Người viết: NGUYỄN THỊ THU TRÚC - Cử nhân Tâm lý
Tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành tâm lý – giáo
dục từ ĐH KH Xã hội – Nhân văn Tp.HCM từ năm 2005. Thành viên CLB Trăng Non từ
2008-2014.
Sau khi đã tham gia rất nhiều hoạt động có ý
nghĩa tại Trăng Non như can thiệp trị liệu cho trẻ có vấn đề về phát triển, hỗ
trợ tâm lý cho trẻ em ở các cơ sở nhà mở, mái ấm và Làng Trẻ em SOS Gò Vấp, chị
đã rời khỏi Trăng Non để chọn một cuộc đời tận hiến theo đức tin của mình.
Bài viết này đã từng đăng trên website tamlytrilieu.com năm 2008 và là một phần trong tài liệu huấn luyện chung của CLB Trăng Non, thuộc Hội KH Tâm lý – Giáo dục Tp.HCM. Nay xin giới thiệu lại cùng quý thân hữu, những ai có quan tâm đến việc ứng dụng chơi như một phương tiện giáo dục và hỗ trợ tâm lý cho trẻ em.
Kỳ 2
CÁC LÝ THUYẾT
ĐƯƠNG ĐẠI VỀ CHƠI
1. Lý thuyết Phát triển nhận thức (Cognitive
development theory) của Jean Piaget
Piaget cho rằng trẻ em là những người học đầy
năng động và tự động. Bản thân trẻ em có tính tò mò tự nhiên đối với thế giới
xung quanh chúng. Chúng luôn năng nổ tìm kiếm thông tin để có thể lý giải và hiểu
về thế giới đó. Chúng thường trải nghiệm những vật thể mà chúng tình cờ gặp phải,
khám phá và quan sát những hệ quả từ những hành vi của chúng. Khi trẻ chơi, đó
chính là lúc trẻ khám phá thế giới qua những tính chất và cấu trúc của đồ vật
và qua những hành vi tác động lên đồ vật đó.
Quá trình học tập của trẻ có tính cơ cấu và
tính cá thể. Đứa trẻ năng động tìm tòi thông tin và kết nối các thông tin theo
cách riêng của chúng để lý giải về môi trường sống xung quanh. Piaget dùng thuật
ngữ “sơ cấu” (Scheme) để giải thích tính cơ cấu trong quá trình học tập của trẻ.
Sơ cấu là một cách nói trừu tượng về một dạng cấu trúc nhận thức đơn giản trẻ
có được nhờ những hành vi phản xạ tự phát ban đầu. Khi các kích thích quen thuộc
xuất hiện thường xuyên, các phản xạ tự phát dần dần có chọn lọc, sơ cấu càng được
củng cố và trở thành kiểu hành vi có thể lập đi lập lại khi trẻ nhận biết kích
thích quen thuộc tác động. Piaget cho rằng trẻ luôn sử dụng lập đi lập lại các
sơ cấu mới đạt được trong các tình huống tương tự và mới mẻ. Quá trình lập lại
các sơ cấu đó giúp đứa trẻ chọn lọc các hành vi và kết hợp chúng lại. Các sơ cấu
được tổ chức và kết nối với nhau dựa trên quá trình tư duy thao tác logic này
trở thành các “thao tác” (Operations). Lý thuyết này được chứng thực khi ta
quan sát trẻ chơi. Khi chơi, trẻ thao tác lập đi lập lại nhiều lần trên một vật
và thử chơi bằng nhiều cách khác nhau với đồ chơi đó, cho tới khi chọn được
cách chơi tương ứng với chức năng của đồ vật đó, và kết hợp chơi giữa đồ vật đó
với đồ vật khác. Trẻ đập, quăng chiếc xe nhiều lần trước khi biết đẩy xe chạy
và cho hình người lên xe.
Theo Piaget, Những sơ cấu càng phát triển cho
phép đứa trẻ càng thích nghi hơn với với môi trường sống. Sự phát triển của các
sơ cấu dựa trên hai cơ chế: đồng hoá (assimilation) và điều ứng (accommodation).
