Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

GIẢI ĐỘC XÃ HỘI VÀ ẨN CƯ - Phần 1

Tựa đầy đủ: Giải độc Xã hội và Ẩn cư: Một mình, Cô đơn hay “Ẩn cư bất toại”?
“Social Detoxing and Solitude: Alone, Lonely, or Aloneliness?”
Tác giả: ADITYA SHUKLA – Tâm lý gia Ấn Độ
Nguồn: Cognition Today - September 13, 2020

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Các thuật ngữ chính

Cô đơn (loneliness): Cảm giác nảy sinh do nhu cầu về mặt xã hội không được đáp ứng, cảm nhận thuộc về và gắn bó giảm thấp. Đây không phải là một sự lựa chọn.

Ở một mình hoặc ẩn cư (alone-time/Solitude): Trạng thái rời xa người khác mà không có quá nhiều cảm xúc tiêu cực. Đây là một sự lựa chọn.

Khái niệm thứ ba chúng tôi tạm dịch là “ẩn cư bất toại” (Aloneliness): Hiểu theo nghĩa là một nhu cầu ẩn cư (solitude) không được thoả, không được như ý, kèm theo với một sự khập khiễng, không ăn khớp giữa thời gian thực dành để ở một mình và nhu cầu cần ở một mình.

 

Phần 1

Nhiều người đã tách mình khỏi sự kết nối với các hoạt động xã hội và tìm kiếm lối sống ẩn cư để cải thiện niềm an lạc của họ. Kiểu “giải độc xã hội” (social detox) này là một chọn lựa phong cách sống phổ biến khi mọi thứ đã trở nên quá tải. Liệu người ta có cảm thấy tốt hơn khi dành thời gian ở một mình và xóa các ứng dụng mạng xã hội không? Việc rời xa xã hội có giúp ích gì không?

Nghiên cứu cho thấy rằng rất nhiều sự phụ thuộc vào động lực, sự lựa chọn và cường độ “giải độc” của một người. Cô độc có mục đích (alone on purpose) là một sự lựa chọn, nhưng cô đơn thì không.

Cô đơn có liên quan đến một loạt các tác động tiêu cực như giảm mức độ hài lòng với cuộc sống, khả năng ứng phó kém với các bệnh tâm thần, tăng cơ hội mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần, gia tăng những suy nghĩ tiêu cực và tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Thế nhưng, thời gian dành để sống một mình một cách có chủ ý (ẩn cư) và giải độc xã hội thì lại có một số tác động tích cực.

Cô đơn (không thoả nhu cầu được thuộc về) khác với việc ở một mình dựa trên mức độ kiểm soát của một người đối với các tương tác xã hội. Cô đơn, một trạng thái thụ động, rõ ràng có liên quan đến việc giảm cảm giác hạnh phúc. Tuy nhiên, giải độc xã hội và dành thời gian để ở một mình (alone-time) lại có thể cải thiện trạng thái sống hạnh phúc.

Có một nét nhân cách (personality trait) được gọi là “nhạy cảm trong xử lý các giác quan” (SPS - Sensory Processing Sensitivity) rất quan trọng trong việc hiểu lý do tại sao một số người chọn cách “giải độc” (detox). Tính khí này mô tả mức độ nhạy cảm của mọi người đối với các cảm giác thể lý, trải nghiệm cảm xúc, các suy nghĩ và các chi tiết trong một trải nghiệm. Khi sự nhạy cảm này tăng cao có thể dễ dàng làm một người dễ cảm thấy choáng ngợp. Nó có thể thu hút sự chú ý quá mức đến các chi tiết mà từ đó kích hoạt nhiều luồng suy nghĩ buồn phiền. Sự nhạy cảm này ăn sâu trong quá trình xử lý thông tin, nhận thức về sự tinh tế trong môi trường, dễ bị choáng ngợp và nó cũng nằm sâu trong quá trình xử lý/đáp ứng về mặt cảm xúc.

Mặc dù nét nhân cách này hàm nghĩa đây là “người nhạy cảm cao”, nhưng nó không có nghĩa là người đó bị tổn thương.

SPS cao có thể dẫn đến những hậu quả tích cực lẫn tiêu cực. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng SPS khiến mọi người dễ lo lắng và gắn sự chú tâm vào những chi tiết tiêu cực. Tuy nhiên, mặt ngược lại, SPS cao cũng gắn liền với sự sáng tạo và tăng trải nghiệm tích cực.

Các nhà nghiên cứu đề xuất rằng sự nhạy cảm xử lý giác quan khởi đầu bằng sự tương tác của các phản ứng cảm xúc và mức độ sâu của quá trình xử lý khiến cho người nhận biết nhiều về các chi tiết và có tiềm năng dễ bị choáng ngợp, quá tải. Trong bối cảnh của bài viết này – nói về sự cô đơn, dành thời gian một mình và giải độc xã hội - một người có thể chọn giải độc xã hội bởi vì bản chất của những trải nghiệm xã hội có tính kích thích quá cao. Những trải nghiệm xã hội đó có thể là những cuộc chè chén cuối tuần, hàng loạt những cuộc trò chuyện linh tinh, những bữa tiệc, sự kiện, những cuộc tán gẫu trên mạng xã hội...

Trong một nghiên cứu gần đây bằng cách sử dụng một số trắc nghiệm và phỏng vấn sâu để hiểu hạnh phúc ở những người có SPS cao, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 7 yếu tố có tác động tích cực đến hạnh phúc của họ - đó là

1. Các mối quan hệ xã hội tích cực cân bằng với thời gian ẩn cư (solitude) của họ,

2. Kết nối với thiên nhiên (connecting with nature),

3. Thực hành tĩnh tâm (contemplative practices),

4. Tự điều hoà cảm xúc (emotional self-regulation),

5. Thực hành tự trắc ẩn (self-compassion),

6. Cảm nhận về một cuộc sống ý nghĩa (sense of meaning),

7. Niềm hy vọng và thái độ lạc quan (hope/optimism).

Sự cân bằng và hài hòa trong mọi khía cạnh của cuộc sống là rất quan trọng đối với những người tham gia nghiên cứu. Theo những nghiên cứu sâu rộng về tâm lý học tích cực, những yếu tố này có mối liên hệ nhân quả với sự gia tăng niềm hạnh phúc và an lạc.

Những thời khoảng ẩn cư, hay cụ thể hơn là thời gian ở một mình có chất lượng, là một hoạt động có mục đích mà những người SPS cao tham gia để cải thiện sức khỏe của họ. Họ cũng nhấn mạnh rằng cảm xúc tích cực cường độ thấp (low-intensity positive emotions) đi cùng với cảm giác cân bằng, nhận thức và chấp nhận bản thân, và sự hài hòa là những đặc điểm chính làm nên hạnh phúc của họ.

Trích dẫn từ các cuộc phỏng vấn của họ:

* "Ẩn cư là một điều rất quan trọng đối với tôi để duy trì sự tỉnh táo và năng lượng của tôi"

* "Điều thực sự quan trọng là tôi có thể ở lại với chính mình"

* “Tôi nhận được rất nhiều lời mời, và tôi luôn cảm thấy có nghĩa vụ phải theo kịp người này, người nọ, người kia […] nhưng bây giờ tôi giống như, à không, tôi đã có một trong những tuần như thế khi tôi cần về nhà"

Những điều này tiêu biểu cho trạng thái tinh thần của một số người. Các ước tính thô nói rằng 15-20% tổng số người dân và tới 35% trẻ em có SPS cao.

Các nghiên cứu cho thấy những người tìm kiếm sự ẩn cư vì lý do xuất phát từ động lực tự thân (self-motivated) thì sẽ có cuộc sống an nhiên hơn. Đó là một phần quan trọng của hạnh phúc đối với những người nhạy cảm. Còn nhu cầu không được đáp ứng về thời gian ở một mình (tức trạng thái "ẩn cư bất toại" - aloneliness) thì sẽ làm giảm đi trạng thái an lạc.

Đón xem tiếp Phần 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...