Thứ Hai, 30 tháng 8, 2021

LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ - Phần 2

LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ - MỘT SỐ KHÍA CẠNH VỀ KỸ THUẬT

(*) Tựa được đặt lại

“19 Narrative Therapy Techniques, Interventions + Worksheets”

Tác giả: COURTNEY ACKERMAN, MA, tốt nghiệp Chương trình Lượng giá và Tâm lý Tổ chức Tích cực (the positive organizational psychology and evaluation program) tại Đại học Claremont Graduate. Cô hiện đang làm việc với tư cách là nhà nghiên cứu cho Bang California và các mối quan tâm nghề nghiệp của cô ấy bao gồm làm nghiên cứu khảo sát, chủ đề hạnh phúc tại nơi làm việc và lòng trắc ẩn.

Nguồn: Positive Psychology - 15-04-2021

Lược dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN

(*) Narrative Therapy – Trong bài dịch là “liệu pháp chuyện kể”, có cách dịch khác là “liệu pháp trần thuật”



Xem lại Phần 1

Phần 2

CÁC BÀI TẬP VÀ CAN THIỆP KHÁC TRONG LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ

Trong khi liệu pháp chuyện kể thiên về đối thoại giữa nhà trị liệu và thân chủ, vẫn có một số bài tập và hoạt động bổ sung cho các buổi trị liệu thông thường. Một số những bài tập này được mô tả dưới đây.

1. Trình bày một Bản đồ Vị trí (Position Map)

Một tài liệu phát tay đơn giản bao gồm bốn lĩnh vực để khách hàng ghi ra về:

1, Những đặc trưng về vấn đề của thân chủ và cách đặt tên hoặc dán nhãn cho vấn đề đó

2, Lập bản đồ về các ảnh hưởng của vấn đề lên từng lĩnh vực cuộc sống mà nó tác động đến (trong gia đình, cơ quan, trường học, các mối quan hệ, v.v.)

3, Đánh giá tác động của vấn đề trong các lĩnh vực này

4, Các giá trị nào xuất hiện khi nghĩ về lý do tại sao những tác động này lại là những điều không mong muốn

Bản đồ này nhằm mục đích sẽ được thân chủ điền vào khi cùng làm việc với một nhà trị liệu, nhưng nó có thể được thăm dò một cách tỉ mỉ nếu khó tìm được một nhà trị liệu theo liệu pháp chuyện kể.

Nói chung, cuộc đối thoại giữa nhà trị liệu và thân chủ sẽ đi sâu vào bốn lĩnh vực này. Nhà trị liệu có thể đặt câu hỏi và thăm dò để tìm hiểu sâu hơn, trong khi thân chủ thảo luận về vấn đề họ đang gặp phải và tìm kiếm cái nhìn sâu sắc về bất kỳ lĩnh vực nào trong bốn lĩnh vực chính được liệt kê ở trên. Có một sức mạnh được tạo nên trong lúc làm việc đặt tên cho vấn đề và từ từ chuyển sang ý nghĩ rằng chúng ta là một người từ ngoài quan sát một cách thụ động cuộc sống của chính mình.

Cuối cùng, điều quan trọng là khách hàng phải hiểu ở mức độ sâu hơn rằng tại sao vấn đề này lại làm phiền lòng họ. Những giá trị nào đang bị xâm phạm hoặc cản trở bởi vấn đề này? Tại sao thân chủ lại cảm thấy vấn đề này là tiêu cực? Ví dụ, một “bữa tiệc tối căng thẳng” liệu có thể mang lại điều gì cho họ? Phải chăng những cảm giác lo âu xã hội (social anxiety) cùng điều gì đó “khác lạ” khiến bạn cảm thấy mình bị lẻ loi? Đây là những câu hỏi mà bài tập này có thể giúp trả lời.

2. Câu chuyện đời tôi (My Life Story)

Một trong những nguyên tắc trị liệu cơ bản nhất trong liệu pháp chuyện kể là chúng ta tìm thấy ý nghĩa và chữa lành thông qua việc kể chuyện.

Bài tập này là về tất cả câu chuyện của bạn, và tất cả những gì bạn cần là một bản in cùng với bút mực hoặc bút chì.

Mục đích của bài tập “Câu chuyện Đời tôi” là tách bản thân bạn ra khỏi quá khứ và cho bạn có được cái nhìn rộng hơn về cuộc sống của mình. Nó nhằm mục đích tạo ra một phác thảo về cuộc sống của bạn không chỉ xoay quanh những ký ức về những thời khắc quá mãnh liệt như những chuyện gây cảm xúc mạnh hoặc trong quá trình lớn lên.

