Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

TẠI SAO TUỔI 25 LÀ TUỔI 18 “MỚI” - Phần 2

“Why 25 may be the new 18”
Tác giả: JOHN G. COTTONE Ph.D. - Duyệt bởi: DEVON FRYE
Nguồn: Psychology Today - Posted July 19, 2021

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non



Bài hát Vienna của Billy Joel
Xem lại Phần 1

PHẦN 2:  
ĐỘ TUỔI 25 LÀ GIAI ĐOẠN MỚI CỦA TUỔI 18?  BÌNH TĨNH VÀ TÌM CÂU TRẢ LỜI Ở BÀI HÁT “VIENNA”  (Is 25 the New 18? Slow Down and Find the Answer in "Vienna")


Điểm chính

  • Thông điệp trong “Vienna” của Billy Joel là chủ âm hoàn hảo (perfect tonic) cho người vị thành niên ngày nay: Đừng vội lớn lên.
  • Những người trẻ ngày nay thường bị thúc đẩy trưởng thành quá nhanh, hy sinh sự phát triển và tinh luyện cần thiết trong quá trình này.
  • Để giúp mọi thứ chậm lại, hãy điều chỉnh những ưu tiên của bạn và cho phép con bạn thất bại và học từ những sai lầm của chúng.

Bài hát “Vienna” của Billy Joel nguyên là một bài hát không làm theo dự định vào thời điểm được phát hành năm 1975 (đó là một đĩa đơn mặt B), đã được khôi phục trong những năm gần đây, và tại thời điểm viết bài này, nó trở thành bài hát được nghe nhiều thứ tư của ông ấy trên Spotify. Mặc dù không rõ lý do bài hát này được phổ biến trở lại, tôi nghi ngờ có thể bởi vì thông điệp chính của bài hát này: đừng vội lớn lên – chính là chủ âm hoàn hảo cho người vị thành niên ngày nay, trong một thế giới đẩy họ trưởng thành ngày càng nhanh. Đoạn mở đầu của bài hát đã hiện ra chủ đề ấy:

Chậm lại bạn ơi, đứa trẻ đang điên loạn,
Là người chưa thành niên, đầy những khát khao,
Nhưng nếu đủ thông minh hãy cho mẹ biết,
Vì sao con vẫn sợ hãi đến như vầy... 

(Slow down you crazy child, you're so ambitious for a juvenile, but then if you're so smart tell me why are you still so afraid.)

Là một nhà tâm lý được đào tạo tại trung tâm tham vấn của trường đại học và chủ yếu làm việc với người trẻ - sinh viên đại học và sau đại học trong độ tuổi 20 – vừa là một phụ huynh có một con trai và một con gái ở tuổi vị thành niên, bài hát Vienna đã gây nên sự cộng hưởng trong tôi (Nguyên văn: “The song Vienna hits home”). Tôi là nhân chứng cho nhiều cách thức thúc đẩy con cái chúng ta lớn lên nhanh quá, hy sinh sự phát triển và sự tinh luyện thật cần thiết trong quá trình lớn lên này. Trẻ nhỏ - thậm chí khoảng 5, 6 tuổi – không còn được phép tham gia các hoạt động chỉ vì mục đích vui thú nữa: mọi hoạt động đều phải phục vụ cho việc dạy một bài học hoặc nâng cao cơ hội để nhận được học bổng đại học.

Việc sử dụng mạng xã hội quá mức ở cha mẹ (chứ đừng nói đến bản thân trẻ nhỏ) dường như nuôi dưỡng tâm lý rằng con cái chúng ta luôn cần phải làm điều gì đó hữu ích và đầy cảm hứng, vì sợ rằng chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội để chứng minh cho bạn bè của mình thấy chúng ta là những bậc cha mẹ tuyệt vời. Trái lại, rất nhiều cha mẹ từng ở trong tình trạng quá lo lắng về việc con mình thất bại trong việc vào đời (failure to launch) đến nỗi mỗi khi thấy các con đang bị chậm lại (ngay cả trong giai đoạn Covid), hoặc khi phải lùi lại một bước trong nỗ lực tiến lên hai bước, chúng ta đã hoảng sợ và thúc đẩy trẻ mạnh hơn.

Theo kinh nghiệm của tôi, những ảnh hưởng tích lũy của những kiểu làm cha mẹ đầy lo âu này dẫn đến việc chúng ta đặt con mình vào một “guồng quay thành tích” (treadmill of achievement) ngay từ lúc trẻ được sinh ra. Khi tôi làm việc với một thân chủ trẻ tuổi, họ thường nói với tôi rằng khi lớn lên, dường như mối quan tâm lớn nhất của cha mẹ họ là việc đảm bảo họ được nhận vào một trường đại học tốt hơn là giúp họ trở thành một người hạnh phúc, cân bằng và thành công. Họ thường đến với tôi vì một “hỗn hợp (cocktail) các chứng lo âu, rối loạn ăn uống, hoặc đôi khi mất khả năng tự xác định xem họ thật sự muốn làm gì trong đời bởi vì hầu hết những quyết định lớn trong cuộc sống của họ đều đã được cha mẹ thực hiện.

