Thứ Sáu, 6 tháng 8, 2021

HOẠT ĐỘNG CHƠI Ở TRẺ EM - Kỳ 1

Người viết: NGUYỄN THỊ THU TRÚC - Cử nhân Tâm lý

Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tâm lý – giáo dục từ ĐH Khoa Học Xã hội – Nhân văn Tp.HCM từ năm 2005. Thành viên CLB Trăng Non từ 2008-2014. 

Sau khi đã tham gia rất nhiều hoạt động có ý nghĩa tại Trăng Non như can thiệp trị liệu cho trẻ có vấn đề về phát triển, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em ở các cơ sở nhà mở, mái ấm và Làng Trẻ em SOS Gò Vấp, chị đã rời khỏi Trăng Non để chọn một cuộc đời tận hiến theo đức tin của mình.

Bài viết này đã từng đăng trên website Tâm lý Trị liệu năm 2008 và là một phần trong tài liệu huấn luyện chung của CLB Trăng Non, thuộc Hội KH Tâm lý – Giáo dục Tp.HCM. Nay xin giới thiệu lại cùng quý thân hữu, những ai có quan tâm đến việc ứng dụng chơi như một phương tiện giáo dục và hỗ trợ tâm lý cho trẻ em. 




Kỳ 1

HOẠT ĐỘNG CHƠI (PLAY ACTIVITY)

Theo từ điển Từ và Ngữ Việt Nam do Giáo sư Nguyễn Lân biên soạn, định nghĩa Chơi là hoạt động với mục đích được vui hay thoả thích, tham dự các hoạt động cụ thể như thể thao, nhạc cụ… Trong bối cảnh khác, chơi còn là hoạt động quan hệ giao tiếp với người khác, như: kết bạn (chọn bạn mà chơi), thăm hỏi (đến chơi nhà)…

Theo Tự điển Wikipedia, Chơi (Play) là một kiểu hoạt động mang đặc tính trí tuệ kết hợp với thế giới quan của con người. Hoạt động chơi có thể bao gồm những tương tác bên ngoài và bên trong tâm trí của người chơi, những tác động qua lại có tính vui thú, giả vờ, tưởng tượng. Những kiểu hoạt động chơi được thể hiện rõ trong suốt quá trình phát triển tự nhiên của con người, đặc biệt trong quá trình phát triển nhận thức và xã hội hóa ở trẻ em. Hoạt động chơi thường đi kèm với đồ chơi, động vật và đạo cụ tuỳ theo hoàn cảnh học tập và tiêu khiển. Một vài hoạt động chơi xác định mục đích rõ ràng và có cả luật chơi thì nó được gọi là trò chơi (Game).

Có nhiều quan điểm chưa thống nhất về định nghĩa hoạt động chơi của con người, phân biệt nó với những hoạt động khác - không phải hoạt động chơi (nonplay). Trong tính tương đối của sự phân biệt này, các nhà khoa học đưa ra các yếu tố thường có trong hoạt động chơi như:

- Sự tham gia của chủ thể vào hoạt động

- Tính vui thú, thỏa thích của hoạt động cho người tham gia

- Tính tự nguyện của chủ thể vào hoạt động

Những yếu tố khác còn gây tranh cãi như:

- Tính giả định của hoạt động

- Mức độ nghiêm túc, đầu tư trí tuệ của chủ thể tham gia vào hoạt động

- Tính qui ước về luật lệ của hoạt động

- Động cơ bên trong của chủ thể tham gia hoạt động

- Mục đích bên ngoài mà chủ thể muốn chiếm lĩnh thông qua hoạt động

Những yếu tố kể trên có tính nổi trội trong các trường hợp xác định cho hoạt động chơi của con người. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể, nó cũng xuất hiện trong những hoạt động khác của con người. Ví dụ: chơi thể thao, đối với các vận động viên là lao động nghiêm túc, với người thường nói chung là hoạt động thư giãn. Người ta vẫn có cách nói đời thường kiểu “học như chơi”, “làm như chơi” hoặc “chơi như thiệt” cho thấy sự khó phân biệt các tính chất giữa hoạt động chơi và những hoạt động không phải chơi trong những trường hợp cụ thể. Nhà văn Mark Twain cho rằng: chơi và làm việc là những từ mô tả cùng một sự việc trong những điều kiện khác nhau.

