Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2021

TRỞ THÀNH NHÀ THAM VẤN THEO TRƯỜNG PHÁI ROGERIAN?

“On becoming a counselor: What’s a Rogerian, anyway?”

Tác giả: LAUREN LESLIE - Đại học Montana
Nguồn: Johnsommersflanagan

Người dịch: HỒ TÂM ĐAN – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên Tâm lý Trị liệu


Lời giới thiệu của John Sommers Flanagan:

Theo ý kiến chân thật của tôi, lẽ ra nên có thêm nhiều người đọc Carl Rogers. Nhưng tôi hiểu, đôi khi còn chẳng có đủ thời gian trong ngày để bạn phân bổ cho lớp học Yoga, thực hành thiền chánh niệm, tập các bài tập cardio (loại bài tập để giảm cân – ND), chuẩn bị bữa ăn, công việc và đời sống gia đình, và cả các trách nhiệm khác nữa. Vì vậy, ở đây có một lựa chọn: Ngay bên dưới, bạn sẽ tìm thấy một bài đánh giá về tác phẩm kinh điển của Carl Rogers: Tiến Trình Thành Nhân. Bài đánh giá được viết bởi Lauren Leslie để hoàn thành một nhiệm vụ mà tôi giao trong lớp học về Các Học thuyết Tham vấn (Counseling Theories). Đây là một bài đọc thú vị và sẽ cung cấp cho bạn một đại cương vắn tắt về ngài Carl Rogers tuyệt vời dưới góc nhìn của một sinh viên đã tốt nghiệp và đang học năm thứ nhất chuyên ngành tham vấn sức khỏe tâm thần lâm sàng (first-year graduate student in clinical mental health counseling).

Trở thành nhà tham vấn: Thế nào là một nhà tham vấn theo trường phái của Roger?

Tiến Trình Thành Nhân (Gọi tên sách theo cách dịch của cố TS Tâm lý Tô Thị Ánh để chỉ quyển “On Becoming A Person" của C. Rogers – ND) của Carl Roger là một tập hợp các bài luận và bài diễn thuyết đã biên tập lại được viết từ năm 1951 đến năm 1961, trong lúc liệu pháp nhân văn thân chủ trọng tâm đang đồng thời vừa được đón nhận vừa bị thách thức bởi công chúng. Rogers cho biết ông dự định viết thư cho các nhà tâm lý học chuyên nghiệp, những thành viên của ngành tham vấn, và cả những người hành nghề không chuyên có hiểu biết (informed laymen), tức những nhóm khác nhau, nhưng dù sao cũng có ít nhất một điểm chung:

"… mặc dù nhóm độc giả mà cuốn sách này hướng tới sẽ… có nhiều mối quan tâm khác nhau, nhưng ở họ vẫn có một chủ đề chung đó là sự quan tâm về con người và sự phát triển con người, trong một thế giới hiện đại dường như có ý định phớt lờ hoặc hạ thấp con người." (Rogers, 2012, “Gửi độc giả” đoạn 8)

Xuyên suốt tác phẩm, Rogers đưa ra bức chân dung về bản thân như một cá nhân và như một nhà trị liệu. Ông cho thấy cái nhìn sâu sắc về sự phát triển của khung lý thuyết của bản thân cũng như những ghi chép trị liệu nhằm làm rõ các yếu tố trọng tâm của thực hành thân chủ trọng tâm. Cuối cùng, tác phẩm đúc kết tính hiệu quả của sự thấu cảm (empathy), tính hài hoà (congruence), và sự tôn trọng tích cực vô điều kiện (unconditional positive regard) trong mối quan hệ trị liệu, và rất khó để phản bác lại cách viết thuyết phục và rõ ràng của Rogers. Các nhà phê bình nhấn mạnh rằng mô hình của Rogers là chưa hoàn chỉnh hoặc còn thiếu sót, tuy vậy, các nguyên lý cốt lõi của mô hình vẫn là trọng tâm trong thực hành tâm lý trị liệu hiện nay.