Đầu tiên, bạn viết tên cuốn sách đó là cuộc đời của bạn. Có thể đó chỉ đơn giản là “Câu chuyện cuộc đời của Monica” hoặc một điều gì đó phản ánh nhiều hơn các chủ đề bạn có thể thấy trong cuộc sống của mình, chẳng hạn như “Monica: Câu chuyện về sự kiên trì”.

Trong phần tiếp theo, hãy đưa ra ít nhất 7 tiêu đề chương, mỗi tiêu đề đại diện cho một giai đoạn hoặc sự kiện quan trọng trong cuộc đời bạn. Khi bạn đã có tiêu đề chương, hãy đưa ra một câu tóm tắt chương. Ví dụ: tiêu đề chương của bạn có thể là "Ngại ngùng và Bất định" (Awkward and Uncertain) và phần mô tả có thể có nội dung "Tuổi thiếu niên của tôi bị chi phối bởi cảm giác không chắc chắn và bối rối trong một gia đình có 7 người."

Tiếp theo, bạn sẽ xem xét chương cuối cùng của mình và thêm mô tả về cuộc sống của bạn trong tương lai. Ban sẽ lam gì trong tuong lai? Bạn sẽ đi đâu và bạn sẽ là ai? Đây là đoạn mà bạn có thể linh hoạt các khả năng dự đoán của mình.

Cuối cùng, bước cuối cùng, là thêm vào các chương của bạn khi cần thiết để tạo nên một câu chuyện toàn diện về cuộc đời bạn.

Bài tập này sẽ giúp bạn sắp xếp những suy nghĩ và niềm tin về cuộc sống của bạn và cùng nhau dệt nên một câu chuyện có ý nghĩa đối với bạn. Ý tưởng khi làm bài tập này không phải là đi quá sâu vào bất kỳ ký ức cụ thể nào, mà thay vào đó là nhận ra rằng những gì trong quá khứ của bạn thực sự là quá khứ. Nó định hình bạn, nhưng nó không hẳn định ghĩa con người bạn (Nguyên văn: “It shaped you, but it does not have to define you”). Quá khứ của bạn khiến bạn trở thành người biết suy nghĩ và khôn ngoan hơn của ngày hôm nay.

3. Sử dụng những nghệ thuật diễn đạt (Expressive Arts)

Loại can thiệp này có thể đặc biệt hữu ích đối với trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể tìm thấy sự nhẹ nhõm và ý nghĩa trong đó.

Tất cả chúng ta đều có những phương pháp khác nhau để kể câu chuyện của mình và việc sử dụng nghệ thuật để làm điều đó từ lâu đã là những sản phẩm của tính người trong vô vàn những thế hệ đã qua. Hãy tận dụng cách diễn đạt và sáng tạo này để kể câu chuyện của bạn, hãy khám phá các phương pháp khác nhau theo ý của bạn.

Bạn có thể:

Tĩnh tâm (Meditate)

Thư giãn có hướng dẫn hoặc tĩnh tâm cá nhân có thể là một cách hiệu quả để giải thông một vấn đề.

Viết nhật Ký (Journal)

Viết nhật ký có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích. Xem xét một bộ câu hỏi cụ thể - Ví dụ: Vấn đề ảnh hưởng đến bạn như thế nào? Vấn đề đã tồn tại trong cuộc sống của bạn như thế nào? - Hoặc đơn giản là viết mô tả về bản thân hoặc câu chuyện của bạn theo quan điểm của bạn về vấn đề đó. Điều này có thể khó nhưng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề và cách nó ảnh hưởng đến các lĩnh vực trong cuộc sống của bạn.

Vẽ (Draw)

Nếu bạn quan tâm hơn đến việc “vẽ ra” tác động của vấn đề đối với trải nghiệm của mình, bạn có thể sử dụng kỹ năng của mình để vẽ ra những tác động của vấn đề đó. Bạn có thể tạo một bản vẽ mang tính biểu trưng, ​​lập một bản đồ về những ảnh hưởng của vấn đề hoặc tạo một tranh vẽ biếm họa (cartoon) đại diện cho vấn đề trong cuộc sống của bạn. Nếu việc vẽ là đáng sợ với bạn, bạn thậm chí có thể vẽ nguệch ngoạc các hình dạng trừu tượng với màu sắc minh hoạ những cảm xúc mà bạn đang cảm thấy và các từ khóa thể hiện sự suy tư của bạn trong khoảnh khắc đó.

