Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

KHI NHỮNG PHẦN ẨN SÂU LÊN TIẾNG - Phần 1

THẠCH TRẦN BẠCH LONG – Chuyên viên tâm lý học đường

Bài ghi nhận về những trải nghiệm chân thực từ một thành viên trong nhóm thể nghiệm tâm kịch tại CLB Trăng Non năm 2021.


Tâm Kịch - Một thứ trải nghiệm đứng giữa những lằn ranh tương phản. Nơi mà một phương pháp chuyên môn được tạo ra để diễn tả lại những khung cảnh rất đời. Nơi hòa trộn giữa những “vai trò”, “bối cảnh” được định trước và “những nét diễn” sáng tạo từ người tham gia. Nơi va chạm giữa cái “ảo” trong kịch với niềm tin thật, chuyện đời thật của con người. Có lẽ vì thứ thật mà ảo, ảo mà thật này nên những người tham gia, trong đó có tôi, có dịp lắng nghe những khía cạnh ẩn sâu trong con người mình lên tiếng.

Tôi bắt đầu tiếp xúc với tâm kịch từ khoảng tháng 1/2021 trước khi phải tạm dừng lại do sự ảnh hưởng của dịch bệnh gần đây. Tôi tham gia đóng góp và thảo luận tâm kịch khoảng 3 đến 4 lần. Nhưng trong đó 2 lần trải nghiệm được tôi đề cp trong bài viết này là những trải nghiệm làm tôi nhớ nhất, chắc vì những lần này tôi được trực tiếp vào vai một nhân vật thay vì xuất phát với vai trò khán giả như những lần khác.

Trong những đoạn văn mô tả trải nghiệm của bài viết này, tôi sẽ tập trung mô tả những gì diễn ra trong tâm trí tôi trước, trong và sau khi vào vai hơn là viết cái gì đó cụ thể chi tiết hướng vào kỹ thuật và nội dung vở kịch. Thỉnh thoảng, tôi có đưa ra một vài lời bình luận về tính hiệu quả của kỹ thuật hoặc một vài suy tư gì đó về con người. Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng xem nó như một “trải nghiệm cá nhân”. Và khi chúng ta thống nhất với nhau sử dụng bốn chữ “trải nghiệm cá nhân” nghĩa là những bình luận, những suy tư trong bài viết này hoàn toàn có thể đúng với tôi và sai với người khác. Sở dĩ tôi phải nói điều này vì những điều tôi rút ra sau mỗi lần trải nghiệm khá là đa dạng; lúc thì nó khiến tôi vui vì những niềm tin được khẳng định và khi thì khó chịu vì phải thừa nhận những điều đi ngược với định kiến cá nhân. Không loại trừ, khi bạn đọc bài viết của tôi, bạn cũng sẽ có những cảm giác tương tự. Khi đó, những trải nghiệm của tôi và niềm tin sâu trong bạn sẽ khơi màu cho những mâu thuẫn không hồi kết, vì cả hai phía – tôi và người đọc - đều sẽ “bận bảo vệ quan điểm của mình”. Nhưng mọi thứ sẽ khác, nếu tâm thế của chúng ta đối với bài viết này được định trước là “trải nghiệm cá nhân”, khi đó chúng ta sẽ nhìn nhau như những con người thay vì sự lạnh lùng phán xét và đòi hỏi một cái đúng “tuyệt đối” của thế giới chuyên gia.

Điều tôi vừa nói cũng là một yêu cầu quan trọng khi tham gia tâm kịch, những phát biểu của bạn khi tham gia vở kịch diễn tả câu chuyện đời của người khác (hoặc của chính mình) sẽ chỉ dừng lại ở “trải nghiệm cá nhân” chứ không mang tính “dạy bảo”, “phê phán”, “đánh giá”, đối với những nhân vật trong vở kịch, bao gồm cả nhân vật mà bạn được vào vai. Sẽ thật thú vị, nếu ngay bây giờ bạn đồng ý với tôi cùng nhau tạo ra một vở kịch thông qua bài viết này. Tôi sẽ vào vai một cậu bé kể chuyện, kể cho bạn nghe những điều hay ho kỳ lạ một cách trung thực nhất về tâm kịch. Còn bạn sẽ vào vai một người bạn dễ thương lắng nghe những câu chuyện của bạn mình. Chúng ta bắt đầu nhé.

