Cử nhân tâm lý, Chuyên viên Tâm lý học đường
Kỳ 1
Thiên đường - một cõi giới mà
nhiều người trong chúng ta ao ước được bước đến sau khi chết. Thậm chí, tôi đã
được tham gia nhiều nghi lễ, thực tập nhiều công phu thiền định cũng như tìm đọc
không biết bao nhiêu sách với một mục đích duy nhất là đảm bảo chắc chắn
"sẽ có vé đến thiên đường". Trong bài viết này, tôi sẽ không bàn đến
thiên đường có thật sự tồn tại hay không, mà sẽ mạn phép đề cập đến điều gì đã
khiến ta lien tưởng đến thiên đường theo cách như thế? Và hành trình ấy đã vô
tình khiến ta đánh mất những gì?
Điều gì đã gắn ta với thiên đường?
Trước khi tìm hiểu một điều gì
đó, ta nên bắt đầu với câu hỏi "Nó là gì?'. Thiên Đường là gì? Trong các nền
văn hoá, từ Đông sang Tây, mỗi nơi mỗi tên gọi khác, nhưng thiên đường thường
được hình dung như một nơi tốt lành và dành cho những người cũng phải tốt lành.
Những cư dân ở đó cũng có thể mang nhiều cách gọi khác nhau: thần, phật, tiên,
thánh... Nhưng điểm chung dễ thấy ở họ là sự siêu nhiên, tuổi thọ vạn năm và sự
vượt thoát những khổ đau trần thế. Những vị ấy hầu như có tất cả những gì một
người trần mắt thịt như tôi và bạn mong muốn.
Hãy thử tưởng tượng sau một đêm
thức dậy, tuổi thọ bạn là một triệu năm thay vì 70 hay 80 năm, bạn đi mây về
gió thay vì kẹt trong một biển người đông nghẹt khói bụi ồn ào, bạn luôn được
miễn nhiễm với những khổ đau và những cảm xúc mà loài người gọi là tiêu cực
như: giận, buồn, lo lắng... Nếu có ai đó tự tin kêu lên "Tôi đã có một gia
đình êm ấm, sự nghiệp giàu sang, sức khoẻ dồi dào. Tôi không cần thiên đường
đó!". Bạn nghĩ sao nếu có một “Thiên đường” - nơi bạn có được niềm hạnh
phúc mãi mãi? Bạn sẽ chẳng cần nếm trãi mùi vị của chia ly, sẽ không còn đau khổ
vì đánh mất những điều tốt đẹp hay nói thẳng ra “Cái chết – sự kết thúc đáng sợ
giờ sẽ trở nên thú vị như việc kết thúc một chuyến tham quan”. Thiên đường tuy
khác ở mỗi người, nhưng nó vừa vặn có hai thứ “bảo bối” mà người ta bị thu hút
nhất. Đó là niềm thỏa mãn và sự an toàn. Sự thỏa mãn những giấc mơ, những vấn đề
được giải quyết… Và an toàn qua việc chắc chắn sẽ có một “kết thúc đẹp” ở cuộc
chiến giữa con người và một trong những nỗi sợ lớn nhất của họ - cái chết. Khi
phát hiện ra điều này, một số người “thông thái” đã khuyên chúng ta nên kết
thúc những mộng tưởng về thiên đường ở đây, một số người “uyên bác” khác thì
tuyên bố “Thiên đường đã chấm hết” (Hãy tỉnh táo phân biệt một bên là những lời
khuyên thật thà như thế nhưng bên còn lại là lời khuyên mang tính “nghịch thuyết”
để gợi mở một ý nghĩa khác về thiên đường). Chúng ta sẽ không vội vàng như thế!
Tiếp theo đây chúng ta hãy cùng
khám phá xem “Sự gắn chặt giữa ta và thiên đường” đã đóng góp gì cho chúng ta
thông qua việc dạo chơi một chút đến Hy Lạp cổ đại. B.R. Hergenhahn trong quyển
Lịch Sử Tâm Lý Học đã đề cập đến ý nghĩa thúc đẩy sự xuất hiện của hai loại tôn
giáo thời Hy Lạp cổ đại như sau: tôn giáo đầu tiên là Olympian (tôn giáo của giới
thượng lưu) và Dionysiac (tôn giáo của nông dân, công nhân và nô lệ). Olympian
chủ trương về một linh hồn sau khi chết sẽ không còn lưu giữ lại các ký ức hay
các nét cá tính của thân xác mà nó đã cư ngụ trước kia. Điều này đã khích lệ
cho giới thượng lưu có thể sống một cuộc sống sung mãn nhất, vui thú nhất. Đồng
thời những vị thần của Olympian cũng mang những đặc điểm của giới thượng lưu Hy
Lạp. Đối lập với Olympian là Dionysiac, họ tin vào nguồn gốc thần linh của linh
hồn. Đời sống khổ cực hiện tại chỉ là quá trình chuộc tội của những linh hồn ấy.
Khi đã trả xong, họ sẽ thoát kiếp luân hồi để về sống cùng với các vị thần. Tóm
lại ở cả hai tôn giáo trên, thế giới sau khi chết nói chung và thiên đường nói
riêng của họ đều hướng đến một cuộc sống "hiện thực" theo hướng tích
cực và có ý nghĩa theo những cách khác nhau. Đặc biệt với những con người có những
khó khăn, gần như gục ngã trước những bão giông của cuộc đời, nói không ngoa,
chính thiên đường đã thật sự trở thành cứu cánh để họ nỗ lực hướng tới những điều
tốt đẹp. Và ngay cả trong thời đại hiện nay, hầu hết các tôn giáo lớn điều có một
“thiên đường” cho những người biết trân trọng cuộc sống và trân trọng bản thân.
Viktor. E. Frankl trong tác phẩm Đi Tìm Lẽ Sống có viết thế này "Con người
sẵn sàng chịu đựng khổ đau, miễn rằng họ biết chắc sự chịu đựng của mình là có
ý nghĩa". Có thể thiên đường chỉ là huyền thoại, có thể đó chỉ là những giấc
mơ, … Nhưng huyền thoại đó, giấc mơ đó cũng đã trở thành một động lực, một món
quà quý giá và tế nhị mà không biết bao nhiêu thời đại, nền văn hóa để lại cho
chúng ta. Đâu phải ngẫu nhiên, mà thiên đường đã đi cùng chúng ta lâu đến thế! Có thể nói, thiên đường vừa như một “công viên giải trí” vừa như một “viện phúc
lợi xã hội” để con người chúng ta gửi gắm những giấc mơ và lấy thêm động lực
trước những đổi thay biến chuyển cuộc đời.
Đón xem tiếp Kỳ 2
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét