Thứ Bảy, 28 tháng 8, 2021

THẦN THOẠI CHIRON VÀ Ý NIỆM "WOUNDED HEALER"

(*) Tựa được đặt lại

Tựa gốc: “The Myth of Chiron, The wounded Healer - What can the centaur Chiron teach us about the human condition?”
Tác giả: NEEL BURTON M.D.  Duyệt bởi: EKUA HAGAN
Nguồn: PSYCHOLOGY TODAY - February 20, 2021

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


*Neel Burton, MD, là một bác sĩ tâm thần, triết gia và nhà văn sống và giảng dạy tại Oxford, Anh.
*Chiron phát âm / ˈkaɪrən / KY-rən; cũng là Cheiron hoặc Kheiron; tiếng Hy Lạp : Χείρωv nghĩa là "bàn tay"

Trong tác phẩm The Iliad, Homer gọi Chiron là " khôn ngoan nhất và xứng đáng nhất trong số các nhân mã ". (Centaur: Nhân Mã - Những sinh vật đầu người mình ngựa)

Do định mệnh bị phá đổ bởi một trong những đứa con của mình, Cronus, vị thần đỡ đầu của các Titan, đã ăn tươi nuốt sống tất cả những đứa con khi chúng mới vừa được sinh ra. Trong cơn tuyệt vọng, vợ ông là Rhea đã giấu đứa con thứ sáu của họ, Zeus, trên đảo Crete. Khi Cronus tìm kiếm cùng trời khắp đất để tìm Zeus, ông ta đã đến gặp Oceanid Philyra, người mà ông ta thèm muốn. Để trốn khỏi Rhea, ông ta đã mang hình dạng của một con ngựa giống và cưỡi Philyra. Đúng hạn, Philyra sinh ra một đứa trẻ tên là Chiron với thân trên là của một người đàn ông và thân dưới là của một con ngựa. Xấu hổ và ghê tởm khi nhìn thấy con quái vật này, cô đã bỏ rơi đứa trẻ trên núi Pelion ở Thessaly.

May mắn thay, Chiron đã được phát hiện và được nuôi dưỡng bởi Apollo, người đã dạy chàng nghệ thuật chữa bệnh, âm nhạc cùng với thuật tiên tri, trong khi chị gái song sinh của Apollo là Artemis dạy chàng bắn cung và săn bắn. Chiron xuất sắc trong mọi lĩnh vực. Đôi khi người ta nói rằng chàng đã phát minh ra dược phẩm, y thuật và phẫu thuật. Thật vậy, cái tên "Chiron" có nghĩa là "bàn tay" - Tiếng Hy Lạp, “kheir” - hoặc " đôi tay khéo léo" và có liên quan đến từ “surgeon” nghĩa là "bác sĩ phẫu thuật" của chúng ta (kheir + ergon = "người thợ thủ công") (Tiếng Pháp: Chirurgie – ND).

Với học thức và tính khí của mình, Chiron rất được săn đón như một gia sư. Học trò của chàng bao gồm nhiều anh hùng vĩ đại nhất, bao gồm Perseus, Theseus, Jason, Telamonian Ajax (Ajax Đại đế), Patroclus, và tất nhiên, cả Achilles nữa. Chiron có một mối quan hệ đặc biệt với Achilles, khi đã khuyên Peleus, cha của Achilles, làm thế nào để thu phục mẹ anh ấy là Thetis.

Bị một trong những mũi tên của Paris đâm vào đùi, Eurypylus, thủ lĩnh của người Thessalians trong cuộc chiến thành Troy, đã thét lên với Patroclus:

“Tôi muốn anh cắt mũi tên này ra khỏi đùi tôi, rửa sạch máu bằng nước ấm và thoa thuốc mỡ xoa dịu lên vết thương. Họ nói rằng anh có một số đơn thuốc tuyệt vời mà anh đã học được từ Achilles, người được dạy bởi Chiron…”

Khi mang thai đứa con của Apollo, công chúa Coronis của người Thessalian đã để mình bị quyến rũ bởi Ischys phàm trần. Vì điều này, Artemis đã giết Coronis và gia đình nàng bằng một trận mưa tên. Nhưng, bằng cách thực hiện ca mổ bắt con đầu tiên, Apollo đã cứu đứa con chưa chào đời của họ khỏi giàn hỏa táng và giao nó cho Chiron nuôi nấng. Đứa trẻ đó là Asclepius, về sau là vị thần của ngành y.

Trong khi các nhân mã khét tiếng với bạo lực và sự ham muốn sắc dục khó kiềm chế, Chiron, con nuôi của Apollo, lại là người có văn hóa và biết kiềm chế. Không giống như những nhân mã khác, chàng thường được mô tả là có mặc quần áo thay vì khỏa thân, và với đôi chân của người chứ không phải chân ngựa. Là anh em cùng cha khác mẹ với Zeus, chàng đến từ một dòng dõi hoàn toàn khác với những nhân mã khác, những người được sinh ra từ Ixion và Nephele.

Trong kỳ lao động lần thứ tư để bắt lợn rừng Erymanthian, Herakles (Hercules) đã đến thăm nhân mã Pholus trong hang động của mình. Khi Pholus mở một chai rượu là quà do Dionysus tặng, hương vị mãnh liệt của rượu đã thu hút những nhân mã khác và khiến họ trở nên điên cuồng. Herakles đã bảo vệ cho cả hang bằng cách bắn ra những mũi tên nhúng trong máu của loài rắn nhiều đầu Lernaean, mà anh ta đã giết trong kỳ lao động thứ hai của mình. Một trong những mũi tên đã bắn trúng Chiron, người mặc dù là người thân với Herakles nhưng lúc ấy bị mắc kẹt trong cuộc hỗn chiến.

Với tất cả hiểu biết và kỹ năng của mình, Chiron đã không thể chữa lành vết thương đang trở nên đau đớn không thể chịu được của chính mình. Nhưng là người con trai bất tử của Cronus, chàng cũng không thể chết. Sau cùng, chàng hoặc Herakles đã thỏa thuận được với Zeus, theo đó chàng đánh đổi sự bất tử của mình để đổi lấy tự do cho Prometheus, người đã bị ràng buộc vĩnh viễn vào một tảng đá vì đã đánh cắp lửa từ các vị thần và giao nó cho loài người. Mỗi ngày, một con đại bàng mổ lấy lá gan bất tử của Prometheus, chỉ để nó mọc lại sau một đêm.

Sau cái chết của Chiron, Zeus cuối cùng đã giải thoát cho Prometheus, và định vị Chiron trên bầu trời thành chòm sao Nhân Mã – Centaurus hoặc Sagittarius.

Diễn giải thần thoại

Chiron bị thương hai lần: một lần khi mới sinh, và một lần nữa vào cuối đời.

Vết thương đầu tiên là vết thương tình cảm sâu sắc xuất phát từ việc đứa con của một vụ cưỡng hiếp sau đó đã bị cả cha lẫn mẹ chối bỏ. Chàng quả thực là một con quái vật đúng theo nghĩa đen, và rồi sau đó là một đứa trẻ mồ côi và bị ruồng bỏ.

Với hình hài nửa người, nửa thú, Chiron là hiện thân của cuộc xung đột trong tất cả chúng ta giữa bản năng động vật với lý trí hoặc thần tính, giữa sự hoang dã Dionysian của những con nhân mã khác và ánh sáng Apollonian cùng mệnh lệnh của người cha nuôi. Tuy nhiên, chàng đã kiên quyết đứng về phía Apollonian, và ở nhiều khía cạnh còn vượt trội hơn cả vị thần của ánh sáng, thông thạo và thậm chí phát triển nghệ thuật và khoa học (Tiếng Hy Lạp, “techne” và “episteme”) trong một nỗ lực để bù đắp cho việc chàng bị ruồng bỏ lúc ban đầu và chứng minh, cho cả bản thân lẫn với người khác, rằng chàng cũng đáng được chấp nhận và yêu thương.

Một mẫu hình tương tự có thể được nhận ra ở một vị thần bị từ chối khác, Hephaestus, bị mẹ Hera đuổi khỏi Olympus vì lý do dị dạng của ông. Mặc dù vậy - hay đúng hơn là vì điều này - Hephaestus, với tư cách là thợ rèn của các vị thần, dành cả cuộc đời của mình để tạo ra những đồ vật có vẻ đẹp và tiện ích tuyệt vời, chẳng hạn như cỗ chiến xa của Helios, mũ và dép có cánh của Hermes, và áo giáp của Achilles. Hephaestus thậm chí còn lấy được cô gái, kết hôn với Aphrodite, nữ thần tình yêu.