Quá trình đồng hoá giúp mở rộng các sơ cấu với những đối tượng mới có tính chất
tương đồng với những đối tượng đã biết, quá trình điều tiết giúp mở rộng các sơ
cấu với những đối tượng mới có tính chất mới chưa hề biết. Ví dụ, trẻ biết kẹo
là vật nhỏ, có màu, bỏ vào miệng ăn thì ngọt; trẻ thấy nút áo cũng là vật nhỏ,
có màu, nên bỏ vào miệng ăn; đây là quá trình đồng hoá. Trẻ ngậm nút áo không
thấy ngọt, và người lớn bắt nhè ra, dần dần, trẻ biết thêm có vật mới là nút
áo, nhỏ, có màu, không ngọt, không phải kẹo và không được ăn; đây là quá trình
điều tiết. Cả hai quá trình này liên kết với nhau chặt chẽ trong suốt quá trình
phát triển hiểu biết và kiến thức về thế giới xung quanh của đứa trẻ.
Piaget cho rằng sự phát triển nhận thức của
trẻ tuỳ thuộc vào sự phát triển thành thục của hệ thần kinh qua các độ tuổi
khác nhau. Đối với trẻ từ 0-6 tuổi, Piaget chia làm hai giai đoạn phát triển nhận
thức:
- Giai đoạn giác động (Sensorimotor stage) từ
khi sinh đến 2 tuổi: Đặc trưng của giai đoạn này là trẻ chỉ có thể nhận biết và
tư duy về những gì cụ thể đang thấy, đang làm trước mắt. Trẻ có những trải nghiệm
thử và sai (Trial and error experimentation) qua việc lập đi lập lại cách chơi
với vật để khám phá những tính chất của đồ vật. Trẻ lăn tròn trái banh, cái ống,
cái lục lạc và nhận ra trái banh thì lăn đi, cái ống thì cuộn tròn, cái lục lạc
thì phát tiếng. Các thử nghiệm dần dần phát triển thành hành vi có mục đích trực
tiếp, những hành vi chủ ý làm để đạt được điều gì đó. Trẻ có thể biết đi về
phía trái banh, nhặt trái banh lên. Trẻ hiểu được sự bất biến của vật, dù vật
không có trước mắt, trẻ có thể tìm thấy vật. Trẻ thích chơi ú oà, trốn tìm, tìm
vật bị giấu. Cuối giai đoạn này, trẻ phát triển tư duy biểu tượng, tượng trưng
vật này bằng vật khác. Trẻ cầm khối gỗ nói “a-lô” như máy điện thoại. Khả năng
này là dấu hiệu ban đầu giúp trẻ tư duy trừu tượng sau này.
- Giai đoạn tiền thao tác (Preoperational
stage) từ 2-6 tuổi: Khả năng tư duy biểu tượng phát triển mạnh mẽ giúp trẻ có
thể tư duy và nói về những trải nghiệm thân cận là đặc trưng của giai đoạn này.
Khả năng ngôn ngữ phát triển nhanh chóng cả về từ vựng và cấu trúc câu. Trẻ có
thể nghe và hiểu truyện kể có hình ảnh minh hoạ, trẻ thích chơi biểu tượng như
vẽ tranh, nặn tượng… Trẻ thường chơi giả vờ, gán cho đồ vật những chức năng,
vai trò nhất định trong bối cảnh giả định. Trẻ chơi nấu ăn trên chiếc lá, múc
cơm cho búp bê ăn,… Tuy nhiên, ở giai đoạn này, tư duy của trẻ không theo logic
hợp lý thông thường của người lớn. Trẻ đưa ra các câu trả lời theo cảm tính, chứ
không suy luận hợp lý. Trẻ có thể cho ly cao ốm thì chứa nhiều nước hơn ly thấp
to chỉ vì thấy mực nước ly kia cao hơn. Đến cuối giai đoạn này, trẻ mới dần
phát triển tư duy trên các nguyên tắc logic được thấy trực tiếp, bắt đầu cho sự
phát triển của giai đoạn thao tác cụ thể (Concrete operations stage) từ 6 đến
12 tuổi.
Lý thuyết của Piaget có tác động sâu sắc đến
các nhà ứng dụng tâm lý và nhà giáo dục trẻ em. Lý thuyết này ủng hộ việc cung
cấp những cơ hội cho trẻ trải nghiệm về vật thể cũng như các hiện tượng tự
nhiên trong cuộc sống. Mà trong đó, hoạt động chơi là hoạt động thiết yếu và an
toàn nhất cho trẻ nhiều cơ hội vui thú để trải nghiệm và khám phá không ngừng,
thúc đẩy liên tục sự phát triển trí tuệ của trẻ.
2. Lý thuyết Văn hoá xã hội (Sociocultural
theory) của Lev Vygotsky
Lý thuyết về văn hoá xã hội do Lev Vygotsky
khởi xướng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của yếu tố xã hội và văn hoá tác động
lên sự phát triển nhận thức của trẻ em. Hai yếu tố này tác động thông qua sự
tương tác của trẻ với đồ vật và với người lớn. Nói cách khác, chính đồ vật và
người lớn mà trẻ tương tác luôn mang dấu ấn của nền văn hoá và bản chất xã hội
trên mình. Thông qua những tương tác chính thức hay không chính thức, người lớn
truyền đạt thông tin cho trẻ theo nhiều cách mà văn hoá của họ đã lý giải về thế
giới. Khi trẻ chơi, trẻ học cách sử dụng đồ vật theo chức năng mà cả xã hội và
nền văn hóa xung quanh nó qui định.
Nghiên cứu của Vygotsky về hoạt chơi hay trò
chơi như là một hiện tượng tâm lý có vai trò quan trọng trong sự phát triển của
trẻ. Thông qua hoạt động chơi, trẻ phát triển ý nghĩa trừu tượng về vật, phân
biệt vật này với vật khác, trong sự phát triển của chức năng thần kinh cao hơn.
Chơi như là sự diễn giải trong sự tưởng tượng những ham muốn không thực hiện được
ngoài cuộc sống. Đứa trẻ chơi nấu ăn với búp bê vì lòng ham muốn làm giống mẹ
nó đã chăm sóc nó. Trẻ có thể dùng cái gối làm em bé, cái nắp làm cái tô, cây
que là cái muỗng - những đồ vật đó có tính tượng trưng cho em bé thật và đồ nấu
ăn thật mà bé chưa thể sử dụng thành thục được. Qua những hoạt động chơi này,
trẻ học được ý nghĩa của từng đồ vật có tính tượng trưng đó và chuyển hoá sang
đồ vật thật. Trẻ càng lớn càng hiểu tính tượng trưng của đồ vật và càng hiểu
tính giả bộ của hoạt động chơi, trẻ có thể nói: “lấy cây gậy này làm con ngựa để
chơi”.
Vygotsky nhấn mạnh hoạt động chơi giúp trẻ
phát triển các kỹ năng xã hội. Khi trẻ chơi với búp bê và căn nhà đồ chơi, trẻ
đang học về vai trò khác nhau của các thành viên trong gia đình. Khi hai chị em
chơi với nhau, vai trò chị và em được lộ rõ hơn là những hành vi trong cuộc sống
thường ngày. Những tương tác với người khác khi chơi, giúp trẻ học được các quy
luật xã hội, dần dần giúp trẻ tự điều chỉnh bản thân. Ví như một đứa trẻ đứng
ngay vạch xuất phát chạy đua với những đứa trẻ khác, đứa trẻ nào cũng muốn
phóng chạy ngay, nhưng quy định xã hội giúp trẻ phải chờ đợi có dấu hiệu xuất
phát mới được chạy.
Những giai đoạn phát triển của trẻ được
Vygotsky phân chia theo kỹ năng tư duy và lý luận. Trong đó, khả năng phát triển
ngôn ngữ của trẻ từ sớm phụ thuộc vào sự tương tác với người lớn trong tất cả
các hoạt động, đặc biệt là hoạt động chơi.
Các nhà tâm lý phát triển lý thuyết của
Vygotsky cho rằng hoạt động chơi của trẻ chuẩn bị cho chúng cuộc sống trưởng
thành bằng việc luyện tập các hành vi giống như người lớn.