Trong giới hạn của bài viết này, hoạt động chơi được tìm hiểu trong phạm vi tuổi ấu thơ, của trẻ nhỏ từ 0- 6 tuổi.

CẦN ĐƯỢC CHƠI LÀ QUYỀN CỦA TRẺ EM

Một thực tế quan sát là hoạt động chơi chiếm phần lớn thời gian trong suốt quá trình phát triển của trẻ nhỏ từ 0-6 tuổi. Nhiều nhà chuyên môn nghiên cứu về hoạt động chơi của con người đã tìm hiểu và đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau về hoạt động chơi ở trẻ em.

Theo một số lý thuyết cổ điển, chơi là hoạt động không mục đích, tự nhiên sẵn có của sinh vật nhằm giải tỏa năng lượng dư thừa (Lý thuyết Năng lượng Thặng dư – Surplus energy theory), hoặc là hoạt động thư giãn nhằm nạp lại năng lượng đang thiếu hụt (Lý thuyết Thư giãn – Relaxation theory). Hai lý thuyết trên đều xem hoạt động chơi không mang mục đích quan trọng nào và có thể thay thế bằng hoạt động khác.

Lý thuyết Tiền tập luyện (Pre-exercise theory) thì cho rằng chơi là hành vi bản năng. Đứa trẻ chơi một cách bản năng như là một dạng hành vi sau này nó sẽ dùng tới. Những nội dung chơi được xây dựng từ những hành vi của người lớn. Chơi được coi như là sự chuẩn bị cho công việc trong tương lai. Như vậy lý thuyết này ngầm nhìn nhận chơi là hoạt động có mục đích và tiến đến việc xem xét nội dung cần chuyển tải trong các hoạt động chơi của trẻ.

Cũng đánh giá hoạt động chơi như là hành vi mang tính bản năng có ý nghĩa, lý thuyết Tóm lược (Recapitulation Theory) xem xét hoạt động chơi không chỉ là phạm trù hành vi của cá thể riêng biệt nhưng liên quan đến những hành vi trong quá trình tiến hoá của cả giống loài. Các giai đoạn chơi của trẻ phản ánh các giai đoạn phát triển của nhân loại, đi từ đơn giản đến phức tạp. Chơi trở thành hoạt động thoát ly có tính bản năng được di truyền lại, giúp sinh vật dần dần thoát khỏi những kỹ năng không còn cần thiết nữa. Theo đó, con người thoát ra khỏi những hành vi nguyên thủy, chơi chuẩn bị cho những hành vi mang tính thời đại. Như vậy, lý thuyết này bắt đầu chú ý nghiên cứu về các giai đoạn chơi ở trẻ trong các độ tuổi khác nhau.

Các lý thuyết đương đại coi hoạt động chơi có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của trẻ. Hầu hết các nhà chuyên môn hiện nay đều cho rằng hoạt động chơi là phương thế thiết yếu để trẻ hiểu biết về thế giới xung quanh và sống thích ứng với thế giới đó. Thậm chí các nhà khoa học nhận định: chơi chính là học.

Mặc dù trẻ không chủ ý chơi để học, nhưng trẻ thật sự học từ qua những cuộc chơi đầy vui thích. Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động chơi liên quan đáng kể đến:

- Khả năng tư duy logic: Bằng việc trải nghiệm những thao tác lập đi lập lại và hệ quả của nó thông qua những cuộc chơi, trẻ học được quy luật nhân quả và dần dần có thể phỏng đoán được hệ quả của một hành vi sắp diễn ra.

- Khả năng sáng tạo: Đây là dạng tư duy cấp cao, trẻ học qua những đồ chơi như khối gỗ, đất nặn, lego, bút vẽ… sáng tạo ra những tác phẩm, những hình thù của vạn vật mà trẻ từng được thấy, theo cách riêng của trẻ, không gò ép theo khuôn mẫu hay luật lệ nào. Bác sĩ nhi khoa, nhà phân tâm học nổi tiếng D.W. Winnicott cho rằng “Chỉ qua hoạt động chơi và trong hoạt động chơi, trẻ mới được tự do sáng tạo”.

