Thứ Năm, 26 tháng 8, 2021

TRỊ LIỆU TRÊN BẢN THÂN TRONG ĐÀO TẠO CHUYÊN VIÊN THAM VẤN - Phần 2

“A case for personal therapy in counselor education”
Tác giả: AMANDA E. NORCROSS - Licensed Professional Counselor (LPC)
Nguồn: Counseling Today - August 23, 2010

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Xem lại Phần1

Phần 2

Phòng ngừa tác hại cho thân chủ thông qua sự tự nhận biết

Tôi tin rằng khả năng tự nhận biết có được qua trị liệu trên bản thân cũng có vai trò trung tâm trong những trách nhiệm đạo đức của chuyên viên tham vấn. Bộ Quy tắc Đạo đức của Hiệp hội Tham vấn Hoa Kỳ (The ACA Code of Ethics) ghi rằng “Nhà tham vấn phải tránh gây tác hại cho thân chủ” (Standard A.4.a.) và “Nhà tham vấn phải tự nhận biết về những giá trị, thái độ, niềm tin và hành vi của chính mình và tránh áp đặt những giá trị không phù hợp với mục đích của tham vấn” (Standard A.4.b.). Điều này cho thấy rằng việc tự nhận biết về bản thân (self-knowledge) là quan trọng bắt buộc để tránh gây tác hại cho thân chủ.

Điều cốt yếu nhất là việc tự nhận thức có được thông qua liệu pháp trên bản thân sẽ mang lại cho chuyên viên một khả năng nội thị sâu sắc (crucial insight) về những nguồn gây ra sự phản chuyển cảm (countertransference) đối với thân chủ. Một sự hiểu biết về những hành vi và cảm xúc của bản thân khi làm việc sẽ giúp cho những chuyên viên tham vấn mới vào nghề có sự gia tăng một cách ngoạn mục việc nhận biết những thiên hướng riêng (unique biases), những chủ đề gây nhiều tâm (neurotic issues), những “điểm mù” (blind spots) của chính mình, và cách mà những chủ đề ấy xuất hiện ra trong thực hành lâm sàng. Không có sự nhận biết đó, một nhà tham vấn mới vào nghề có thể, một cách vô tình và không chú ý, sẽ đáp ứng với thân chủ theo một cách thức vốn đã ăn sâu bén rễ trong những chủ đề chưa được xem xét đến của chính nhà tham vấn. Khi trải qua trị liệu trên bản thân, nhà tham vấn sẽ có khả năng nhận ra, và dừng lại để suy ngẫm, về nguồn cơn gây nên những xung động thôi thúc của mình đối với thân chủ.

Tránh gây tác hại cho thân chủ thông qua việc tự chăm sóc bản thân (self-care)

Liệu pháp trên bản thân đóng vai trò cốt lõi trong việc tự chăm sóc của chuyên viên tham vấn. Tiêu chuẩn (Standard) C.2.g. trong Bộ Quy tắc Đạo đức của ACA ghi rằng “Nhà tham vấn phải cảnh tỉnh trước các dấu hiệu về sự trục trặc bắt nguồn từ các vấn đề về thể lý, tâm thần và cảm xúc của chính mình và phải ngưng lại việc cung ứng dịch vụ chuyên môn của mình khi những trục trặc đó có thể gây tác hại cho thân chủ hoặc cho những người khác. HỌ cần tìm sự hỗ trợ cho các vấn đề đã đạt đến mức gây ra những suy giảm khả năng chuyên môn của mình”.

Mặc dù nghĩa vụ đạo đức này là một luận cứ hiển nhiên cho việc trị liệu trên bản thân, nhưng mối quan ngại của tôi (tác giả) đó là xu hướng chung trong ngành sức khoẻ tâm thần là các chuyên viên tham vấn chỉ tìm kiếm trị liệu trên cá nhân như một giải pháp để phản ứng lại với những tình huống khó khăn.

Trái lại, việc yêu cầu trị liệu như là một phần của việc đào tạo chuyên viên tham vấn, sẽ dạy cho chuyên viên tham vấn, ngay từ lúc bắt đầu hành nghề, cách nhận ra và ứng phó với những tình huống khó khăn về tâm thần và cảm xúc của cá nhân họ và giảm thiểu cơ hội để những vấn đề ấy bị bỏ mặc không giải quyết trong một thời gian dài. Thật vậy, mức độ stress được trải nghiệm bởi những chuyên viên tham vấn mới tập sự - những người đang tham dự đào tạo sau tốt nghiệp, đang dấn thân vào một lộ trình hành nghề mới và ngồi trong những phiên trị liệu đầu tiên với thân chủ - có thể khiến chương trình đào tạo tham vấn trở thành một diễn đàn lý tưởng để giảng dạy về tầm quan trọng của việc tự chăm sóc thong qua trị liệu trên bản thân. Đưa liệu pháp trên bản thân vào trong tiến trình đào tạo sẽ giúp giảm bớt khuynh hướng ban đầu của những chuyên viên tham vấn đôi lúc bỏ qua tác động của hoàn cảnh cá nhân của mình lên trên quá trình làm việc với thân chủ.

Giảm sự kỳ thị với tâm lý trị liệu

Các chuyên viên tham vấn đôi khi lưỡng lự trong việc tìm đến trị liệu trên bản thân, họ lo lắng rằng việc này cho thấy họ như là những người hỗ trợ thiếu khả năng và không hoàn hảo. Chúng ta nên xem xét thông điệp đang được gửi đến cho các thân chủ và cho công chúng như một tiêu chuẩn kép. Tháng 9/2009, trong mục “Nhãn quan mới” (New Perspectives) trên tạp chí Counseling Today, nhà lâm sàng Jason King có nói: “Nếu chúng ta từ chối tham gia vào những dịch vụ mà chính chúng ta đã cổ suý và làm nền cho nghề nghiệp của chúng ta, liệu chúng ta đang đưa ra những ví dụ minh hoạ gì cho xã hội và cho những người bị gạt ra bên lề và mất quyền trong những hệ thống có áp bức? Nếu chúng ta sợ tình trạng kỳ thị đối với tham vấn và với việc chẩn đoán, nghĩa là chúng ta cũng âm thầm cũng cố cho sự hổ thẹn và kỳ thị đối với chính ngành nghề của chúng ta”.

Trải qua trị liệu trên bản thân đối với những nhà tham vấn mới vào nghề không chỉ có lợi cho “bộ đôi lâm sàng” (clinical dyad – tức hai phía thân chủ và chuyên viên) mà còn có lợi ích cho ngành nghề nói chung vì nó giúp giảm đi sự kỳ thị đối với việc trị liệu. Việc nhấn mạnh trị liệu trên bản thân trong quá trình đào tạo, ngay từ buổi đầu làm nghề của những chuyên viên tham vấn, sẽ giúp cho việc trị liệu (therapy) dần dần được xem như là một giải pháp “làm vệ sinh tâm thần” có thể chấp nhận được (accepted mental hygiene option), nhờ thế có thể “bình thường hoá” nó (normalizing it), khuyến khích các chuyên viên xem đây như là một công cụ khả dụng và tập cho họ thái độ không phán xét khi những chuyên viên khác sử dụng đến nó.

Vượt xa ra bên ngoài khuôn khổ giám sát (Going beyond supervision)

Trong khi xem xét tầm quan trọng của liệu pháp trên bản thân đối với các chuyên viên tham vấn mới bắt đầu hành nghề, tôi cũng muốn nhấn mạnh một cách vắn tắt rằng những lợi ích của liệu pháp trên bản thân không thể nhận được từ mối quan hệ trong giám sát (supervisory relationship). Mặc dù việc giám sát là hữu ích trong việc nêu bật và bàn luận về cách mà những niềm tin của một chuyên viên có tác động như thế nào lên trên công việc lâm sàng của người ấy, giám sát vẫn là một nỗ lực làm việc với trọng tâm đặt vào thân chủ (a client-focused endeavor). Giám sát (supervision) thì không thể (và theo định nghĩa, thì không nên) đóng vai trò như là liệu pháp trên bản thân (personal therapy). Giám sát không thể mang lại một sự lưu tâm hoàn toàn cần thiết để hiểu một đầy đủ về những hành vi và niềm tin của chuyên viên tham vấn. Vì thế, giám sát không thể giúp chuyên viên tham vấn một sự nếm trải thực sự về những trải nghiệm của một thân chủ. Tuy nhiên, việc giám sát có thể được thăng tiến thêm bởi trị liệu trên bản thân, cung cấp cho “bộ đôi giám sát” (supervisory dyad – tức giữa chuyên viên giám sát và chuyên viên được giám sát – ND) một nền tảng sâu rộng hơn, vững chắc hơn để hiểu về những trải nghiệm và quá trình phản chuyển cảm của chuyên viên tham vấn.

Kết luận

Tôi đã trình bày rõ những luận cứ chính về việc đưa liệu pháp trên bản thân vào chương trình đào tạo chuyên viên tham vấn, nhưng việc này còn xa mới có thể bao gồm được tất cả. Chẳng hạn như nghiên cứu về khoa học thần kinh cho thấy rằng có tầm quan trọng về mặt thần kinh đối với các chuyên viên tham vấn khi họ thực hiện việc trị liệu cho chính họ (it is neurologically important for counselors to have done their own therapy work) như đã được nêu ra trong quyển A General Theory of Love.

(A General Theory of Love - Một quyển sách khoa học về lĩnh vực cảm xúc ở con người và ngành tâm thần học sinh học, được viết bởi các tác giả Thomas Lewis, Fari Amini và Richard Lannon, những giáo sư tâm thần học tại Đại học California, San Francisco, xuất bản lần đầu tiên bởi Random House năm 2000. Tái bản hai lần vào các năm 2001 và 2007 – Chú thích của ND).

Với những lợi ích của liệu pháp trên bản thân, tôi xin đề xuất, với mức tối thiểu, rằng:

*Trong phiên bản kế tiếp của Bộ Quy tắc Đạo đức của ACA nên công khai xem liệu pháp trên bản thân như là một nghĩa vụ bắt buộc;

*Tất cả các chương trình đào tạo liên quan đến tham vấn đều phải yêu cầu người học thực hiện trị liệu trên bản thân;

*Tất cả những hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề (licensing board) ở các tiểu bang đều nên tiếp nhận những hồ sơ học tập đã qua trị liệu trên bản thân. Lý tưởng là tất cả những hội đồng cấp chứng chỉ hành nghề nên yếu cầu các ứng viên phải trải qua trị liệu trên bản thân khi họ đăng ký xin học chuyên sâu về tham vấn để hành nghề.

Nếu không trị liệu trên bản thân, tôi tin rằng những chuyên viên tham vấn sẽ bị khiếm khuyết (handicapped) – tham vấn cho người khác mà không biết được về những tác động tiềm ẩn cũng như những nguồn lực từ trong chính tâm trí của mình và sẽ áp dụng những kiến thức mà không trải nghiệm những gì có thật qua việc thể hiện chúng ra bên ngoài. (Nguyên văn: “counseling others without knowing the potential impact and resource of their own psyches and applying knowledge without having experienced its truth from the inside out”).

Để có thể làm việc hiệu quả với thân chủ, cả về khía cạnh ý thức lẫn đạo đức, chúng ta phải trải qua việc trị liệu cho chính bản thân chúng ta.

Tác giả Amanda Norcross – Thành viên của ACA và là LPC làm việc tại Austin, Texas, Hoa Kỳ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...