3. Lý thuyết Phân tâm học
Sigmund Freud cho rằng nhiều trò chơi của trẻ là cách
chuyển hoá của xung lực tính dục bị người lớn kiềm chế. Đối với cha mẹ, anh chị,
trẻ có một tình cảm hai chiều trái ngược nhau, vừa yêu mến, kính phục, vừa ghen
ghét, căm giận. Tâm trí trẻ chưa đủ sức hóa giải mâu thuẫn giữa hai tình cảm ấy,
nên được “trá hình” vào trong những hoạt động chơi. Trong những hoạt động chơi
đó, trẻ ôm ấp nâng niu đồ chơi, hay trút giận, đập phá đồ chơi đều là cách giải
tỏa những cảm xúc mâu thuẫn nội tại không thể diễn đạt.
Freud là người đầu tiên dùng hoạt động chơi
như một liệu pháp chữa các chứng rối nhiễu tâm lý ở trẻ em. Trong hoạt động
chơi đó, đứa trẻ được tự do giải phóng nội tâm nhiều uẩn ức, lo hãi, huyễn tưởng
trên các đồ chơi. Ông chia các giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ dựa theo các
biểu tượng gây khoái cảm cho trẻ trong giai đoạn đó.
Erik Erikson, đại diện tiêu biểu cho lý thuyết
Phân tâm Cách tân, phân chia các giai đoạn phát triển của trẻ dựa trên những chủ
đề xung đột, mà thông qua những xung đột đó trẻ hình thành cái Tôi hài hòa với
thế giới xung quanh.
- Từ sơ sinh đến 18 tháng tuổi là giai đoạn
xung đột giữa sự tin tưởng và không tin tưởng (trust vs. mistrust). Trẻ cần sự
quan tâm chăm sóc để đạt được sự tin tưởng vào con người và thế giới xung
quanh. Niềm tin này được xây dựng ẩn tàng trong những tiếp xúc xã hội với cha mẹ,
những hoạt động chơi giúp các giác quan, chức năng vận động, tri giác thêm phát
triển.
- Từ 15 tháng tuổi đến 3 tuổi là giai đoạn
xung đột giữa ước muốn tự làm lấy và sự xấu hổ, nghi ngờ khả năng của mình. Trẻ
phát triển ý muốn tự làm lấy trong nhiều hoạt động nhưng thường lại không thành
công. Sự tự tin và khả năng độc lập của trẻ phát triển nếu trẻ được cho phép tự
làm lấy và hoàn tất trong vui vẻ; ngược lại, trẻ sẽ mang mặc cảm xấu hổ, nghi
ngờ bản thân khi không được tự làm và thường bị quát mắng khi làm sai. Các hoạt
động chơi lúc này cho phép trẻ có thể tự làm lấy nhiều hoạt động trong tình huống
giả định, mà đời thật có thể trẻ không tự làm thành công: ví dụ trẻ đút cháo
cho búp bê ăn. Các hoạt động chơi trong giai đoạn này cho trẻ cơ hội để thành
công, giải toả xung đột.
- Từ 3 đến 6 tuổi là giai đoạn xung đột giữa
ý muốn tự ý (initiative) và cảm giác có tội (guilt). Giai đoạn này, trẻ có khả
năng tự hoạt động và nảy sinh nhiều ý muốn tự ý nhưng luôn phải tuân thủ những
giới hạn và qui tắc của xã hội. Trẻ phải đạt được sự cân bằng lành mạnh giữa ý
muốn tự ý lựa chọn những điều trong khuôn phép, chứ không bị ép buột hoặc từ chối
cảm giác có tội khi lựa chọn những điều không được phép. Các hoạt động chơi tưởng
tượng giúp trẻ giải toả xung đột này, trẻ tưởng tượng những tình huống giả định,
trong đó những qui luật trở nên được chấp nhận dễ dàng, không gò ép ý chí lựa
chọn tự do.
Có thể nói, lý thuyết Phân tâm cho rằng chơi
là hoạt động gây phấn chấn, cho phép đứa trẻ làm chủ những tình huống khó khăn.
Trẻ sử dụng những tình huống tưởng tượng để đóng vai người lớn, lấy cảm giác
làm chủ trong hoạt động chơi mà sao chép trong tình huống thật. Thông qua hoạt
động chơi, trẻ có thể tái hiện những sự kiện đau đớn, những xung đột của cá
nhân, làm chủ nỗi đau đó bằng cách giải toả nó trong tình huống tưởng tượng.
