Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

ALLEN FRANCES NÓI VỀ DSM-5, BỆNH TÂM THẦN VÀ TRỊ LIỆU MANG TÍNH NHÂN VĂN - Kỳ 3 và hết

“Allen Frances on the DSM-5, Mental Illness and Humane Treatment”

Nguồn: PsychoTherapy.Net - 2008

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN

Cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi Lawrence Rubin (LR) với Allen Frances (AF), một bác sĩ tâm thần nổi tiếng, người từng đứng đầu nhóm chuyên trách soạn thảo DSM-IV (DSM-IV Task Force), để bàn về những sai lầm trong quá trình chẩn đoán hiện nay và cách làm thế nào để chỉnh sửa lại hệ thống cung ứng dịch vụ sức khoẻ tâm thần đang bị phá hỏng.



Kỳ 3 và hết

NHƯNG TRƯỚC TIÊN, LÀ PHẢI KHÔNG GÂY HẠI

(First, Do No Harm)

LR: Không gây hại.

AF: Không gây hại. Anh ấy cũng nói rằng điều quan trọng là biết về người bệnh nhân đang mắc bệnh, thay vì là biết về căn bệnh mà bệnh nhân đang mắc phải. Tôi không tin tưởng những bác sĩ chỉ làm dựa trên việc kiểm tra những danh sách của DSM. Họ không biết bệnh nhân. Còn về phần các bác sĩ lâm sàng không biết DSM và thực hiện các đánh giá theo kiểu “tự do, không khuôn khổ” (free-floating evaluations), tôi tin rằng họ vẫn tính đến những cách thức mô tả kỹ về những cá nhân có thể gặp vấn đề và còn có cả một bộ hướng dẫn rất hữu ích nữa. Tôi nghĩ rằng mỗi cuộc gặp lâm sàng cần phải là sự phối hợp cùng làm việc chặt chẽ qua lại giữa người với người (ngụ ý: giữa nhà trị liệu và bệnh nhân – ND), rằng hướng dẫn DSM không bao giờ được áp dụng một cách mù quáng cho từng cá nhân vì giữa những con người ấy có rất nhiều khác biệt. Nó phải được tùy chỉnh theo tình huống của từng cá nhân cụ thể. Đồng thời, nếu không biết các chẩn đoán của DSM có thể dẫn đến việc bỏ sót những điều hết sức quan trọng trong việc lập kế hoạch điều trị.

LR: Âm tính giả chăng. (False Negatives)

(“Âm tính giả”: Ý nói những trường hợp có bệnh nhưng không được chẩn đoán – ND)

AF: Những người phỏng vấn giỏi là những người có thể hình thành mối quan hệ tuyệt vời với bệnh nhân của họ, hợp tác làm việc để hiểu chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị và có thể sử dụng DSM mà không cần tôn thờ nó.

LR: Có vẻ đó là điều cần thiết, như ông đã nói đó là dành thời gian nhiều hơn, hiểu biết sâu hơn và không nên đi vào chẩn đoán quá nhanh. Điều này có vẻ trái ngược với cách mà tâm thần học và thậm chí cả tâm lý học được thực hành ngày nay. Và các chuyên viên lâm sàng ngày càng chịu nhiều áp lực hơn trong việc chỉ định chẩn đoán nhanh chóng và xây dựng kế hoạch điều trị trong vòng một hoặc hai phiên làm việc đầu tiên. Ông có lời khuyên nào cho các nhà lâm sàng đang chịu áp lực như vậy và cho những ai không thể có sự linh hoạt và không đủ thời gian mà chúng ta biết là rất cần thiết?