Chiron đặc biệt xem nghệ thuật chữa bệnh (healing arts) như một phương tiện chữa bệnh cho bản thân, và không chỉ cho bản thân mà còn cho cả những người khác nữa. Chàng toả sáng, ban cho người khác những thứ mà bản thân cũng cần đến cần nhất. Thay vì cứ để cho vết thương ban đầu bị mưng mủ, chàng tìm thấy bên trong vết thương ấy một nguồn động lực, thậm chí là nguồn cảm hứng, giúp chàng có được sự thấu hiểu và thành tựu lớn lao. Điều này lại mời gọi, hay đúng hơn là áp đặt, ý thức về mục đích và sự phục vụ, hoặc như một thứ nghĩa vụ làm cho cuộc sống của chàng trở nên cao quý và phong phú theo cách mà những nhân mã khác thậm chí không thể tưởng tượng được.

Như trong những vầng thơ của Rumi - Nhà thơ và nhà huyền bí người Ba Tư (mất năm 1273):

Thầy thuốc của bạn phải bị gãy chân để biết chữa trị cho người khác
Những khiếm khuyết của bạn là cách mà vinh quang được thể hiện.
Những ai thấy rõ căn bệnh trong chính mình
Bắt đầu tiến bước trên đường

Đừng quay đầu lại. Hãy tiếp tục nhìn vào vết thương được băng bó.
Đó là nơi ánh sáng đi vào trong bạn.

Trong The Meaning of Madness (Ý nghĩa của sự điên rồ), tôi cho rằng các rối loạn tâm thần đặc biệt không chỉ là những vấn đề. Nếu được điều hướng một cách thành công, chúng cũng có thể mang lại các cơ hội. Chỉ cần đơn giản nhận thức theo cách này có thể cho phép mọi người có khả năng tự chữa lành và hơn thế nữa, có thể trưởng thành và sống thông qua những trải nghiệm của chính họ.

Vết thương thứ hai của Chiron là bởi Siêu Tôi (superego), đại diện là Herakles, chiến đấu chống lại Cái Ấy (id), đại diện là đám nhân mã nổi điên bởi rượu Dionysian. Thay vì hòa giải bản thân với mặt tối, Herakles tuyệt vọng chiến đấu chống lại nó, có khả năng làm tổn thương bản thân và những người khác trong quá trình này - như anh đã làm với người bạn Chiron của mình.

Quyết định kiên cường nhận lấy cái chết của Chiron khi đối mặt với nỗi đau không thể chịu được và không thể chữa khỏi, đặc biệt là vì sự bất tử của chàng, đặt ra những câu hỏi đạo đức một cách sâu sắc và hiện đại đến mức đáng ngạc nhiên, về sự an tử (euthanasia) và mong muốn được bất tử, những câu hỏi chưa bao giờ thích hợp hơn như trong thời nay.

Chiron là một trường hợp hiếm hoi nếu không muốn nói là duy nhất của một vị thần đã chết, và hơn thế nữa, chọn lấy cái chết (không giống như Chúa Giê-su). Nhưng ngay cả trong lúc hấp hối, chàng vẫn cống hiến cho người khác. Giống như thể chàng đã thăng hoa cuộc đời mình vào sự thông tuệ, nghệ thuật và tình yêu, vì thế chàng cũng biến cái chết của mình trở thành một hành động phục vụ và hy sinh.

Và thật phù hợp khi sự hy sinh của Chiron là dành cho một vị thần rất giống với chính chàng: Một người bạn tuyệt vời của loài người, và bị thương vì điều đó, giống như tất cả chúng ta, để làm cầu nối giữa người phàm và thần thánh. Đây là vết thương thứ hai, vết thương trong thân xác phàm trần của chúng ta, vết thương sẽ không lành.

Và vì vậy, câu chuyện về Chiron là câu chuyện về cách mà chúng ta có thể đối phó với nỗi đau khổ tâm lý và sự tan huỷ thể xác không gì tránh khỏi như là một phần của kiếp người.

Đây là cách Rumi kết thúc bài thơ của mình:

Đừng quay đầu lại. Hãy tiếp tục nhìn vào vết thương được băng bó.
Đó là nơi ánh sáng đi vào trong bạn.
Và đừng tin trong giây lát rằng bạn đang chữa cho chính mình.

Phỏng theo sách mới của Neel Burton – The Meaning of Myth (Ý Nghĩa Của Thần Thoại)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...