Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

MẤT MÁT VÀ ĐAU THƯƠNG TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19 - Kỳ 2

“Loss and Grief During the COVID-19 Pandemic”
Nguồn: Canadian Mental Health Association - CMHA Ontario

Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường 


Kỳ 2

NHỮNG CÁCH ỨNG PHÓ (WAYS TO COPE)

Gọi tên nó (name it)

Khi gọi những cảm nhận của mình là đau thương, chúng ta có thể bắt đầu hiểu những cảm xúc tiềm ẩn mà nó mang lại và giải quyết chúng. Cảm xúc không có đúng hay sai. Tuy nhiên, chúng ta cần nhận ra rằng chúng ta sẽ trải qua những cảm nhận như chối bỏ, tức giận, thất vọng và buồn bã và chúng ta cần cảm nhận sâu sắc về nỗi đau để vượt qua sự đau thương của chính mình. Phản ứng với mất mát và cách mọi người trải nhiệm và bày tỏ sự đau thương khác nhau rất nhiều ở từng người. Điều quan trọng cần nhớ rằng đau thương là một quá trình, không phải một sự kiện hay một cuộc đua. Với nguồn lực và sự chuẩn bị sẵn sàng cho những việc khó khăn, chúng ta có thể vượt qua nó.

Xác thực nó (validate it)

Chúng ta cần nhận ra tất cả các cảm xúc và thừa nhận chúng quan trọng mà không phán xét. Kìm nén các cảm xúc hay cảm thấy tội lỗi vì có những cảm xúc đó không giúp ích gì cho quá trình giải quyết chúng cả. Bí quyết ở đây là khuyến khích bản thân và những người xung quanh hãy khóc và thương tiếc cho những mất mát, dù lớn hay nhỏ.

Thương tiếc/Đưa tang (Mourn)

Để giúp hiểu sâu hơn về hành trình khó khăn của sự đau thương, Tiến sĩ William Worden đã phát triển 4 tác vụ của tiến trình thương tiếc hoặc “đoạn tang” (Four Tasks of Mourning). Một lần nữa, tiến trình này không diễn biến theo kiểu tuyến tính và hành trình có tính độc đáo riêng ở mỗi người. Những tác vụ này được lập nên xoay quanh quá trình đưa tang vì sự mất đi của một người, nhưng chúng cũng có thể được áp dụng cho những tình huống mất mát khác.

Bốn tác vụ ấy bao gồm: (chi tiết sẽ trình bày ở phần cuối bài)

1. Chấp nhận thực tế mất mát.

2. Trải nghiệm và xử lý những nỗi niềm đau thương.

3. Thích nghi với thế giới không có người đã khuất hoặc với cuộc sống sau mất mát.

4. Tìm cách duy trì một sự kết nối (connection) với những người đã khuất hoặc với sự vật bị mất đi, trong khi tiếp tục cuộc sống của chính mình.

Trân trọng đón nhận những điều tốt đẹp (Celebrate the good)

Mặc dù COVID-19 đã mang lại sự bất định và mất mát lớn, chúng ta cũng có thể tìm thấy ý nghĩa của những điều tốt đẹp mà nó có thể đã mang lại cho cuộc sống của chúng ta: mối quan hệ chặt chẽ hơn, thời gian để suy ngẫm, nhận ra điều gì là quan trọng đối với chúng ta và những ưu tiên của chúng ta. Dành thời gian viết nhật ký và ghi nhận những điều mà chúng ta biết ơn có thể là một bài tập đơn giản nhưng có giá trị.

Những thông lệ (routine)

Vào thời kỳ mà cuộc sống dường như rất hỗn loạn, việc thiết lập một thông lệ thường ngày là rất quan trọng và đảm bảo chúng ta có sự kết hợp các hoạt động trong ngày cả về mặt xã hội, giáo dục và thể chất. Thông lệ không nhất thiết phải cứng nhắc, nhưng nó có thể mang lại cảm nhận về khả năng kiểm soát (sense of control).

Tự chăm sóc (Self-care)

Thời gian luôn có hạn. Làm việc và học tập trực tuyến, chăm sóc trẻ em và người lớn tuổi, và ngay cả quá trình xã hội hoá (socializing) có thể dẫn đến một lịch trình bận rộn. Hãy bảo đảm bạn vẫn còn thời gian để tự chăm sóc bản thân (dưới bất cứ hình thức nào). Đi dạo, tập thể dục và thiền định là tất cả những cách chúng ta có thể “đối xử tử tế” với bản thân mình.

Tránh so sánh (Avoid comparing)

Chúng ta rất dễ so sánh mình với người khác, người mà đang ứng phó với tình hình hiện tại một cách khác chúng ta. Đặc biệt là khi chúng ta đã cảm thấy chán nản, điều đó có thể làm chúng ta cạn kiệt nguồn năng lượng có hạn của mình và có thể dẫn đến sự oán giận đối với người khác và đối với chính bản thân mình. Thay vào đó, hãy tập trung vào điểm mạnh và chiến lược ứng phó của chính bạn. Liệt kê những điểm mạnh và những vấn đề bạn đã vượt qua là một cách hiệu quả để làm nổi bật và trân trọng khả năng ứng phó của chính bạn.

Dựa vào bạn bè và gia đình (Lean on friends/family)

Khuyến khích các sinh viên giao lưu trực tuyến là rất quan trọng. Các ứng dụng miễn phí như Zoom và FaceTime cung cấp nền tảng kết nối con người. Đối với những người đang cảm thấy "mệt mỏi khi họp trực tuyến quá nhiều" (Zoom Fatigue), có thể thay thế bằng một cuộc điện thoại đơn giản để kết nối với người khác.

Tìm kiếm sự hỗ trợ (Seek support)

Giờ đây hơn bao giờ hết, điều quan trọng là phải tiếp cận và tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia. Tìm thông tin về các dịch vụ sẵn có từ các tổ chức, đơn vị chuyên môn về lĩnh vực hỗ trợ tâm lý và sức khoẻ tâm thần.

 

Bốn tác vụ trong tiến trình thương tiếc / “đoạn tang” (4 tasks of mourning)

Tác vụ 1: Chấp nhận thực tế của sự mất mát.

Trong mô hình 5 giai đoạn đau thương của Kubler-Ross, chấp nhận là giai đoạn kết thúc, nhưng Worden thì tin rằng việc chấp nhận thực tế mất mát và cái chết sẽ xảy ra, ngay cả khi cái chết có được dự đoán trước hay không, và sự chấp nhận ấy là nền tảng của quá trình chữa lành. Có một vài cách để bắt đầu tác vụ này:

Lặng lẽ ngắm nhìn người đã khuất một cách âm thầm là một cách để bắt đầu.

Tham gia vào các nghi thức như lên kế hoạch cho tang lễ, chuẩn bị bài điếu văn hoặc chăm sóc phần mộ của người đã khuất là những chiến lược để bắt đầu thực hiện tác vụ đầu tiên.

Tác vụ 2: Giải quyết sự đau thương và những nỗi niềm của bạn.

Mỗi người sẽ có những cách khác nhau, và thường là độc nhất vô nhị, để ứng phó với nỗi đau thương của mình. Một số người cần nói chuyện, một số sẽ khóc, một số khác lại bận rộn với công việc hoặc với những sở thích. Một số người sẽ ứng phó với nỗi đau mất mát đột ngột qua việc tìm cách tưởng niệm người đã chết vì tự sát, ví dụ: đầu tư vào những việc giống như ý nguyện của người than đã mất ấy hoặc tìm cách giúp đỡ những nhóm người đã trải qua khó khăn tương tự. Cũng là điều thích đáng khi bạn chuyển đau thương thành các hành động miễn là khi ấy trọng tâm của bạn là vượt qua nỗi đau chứ không phải trốn tránh hoặc che giấu nó.

Tác vụ 3: Thích nghi với thế giới không có người thân yêu bên cạnh

Để khởi đầu tác vụ thứ ba, đòi hỏi chúng ta phải thích ứng với một thế giới mới lạ và thường bị thay đổi nhiều. Quan trọng là, những người khác nhau sẽ thích nghi với thực tế mới theo những cách khác nhau. Ví dụ: nó có thể là xóa số điện thoại của người thân yêu của bạn hoặc lập kế hoạch lối sống mới mà không có người đã khuất. Đôi khi, việc điều chỉnh cuộc sống mới không có người đã khuất hàm nghĩa là bạn phải đối mặt với những tình hình tài chính mới và phải quay trở lại làm việc. Dù sự vắng mặt của người đã khuất có ý nghĩa như thế nào đối với bạn, việc khởi đầu tác vụ 3 có thể hướng dẫn bạn khám phá và làm quen với thế giới mới của mình.

Tác vụ 4: Tìm cách duy trì sự kết nối với người đã khuất trong khi vẫn trở lại với cuộc sống của chính bạn.

Trong tác vụ này, nhiều người có thể khám phá cách duy trì mối liên hệ tình cảm với người đã khuất mà không ngăn cản họ tiếp tục đi tới trong cuộc sống của chính mình. Hãy lưu ý rằng đó không phải là lãng quên người đã khuất mà là chuyển sự chú ý để tìm cách kết nối lại và tận hưởng cuộc sống trong khi vẫn nhớ về những kỷ niệm của người đã khuất.

Worden nhấn mạnh rằng không có khung thời gian cố định cho việc hoàn thành tác vụ này mặc dù có khả năng nó sẽ là một khoảng thời gian dài, được tính bằng tháng và năm thay vì chỉ tính bằng ngày và tuần.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...