CÁC KIỂU HOẠT
ĐỘNG CHƠI
Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Chơi Tại Hoa
Kỳ (National Institute for Play – 46 West Garzas Rd., Carmel Valley, CA 93924 –
nifplay.org) có 7 kiểu hoạt động chơi ở con người, phát triển từ trẻ nhỏ đến
người lớn trong những dạng hành vi khác nhau. Ở trẻ nhỏ từ 0-6 tuổi, các dạng
hành vi trong các kiểu chơi này như sau:
1. Chơi hòa hợp (Attunement Play)
Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi khi được tiếp xúc với
mẹ, trẻ thấy hình ảnh mẹ, những trải nghiệm vui sướng do mẹ mang lại. Trẻ đáp ứng
lại những nụ cười, khuôn mặt và giọng nói kiểu trẻ con (baby talk) của bà mẹ
dành cho trẻ. Có thể nói, khuôn mặt người là “vật” đầu tiên cho trẻ nhận biết
hình dạng của mắt, mũi, miệng. Trẻ 3 tháng tuổi có thể nhận biết khuôn mặt mẹ
mình trong nhiều khuôn mặt khác. Những hoạt động vui thú của trẻ lúc này là được
ẫm bồng, được no thoả, được nghe âm điệu triều mến và cảm nhận cảm xúc vui vẻ của
người mẹ. Những trải nghiệm của niềm vui này được ghi trên bán cầu não phải, là
nơi tổ chức điều khiển cảm xúc hoà hợp đầu tiên giữa trẻ và mẹ.
2. Chơi vận động thân thể (Body Play and
Movement)
Kiểu chơi vận động thân thể là niềm vui thú của
trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi. Về vận động thể lý, trẻ thích xoay trở lật mình, tập
ngồi, tập đứng và tập đi, trẻ cảm nhận cảm giác giữ thăng bằng và cảm giác về trọng
lượng của mình. Trẻ vận động cơ thể liên tục: tay vung vẫy, chân đá, toàn thân
nhún nhẩy. Trẻ bắt đầu phát triển vận động tinh tế của bàn tay, ngón tay bằng
việc thao tác trên nhiều đồ chơi khác nhau. Ngoài ra, trẻ nói líu lo nhiều để cảm
nhận vận động của dây thanh quản, để nghe âm điệu cho mình tạo ra.
3. Chơi với đồ vật (Object Play)
Từ rất sớm trẻ đã có kiểu chơi với đồ vật. Đồ
chơi giúp những đặc trưng nhân cách được cá thể hoá cao, ví dụ trẻ trai hoặc
gái có những đồ chơi yêu thích riêng. Đồ chơi cũng giúp những kỹ năng thao tác
công cụ phát triển. Bàn tay của trẻ được chơi trên nhiều kiểu đồ chơi khác nhau
sẽ giúp não phát triển những kỹ năng thao tác khéo léo.
Kiểu chơi này và kiểu chơi vận động thân thể
nằm trong giai đoạn Giác động mà Piaget mô tả. Trẻ trải nghiệm cảm giác cơ thể
và vận động thể lý với đồ vật và với người khác. Những hành vi của trẻ phát triển
từ những phản xạ sinh học giúp trẻ sống còn, đến những hành vi có tính tri giác
dựa trên việc lập đi lập lại những cảm nhận giác quan. Khoảng 6 thàng đầu, sơ cấu
hành vi đơn giản đã hình thành thông qua những hoạt động thử và sai. Trẻ sử dụng
những sơ cấu hành động như kéo, đẩy, cầm, nắm, quăng, nhặt đồ vật để trải nghiệm
cảm giác và vui thú những chuyển động. Khi trẻ làm chủ những khả năng vận động,
những sơ cấu đơn giản sẽ phối hợp tạo thành chuỗi hoạt động chơi phức tạp. Trẻ
đẩy banh và trườn lên banh, tìm trái banh bị mất. Trẻ 9 tháng tuổi đã biết xếp
đồ vật thành hàng, trẻ chơi với vật theo cách thức giống nhau và xem cách đồ vật
tác động trở lại. Bằng việc đẩy những độ vật khác nhau, trẻ học được rằng trái
banh thì lăn đi, cái ống thì xoay tròn, cái lục lạc thì phát ra tiếng. Khoảng
12 tháng tuổi, trẻ biết chơi với vật theo những cách khác nhau và riêng biệt
hơn trước. Trẻ sẽ quăng hoặc đá trái banh, sẽ lắc cái lục lạc. Trẻ nhỏ trong
năm thứ hai, nhận biết chức năng của vật trong thế giới xã hội. Trẻ đặt cái
tách lên đĩa, bỏ muỗng vào mồm.
4. Chơi có tính xã hội (Social Play)
Chơi có tính xã hội được hiểu nghĩa hẹp là
chơi có sự tương tác với người cùng chơi. Có một động lực thúc đẩy tự nhiên trẻ
tham gia chơi với người khác. Từ 2 đến 3 tuổi, trẻ có những hoạt động chơi ngắn
ngũi với bạn cùng tuổi, dù chưa biết chia sẻ đồ chơi với bạn. Trẻ bắt đầu bằng
việc chơi “song song”, không nhận thức được cảm giác của bạn cùng chơi và trạng
thái của trò chơi. Trẻ khó chịu trong việc chờ đợi đến lượt chơi. Ở độ tuổi
này, trẻ học được rất nhanh qua việc bắt chước hành vi của người lớn, thể hiện
trong hoạt động chơi.
Sự phát triển của hoạt động chơi có tương tác
với người khác dần dần giúp trẻ hình thành mối quan hệ tình bạn, biết đồng cảm
với người khác và ý thức giới tính bắt đầu hình thành. Đến 3 - 4 tuổi, trẻ đã
có thể chơi với một nhóm bạn, biết vui buồn cùng bạn. Các hoạt động chơi phân
chia theo đặc trưng giới tính rõ ràng. Trẻ trai thì chơi những trò đánh nhau
thô bạo và ầm ĩ, trẻ gái thì được hướng đến những trò chơi búp bê nhẹ nhàng.
Khi 5 tuổi, trẻ bắt đầu thích những trò chơi
định hình với người cùng tuổi. Trò chơi có luật (Game) là dạng chơi dễ nhìn thấy
ở nhóm trẻ chơi chung. Trò chơi thường liên kết hai hoặc nhiều bên tranh đấu hoặc
đồng thuận để xác minh bên thắng cuộc sau cùng. Luật chơi được thiết lập để hướng
dẫn hành vi của nhóm trẻ. Trẻ phải chọn phe là đồng minh và đánh bại phe còn lại
theo đúng luật đã giao. Các hoạt động chơi tập thể này rất cần thiết để giúp trẻ
phát triển và duy trì nhận thức xã hội, trẻ học được cách phối hợp hoạt động với
nhau để đạt chung một mục đích, cách làm chủ mình trong nhóm, học được sự chịu
đựng, sự công bằng và lòng vị tha.
Dạng hoạt động chơi có tính xã hội cao là hoạt
động chơi tổ chức ăn mừng (Celebratory Play) như tổ chức vui chơi sinh nhật,
ngày kỷ niệm, lễ hội. Những hoạt động vui chơi này lôi kéo nhiều người tham
gia, có tính tổ chức cao, phân công vai trò chặt chẽ. Từ nhỏ, đứa trẻ được tổ
chức sinh nhật, hoặc tham gia vào những ngày kỷ niệm của gia đình, sẽ dần hiểu
rằng mình là một thành viên trong một gia đình lớn của dòng họ, và sau này là của
xã hội.
5. Chơi chuyển đổi, kiến tạo và tác hợp (Transformative
and Creative and Integrative Play)
Kiểu chơi này là sự thăng hoa giữa trí tưởng
tượng được nuôi dưỡng và kiến thức khoa học được bồi đắp. Ở trẻ nhỏ, những ý tưởng
từ sự kết hợp những yếu tố logic và không logic thường trộn lẫn: trẻ có thể chỉ
khối gỗ là cái cây, nhưng cũng có thể cầm “cái cây” đó lên làm điện thoại. Trẻ
có thể kết hợp nhiều đồ chơi tạo nên một khung cảnh tưởng tượng.