- Khả năng giải quyết vấn đề: “Chơi cho phép đứa trẻ giải quyết ở dạng biểu tượng những vấn đề chưa được giải quyết trong quá khứ và sao chép (to cope) những mối quan tâm hiện tại một cách trực tiếp hoặc một cách biểu tượng. Chơi là công cụ quan trọng để chúng chuẩn bị cho bản thân những nhiệm vụ trong tương lai” - Phát biểu của Bruno Bettelheim, nhà tâm lý học trẻ em.

- Khả năng phối hợp, cộng tác với người khác: Những trò chơi mà trẻ có thể cùng chơi với bạn đồng trang lứa, với người lớn hay với tập thể nhóm giúp trẻ biết điều chỉnh hành vi trong giới hạn phù hợp với người cùng chơi, biết chờ đợi đến lượt mình, tôn trọng lượt chơi của người khác, duy trì được sự vui thích khi chơi hoà hợp với người khác.

- Khả năng diễn đạt ngôn ngữ và phi ngôn ngữ: Chơi là một cơ hội đầy thích thú để trẻ học cách diễn đạt ngôn ngữ và phi ngôn ngữ qua những trò chơi như giả vờ sắm vai với búp bê hay với bạn cùng chơi, hoạt động vui chơi như nhảy múa, ca hát… . “Chơi là sự phát triển khả năng bày tỏ cao nhất của con người trong tuổi ấu thơ, vì nó bày tỏ tự do mọi điều trong tâm hồn của trẻ” – phát biểu của Friedrich Froebel, cha đẻ của mô hình vườn trẻ ngày nay.

- Khả năng làm chủ cảm xúc: “Chơi là con đường chính đề học cách tự chủ cảm xúc. Nó cho trẻ không gian an toàn đề trải nghiệm theo ý muốn, tạm hoãn những luật lệ và chế ngự thực tế xã hội vật lý. Trong hoạt động chơi, trẻ trở thành “quan” (master) hơn là “dân” (subject)…chơi cho phép trẻ chuyển từ bị động sang chủ động đối mặt những điều xảy ra xung quanh chúng” - Alicia F. Lieberman, tiến sĩ tâm thần học trẻ em.

Trẻ được chơi nhiều thường vui vẻ, hoạt bát, dễ cùng chơi và được bạn bè yêu mến hơn trẻ ít được cho chơi. Tất cả những điều trẻ có thể hấp thụ được trong khi chơi kích thích sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: vận động, trí tuệ, quan hệ xã hội, kỹ năng giao tiếp… nếu ít được chơi, trẻ phát triển một cách thiếu hụt về tâm lý, trí năng và xã hội. Như vậy, được chơi là nhu cầu tối quan trọng của trẻ. Trẻ được vui chơi sẽ học và thực tập sống thích nghi với môi trường và xã hội xung quanh chúng.

ẢNH HƯỞNG CỦA HOẠT ĐỘNG CHƠI LÊN SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ EM

1. Phát triển các kỹ năng vận động (motor skills) - trí tuệ

Hầu hết các hoạt động chơi đều năng động và làm tăng các kỹ năng vận động tinh tế, vận động phối hợp và sự linh hoạt. Trẻ có thể học qua các thao tác vận động của bàn tay và phối hợp chính xác với mắt và đôi chân như: cầm - nắm, đập - lắc, kéo - đẩy, quăng - nhặt, ném - chụp, chạy - nhảy, leo trèo, đá – đánh banh, tô vẽ - viết chữ…

Ở độ tuổi từ 0-6, phát triển vận động- trí tuệ (tâm vận động) luôn đi song hành như hai mặt của một đồng tiền. Trẻ thao tác trên đồ vật đồng thời hấp thu các tính chất, cấu trúc của đồ vật đó, làm khả năng tư duy phát triển. Trẻ có thể học phân loại nhóm các đồ vật dựa theo tính chất: số, chữ, hình dạng, kích cỡ… Trẻ học được nhiều quy luật tự nhiên trong các thao tác thử đi thử lại nhiều lần với đồ chơi như luật nhân - quả, luật bảo tồn khối lượng, luật bất biến... Theo độ tuổi, tư duy của trẻ phát triển dần dần từ trực quan, thao tác cụ thể đến trừu tượng, hành động có kế hoạch, thông qua các trò chơi tưởng tượng, giả vờ, đóng kịch, sắm vai...

Trẻ được tiếp cận với nhiều đồ chơi khác nhau sẽ cho ta thấy sự tiến lên về cấp độ phát triển trí tuệ.

2. Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp

Các kỹ năng giao tiếp thường có như: tập trung lắng nghe, tương tác mắt, chờ đến lượt (turn-taking), bắt chước, hiểu và đáp ứng giao tiếp qua điệu bộ (gesture) và âm ngữ (vocalisation) theo kiểu nhân quả được trẻ thể hiện rất sớm, và thể hiện rất phong phú qua hoạt động chơi có tương tác với người khác. Trẻ cần có người lớn bên cạnh cùng chơi để lý giải và mở rộng thêm những khám phá của trẻ. Vốn từ vựng của trẻ nhanh chóng tăng triển, sắp xếp từ thành câu đúng ngữ pháp, khả năng diễn đạt linh hoạt là nhờ được chơi với người lớn. Trẻ cũng cần có bạn cùng chơi để có thể học cách chia sẻ niềm vui, cách chờ đợi đến lượt, cách hợp tác phân công nhiệm vụ. Các hoạt động chơi giả vờ phân cảnh, sắm vai, đóng kịch… là các trò chơi cấp độ cao về khả năng giao tiếp của trẻ. Trong khung cảnh giả định an toàn, trẻ được tự do sắm vai nhân vật yêu thích, thể hiện các điệu bộ và ngôn từ của nhân vật.

Các kỹ năng ngôn ngữ như nghe, nói, đọc, viết cũng được học tự nhiên thông qua hoạt động chơi có sự quan sát và tương tác với người cùng chơi. Các hoạt động vừa chơi vừa học gây vui thích thường là: kể chuyện, vẽ hình, nặn tượng… Song song đó, trẻ cũng học được những ngôn ngữ không lời như ra dấu, hình ảnh, âm nhạc…

Tóm lại, điều kiện tối quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ là có người cùng chơi.

3. Phát triển các kỹ năng xã hội

Song song với việc phát triển khả năng giao tiếp là sự phát triển các kỹ năng xã hội. Trẻ lĩnh hội những quy tắc xã hội trong các hoàn cảnh khác nhau được tái hiện trong những hoạt động chơi giả vờ phân cảnh, sắm vai… Trong các hoạt động chơi này, những quy tắc xã hội được trẻ tiếp thu một cách tự nhiên, không ép buột nặng nề. Ví dụ: trẻ chơi búp bê, búp bê vào trong nhà thì cởi giày cho búp bê, búp bê ăn phải ngồi vào ghế, … Trẻ học được các giới hạn của hành vi trong từng hoàn cảnh giả định của trò chơi, như: cho xe chạy trên đường, không cho xe chạy trong nhà… Việc nhận biết và phân biệt giới tính của bản thân và của người khác cũng được học qua những hoạt động chơi. Trẻ được hướng dẫn để chọn những đồ chơi theo giới tính của mình.

Trẻ có bạn cùng chơi thì có cơ hội xây dựng mối quan hệ bạn bè. Trẻ biết cách thương lượng với bạn khác để cùng chơi chung một món đồ hay tham gia vào nhóm bạn đang chơi. Trẻ sẽ trở nên mạnh dạn tự tin hơn trẻ chỉ được chơi một mình.

4. Khả năng làm chủ bản thân

Chơi giúp trẻ bày tỏ cảm xúc, trước khi trẻ có thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Nếu trẻ tỏ ra gây hấn với búp bê trong hoạt động chơi, ta có thể hiểu trẻ đang muốn nói rằng trẻ đang khó chịu và tức giận một việc gì đó. Thông qua chơi, trẻ có thể diễn lại hoàn cảnh thật từng gây căng thẳng trong tình huống giả định an toàn hơn, để trẻ có thể giải toả cảm xúc bực bội ra ngoài. Khi trẻ có thể bày tỏ và giải toả những cảm xúc tiêu cực, những lo hãi, những huyễn tưởng ấu thơ, trẻ có thể làm chủ được những cảm xúc bản thân.

Các hoạt động chơi giúp trẻ bày tỏ cảm xúc thường là búp bê, con thú, con rối, hình ảnh, tranh vẽ, đất cát, đất nặn…

Đón xem tiếp Kỳ 2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...