AF: À, trước tiên hết phải nói là hệ thống này thật điên rồ. Các công ty bảo hiểm làm điều này bởi vì họ nghĩ rằng nó sẽ hạn chế bớt chi phí, nhưng nó lại có tác động xấu là buộc mọi người phải đưa ra quyết định sớm và thường sẽ dẫn đến việc điều trị tốn kém hơn. Cho một người dùng thuốc có khả năng tạo ra một sự cam kết để gặp lại bệnh nhân đó trong một thời gian dài. Chẩn đoán có thể làm tăng chi phí chăm sóc suốt đời của người đó. Nếu các công ty bảo hiểm cho thêm thời gian để đánh giá, rất rất nhiều vấn đề được chẩn đoán và điều trị lâu dài vẫn có thể tự nó sẽ biến mất theo thời gian và chỉ nhờ vào những lời khuyên đơn giản.

Hệ thống này cũng có tính chất phản xây dựng. Chúng ta càng dành nhiều thời gian cho mọi người trong quá trình đánh giá, trước khi chẩn đoán và trước khi điều trị, thì càng ít cần đến những chẩn đoán và càng ít cần đến những cách điều trị suốt đời. Và thực sự sẽ tiết kiệm chi phí hơn nhiều nếu cho mọi người thời gian để tìm hiểu tình hình ngay từ đầu. Tôi nghĩ rằng, đối với những chuyên viên thực hành, điều quan trọng là luôn luôn “không cần đến chẩn đoán” (Tạm dịch từ nguyên văn: “underdiagnose”). Điều quan trọng trước tiên là  phải loại trừ vai trò có thể có của thuốc và các triệu chứng. Anh biết đấy, rất thường xuyên, hàng trăm, hàng trăm lần trong đời hành nghề của tôi, những triệu chứng mới xuất hiện thường là do thuốc.

LR: Nghĩa là do thuốc gây ra (iatrogenic)?

AF: Một người trung bình trên 60 đến 65 (tuổi) đang uống năm, sáu, hoặc bảy viên thuốc. Các nghiên cứu gần đây cho thấy có bao nhiêu người trong số họ bị trầm cảm và lo âu là do tác dụng phụ. Và những người lớn tuổi đặc biệt thì càng ít có khả năng bỏ dùng thuốc hơn. Vì vậy, ta có sự kết hợp giữa việc có nhiều loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ với việc có một người không thể bỏ sử dụng những loại thuốc đó. Và rồi các triệu chứng mới thường lại được điều trị bằng một loại thuốc khác, thay vì nhận ra đó là hiệu ứng phụ. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là phải loại bỏ việc dùng thuốc kiểu này. Quan trọng là phải loại trừ các chất. Quan trọng là phải loại trừ các vấn đề y khoa (medical problems). Việc này phải được thực hiện ngay trong các phiên đầu tiên. Tôi cho đó là điều có tính bắt buộc. Nhưng ngoài những điều đó, tôi nghĩ điều quan trọng là không nên nhảy ngay đến một chẩn đoán suốt đời mà chỉ dựa trên một số những thông tin rất hạn chế. Và ít nhất, ngay từ đầu, cần phải có hướng “bình thường hóa” (normalize), thay vì “bệnh lý hoá” (pathologize) trong việc xem xét  tình huống. Chúng ta mới nhìn thấy người ta vào những ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời của họ thì đã có xu hướng đưa ra kết luận về họ. Tương lai của họ đâu có chính xác như thế. Vài ngày, vài tuần sau đó họ sẽ rất khác.

TÂM TRÍ, CƠ THỂ HOẶC CẢ HAI

LR: Làm thế nào mà một nhà trị liệu tâm lý trung bình có thể phát triển một mối quan hệ lành mạnh hơn theo mô hình sinh học-tâm lý-xã hội (biopsychosocial model)? Tôi biết ông nói rằng ông phải xem xét chủ đề lạm dụng chất (substance abuse). Ông phải tìm những tác dụng gây bệnh của chính việc dùng thuốc (iatrogenic effects of medication). Ông phải xem xét thuốc hướng thần (psychotropics) mà họ đang sử dụng. Vậy làm thế nào mà nhà trị liệu tâm lý bình thường, người không đặc biệt hiểu biết về thuốc hướng thần, thực sự có được sự hiểu biết đầy đủ về các mặt tâm lý-sinh lý-xã hội của con người, những sinh vật rất phức tạp này?

AF: Tôi nghĩ một trong những tổn thất lớn lao theo thời gian là mô hình sinh học-tâm lý-xã hội, đặc biệt là do cuộc chiến vô tâm giữa những người có quan điểm hạn hẹp chỉ biết về sinh học, hoặc chỉ biết về tâm lý, hoặc chỉ biết về xã hội. Tôi nghĩ rằng không thể hiểu được sự phức tạp của bản chất con người, cách chúng ta hoạt động và các rối loạn chức năng mà lại không tính đến cả vấn đề sinh học, tâm lý và xã hội, và đôi khi có những vấn đề tâm linh (spiritual issues) mà con người gặp phải. Và tôi nghĩ điều quan trọng không kém là các bác sĩ tâm thần phải là những nhà trị liệu tâm lý giỏi và hiểu được cách mà các áp lực xã hội dẫn đến các triệu chứng. Điều quan trọng không kém là các nhà tâm lý học phải hiểu chẩn đoán và hiểu cả về việc sử dụng thuốc. Ngay cả khi bạn không kê đơn thuốc, điều rất quan trọng là phải hiểu khi nào nên và khi nào không nên sử dụng thuốc. Nếu không có lý do nào khác, phải bảo đảm sao cho bệnh nhân không phải dùng quá nhiều thuốc, cũng như biết thời điểm lúc nào phải chuyển gửi. Tôi nghĩ rằng mỗi chuyên viên lâm sàng cần phải hoàn thiện. Tôi không nghĩ rằng việc đào tạo trong một chuyên ngành lại cho phép không cần biết đến các công cụ sử dụng rộng rãi trong nhiều chuyên ngành.

LR: Ông có nghĩ rằng có một thứ gọi là “xu hướng giản lược tâm lý-xã hội” (psychosocial reductionism) không? Tôi đã biết về “xu hướng giản lược y-sinh học” (biomedical reductionism). Ông có thấy mối nguy hiểm ở thái cực kia , của xu hướng giản lược tâm lý-xã hội không?

AF: Ồ, chắc chắn rồi. Xu hướng giản lược tâm lý-xã hội, vâng, nó vẫn tồn tại và còn tồn tại  tốt nữa, đặc biệt là ở Anh, nơi có sự lưu thong qua lại liên tục. Một bộ phận năng động của các nhà tâm lý học người Anh đã có một quan điểm khá cấp tiến rằng rối loạn tâm thần là một “liên thể với những gì là bình thường” (continuum with normal). Các yếu tố sinh học đó đã được nhấn mạnh quá mức trong bệnh tâm thần phân liệt. Và hầu hết các vấn đề mà bệnh nhân thể hiện đều liên quan đến sang chấn thời thơ ấu. Và một lần nữa, mọi quan điểm đều có giá trị, nhưng không có quan điểm nào thoả cả yếu tố cần và đủ.

LR: Có rất nhiều chân lý (truths). Đã có xu hướng giản lược tâm lý-xã hội cũng giống như giản lược sinh học trong nhiều cuộc tranh luận. Ông biết đấy, khi nói về xu hướng giản lược y-sinh học và giản lược tâm lý-xã hội, tôi nhớ là vào khoảng thời gian mà DSM-5 được ra mắt, thì Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia (NIMH) đã thực sự giữ vững lập trường và nói, “Vâng, các chàng trai và cô gái đã làm việc tốt, nhưng chúng ta sẽ phải làm việc khá nhiều mới đạt tới Tiêu chí Nghiên cứu RDoC (Research Domain Criteria)”. Rất nhiều nhà trị liệu tâm lý thực hành hằng ngày không làm việc trong học viện, không đọc nhiều tạp chí chuyên ngành, không có ý tưởng sâu sắc nhất về Tiêu chí RDoC là gì. Ông có thấy hệ thống đó hữu ích và hợp lệ không? Cụ thể, ông thấy nó hữu ích như thế nào trong việc giảm bớt một số căn bệnh do chẩn đoán quá mức và điều trị sai lầm này?

AF: Chà, DSM đã có hứa hẹn to lớn như một công cụ nghiên cứu, nhưng nó đã thất bại ở chỗ chức năng của não bộ và yếu tố di truyền là những thứ quá phức tạp, chúng ta càng học nhiều, chúng ta càng nhận ra rằng mình hiểu ít ỏi như thế nào. Bộ não là thứ phức tạp nhất được biết đến trong vũ trụ. Những bí ẩn của nó thật lâu mới được biết đến. Rồi lại có đến không chỉ một vài, mà là hàng trăm gene liên quan đến tâm thần phân liệt và mọi thứ rối loạn tâm thần khác. Tất cả các nghiên cứu về khoa học thần kinh đã đạt được hiệu quả đáng kể. Một trong những cuộc phiêu lưu trí tuệ vĩ đại của thời đại chúng ta là thực hiện nghiên cứu về cách hoạt động của não bộ; tuy nhiên nó đã không giúp được gì cho một bệnh nhân nào cả!

Tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhận thức được một thực tế là không việc gì có thể đạt được một cách dễ dàng. Rằng chúng ta sẽ không có những bước đột phá để giải thích được về bệnh tâm thần phân liệt hoặc rối loạn lưỡng cực. Rằng mỗi tình trạng trong số này có thể là hàng trăm nghìn tình trạng khác nhau có chung một số đặc điểm lâm sàng, nhưng có lẽ có cơ sở sinh học rất khác nhau. Và chúng ta không nên bị khoa học làm cho mê muội đến mức đánh mất việc chăm sóc những bệnh nhân thực sự trong hiện tại. Tôi nghĩ rằng vẫn có rất nhiều hứa hẹn, rất nhiều hứa hẹn cao vợi trong tương lai, và ngân sách NIMH của chúng tôi hầu như chỉ được chi cho nghiên cứu khoa học cơ bản, hầu như không dành chút nào cho nghiên cứu lâm sàng, đến nỗi chúng tôi đang phớt lờ nhu cầu của bệnh nhân ngày nay.

Đối với tôi, quả là một bi kịch khi chúng ta có 350.000 bệnh nhân trong nhà tù và 250.000 người vô gia cư trên đường phố mà chúng ta đang chăm sóc tối thiểu, chúng ta đang bỏ mặc những người đang rất cần. Còn hầu hết các nghiên cứu đều đang cố gắng tìm ra những thứ có thể hữu ích cho một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân trong tương lai. Trong khi đó, chúng ta biết cách chăm sóc mọi người ngay bây giờ, chỉ là chúng tôi không làm điều đó thôi. Chúng ta không đầu tư vào các chương trình điều trị cộng đồng, nhà ở, chương trình phục hồi, những điều cần thiết để loại bỏ sự xấu hổ đối với đất nước của chúng tôi. Hầu hết mọi quốc gia phát triển khác đều chăm sóc người bệnh tâm thần của họ tốt hơn nhiều so với chúng ta. Mỹ là quốc gia bị bệnh nặng nhất Và đó không phải là vấn đề của khoa học thần kinh hay khoa học nói chung, đó chỉ là ý thức chung, thiết thực chăm sóc mọi người và coi họ như những công dân, chứ không bỏ mặc họ. Và những gì chúng ta làm ở đất nước này là hầu như không cung cấp kinh phí cho việc điều trị và hỗ trợ cộng đồng

LR: Trở lại ý tưởng về chứng “rối loạn thiếu đồng cảm” (empathy deficit disorder). Ông nói về khoa học, tôi thích quan điểm của ông về RDoC. Đó là một công cụ học thuật tuyệt vời, nhưng có lẽ mãi đến năm 2635, chúng ta sẽ tìm thấy một gene nào đó góp phần gây nên chứng rối loạn lưỡng cực, nhưng bao nhiêu người sẽ phải khốn khó và mất mạng trước đó?

AF: Và tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ tìm thấy gene đó. Tôi nghĩ những gì chúng ta sẽ tìm thấy, nó giống như trường hợp bệnh ung thư vú, chúng ta sẽ thấy rằng có một số gene nhất định có sẵn trong một tỷ lệ rất nhỏ những người mắc chứng rối loạn này. Và sự phức tạp là thế. Có một bài báo đưa ra 250 tác giả đã tìm thấy 105 gene gây bệnh tâm thần phân liệt, mỗi gene hợi khác một chút so với bình thường. Và khả năng hoán vị và tổ hợp của những gene đó sẽ là vô cùng lớn. Điều đó nói lên rằng tính phức tạp của những rối loạn này là rất lớn đến nỗi sẽ không có câu trả lời đơn giản. Trong khi đó, chúng ta không được phép để người bệnh không được điều trị, không có nhà ở và kết thúc trong tù. Các nguồn lực, kỹ thuật, hoàn toàn hiển nhiên là cách thức dự phòng điều này, để làm cho đất nước của chúng ta không trở thành kẻ lọt số đáng xấu hổ về cách chúng ta điều trị bệnh tâm thần. Đây chỉ là vấn đề kinh phí và ý chí chính trị. Và người bệnh tâm thần nặng là đối tượng thiệt thòi nhất, đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở nước ta (Hoa Kỳ - ND).

CHÍNH MỐI QUAN HỆ MỚI LÀ YẾU TỐ GIÚP BÌNH PHỤC

LR: Tôi tìm thấy một nghịch lý kỳ lạ trong tất cả những điều này. Khi tôi nghĩ về việc trị liệu tâm lý-xã hội, tôi nghĩ đến số tiền bạc, thời gian, các nguồn lực, vốn nhân sự, những thứ đã được chi để phát triển các phương pháp điều trị được chứng minh bởi thực nghiệm này, và cuối cùng ông lại kết thúc với liệu pháp hành vi - nhận thức ở phần chóp của cả khối thứ như vậy. Dường như có sự hưng phấn này trong tâm lý học và liệu pháp tâm lý để phát triển các phương pháp điều trị được chứng minh bởi thực nghiệm, mà nhiều người cho rằng đã lấy trái tim và linh hồn ra khỏi mối liên hệ của con người, ra khỏi liệu pháp tâm lý. Ông có suy nghĩ gì về sự lệch lạc khoa học này không và nó ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực tâm lý trị liệu cũng như việc thực hành lĩnh vực này?

AF: Tôi không nghĩ nó sai lệch nhiều về mặt khoa học. Tôi nghĩ đó là do áp lực kinh tế; rằng mọi liệu pháp đều muốn có mặt trong danh sách mà các công ty bảo hiểm sẽ trả tiền cho nó. Và điều này dẫn đến một loại cạnh tranh để chứng minh rằng công việc của bạn được xác nhận. Tôi đã theo lĩnh vực này đến nay đã được 40 năm. Tất nhiên, tôi là thành viên của ủy ban NIMH đã từng tài trợ cho các dự án tâm lý trị liệu mà giờ không còn tồn tại nữa, vì sự tập trung hiện tại của NIMH là vào (nghiên cứu) não bộ. Nhưng phát hiện đáng chú ý trong tài liệu đó là - đây là một bài báo đã được xuất bản cách đây 40 năm bởi Lester Luborsky - tất cả đều đã vận hành, tất cả đều giành chiến thắng và tất cả đều xứng đáng được giải thưởng. Rằng tất cả các liệu pháp tâm lý đều có thể hữu ích. Hơn tất cả các kết quả, hơn tất cả sự khác biệt trong các kết quả, mọi chuyện giờ quay trở lại với nhà trị liệu thông qua mối quan hệ với thân chủ, điều còn hơn tất cả các kỹ thuật chuyên biệt. Đó quả là điều thật là ngớ ngẩn khi có sự cạnh tranh giữa các kỹ thuật trị liệu, bởi tất cả đều cần thiết.

Tôi nghĩ để trở thành một nhà trị liệu, bạn nên thông thạo từng loại liệu pháp đơn lẻ, bởi vì có sự khác nhau giữa các bệnh nhân, thậm chí ngay cả trong bản thân chính họ và những gì họ cần trong một thời điểm nhất định. Và nó không thể là một thứ gì đó duy nhất, như thể các kỹ thuật nhận thức vốn dĩ tốt hơn các kỹ thuật tập trung vào tâm lý hoặc tập trung vào hoàn cảnh xã hội. Các kỹ thuật khác nhau sẽ khác đi vào những thời điểm khác nhau. Và yếu tố kỹ thuật nói chung chỉ hữu ích trong bối cảnh của một mối quan hệ có tính nuôi dưỡng và có tính chữa lành (the technique in general is useful only in the context of a relationship that's nurturing and healing). Và điều quan trọng nhất trong khả năng bình phục bởi liệu pháp tâm lý có lẽ là bản chất của mối quan hệ và nhu cầu để có được một sự phù hợp cá nhân giữa hai con người. Tôi nghĩ đã có điều không may - có một xu hướng không may là đã  phát triển những sự cạnh tranh. Cạnh tranh giữa việc dùng thuốc với các phương pháp tiếp cận tâm lý - xã hội. Cạnh tranh giữa các kỹ thuật tâm lý trị liệu khác nhau. Một bác sĩ lâm sàng thực sự toàn diện phải giỏi mọi thứ, và đặc biệt là phải giỏi thiết lập quan hệ với những người mà họ đang cố gắng điều trị.

LR: Tôi phải nói với ông, Allen ạ, thật là khoan khoái khi nghe một người trong ngành y, một bác sĩ tâm thần, đặc biệt lại là một người có liên quan đến lịch sử của DSM biết về “hiệu ứng chim Dodo” (Dodo Effect), và thực sự đánh giá cao điều đó. Thế này, ông có một nhà trị liệu bậc trung đang làm việc trong một trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, thậm chí có thể ở một nơi tạm trú dành cho người vô gia cư, nhà trị liệu ấy vẫn nhận biết rằng kỹ thuật gần như không quan trọng bằng mối quan hệ. Và sau đó, nhà trị liệu ấy gặp một thân chủ, ngay lúc đó có vẻ như bị loạn thần, hoặc có chút thông tin về tiền sử của người này bị rối loạn lưỡng cực hoặc tâm thần phân liệt, và phản xạ đầu tiên của chuyên viên ấy có thể là “Tôi phải đưa người này đến gặp bác sĩ tâm thần. Tôi phải tìm xem có vấn đề gì với họ về mặt y kho hay không”. Một chuyên viên ở cấp trung đó sẽ làm gì, dẫu trong thâm tâm họ biết rằng mối quan hệ là yếu tố rất quan trọng, nhưng họ cũng chịu những áp lực về khía cạnh y-sinh học là phải chuyển bệnh nhân đến bác sĩ tâm thần, hoặc ít nhất là một bác sĩ chăm sóc ban đầu?

AF: Chà, tôi nghĩ mọi thứ đều quan trọng. Bạn đã đề cập đến những bác sĩ chăm sóc bann đầu (primary care doctors). Những người mắc bệnh tâm thần phân liệt chết sớm hơn 20 năm so với phần còn lại của dân số chung. Và khoảng cách đó đã tăng lên trong những năm gần đây và ở Mỹ cao hơn nhiều so với các quốc gia khác, bởi vì chúng ta đã bỏ bê người dân quá nhiều. Đây không thể chỉ có một câu trả lời.

Chúng tôi lược bỏ bớt vài phần AF nói về tình hình chính trị, kinh tế-xã hội và về ngành tâm thần học của Hoa Kỳ, và cả về điều mà ông gọi là “Tình trạng tranh tối tranh sáng của sự lành mạnh kiểu Mỹ” (Twilight of American Sanity)

MỐI QUAN HỆ LÀ TẤT CẢ

LR: Tôi nghĩ đây sẽ là một dạng câu hỏi tóm lại câu chuyện – Giả sử ông nhìn lại và tư vấn cho một Allen Frances trẻ tuổi hơn, ông sẽ đưa ra lời khuyên nào cho “anh ấy” khi ở giai đoạn đầu của sự nghiệp mà nó có thể làm thay đổi hướng đi của “anh ấy”, hoặc ông có hài lòng với cách thức mà thực tế đã được diễn ra?

AF: Nó diễn ra chủ yếu là do tình cờ, và sau đó chỉ đơn giản là làm công việc của bạn. Tôi không nghĩ rằng có - tôi nghĩ, thực sự có một lời khuyên cho mọi người; đó là lắng nghe thân chủ hoặc bệnh nhân mà bạn đang làm việc cùng và hãy học hỏi từ họ.

LR: Họ là những giáo viên tốt nhất của chúng ta nếu chúng tôi để họ làm như thế.

AF: Và hãy là chính mình. Bạn có thể học mọi thứ, nhưng cũng hãy là chính mình.

LR: Một cảm giác thật sảng khoái đến từ một bác sĩ tâm thần, chỉ là một lưu ý có tính cá nhân, đó là anh trai tôi cũng là một bác sĩ tâm thần, sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng này sau 40 năm. Anh ấy đang làm nốt những gì phải làm với một danh sách 350 bệnh nhân của mình. Và tôi tự hỏi anh ấy sẽ như thế nào khi nhìn lại sự nghiệp của mình. Anh ấy đã giúp bao nhiêu người, và ca nào là ca nổi bật trong số đó. Ông có câu chuyện về một thân chủ cụ thể nào tâm đắc đối với ông không?

AF: Tôi nghĩ đây là điều đáng nói nhất và điều này có thể hữu ích cho mọi người. Rằng tôi đã điều trị cho nhiều người trong 14 năm và không tác động lên cuộc sống của họ. Tôi đã làm việc trong những phòng cấp cứu trong cả quá trình hành nghề của mình. Và tôi đã gặp mỗi người trong 5 phút và nhiều năm sau họ quay lại và nói, “Ông đã nói thế và điều đó đã thay đổi cuộc đời tôi”. Bạn không bao giờ biết khi nào và những gì bạn nói lại có thể có tác động to lớn đến ai đó. Và vì thế, cứ mỗi lần tiếp xúc với một ai đó mà bạn gặp, ở mỗi khoảnh khắc, bạn nên suy nghĩ rằng “Liệu tôi có thể nói điều gì mà nó có thể tạo ra sự khác biệt?” Và nếu bạn điều trị cho bệnh nhân như những con người, thì mọi khoảnh khắc đều có thể có tiềm năng gây ra những tác động, không phải những viên thuốc, không phải những triệu chứng, không phải những chẩn đoán. Tôi cho rằng thông điệp cốt lõi trong cuộc trò chuyện của chúng ta là bạn phải thực sự tập trung vào con người.

Ý tôi là, hai từ có tác động nhiều nhất đến mọi người mà tôi nhớ trong nhiều năm là DO IT - “Hãy làm điều đó”, bởi vì mọi người cứ hay quan tâm, liệu mình nên làm điều này, hay mình nên làm điều kia? Tôi thì chỉ nói "hãy làm điều đó." Và bằng cách nào đó, tại thời điểm đó, nó đã kết tinh năng lượng và động lực của họ để làm điều gì đó mà họ muốn làm. Chúng ta không nên ngại ngùng khi cố gắng tìm ra điều gì có thể giúp ai đó làm được điều mà họ không thể làm được.

Mối quan hệ là tất cả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...