6. Chơi tưởng tượng và giả vờ (Imaginative
and Pretend Play)
Hoạt động chơi giả vờ trở nên nổi bật khi trẻ
có khả năng tái hiện bằng biểu tượng những kinh nghiệm mà chúng có được. Trong
hoạt động chơi phức tạp này, trẻ có cả một kế hoạch hành động, tự đóng vai nào
đó, và chuyển dạng những đồ vật để diễn tả tư tưởng và cảm nghĩ về thế giới
xung quanh. Ví dụ: Trẻ chơi giả vờ nấu ăn, trẻ có kế hoạch hành động liên tục từ
chọn thức ăn, nấu thức ăn, bày ra đĩa; trẻ tự đóng vai người nấu ăn; trẻ lấy
cái lá cây thay cho cái đĩa.
Kế hoạch hành động là bảng thiết kế chuỗi
hành động sao cho tương ứng liên tục với sự kiện diễn ra nối tiếp nhau. Trẻ thường
giả bộ những vai có tính khuôn mẫu trong văn hoá xã hội mà trẻ từng thấy trong
truyện, trong ti vi… Những đồ vật kèm theo khi chơi giả vờ có chức năng tạo ra
khung cảnh.
Khoảng 3 tuổi, trẻ đã có thể chơi giả vờ đơn
giản, chuyển dạng đồ vật theo một cảnh chơi. Đến 4-5 tuổi, những ý nghĩ của trẻ
về thế giới xã hội được thể hiện trong hầu hết các hoạt động chơi giả vờ. Các cảnh
chơi được liên kết với nhau tạo thành một chủ đề phức tạp. Người lớn cùng chơi
cần khéo léo chia sẻ ý nghĩa của cảnh chơi và định hướng nội dung cho trẻ mở rộng
cảnh, ra dấu và tạo ra lời thoại hướng dẫn hành động.
Những kiểu chơi tưởng tượng cũng xuất hiện
trong các hoạt động chơi của trẻ ở độ tuổi này. Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Viện,
trẻ coi bản thân và vạn vật chung một tồn tại, vạn vật đều có tâm hồn. Làm bầu
bạn với mọi vật là một xu hướng tự nhiên của trẻ, trẻ có thể nói chuyện với một
bông hoa hoặc cho rằng ông mặt trời cố ý đi theo nó. Thêm vào đó, trẻ còn lầm
nhận ý tưởng và sự thực, trẻ còn tin tưởng rằng những tâm ý của mình có thể ảnh
hưởng đến sự vật, những việc làm của chúng có thể làm biến hoá sự vật.
7. Chơi đọc truyện và kể chuyện (Storytelling
and Narrative Play)
Khoảng 2-3 tuổi, ngôn ngữ của trẻ phát triển
nhanh về lượng từ, trẻ có thể nói câu ngắn 2-3 từ nhưng phát âm còn chưa rõ
ràng. Đến 3-4 tuổi, trẻ có thể có tới 1.200 từ vựng, có thể hiểu những chuyện
đã xảy ra hôm qua và sẽ xảy ra vào ngày mai. Các hoạt động chơi của trẻ đã nối
với nhau thành một câu chuyện có sự kiện nổi bật. Cần giúp trẻ dùng ngôn ngữ kể
ra những câu chuyện ngầm đó trong mạch chơi. Thêm vào đó, những câu chuyện ngắn
với nhiều nội dung do người lớn kể lại được trẻ hiểu và thích thú. Có thể là
nhưng câu chuyện từ trong phim hoạt hình, trong truyện có tranh minh họa. Sau
đó, chính trẻ sẽ say sưa kể lại theo trí nhớ và trí tưởng tượng của mình. Kiểu
chơi đọc truyện và kể chuyện này phát triển đến sau tuổi đi học, những câu chuyện
có nhiều tình tiết, nhân vật thần tiên thường được trẻ yêu thích.
Nghe bài đọc trên Spotify: VÌ SAO TRẺ CON CHƠI
Dịch từ chương WHY CHILDREN PLAY
Trích từ quyển THE CHILD - THE FAMILY AND THE OUTSIDE WORLD
Tác giả: WINNICOTT
Người dịch: NGUYỄN MINH TIẾN
Người đọc: THU VÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét