc này lại là một điều quan trọng? Chỉ bằng cách thừa nhận sự đau thương mà chúng ta đang trải qua, chúng ta mới có thể thực hiện các bước để chữa lành.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng đau thương có thể là một phản ứng đối với cả những sự kiện khác không chỉ là cái chết. Những phản ứng cảm xúc như vậy có thể bao gồm sốc, chết lặng (numbness), phủ nhận (denial), tức giận (anger), sợ hãi (fear), lo âu (anxiety), hoảng sợ (panic) và tội lỗi (guilt) khi mỗi người học cách sống chung với mất mát. Ngay cả các tác giả như Elisabeth Kubler-Ross và David Kessler, những người đã mô tả sự đau thương thành các giai đoạn, cũng chỉ ra rằng đau thương không diễn biến theo kiểu tuyến tính (linear – tức quá trình không diễn ra như một đường thẳng – ND). Việc trải qua nhiều cung bậc cảm xúc là điều bình thường và sự đau thương thường được mô tả giống như một chiếc tàu lượn siêu tốc (roller coaster). Tiến sĩ Alan Wolfelt đã dùng cụm từ "Vùng đất hoang tàn của sự đau thương" (The wilderness of grief) như một minh họa tương tự về một hành trình rất khó đoán và khó định lượng này.

HIỂU VỀ SỰ ĐAU THƯƠNG

Để liên kết cảm nhận về mất mát của chúng ta với nỗi đau thương, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ về các loại đau thương khác nhau.

Đau thương mơ hồ (Ambiguous grief) là một mất mát xảy ra mà không có sự kết thúc hoặc sự hiểu biết rõ ràng và thường dẫn đến cảm giác không được giải quyết. Cuộc sống của chúng ta thay đổi nhanh chóng trong đại dịch đã khiến nhiều người có cảm giác bất an thực sự. Những mất mát mà chúng ta đang trải qua không phải là những kiểu điển hình mà gia đình và bạn bè thường biết, chẳng hạn như mất niềm tin vào tương lai, mất cảm giác an toàn vì không biết được ngày tốt nghiệp cụ thể hoặc mất cảm giác kiểm soát cuộc sống của chính mình. Tất cả những điều này đều là những mất mát mà chúng ta có thể đau thương, nhưng chúng ta không có bất cứ nghi thức hay thậm chí là ngôn từ nào thừa nhận chúng.

Đau thương tiềm ẩn (Latent/Hidden grief) thường liên quan đến những người chăm sóc của những người bị sa sút trí tuệ (dementia). Người ta cho rằng gánh nặng của người chăm sóc là những nỗi đau thương bị ẩn khuất, gây ra bởi những mất mát liên quan đến chứng sa sút trí tuệ, sự mất đi những ký ức, sự mất đi mối quan hệ từng có giữa họ, hoặc sự mất đi khả năng di chuyển. Mỗi khi người bị sa sút trí tuệ có sự thay đổi, họ (người chăm sóc) và những người xung quanh lại đau lòng vì những thay đổi đó. Việc chạm đến những cảm giác đau thương tiềm ẩn đó được cho rằng là có thể giảm bớt gánh nặng. Tương tự, những mất mát, cả lớn và nhỏ, đều có thể tích tụ và dẫn đến các cảm xúc quá tải như mất mát, buồn bã, bất lực, lo âu và trầm cảm.

Đau thương được biết trước (Anticipatory grief) đề cập đến cảm giác đau thương của chúng ta ngay cả trước khi xảy ra mất mát. Ví dụ, chúng ta có thể lo lắng về một thành viên gia đình bị bệnh nặng và cảm thấy rằng chúng ta đang đau thương cho họ. Hoặc chúng ta có thể dự đoán các mất mát về thu nhập và sự bảo đảm về tài chính. Mặc dù nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chúng ta có thể không xảy ra, nhưng việc lường trước chúng có thể dẫn đến cảm giác đau thương chính đáng (legitimate feelings of grief).

MẤT MÁT VÀ COVID-19

COVID-19 đã và đang mang lại những thay đổi đáng kể cho cuộc sống của chúng ta, bao gồm nhiều mất mát, chẳng hạn như:

Sự ổn định về kinh tế

Đại dịch đã dẫn đến số lượng lớn người lao động thất nghiệp, nỗi lo sợ bị mất việc làm và suy trầm về kinh tế (economic recession).

Sức khỏe

Những lo sợ về việc nhiễm COVID-19 đã dẫn đến việc tăng nguy cơ nhiễm bệnh đối với những người dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt lưu ý là tác hại thứ cấp đối với những người cần được chăm sóc nhưng lại đang phải tránh xa bệnh viện, hoặc đối với những người không thể dễ dàng tiếp cận bác sĩ của họ do tình trạng quá tải của đại dịch. Tình trạng này cũng làm nổi bật những bất công y tế đang tồn tại và kéo dài dai dẳng. Những người đang phải đối mặt với những bất công lớn nhất về kinh tế, y tế và xã hội sẽ phải gánh chịu gánh nặng lớn nhất của đại dịch này.

An toàn về lương thực

Thực phẩm vừa là nhu cầu thiết yếu vừa là nguồn mang lại sự thoải mái. Cuộc khủng hoảng tài chính, đóng cửa các dịch vụ xã hội và áp lực ngày càng tăng đối với mạng lưới an toàn của chúng ta đã dẫn đến việc ngày càng có nhiều người (ở Canada) sống trong cảnh đói khát.

Bạn bè

Dù sẵn có những kết nối trực tuyến, đối với nhiều người, việc không thể kết nối với bạn bè và gia đình trong cùng một không gian vật lý đã dẫn đến cảm giác biệt lập và cô đơn. Con người cần sự kết nối.

Nghi lễ và truyền thống (Những sự kiện như lễ tốt nghiệp, tang lễ, hôn lễ)

Các nghi lễ truyền thống cho các cột mốc quan trọng đã bị hủy bỏ hoặc chuyển sang trực tuyến, để lại nhiều cảm xúc chưa được giải quyết.

Sự ổn định và an toàn

Không phải ai cũng có một gia đình an toàn và được bảo vệ. Các vụ bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em hiện đang có xu hướng gia tăng.

Cảm giác tự do cá nhân

Mặc dù các biện pháp giãn cách vật lý hiện là một điều cần thiết, nhưng chúng có thể khiến các cá nhân cảm thấy như một tù nhân trong chính ngôi nhà của họ.

Ước mơ trong tương lai

Với sự hỗn loạn của đại dịch, nhiều người đã gác lại những kế hoạch và hy vọng trong tương lai. Sự mất đi niềm hy vọng này có thể đặc biệt gây đau đớn.

Tử vong

Nhiều người đã mất một thành viên gia đình hoặc bạn bè vì COVID-19.

Sự ổn định trong học tập: Đối với phụ huynh và học sinh, sự căng thẳng ngày càng tăng của việc học tại nhà, lo ngại về tác động đến giáo dục trong tương lai của các em và sự không chắc chắn về thời gian và cách thức các trường học sẽ mở cửa trở lại đã tạo ra sự căng thẳng lớn.

Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta có thể sẽ trải qua vô số cảm xúc như thế.

Đón xem tiếp Kỳ 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...