Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

LIỆU MỖI NGƯỜI ĐỀU CÓ CUỘC TỰ THOẠI BÊN TRONG?

“Does everyone have an inner monologue?”

Tác giả: DONAVYN COFFEY – Nhà báo tự do, cộng tác viên của Live Science

Nguồn: Live Science, June 12, 2021

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂN – Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV ĐH Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên Tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non



Cách xử lý những suy nghĩ và cảm nhận ở mỗi người mỗi khác

“Giọng nói nhỏ trong đầu bạn” (little voice in your head) có thể là lời chỉ trích tồi tệ nhất mà cũng có thể là là lời nâng đỡ tuyệt nhất của bạn. Nó giúp định hướng, đưa ra lời khuyên, nhắc lại những cuộc trò chuyện gay go và thậm chí nhắc bạn nhớ mua nước sốt pesto khi đi mua thực phẩm.

Nhưng có phải ai cũng có cuộc tự thoại bên trong không? Trong một thời gian dài, tiếng nói bên trong được xem đơn giản như là một phần của con người. Nhưng hóa ra không phải vậy – không phải tất cả mọi người đều xử lý những vấn đề trong cuộc sống bằng những câu từ.

“Qua những cuộc tự thoại bên trong, chúng ta có thể có những cách nói riêng tư để tự nói với chính mình và thực hiện điều gì đó mà không cần phát ra một âm hoặc một lời nào”, Hélène Loevenbruck đã phát biểu như thế. Bà là một nhà nghiên cứu cao cấp về ngôn ngữ học thần kinh (neurolinguistics) và đứng đầu Nhóm Ngôn ngữ trong Phòng Thí nghiệm Tâm lý học và Thần kinh-Nhận thức (Psychology and NeuroCognition Laboratary) tại CNRS, Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp (The National France Research Institute).

Bằng những lời nói bên trong đúng đắn, bạn hầu như có thể “nghe” được tiếng nói bên trong của mình, Bà đã phát biểu trên Live Science như thế. Bạn có thể nhận biết được chất giọng và ngữ điệu của nó. Chẳng hạn, tiếng nói này “nghe có vẻ” giận dữ hoặc lo lắng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trẻ nhỏ trong khoảng 5–7 tuổi có thể sử dụng tiếng nói bên trong, và một vài nghiên cứu cũng cho rằng trẻ nhỏ có thể sử dụng một số dạng “ngữ âm bên trong” (inner phonetics) ngay từ 18 – 21 tháng tuổi.

Nghiên cứu của Loevenbruck đã xem xét những cuộc tự thoại bên trong (inner monologues) theo ba chiều kích, theo nghiên cứu năm 2019, mà bà và cộng sự đã công bố trên tạp chí Frontier in Psychology.

Chiều kích thứ nhất là về tính đối thoại (dialogality). Con người có thể có những phát biểu bên trong (inner speech) khá phức tạp, có sự tranh biện về việc liệu có xác đáng để gọi tất cả những cách nói bên trong ấy là tự thoại (monologue) hay không. Vì vậy chiều kích đầu tiên đo lường việc bạn đang suy nghĩ trong một lúc tự thoại (monologue) hay trong một cuộc đối thoại (dialogue). Tự thoại xảy ra khi bạn đang nghĩ về chính mình về một việc đại loại như “Mình cần mua bánh mì.” Nhưng những lúc khác, khi bạn đang lý giải, bạn có thể bàn và thêm vào một số quan điểm – giống như trong một cuộc trò chuyện, một đối thoại.

Chiều kích thứ hai là về tính cô đọng (condensation), đo lường về độ dài (verbose) của những lời nói bên trong của bạn. Đôi lúc bạn nghĩ về một vài từ hoặc một vài đoạn. Nhưng cũng có lúc, chẳng hạn như khi bạn đang chuẩn bị cho một cuộc trò chuyện, hoặc chuẩn bị trình bày, bạn dường như nghĩ về toàn bộ các câu văn và cả đoạn văn.