“Action”

Trải nghiệm lần 1  

Tôi vào vai người cha trong một tình huống có thực được tái hiện trong hoạt động tâm kịch. Chúng tôi diễn lại một bữa ăn gia đình, nơi mà các thành viên đang đối thoại với nhau một chủ đề khó. Người cha trong câu chuyện đang đứng trước tình thế khó khăn khi phải lựa chọn đứng về phía vợ hay đứng về phía cô con gái. Tôi nhớ là tôi đã được nghe khá rõ về nhân vật mà tôi sẽ vào vai, nhưng khi đó tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bối rối ngượng ngùng. Nhưng đó là thời điểm lúc khởi đầu, còn khi đã thật sự nhập tâm vào nhân vật thì lúc đó những tình huống diễn ra liên tục đã cuốn tôi đi.

Chúng tôi đã có khoảng 7–10 phút trong kịch trước khi dừng diễn để hướng vào suy nghĩ, cảm xúc của từng người. Tại đây khi hồi tưởng lại những điều đã trải qua, tôi bắt đầu có một hình dung về khái niệm “role – vai trò” một cách rõ ràng. Mỗi một con người từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều vai trò khác nhau. Mỗi vai trò cũng tương ứng với những trách nhiệm, kỳ vọng và nguồn lực riêng biệt. Trong lúc diễn với vai người cha, đó là đang nhìn từ điểm nhìn của cô con gái. Nhưng ở đó, tôi cũng là chồng từ điểm nhìn của người vợ và là “một người đàn ông trụ cột” nếu nhìn từ điểm nhìn xã hội. Và ở đó, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cái gọi là mâu thuẫn vai trò, khi con gái và vợ có những ý kiến khác nhau về một vấn đề của gia đình. Tôi vừa là “chồng” vừa là “cha” đó là còn chưa kể đến những suy nghĩ khác hẳn trong tôi – nơi tôi cũng phải có trách nhiệm với chính mình. Bài toán giữ sự cân bằng giữa những kỳ vọng và trách nhiệm đối nghịch nhau thật không dễ dàng. Hồi tiểu học ta có học bài “Làm anh khó đấy” thì khi được trải nghiệm những điều này, tôi cảm thấy “Làm ba, làm mẹ, làm con, làm em… cũng có dễ gì đâu”.

Nhưng vấn đề là tại sao trong thực tế, con người ít khi hiểu được những cái khó ở những người thân của mình? Sau này, khi càng gặp nhiều người, nghe nhiều hoàn cảnh khác nhau, tôi càng có cơ sở để đưa ra một vài giả thuyết: đó là “chúng ta hầu như rất hạn chế nói ra những tình thế khó của mình cho những người xung quanh”. Nhưng nói như thế không có nghĩa là tôi khuyến khích con người phải nói hết mọi thứ. Vì đâu phải ngẫu nhiên một lựa chọn nào đó được đưa ra. Mỗi lựa chọn “nói ra thế khó” hoặc “giữ cho riêng mình” đều phải xét tới bối cảnh nền của lựa chọn đó. Sẽ thật phiến diện, nếu ta bắt một ai đó phải nói ra một điều khó nói khi họ chưa cảm thấy thật sự an toàn. Điều này được thể hiện rất rõ trong suốt quá trình diễn kịch, tôi (trong vai trò người cha) chưa bao giờ nói hết những khó khăn, mâu thuẫn trong đầu mình ra. Tôi sợ điều đó sẽ làm tình hình trở nên căng thẳng, hai nhân vật - vợ và con gái sẽ có thêm một gánh nặng. Mặc khác, tôi cũng sợ những cái khó của tôi sẽ nhận lại những đánh giá tiêu cực. Và điều thú vị là những bạn diễn của tôi cũng thế.

Khi vừa viết đến đoạn này một câu hỏi lớn xuất hiện trong đầu tôi, điều gì khiến tôi tin rằng việc nói ra những khó khăn sẽ khiến đối phương có thêm nhiều gánh nặng. Và điều gì đã khiến tôi tin là khi mình nói ra sẽ nhận về những điều tiêu cực? Một gợi ý lớn cho tôi.

Ở một góc độ khác, không thể phủ nhận việc giữ im lặng của chúng ta đôi lúc khiến tình thế trở nên rối rắm hơn. Trong vở kịch của chúng tôi, khi người cha không nói về nỗi khổ của người cha với con gái, thử hỏi làm sao cô con gái có thể hiểu được ý nghĩa của những việc ông ấy làm. Và ngược lại, khi cô con gái không nói những điều mình nghĩ thì thử hỏi bằng cách nào cha và mẹ có thể hiểu được những cái khó của cô. Nhưng như đã nói ở trên, việc chia sẻ khó khăn đâu phải là chuyện khó của riêng cô gái gặp phải. Nó cũng là chuyện khó của tôi, của bạn và rất có thể là ở hầu hết chúng ta. Và ngay khoảnh khắc tôi và bạn cùng nhau ý thức về “chuyện khó ấy” thì đó cũng là lúc chúng ta bắt đầu thay đổi.

Một điều khác tôi góp nhặt được từ phản ứng của cô con gái trong vở kịch là: Cô đã dám đứng lên tranh luận và đòi quyền quyết định – một cách thức mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ trong đời thực. Tôi đã rất phấn khích và ngưỡng mộ cách cô ấy dũng cảm và quyết đoán khi đối mặt với gia đình. Tại sao tôi lại không dám bày tỏ ý kiến và dành quyền quyết định chính đáng cho mình chứ? Bày tỏ ý kiến cũng “hợp lý”, cũng “chính đáng” mà. Tại sao lại không chứ? Đó lại là một câu hỏi lớn cho tôi.

Cách góp nhặt những phản ứng từ nhiều người khác rồi tự thách thức như tôi vừa làm chính là một trong những cái hay tôi nhận được từ hoạt động tâm kịch lần đó. Nó cho phép tôi quan sát được những cách ứng xử khác nhau từ những cá nhân khác nhau trong cùng hoàn cảnh. Nó thách thức những “phản ứng” mà ta hình dung là “phải” làm trong hoàn cảnh đó. Dần dần mở đường cho một phản ứng dựa trên tính cấp thiết của thực tại hơn là những kinh nghiệm không còn phù hợp. Nói như thế không có nghĩa là xóa đi sự đóng góp của kinh nghiệm cá nhân, mà kinh nghiệm giờ đây có vai trò như một thứ “tài liệu tham khảo” để từ đó đưa ra các phản ứng thay vì luôn là phương án được chọn.

Có một kỹ thuật trong tâm kịch mà tôi được trải nghiệm khiến tôi vô cùng thích thú đó là: “độc thoại” (soliloquy). Điều đặc biệt ở dây là nhân vật sẽ nói thành lời những suy nghĩ của mình thay vì chỉ nói thầm trong trong tâm trí, với một tác phong như nói với chính mình, dù thành viên trong nhóm tâm kịch có thể cùng nghe được. Trong lần trải nghiệm ấy, kỹ thuật này được thực hiện khi chúng tôi thực hiện xong đoạn diễn. Thật bất ngờ với hiệu quả của nó! Trong vai trò người cha, khi nghe những lời độc thoại của cô con gái và người vợ, tôi đã cảm thấy cái thế khó xử dằn vặt của người cha đã trở nên khác đi rất nhiều. Tôi hiểu vì sao người mẹ lại phản đối, tôi cũng hiểu vì sao cô con gái lại đứng lên tranh luận. Và trên hết, tôi cảm nhận được tình yêu thương ẩn sâu sau những hành động có đôi phần quá đáng”. Như tôi từng nói ở đoạn trước, khi ta biết được ý nghĩa và sự yêu thương đằng sau những hành động, dù là trái ý, thì mọi thứ trở nên nhẹ nhõm rất nhiều. Khi ta biết, “lá cây rng vào mùa đông là vì để cây sống sót, chờ ngày xuân tới lại xum xuê”, thì lẽ nào ta lại phiền trách! Dù rằng, đâu ai thích lá rụng bao giờ?

Một kỹ thuật khác trong tâm kịch cũng rất thú vị là “đảo vai” (role reversal). Nơi một người sẽ đứng vào vị trí của một nhân vật khác để phát biểu suy nghĩ cảm nhận của người đó. Nó tạo điều kiện cho người tham gia được nhìn rõ hơn câu chuyện với những điểm nhìn khác nhau. Có một câu hỏi mà cho đến giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời, đó là: Vì sao mà một số thay đổi như xoay hướng ghế hoặc đổi vị trí người diễn, lại tạo ra tác động lớn đến cách ta suy nghĩ và cảm nhận đến thế! Vì những thay đổi đó thật sự “đặc biệt” hay bản thân con người đã có sẵn một số khao khát được thấu hiểu những người thương của mình mà không dám thừa nhận nên cần có một cái “đặc biệt phủ đầy bí ẩn” như thế để làm lý cớ (Hoặc tạo tình thế?).

Khi viết tới đoạn này tôi đã nghiêng đầu “hihi” cười bản thân mình

Và cười luôn cả thế giới loài người…

Đón xem tiếp Phần 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...