“Tiến Trình Thành Nhân” đã tập hợp các ghi chép thuộc nhiều thể loại khác nhau thành một danh mục tổng thể về tư tưởng của Rogers. Do sự đa dạng về thể loại mà giọng điệu và chủ đề của Rogers có biến đổi lớn; ông đề cập đến tính cách và cuộc sống của chính mình, bao gồm ghi chép các buổi tham vấn và cố gắng hệ thống hóa các minh họa thực hành của mình thành các giai đoạn phát triển của thân chủ để phân tích hiệu quả của việc trị liệu. Rogers luận bàn về thân phận con người và thực hành trị liệu, về Kierkegaard và Buber, về nghiên cứu khoa học và sự thay đổi của cá nhân. Đây là cuốn sách sâu rộng vượt qua cả sự hiểu biết ý nghĩa và kết luận theo hướng dữ liệu. Tại một luận điểm, Rogers tuyên bố “Không có sự đồng thuận chung về điều gì tạo nên ‘thành công’ [trong trị liệu tâm lý]… Khái niệm “lành bệnh” (cure) là hoàn toàn không phù hợp, vì… điều chúng ta đang đối diện là hành vi học tập được, chứ không phải là một căn bệnh” (Rogers, 2012, tr.227). Ông luôn đi ngược lại với kiểu tư duy thực nghiệm, cụ thể, vốn được ưa chuộng ở một bộ phận nhất định trong cộng đồng tâm lý, đồng thời xuất hiện như là một triết gia suy tư về các câu hỏi hiện sinh hơn là một nhà khoa học dựa trên dữ liệu (a philosopher studying existential questions than as a data-driven scientist.).

Khi xem xét bản thân, Rogers (2012) nói rằng, thân chủ “khám phá ra rằng cuộc sống của anh ta được định hướng bởi những gì anh ta nghĩ rằng mình nên trở thành, chứ không phải bởi những gì anh ta đang là. Thường thì anh ta sẽ nhận ra rằng anh ta chỉ tồn tại để đáp ứng yêu cầu của người khác…” (tr.109). Trong cùng một đoạn, ông suy ngẫm về cái nhìn sâu sắc của Kierkegaard về điểm này:

“Theo ông ấy (Kierkegaard) thì… nỗi tuyệt vọng sâu sắc nhất chính là chọn ‘trở nên khác với bản thân.’ Mặt khác, ‘… sống với con người chân thật của bản thân, thì có thể thoát khỏi nỗi tuyệt vọng ấy,’” (tr.109)

Nếu như đây không phải là triết lý hiện sinh, người đọc sẽ phải hỏi, vậy đó là gì? Trong thực hành của riêng mình, Rogers (2012) mô tả một sự thay đổi cơ bản từ “Làm thế nào để tôi điều trị, chữa khỏi, hoặc thay đổi người này?” (tr.32) đến về sau, một câu hỏi đầy đủ hơn là “Làm thế nào để tôi tạo dựng với người này một mối tương giao mà họ có thể dùng nó cho sự phát triển bản thân của chính họ?” (tr.32). Từ quá trình đào tạo về tâm lý học, Rogers tuyên bố ông đã tuân theo bản năng của mình để đi đến liệu pháp thân chủ trọng tâm. Tác phẩm của ông đã công khai bao hàm sự khám phá đó.

Bất chấp khuynh hướng triết lý của mình, trong phần lớn tác phẩm, Rogers đều dựa trên các cấu trúc hoặc ngôn ngữ khoa học xác đáng. Ông ấy dành cả một chương để cố gắng định hình một “quy luật chung về mối quan hệ giữa các cá nhân” (general law of interpersonal relationships), sau đó bắt đầu một sự xem xét kéo dài và đầy minh họa về sự vững chắc của kiến thức và kết luận trong khoa học hành vi vào thời điểm đó. Dù rằng điểm tựa nhận thức của ông có vẻ như là khoa học hành vi đang ở giai đoạn sơ khai, và trong khi mà nhiều nhà thực hành hiện nay có thể dựa vào rất nhiều kiến thức thú vị mới đang được khám phá, thì sự thăm dò, triết lý sống và bản năng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lĩnh vực này. Hơn 50 năm sau lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách, tình hình dường như thay đổi rất ít, cho dù đã có nhiều dữ liệu hơn trong một số lĩnh vực nhất định. Mặc dù Rogers có vẻ xem tâm lý trị liệu là một phương pháp thực hành khoa học, việc xác lập quan điểm thân chủ trọng tâm đã mang đến cho ông vô số biến số cần đối mặt. Có lẽ trong một môi trường không kiểm soát, triết lý sống và bản năng sẽ cho ta những giải pháp định hình tốt hơn hoặc tức thời hơn so với trong môi trường thực nghiệm.

Rogers dường như nỗ lực cô đọng các tình thế phức tạp thành bản chất bất cứ khi nào có thể: mối quan hệ là chủ đề trọng tâm của ông, và sự thấu cảm, sự hài hoà, cùng thái độ tôn trọng tích cực vô điều kiện là ba thành phần của mối quan hệ. Việc cố gắng giữ sự đơn giản này (simplicity) có lẽ là sự lưu tâm chu đáo mà ông dành cho đông đảo độc giả của Tiến Trình Thành Nhân hoặc nó cũng có thể biểu thị thế giới quan của chính bản thân Rogers. Mặc cho nguyên nhân của nó là gì, sự đơn giản này cũng khiến Rogers phải hứng chịu sự chỉ trích từ những người vốn xem mọi thứ đều phức tạp. Cũng tương tự, sự chuyển biến ở bản thân và việc đặt trọng tâm vào thân chủ trong liệu pháp của mình khiến ông phải đối mặt với sự chỉ trích bởi những ai xem ông chỉ đóng vai trò như một tấm gương sáng tỏ cho thân chủ, chứ không phải một bên tương xứng trong mối quan hệ thúc đẩy thay đổi. Trong một phê bình phổ biến dùng để minh họa, Ralph H. Quinn (1993) cho rằng “[một] nhà trị liệu thân chủ trọng tâm đúng nghĩa… sẽ cảm thấy bị buộc phải đi cùng với sự dẫn dắt của thân chủ… [và] tin tưởng rằng thân chủ là người hiểu rõ nhất” (tr. 20) thay vì đối diện với thân chủ ngay trong tại khoảnh khắc phản ứng chân thật của con người.

Sự chân thật (genuineness) trong tâm lý trị liệu… không phải chỉ đơn giản là sự sẵn sàng để đối diện với thân chủ (willingness to confront a client)… Mà hơn hết nó có nghĩa là nhà trị liệu phải cố gắng hiện diện đầy đủ với thân chủ, mang hoàn toàn bản thân vào mối quan hệ trị liệu. Là nhà trị liệu, chúng ta phải sẵn sàng nhận lấy rủi ro như là cách chúng ta yêu cầu thân chủ nhận lấy rủi ro, phải minh bạch và can đảm nhất có thể, nếu trị liệu là để tạo nên sự thay đổi trong cuộc sống thực tại. (Quinn, 1993, tr. 20-21)

Phần này hàm chứa sự khẳng định rằng sự hài hoà đầy can đảm (bold congruence) cùng sự hiện diện đầy đủ (full presence) chưa phải là một phần của liệu pháp thân chủ trọng tâm, và Rogers đã thiếu sót khi không giải quyết chúng. Quinn (1993) sau đó ngụ ý rằng cách tiếp cận thân chủ trọng tâm có thể dễ bị xem là kiểu thực hành “lạc quan mù quáng và sự thụ động trị liệu” (pollyannish optimism and therapeutic passivity) (tr.21). Những lời chỉ trích như vậy là đủ xác đáng và chỉ ra được các yếu tố trong tác phẩm của Rogers có thể đã bị đơn giản hóa quá mức. Tuy nhiên, sự phức tạp mà Rogers giải quyết qua từng bài luận, quan điểm, và tương tác với thân chủ cho thấy ông ấy không hề xem con người hay tâm lý trị liệu là đơn giản, và cũng không tiếp cận những điều này một cách thụ động. Rogers có thể đã không đủ lưu tâm trong bài viết của mình về việc thực hành tính hài hoà; có lẽ đây là một yếu tố mà dường như cũng chứa vô hạn biến số và không thể được định nghĩa một cách đơn giản. Tôi (Leslie) có xu hướng nghĩ rằng lời chỉ trích này bắt nguồn từ việc hiểu sai ý định và cách làm của Rogers. Trong phân tích sau cùng, ngay cả nhà phê bình Quinn (1993) cũng chỉ đề nghị thực hành sự hài hoà nhiều hơn (nhiều rủi ro hơn?) về phía nhà trị liệu, mà không bác bỏ các nguyên tắc của Rogers.

Về cách sử dụng của riêng tôi (Leslie) đối với cuốn sách này, sự đa dạng về giọng điệu và chủ đề của nó khiến nó trở thành một văn bản hữu ích độc nhất vô nhị. Mỗi phần và mỗi bài luận có thể được đọc một cách độc lập, và việc thả mình vào thế giới của Rogers thật sự là một trải nghiệm rõ ràng và có trọng tâm để có thể đưa tôi trở lại với điều cốt lõi của thực hành trị liệu vào những thời điểm băn khoăn và bất định. Việc đọc cuốn sách này giờ đây đã cho tôi một cơ hội để thấy được sự phức tạp vốn có trong một mô hình có thể được coi là rất đơn giản (phải thừa nhận là nhờ vào cách trình bày của Rogers). Xem xét cách tiếp cận này trong nỗ lực của riêng tôi để xác định hoặc nắm bắt “nỗi khổ” của thân chủ đã rất hữu ích trong việc đặt tôi vào thế giới rộng lớn của nghề giúp đỡ con người này và đã giúp tôi định hình quan niệm của riêng mình về những gì tôi đang làm ở đây và những gì một thân chủ có thể muốn hoặc cần ở tôi trong vai trò này. Việc đọc tác phẩm này là một cách mới để kết hợp sự thay đổi cá nhân vào chính bản thân: chủ tâm tiếp cận cái ngã (self) mà tôi đang khám phá ở chính bản thân tôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...