Một thế giới mới cần đến lòng can đảm (A brave new world)

Trưởng thành ở bất cứ thời điểm nào trong lịch sử cũng đều có những thách thức riêng của nó, nhưng có rất nhiều lý do để tôi tin rằng thế giới ngày nay đòi hỏi nhiều thời gian hơn – để thử nghiệm những điều mới mẻ và chỉ mắc những sai lầm không đáng kể – để đảm bảo một sự phát triển lành mạnh cho đến tuổi trưởng thành. Tôi tin rằng ngày nay thế giới đặt lên trẻ nhỏ nhiều kỳ vọng hơn từng có trước đây và rất nhiều cuộc đời của người trẻ đã bị “đặt dưới kính hiển vi” (under a microscope) và được xem xét kỹ bởi cha mẹ cũng như bởi bạn bè đồng trang lứa. Để minh họa cho điều này, hãy nhớ lại khi bạn đến trường và nhận một điểm số thấp khi làm bài kiểm tra. Phải chăng bạn đã có một lựa chọn, nếu muốn, đó là giấu điểm số này đi cho đến khi giấy báo được gởi về vào mãi cuối kỳ. Ngày nay, các bậc cha mẹ có thể biết điểm số của con chỉ vài phút sau khi kết thúc buổi kiểm tra (và thường còn trước khi chính trẻ biết điểm số này), khiến trẻ không có cách nào để giấu điểm số của mình và đối diện với hàng loạt những câu hỏi gai góc ngay khi trẻ bước chân ra khỏi cửa, giống như một vận động viên chuyên nghiệp phải xuất hiện trong một cuộc họp báo ngay sau một trận thua nhọc nhằn.

Dưới đây là một vài minh họa khác về những stress mà người vị thành niên ngày nay phải đối diện, những điều mà thế hệ trước đã không phải đương đầu:

* Chưa từng nhiều hơn trước đây, nhiều trẻ nhỏ đã lớn lên trong gia cảnh cha hoặc mẹ đơn thân (Pew Research Center, 2018) hoặc trong những gia đình mà cả cha và mẹ đều đi làm, những hoàn cảnh mà trẻ không có được sự hướng dẫn của cha mẹ vào những giai đoạn trẻ có nhiều đau khổ về cảm xúc. Theo kinh nghiệm của tôi, điều này khiến rất nhiều vị thành niên thiên về việc lạm dụng những cơ chế ứng phó không lành mạnh (ví dụ: tìm kiếm sự an ủi ở thức ăn, tự sử dụng các chất gây nghiện, hoặc dành quá nhiều thời gian trên những màn hình thiết bị) và sau đó phải cần học những cách lành mạnh hơn để ứng phó với những đau khổ cảm xúc về sau trong đời.

* Trái với những thế hệ trước đây, với phong cách sống trung lưu, thoải mái, có thể chỉ cần đến mức tốt nghiệp trung học (khi mà hầu hết những công việc cơ bản chỉ là lao động thể lực), ngày nay cuộc sống sẽ càng khó khăn hơn nếu không được giáo dục và huấn luyện nâng cao, thường việc ấy diễn ra quanh độ tuổi 25 của một đời người. Sự cạnh tranh để có công ăn việc làm càng thôi thúc người trẻ tiến tới và càng khiến cho việc đào tạo sau đại học hoặc đào tạo kỹ thuật nâng cao ngày càng cần thiết hơn trong tương lai.

* Sự phát triển các chuẩn mực về giới (gender norm) hướng tới một bộ chuẩn tắc phổ quát – bao gồm sự pha trộn những nét truyền thống của cả nam tính lẫn nữ tính– có nghĩa là trẻ nhỏ ngày nay phải học nhiều gấp đôi để có thể được xã hội hoá một cách đầy đủ trong thế giới ngày mai. Trong cái thế giới mà con cái chúng ta thừa hưởng hôm nay, các nam thanh niên cũng được mong đợi là những người nhạy cảm và có kỹ năng giao tiếp vượt xa hơn những người đàn ông của thế hệ trước. Nữ giới ngày nay cũng được mong đợi sẽ phát triển năng lực tranh tài trong thể thao, sự dẻo dai về thể chất và tính quyết đoán vượt xa sự mong đợi đối với phụ nữ ở bất kỳ thế hệ nào trước đây. Điều này có nghĩa là trẻ nhỏ ngày nay cần nhiều thời gian hơn để học tập, thực hành và thể nghiệm các tính cách của người trưởng thành nhiều hơn các thế hệ trước để có thể trở nên một người trưởng thành lành mạnh và thành công trong cuộc sống tương lai.

* Mạng xã hội, như con dao hai lưỡi, đem lại nhiều rủi ro ở cả hai mặt. Một mặt, việc tiếp xúc với mạng xã hội sẽ khiến người trẻ bị ngập tràn bởi vô số những cách nhìn bị bóp méo cả về thế giới rộng lớn lẫn thế giới nhỏ của các vòng kết nối xã hội của họ. Họ thường bị áp lực phải giữ một vị thế mạnh mẽ (đôi khi còn gây tranh cãi) trước những chủ đề mà họ còn hiểu biết rất ít, đưa họ lên một mức độ chịu sự kiểm định và phản bác mà hầu hết người lớn cũng khó có thể xử lý. Ngoài ra, tình trạng ẩn danh trên internet làm tăng khả năng bị tấn công bằng lời theo những cách mà người vị thành niên có thể không sẵn sàng xử lý. Điều cũng đáng chú ý là mạng xã hội chắc chắn sẽ làm cho một sai lầm nào đó của người vị thành niên (chẳng hạn những bức ảnh gây ngượng ngùng) sẽ có thể tồn tại trên internet mãi mãi với viễn cảnh những đối thủ, những đối tác cạnh tranh và người yêu cũ sẽ sử dụng những điều này với mục đích xấu vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai.

Mặt khác, né tránh mạng xã hội có nghĩa là mất đi những cơ hội quan trọng để xây dựng nên một mạng lưới xã hội lành mạnh trong thế giới tương lai.

Những khuyến nghị

Trong ánh sáng của một thế giới “can đảm mới” mà những người trẻ thế hệ Z sẽ đối mặt, tôi tin rằng chúng ta cần thay đổi quan niệm của chúng ta về người vị thành niên, kéo dài giai đoạn này đến khoảng tuổi 25. Điều này không có nghĩa là chúng ta cần đẩy lùi độ tuổi bầu cử, làm việc, lái xe hay tham gia quân đội đến 25 tuổi, nhưng chúng ta nên thay đổi những mong đợi về mặt văn hóa đối với những trẻ em ở độ tuổi dậy thì, với người trẻ và với cha mẹ của các em. Dưới đây là một vài khuyến nghị dựa trên công việc lâm sàng của tôi với người trẻ cũng như kinh nghiệm trong việc làm cha mẹ. 

1.   Điều chỉnh dòng thời gian (timeline) và các ưu tiên của bạn 

Hãy xem việc nuôi dạy một người trưởng thành cân bằng và lành mạnh là ưu tiên hàng đầu của bạn thay vì đưa con bạn vào một trường đại học hàng top đầu (Nguyên văn: “an Ivy League university”) sau khi kết thúc trung học. Hãy nghe lời khuyên của chuyên gia tuyển sinh đại học nổi tiếng Lynn O’Shaughnessy; và tránh trở thành nạn nhân của “huyền thoại Ivy League”, và hiểu rằng con bạn về lâu dài sẽ tốt hơn, vào đúng trường đại học, đúng thời điểm thay vì bị thúc ép để vào Harvard chẳng hạn. Trong những năm tháng trung học, hãy khuyến khích con bạn chơi thể thao, học một loại nhạc cụ để giải trí, không phải vì học bổng, cố tránh việc xếp lịch nhồi nhét đến mức trẻ không có thời gian để mơ mộng.

Một lưu ý liên quan khác, tôi thường khuyên các bạn trẻ nên học ít nhất một năm học ở đại học và tránh học quá 15 tín chỉ trong một học kỳ. Mặc dù điều này có thể kéo dài thời gian học đại học thêm 1 đến 2 năm, nhưng những cơ hội có sẵn trong thời gian học đại học – như làm thử những điều mới (ví dụ: chương trình du học, thực tập, câu lạc bộ…) và gặp gỡ những người mới – lại hiếm khi có được trong cuộc sống sau này.

2.   Hãy cho trẻ được thất bại và học từ những sai lầm của mình

Vấn đề làm cha mẹ theo kiểu “máy bay trực thăng” và “máy ủi tuyết” (helicopter and snowplow parenting) thể hiện khi chúng ta quá bảo vệ trẻ khỏi những thất bại, trẻ nhỏ sẽ không bao giờ học được cách sử dụng tiến trình thử và sai (liên quan đến hầu hết những sai lầm) để phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và trưởng thành từ những sai lầm của chúng. Nhiều thân chủ đang gặp khó khăn của tôi là con của những cha mẹ nuôi dạy con theo “kiểu trực thăng”, và họ thường nói với tôi rằng họ gặp khó khăn trong việc tự quyết định, thậm chí gặp khó khăn khi xác định mình muốn gì bởi vì hầu hết những quyết định quan trọng đã được cha mẹ làm thay trong suốt cuộc sống của họ.

Để kết luận, bằng cách lưu ý những khuyến nghị này, bạn sẽ có điều kiện tốt để nuôi dạy một đứa con nên người, phát triển lành mạnh, cân bằng và sẵn sàng trở thành một con người có ý nghĩa trong thế gian này.

Nếu có lúc nào bạn chùn bước và cần một lời nhắc nhở, chỉ cần chậm lại và lắng nghe bài hát Vienna của Billy Joel: Những người trưởng thành mà bạn nuôi dạy sẽ vì thế mà trở nên tốt hơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...