Sự chuyển động cơ thể (Movement)

Bạn có thể sử dụng một phương tiện đơn giản là sự chuyển động cơ thể cùng với sự tập trung toàn tâm toàn ý (mindfulness) để tạo nên và thể hiện câu chuyện của mình. Bắt đầu bằng cách di chuyển theo cách thông thường của bạn, sau đó cho phép vấn đề ảnh hưởng đến chuyển động của bạn. Thực hành việc “quan sát toàn tâm toàn ý” (mindful observation) để xem có điều gì thay đổi khi vấn đề đã được thiết dựng nên (qua sự chuyển động cơ thể). Tiếp theo đó, hãy khai triển một “chuyển động có tính chuyển tiếp” (transitional movement) để khởi sự cho việc làm lung lay vấn đề đang đeo bám bạn. Cuối cùng, sự chuyển tiếp tiến dần sang một “chuyển động mang tính chất giải thoát” (liberation movement) để khám phá thông qua sự chuyển động cơ thể và có tính ẩn dụ làm thế nào để “thoát khỏi vấn đề” (escape the problem).

Hình dung hoặc tưởng tượng bằng hình ảnh (Visualization)

Sử dụng kỹ thuật hình dung để xem xét cuộc sống của bạn có thể sẽ như thế nào trong một tuần, một tháng, một năm hoặc một vài năm, cả khi vấn đề này vẫn còn tiếp diễn lẫn khi bạn đã có thể nắm bắt được một hướng đi mới. Chia sẻ kinh nghiệm của bạn với người cùng tham gia hoặc với nhà trị liệu, hoặc có thể phản ánh lại trải nghiệm này trong nhật ký để khám phá những cách thức mà bài tập này đã giúp bạn tìm thấy ý nghĩa hoặc những khả năng mới cho cuộc sống của mình (Freeman, 2013).

Ví dụ về các câu hỏi để hỏi thân chủ của bạn (nhà trị liệu)

Liệu pháp chuyện kể là một cuộc đối thoại trong đó cả nhà trị liệu và thân chủ trò chuyện để cùng tìm hiểu về câu chuyện của thân chủ. Nó cần đến nhiều câu hỏi được đặt ra bởi nhà trị liệu.

“Mỗi khi đặt một câu hỏi, chúng ta đang tạo ra một phiên bản khả thi cho một cuộc đời”.

David Epston

Danh sách các câu hỏi dưới đây được đính kèm với bài tập “Phát biểu về Bản đồ Vị trí”, nhưng cũng có thể hữu ích khi sử dụng bên ngoài bài tập này:

Nghe có vẻ như bây giờ [vấn đề] đã là một phần trong cuộc sống của bạn?

Bạn nhận thấy [vấn đề] này bao lâu rồi?

[Vấn đề] có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn?

[Vấn đề] ảnh hưởng như thế nào đến năng lượng sống của bạn trong công việc hằng ngày?

[Vấn đề] có ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với các thành viên khác trong gia đình không?

[Vấn đề] có những ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con bạn?

Bạn nghĩ gì về những ảnh hưởng mà [vấn đề] đang gây ra cho cuộc sống của bạn?

Bạn có đang chấp nhận những gì [vấn đề] đang gây nên không?

Những tác động này có được bạn chấp nhận hay không?

Tại sao lại thế? Tại sao bạn đứng vào vị trí này theo những gì mà [vấn đề] đang tạo nên?

Bạn muốn mọi thứ trở nên như thế nào?

Nếu bạn muốn duy trì kết nối với điều bạn vừa nói về những gì bạn thích, bạn có thể thực hiện các bước tiếp theo là những việc gì?

Trang web IntegratedFamilyTherapy cũng cung cấp các ví dụ điển hình về các câu hỏi để hỏi khách hàng của bạn khi bạn xem xét câu chuyện của họ:

1, Khai thông những Lối Mở (Enabling Openings)

Bạn có thể mô tả lần cuối cùng bạn đã xử lý để thoát khỏi vấn đề trong một vài phút? Điều đầu tiên bạn nhận thấy trong vài phút đó là gì? Điều tiếp theo là gì?

2, Liên kết các Lối Mở ấy với những Trải nghiệm Ưa thích (Linking Openings with Preferred Experience)

Bạn muốn có thêm những phút như thế này trong cuộc đời mình?

3, Chuyển từ những Lối Mở sang việc Phát triển Câu chuyện Thay thế (Moving from Openings to Alternative Story Development)

Mỗi người trong số các bạn đang nghĩ gì / cảm thấy gì / làm gì / ước gì / tưởng tượng gì trong vài phút đó?

4, Mở rộng cách nhìn (Broadening the Viewpoint)

Bạn của bạn có thể nhận thấy gì về bạn nếu cô ấy gặp bạn trong vài phút đó?

5, Khám phá Cảnh quan của Hành động (Exploring Landscapes of Action)

Làm thế nào bạn đạt được điều đó? Tim đã giúp bạn điều đó như thế nào?

6, Khám phá Cảnh quan của Ý thức (Exploring Landscapes of Consciousness)

Bạn đã học được gì về những gì bạn đã có thể làm trong vài phút đó?

7, Liên hệ với các trường hợp ngoại lệ trong quá khứ (Linking with the Exceptions in the Past)

Hãy kể cho tôi nghe về những lần bạn đã cố gắng đạt được một vài phút tương tự trong quá khứ?

8, Liên hệ những điều ngoại lệ trong quá khứ với hiện tại (Linking Exceptions from the Past with the Present)

Khi bạn nghĩ về những khoảng thời gian trong quá khứ khi bạn đã đạt được điều này, điều này có thể thay đổi cách nhìn của bạn về vấn đề bây giờ như thế nào?

9, Liên hệ những ngoại lệ trong quá khứ với tương lai (Linking Exceptions from the Past with the Future)

Giờ thì hãy nghĩ về ấy, bạn mong đợi làm gì tiếp theo?

KẾ HOẠCH TRỊ LIỆU TRONG LIỆU PHÁP CHUYỆN KỂ

Việc phát triển một kế hoạch điều trị trong liệu pháp chuyện kể là một hoạt động mang tính cá nhân chuyên sâu trong bất kỳ mối quan hệ trị liệu nào và có những hướng dẫn về cách làm thế nào để kết hợp lại thành một kế hoạch hiệu quả.

Người đồng sáng lập của liệu pháp tường thuật, Michael White, cung cấp một nguồn bổ sung cho các nhà trị liệu sử dụng liệu pháp tường thuật.

Theo White, có ba tiến trình chính trong điều trị:

1, Ngoại hiện vấn đề (Externalization of the problem) tức phần phản ánh các bước của bài tập lập bản đồ vị trí:

*Phát triển một định nghĩa cụ thể, gần với những trải nghiệm về vấn đề;

*Lập bản đồ các tác động của vấn đề;

*Đánh giá tác động của vấn đề; và

* Biện minh cho việc đánh giá (justifying the evaluation)

2, Sáng tác lại các cuộc đối thoại (re-authoring conversations) bằng cách:

*Giúp thân chủ bao gồm (trong câu chuyện) cả các khía cạnh bị lãng quên của họ; và

* Chuyển hướng câu chuyện đang bị tập trung vào vấn đề (sang một cốt chuyện thay thế - ND).

3, Ghi nhớ các cuộc đối thoại mà thân chủ đã tích cực tham gia trong các quá trình như:

*Làm mới các mối quan hệ của họ;

*Loại bỏ các mối quan hệ không còn phục vụ họ; và

*Tìm kiếm ý nghĩa trong câu chuyện của họ, từ chỗ bị bão hoà bởi các vấn đề (problem-saturated) sang một câu chuyện chứa đầy những nghị lực vượt khó (resilient-rich).

MỘT THÔNG ĐIỆP MANG VỀ (A TAKE-HOME MESSAGE)

Bạn kể câu chuyện của mình như thế nào? Các chương trong cuộc đời bạn là gì? Bạn thích câu chuyện mình đang kể hay bạn muốn thay đổi câu chuyện của mình? Những câu hỏi này và nhiều câu hỏi khác có thể được trả lời trong liệu pháp chuyện kể.

"Không có sự đau đớn nào lớn hơn là mang một câu chuyện chưa kể bên trong bạn."

Maya Angelou

Nếu bạn là một người tò mò muốn tìm hiểu về liệu pháp chuyện kể, tôi hy vọng sự tò mò của bạn sẽ được khơi dậy và giờ đây bạn đã có nền tảng để học hỏi thêm.

Nếu bạn là một nhà trị liệu hoặc một chuyên gia sức khỏe tâm thần quan tâm đến việc áp dụng liệu pháp chuyện kể trong công việc của mình, tôi hy vọng bài viết này có thể cung cấp cho bạn một điểm khởi đầu cho bạn.

Cảm ơn vì đã đọc và kể chuyện vui vẻ!

Chúng tôi hy vọng bạn thích đọc bài viết này.

Tác giả: COURTNEY ACKERMAN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...