Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

“SÁCH ĐỎ” CỦA CARL JUNG

“Carl Jung's Red Book”

Tác giả: JOHN M. GROHOL, Psy.D.

Nguồn: PsychCentral - September 20, 2009

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Carl Jung (1875-1961) là một nhân vật có nhiều điều hấp dẫn trong lịch sử tâm lý học.

Được đích thân Freud dìu dắt, Jung sau đó đã tách khỏi Freud để tìm ra lý thuyết của riêng mình về hành vi con người, lý thuyết mà ngày nay thường được gọi là “Tâm lý học Jungian”. Các lý thuyết của Jung nhấn mạnh nhiều hơn vào khía cạnh tâm linh của nội tâm chúng ta (spiritual side of our inner psyche), và niềm tin rằng tất cả nhân loại đều chia sẻ cái mà ông gọi là “vô thức tập thể” (collective unconscious). Ông cũng tin vào sức mạnh của các nguyên mẫu (archetypes) - rằng thần thoại và biểu tượng (myths and symbols) của chúng ta là những thứ có tính bẩm sinh và phổ quát, và chúng phục vụ một mục đích lớn hơn là giúp chúng ta học hỏi từ mỗi giai đoạn trong cuộc đời của chúng ta.

Carl Jung đã qua đời cách đây 48 năm (tính đến thời gian của bài viết 2009 - tính đến năm 2021 thì là 60 năm), nhưng ông vẫn có một lượng lớn những người nhiệt thành theo đuổi, gồm các chuyên gia, bác sĩ và nhà nghiên cứu tin tưởng vào sức mạnh của lý thuyết của ông. Mặc dù không phải là một hình thức tâm lý trị liệu phổ biến ở Hoa Kỳ, nhưng dù sao đây vẫn là một nhánh trong tâm lý học mang trên mình những lý thuyết và thực hành của Jung.

Ở tuổi gần 40, Jung bắt đầu viết một cuốn sách có tên The Red Book - Sách Đỏ. Đây một phần là nhật ký, một phần là tiểu thuyết thần thoại (mythological novel), đưa người đọc đi qua những huyễn tưởng của Jung - những ảo giác (hallucinations) mà ông đã tự tạo ra để cố gắng đi đến phần cốt lõi bên trong vô thức của mình. Là một lý thuyết gia, ông muốn ghi lại cuộc hành trình trong 16 năm của mình, vì vậy ông đã viết ra tất cả những gì mà ông đã trải qua, nhìn thấy và cảm nhận.

Jung đã ghi lại tất cả. Đầu tiên thực hiện các ghi chú trong một loạt những quyển nhật ký nhỏ, màu đen, sau đó ông diễn nghĩa và phân tích các huyễn tưởng của mình, viết với một văn phong vương giả, mang tính tiên tri trong một quyển sổ lớn có bìa bằng da màu đỏ. Cuốn sách kể chi tiết về một chuyến du hành trong ảo giác một cách quyết đoán bên trong tâm trí của chính ông, một diễn trình mơ hồ theo kiểu Homeric (phong cách kiểu nhà văn Hy Lạp cổ đại Homer) về những cuộc gặp gỡ với những con người xa lạ diễn ra trong một cảnh mộng rất ly kỳ. Viết bằng tiếng Đức, ông đã lấp đầy 205 trang khổ lớn với những bức thư pháp công phu và những bức hoạ màu sắc sặc sỡ, chi tiết đến mức đáng kinh ngạc.




Trong nhiều thập kỷ, Sách Đỏ đã bị bao phủ trong bí ẩn, bởi vì nó chưa bao giờ được xuất bản. Người ta cho rằng chỉ có một bản duy nhất của cuốn sách - được những người thừa kế gia sản của C.G. Jung khóa giữ trong một chiếc két an toàn ở Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, hóa ra là nếu người ta đủ siêng năng tìm kiếm thì vẫn có thể tìm thấy đây đó đã xuất hiện những bản sao của quyển sách. Một sử gia tên là Sonu Shamdasani đã tìm thấy các bản sao nói trên và sau ba năm thảo luận với những hậu duệ của Jung, đã thuyết phục gia đình Jung cho phép ông tiếp cận bản gốc để dịch và cuối cùng xuất bản nó. Cuốn sách cuối cùng sẽ được xuất bản vào tháng tới (trong năm 2009).

Nhưng độc giả liệu sẽ tìm thấy được gì trong Sách Đỏ? Và liệu nó có giá trị gì đối với ai đó nếu không phải là những người trung thành với trường phái Jungian? Bạn có thể xem qua câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên bằng cách đọc toàn bộ bài báo của The New York Times về quyển sách:

Tiền đề trung tâm của cuốn sách, Shamdasani nói với tôi, là Jung đã trở nên vỡ mộng với chủ nghĩa duy lý khoa học – điều mà ông đã gọi là “tinh thần của thời đại” (the spirit of the times) - và qua nhiều cuộc gặp gỡ kỳ lạ với chính linh hồn ông cùng với những “nhân vật bên trong” khác (other inner figures), ông đã hiểu và đánh giá cao “tinh thần của những tầng sâu” (the spirit of the depths), một lĩnh vực tạo chỗ cho ma thuật, sự ngẫu nhiên và những ẩn dụ thần thoại được chuyển tải bởi những giấc mơ. […]

Sách Đỏ không phải là một hành trình dễ dàng - nó không dành cho Jung, nó không dành cho gia đình ông, cũng không phải cho Shamdasani, và nó cũng không dành cho độc giả. Cuốn sách mang vẻ khoa trương, phong cách nghệ thuật baroque và giống như rất nhiều thứ khác về Carl Jung, một người lập dị ngang bướng, đồng bộ với một thực tế huyền bí và cổ sơ. Lời văn thường cô đọng, có chất thơ, lúc nào cũng lạ lùng. Nghệ thuật cũng rất lôi cuốn và cũng kỳ lạ. Ngay cả ngày nay, việc xuất bản của nó vẫn mang lại cảm giác rủi ro, giống như một sự bóc trần. Nhưng một lần nữa, có lẽ chính Jung cũng đã dự định như vậy. Vào năm 1959, sau hơn 30 năm ít nhiều không chạm đến quyển sách, ông đã viết một phần kết ngắn gọn, thừa nhận tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc cân nhắc số phận cuốn sách. “Đối với người quan sát nông cạn,” ông viết, “nó sẽ trông giống như một sự điên rồ”. Tuy nhiên, việc ông viết phần kết dường như đã cho thấy rằng ông tin tưởng một ngày nào đó lời nói của mình sẽ tìm được đúng đối tượng.

(*) Phong cách baroque đặc trưng với "ánh sáng phóng đại, cảm xúc mãnh liệt, thoát khỏi sự kiềm chế, và thậm chí là một loại chủ nghĩa giật gân nghệ thuật". Xuất hiện tại Ý, thời kỳ Phục Hưng, đầu thế kỷ 17 – Chú thích của người dịch.

Nhưng câu hỏi thứ hai sẽ khó tìm ra câu trả lời hơn. Trong khi một số lý thuyết của Jung đã trở thành một phần của văn hóa tâm lý học phổ biến, hầu hết các lý thuyết của Jung đều khó có thể tiêu hóa và khó chấp nhận trên danh nghĩa (at face value). Các lý thuyết của ông rất sáng tạo và thú vị, nhưng thật khó để khái quát hóa từ cuộc sống nội tâm và sự bất ổn bên trong một con người. Để hiểu về Jung, về cuộc đời của ông, và tất cả lý thuyết tâm lý của ông đến từ đâu, đó quả là cả một kho báu. Tuy nhiên, đối với phần còn lại của chúng ta, giá trị của nó có thể còn cao siêu và khó nắm bắt hơn.

Nhà sử học, người đã thực hiện bản dịch trong những năm qua, đã nói rằng thông điệp cơ bản của cuốn sách là “Hãy trân trọng cuộc sống nội tâm của bạn”. Cho dù bạn có đọc nó hay không, đó vẫn là một thông điệp đáng giá của bất kỳ lý thuyết gia vĩ đại nào trong lĩnh vực tâm lý học.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...