Chiều kích thứ ba là về sự chủ định (intentionality). Có phải bạn đang có mục đích tham gia vào lời nói bên trong hay không? Vì nhiều lý do mà chúng ta chưa biết, thỉnh thoảng những lời nói bên trong có thể chỉ xuất hiện hoặc trôi dạt đến hoàn toàn ngẫu nhiên và dường như có những chủ đề không liên quan gì với nhau.

Loevenbruck nói rằng thực tế có một trở ngại lâu dài trong quá trình nghiên cứu lời nói bên trong, bởi trong nghiên cứu người ta thường bộc lộ suy nghĩ của họ bằng ngôn từ, ngay cả khi họ không suy nghĩ chính xác bằng ngôn từ.

Sự giả định lâu nay rằng tất cả mọi người dựa vào lời nói bên trong, lần đầu tiên bị thách thức vào cuối thập niên 1990, phần lớn từ nghiên cứu được dẫn dắt bởi Russell Hurlburt, một nhà tâm lý ở Đại học Nevada, Las Vegas. Hurlburt đã nghiên cứu lời nói bên trong của những người tham gia bằng cách đề nghị họ đeo một máy phát tiếng bíp. Bất kỳ khi nào thiết bị này kêu bíp, họ phải viết xuống bất kỳ những gì họ đang nghĩ hoặc trải nghiệm trong trí ngay trước khi có âm thanh này. Vào cuối ngày, họ gặp một nhà nghiên cứu để xem xét các câu trả lời của họ.

Những người tham gia ấy có thể viết, “Tôi cần mua một ít bánh mì”. Loevenbuck giải thích, sau đó người nghiên cứu sẽ hỏi họ rằng liệu đó có phải điều họ thật sự đã nghĩ. “Hoặc bạn đã nghĩ về bánh mì? Hoặc bạn đã đói? Hoặc đã có một cảm giác gì đó trong bụng của bạn?” Bà nói, với mỗi cuộc gặp với nhà nghiên cứu, người tham gia sẽ nói ra rõ hơn về những suy nghĩ thực sự của họ. Cuối cùng, phương pháp này khám phá ra rằng một số người có lời nói bên trong mỗi khi thiết bị kêu bíp, Loevenbuck nói gần như “có một chiếc máy phát thanh trong đầu của họ”. Nhưng có những người khác có ít lời nói bên trong hơn bình thường và cũng có một số người không có lời nói bên trong nào cả. Họ trải nghiệm những hình ảnh, cảm giác và cảm xúc, nhưng không phải là lời nói hoặc câu từ.

Việc thiếu sự tự thoại bên trong có liên quan đến một tình trạng được gọi là “không có khả năng tưởng tượng” (aphantasia), đôi khi được gọi là “mù mắt tâm trí” (blindness of the mind’s eye). Những người có tình trạng aphantasia không trải nghiệm được những cảnh tượng được hình dung (visualizations) trong trí của họ; trong tâm trí họ khó có thể phác hoạ khung cảnh phòng ngủ của mình hoặc gương mặt của mẹ mình. Loevenbruck lưu ý, nhiều lúc những người không có khả năng hình dung như thế cũng sẽ không trải nghiệm được lời nói bên trong một cách rõ ràng.

Aphantasia và thiếu tiếng nói bên trong không hẳn là điều tồi tệ. Thế nhưng, việc hiểu nhiều thêm về tiếng nói bên trong và nhiều quá trình suy nghĩ mà con người trải qua có thể, theo Loevenbruck, là đặc biệt quan trọng “đối với những phương pháp học tập và giáo dục nói chung”. Bà cho rằng, mãi cho đến nay, những loại lời nói và trải nghiệm bên trong mà trẻ em có thể đã có và những nguồn lực mà trẻ có thể cần đến để học tập thì dường như đã bị xem thường.


Hélène Loevenbruck, thuyết trình về "Giọng nói nhỏ trong đầu" 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...