Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

SỰ THUỘC VỀ (BELONGING-NESS) - Phần 1

"Belonging-ness"

Tác giả: ADAM BLATNER, MD.
Nguồn: Adam Blatner's Website

Blatner sinh năm 1937 tại Los Angeles. Tốt nghiệp Y khoa, ĐH Bang California tại San Francisco. Sau đó, tốt nghiệp chương trình nội trú chuyên khoa tâm thần ĐH Stanford, đi sâu nghiên cứu tâm kịch (psychodrama) và tích hợp nó với các cách tiếp cận tâm lý trị liệu khác. Ông có nhiều năm làm việc trong nhiều môi trường làm việc khác nhau. Ông viết nhiều sách chuyên khảo, tham gia giảng dạy và biên tập cho nhiều tạp chí chuyên ngành. Chúng ta sẽ trở lại về ông khi nói về đề tài Tâm kịch.

Người dịch: TRẦN THỊ THU VÂNThạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Bộ môn Tâm lý, Khoa KHXHNV Đại học Văn Hiến Tp.HCM, Chuyên viên tâm lý trị liệu, Thành viên CLB Trăng Non.


Phần 1

Sự thuộc về (belonging-ness) là thuật ngữ của tôi (tác giả Adam Blatner) ý chỉ cảm nhận mình được thuộc về (feeling of belonging). Một cách khách quan, chúng ta có thể nói từ vị trí bên ngoài rằng một người thuộc nhóm này hay nhóm kia, nhưng người đó có thể có hoặc không có cảm nhận kết nối đó. Các bạn tuổi dậy thì trong gia đình cảm thấy bị xa lánh ngay cả khi cha mẹ và thầy cô thấy rằng bạn ấy đang ổn; cảm nhận bị xa lánh này là một trải nghiệm không thuộc về. Cảm nhận thuộc về là một nhu cầu cơ bản, vì thế nó là một phần quan trọng khi đánh giá về tâm lý và xã hội. Dựa trên những hiểu biết rộng hơn chúng ta có thể chẩn đoán những vấn đề đang xuất hiện liên quan đến việc thiếu cảm nhận thuộc về và định hình một cách hợp lý hơn cho những hành động đối với cá nhân và xã hội nhằm thúc đẩy và khôi phục cảm nhận thuộc về.

Ngày nay, chủ đề này trở nên xác đáng hơn bởi vì điều kiện sống hậu hiện đại (postmodern condition) đang gia tăng sự xa lánh. Khi nói rằng nền văn hóa của chúng ta là hậu hiện đại tức là phải nhìn nhận một cách sinh động hơn rằng những thay đổi về văn hóa trong vài thập kỷ qua đã khiến cho chất lượng đời sống trở nên khác biệt so với 50 năm trước (giữa thế kỷ 20 là thời điểm giữa cuối hiện đại). Sự xa lánh (alienation) bao gồm cảm nhận kết nối không đầy đủ, và trong điều kiện này - đó là thiếu cảm nhận thuộc về - là một trong những yếu tố quan trọng chưa được xem xét đầy đủ dẫn đến những rối loạn chức năng khác nhau ở xã hội và cá nhân.

Sự thiếu thốn một nguồn gây bệnh (Lack as a Source of Pathology)

Bệnh lý ở đây đề cập đến cách mọi thứ diễn ra sai trong hệ thống sống, và có thể là những vấn đề xã hội và tinh thần cũng như các bệnh lý thực thể. Chúng ta bị bệnh không chỉ do độc tố hay nhiễm trùng mà đôi khi do không thể hấp thụ được các chất mà hệ thống thân-tâm (body-mind) cần đến. Tương tự như vấn đề thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Khoảng hàng trăm năm trước, chỉ xuất hiện việc đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của con người và không hề nhắc đến một số chế độ thực dưỡng đặc biệt. Những bệnh như Pellagra (một bệnh gây ra do thiếu niacin, tức vitamin B3 hoặc vitamin PP – Chú thích của ND) mà bạn không còn nghe nói đến nữa thật không may lại phổ biến ở người nghèo, trong các dưỡng viện và những người có chế độ ăn thiếu vitamin. Bởi vì y khoa trong kỷ nguyên đó vẫn bắt kịp những công nhận gần đây liên quan đến vi trùng và từ đó bắt đầu hiểu nguyên nhân của rất nhiều bệnh, lúc ban đầu Pellagra được hiểu như là một loại bệnh nhiễm trùng nào đó. Tuy vậy, nỗ lực tìm kiếm vi trùng gây bệnh Pellagra đã không thành, thay vào đó nó cần thay đổi và chuyển sự tìm kiếm theo hướng hoàn toàn khác, bên ngoài những cách nghĩ cũ. Liệu rằng một căn bệnh có thể không phải do ăn phải một độc tố nào đó, mà là do không ăn thứ gì đó mà cơ thể cần đến? Khi điều này trở nên rõ ràng rằng đây cũng có thể là một nguyên nhân gây bệnh, thì những bệnh lý thiếu dinh dưỡng khác cũng đã được khám phá.

Bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, chúng ta cũng đã trở nên nhận thức hơn rằng có những vấn đề khác liên quan cũng đến sự thiếu hụt. Người ta bị bệnh do thiếu tập thể dục, do cơ bắp căng giãn, do chuyển động. Ngoài ra, các chuyên gia ngày càng chú ý nhiều hơn đến việc thiếu ngủ là nguồn gốc phổ biến của việc mất chức năng ảnh hưởng đến học tập, làm việc, quan hệ tình dục và đời sống gia đình. Mục tiêu của bài viết này hướng đến nâng cao nhận thức về những thiếu hụt tiềm năng khác đã trở nên thịnh hành: thiếu cảm nhận về sự thuộc về. Để đánh giá đầy đủ về vấn đề này, trước tiên cần hiểu một số ý niệm có lien quan.

Thuộc về là một nhu cầu cơ bản (Belonging-ness as a basic need)

Cũng tương tự như protein cần có trong chế độ ăn để cơ thể khỏe mạnh, thế nên sự thuộc về là nhu cầu cơ bản đối với tâm trí và tinh thần. Trong những năm đầu nghiên cứu về tâm lý học chiều sâu (depth psychology), nhiều nhà cải cách khác nhau đã khám phá “những động cơ cơ bản” (basic motivations) của chúng ta. Freud cho rằng dục tính và hung tính là hai động lực chính, Alfred Adler chú ý đến việc tìm kiếm cảm nhận về tính ưu việt (sense of superiority) để chống lại cảm giác tự ti, Jung lưu ý đến hàng loạt những nguồn nguyên mẫu của động lực (archetypal source of motivation). Những người khác cũng đưa ra những đề xuất của riêng họ.

Mặc dù, trước thập niên 1940, nghiên cứu về phát triển trẻ em đã xem xét đến một căn bệnh đáng quan tâm khác đã phổ biến trở lại ở những trẻ mồ côi, tùy từng trường hợp mà được gọi là “hội chứng trẻ nằm viện” (hospitalism), “trầm cảm do phụ thuộc” (anaclitic depresstion) hoặc “tình trạng suy mòn” (marasmus) và mô tả cách thức mà một số trẻ sơ sinh mắc căn bệnh ấy và thường chết. Họ chỉ ra điều này không phải do thiếu ăn mà là do thiếu âu yếm, ôm ấp, và chơi cùng trẻ! Những nhà nghiên cứu khác ủng hộ nhu cầu tương tác để lớn lên của trẻ - và những điều này trái ngược với những tài liệu về nuôi dưỡng trẻ em cổ điển trong thập niên 1920 và 1930 đó là không bế bồng trẻ đang khóc vì sợ nó “hư hỏng”. (Thành công của bộ sách “Bác sĩ Spock” (Doctor Spock) vào cuối những năm 1940 do ông đã thách thức loại “công thức chống hư hỏng” này. Benjamin Spock không ủng hộ “tính dễ dãi” như những đối thủ của ông cáo buộc, mà đơn giản là đừng quá bảo thủ.)

Những nhà phân tâm học trong những năm 1950 đã đan kết những nghiên cứu này trong việc nhìn nhận lại những học thuyết, trong khi đó một số người khác vẫn tiếp tục với các lý thuyết theo xu hướng trước đó của Freud, một số khác tán thành với học thuyết quan hệ đối tượng (object relation theory). (Thuật ngữ này đề cập đến đối tượng yêu thương – và/hoặc ghét – của một người, nhưng nhiều người lại tưởng rằng “đối tượng” như là một vật vô tri, vì thế thuật ngữ này có phần sai lệch; tuy vậy lý thuyết này tự nó đã làm nổi bật cường độ và chiều sâu của các mối quan hệ liên cá nhân.)

Về nguồn gốc, nhiều lý thuyết về quan hệ đối tượng dựa trên quan sát sự tương tác giữa trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với cha mẹ hoặc người chăm sóc, nhưng những gì nên được nhận ra là trải nghiệm gắn bó đầu đời này, với tất cả sự thăng trầm của nó, chỉ là một phần nhỏ của sự tương quan động năng phong phú này! Ở khoảng 4 – 6 tuổi, trẻ nhỏ mở rộng thế giới của mình bao gồm mối quan hệ bạn bè, hàng xóm rộng lớn hơn và những thực thể trừu tượng hơn. Trẻ nhỏ nghe và bắt đầu bám rễ với những nhóm mà cha mẹ mình cũng đã gắn bó, bắt đầu liên quan đến những huyền thoại của gia đình hoặc cộng đồng, về các vị thần hoặc các thực thể tâm linh, tham gia vào bản sắc dân tộc, cảm nhận về lòng yêu nước và những thể loại lòng trung thành khác. Khi đó, thuật ngữ “thuộc về” trở nên dễ hiểu hơn, bao gồm trong đó là những nhu cầu rộng hơn, phức tạp hơn và lâu dài hơn của chúng ta về cảm giác được kết nối.

Sự thuộc về chủ động (Active Belonging-ness)

Sự thuộc về không giống như dinh dưỡng, nó bao gồm các yếu tố chủ động cũng như thụ động, bao gồm những gì bạn cho cũng như những gì bạn nhận. Khi bạn còn rất nhỏ, vấn đề chính của cảm nhận này bao gồm gia đình, điều này là thụ động. Nhưng khoảng 4 tuổi, bạn nhận thức nhiều hơn về những gì bạn có thể cho đi, có thể giúp đỡ, có thể có ích với những người xung quanh bạn. Khi bạn thực hiện kiểu kết nối đó, bạn cảm thấy những người xung quanh thuộc về bạn cũng nhiều như bạn thuộc về họ. Bạn cho gấu bông ăn và giúp sắp xếp bàn ăn. Bạn là một phần bé nhỏ của cha mẹ cũng như bạn là một đứa trẻ bé nhỏ, bởi vì bạn có thể giúp đỡ. Gia đình có tầm quan trọng trong việc thúc đẩy và xác quyết khía cạnh chủ động trong sự thuộc về bởi vì nó đem lại cho trẻ cảm nhận về một nguồn cội sâu xa (the feeling a deeper kind of rooted-ness).

Một số cha mẹ và hệ thống trường học không sắp xếp những hoạt động để trẻ có trải nghiệm về sự hữu dụng của trẻ. Trẻ không được nhận đủ nhiệm vụ làm những việc nhỏ và cơ hội chịu trách nhiệm – thật vậy, trẻ nhỏ cần được giao một chút công việc, và đôi khi sẽ dễ dàng hơn khi chỉ làm những việc dành cho trẻ. Nhưng điều này sẽ khiến trẻ được nuông chiều hoặc làm trẻ hư hỏng. Nó nuôi dưỡng phần trẻ nhỏ thích được cưng nựng, nhưng nếu cưng chiều, chúng sẽ không học được cách tận hưởng cảm giác hữu ích đi kèm với việc đảm nhận trách nhiệm.

Thậm chí nhu cầu tham gia một cách tích cực trở nên quan trọng hơn từ khoảng giữa tuổi thơ và cả sau này. Các tổ chức và cộng đồng cũng có thể được xem xét đến, các tổ chức có thể tưởng đã giúp mọi người cảm thấy thuộc về, nhưng nếu những người đó không tìm thấy cách thức để tham gia và cống hiến, họ sẽ không thực sự có cảm nhận thuộc về này. Để nhắc lại, sự thuộc về khách quan (được quan sát từ bên ngoài) có thể không dẫn đến việc con người cảm thấy mình thuộc về (sâu bên trong).

“Stroke” như là một đơn vị của sự thuộc về (“Stroke” as a Unit of Belonging-ness)

Bởi vì động năng (dynamic) của sự thuộc về đã không được xem trọng một cách rộng rãi, một số yếu tố cấu thành nên nó cũng không được hiểu hết. Tuy nhiên, một vài người đã nêu lên khái niệm về một “bầu khí liên cá nhân” (interpersonal atmosphere) theo những cách thức thực tiễn hơn. Thuật ngữ “Stroke” được đưa ra bởi Tiến sĩ Eric Berne, nhà tâm thần học đã phát triển học thuyết và phương pháp Phân tích Tương giao (Transactional Analysis) trong những năm 1960. Ông từng sử dụng nó trong một cuốn sách bán chạy nhất của mình – “Những Trò chơi Con người thường chơi” (Games People Play) - Berne ngụ ý một stroke là cảm nhận không lời tương đương với một cái vỗ vai, và có thể gồm có một cái liếc mắt khen ngợi, một cử chỉ công nhận, những lời động viên, tử tế. Stroke có thể khó thấy, nhỏ bé và ngay cả những tín hiệu vô thức được trao đổi giữa những người tạo nên cảm nhận của cộng đồng – thì thầm tán thành, gật đầu, mỉm cười và những điều tương tự như thế. Quyển sách năm 2006 của Dan Goleman, “Trí thông minh xã hội” (Social Intelligence), thể hiện sự đề cao về động năng có tính tỏa lan này.

Một thuật ngữ thú vị khác có sự chồng tréo ý nghĩa với stroke là “sự chú ý” (attention) như trong câu hói “Oh, đứa bé chỉ muốn chú ý thôi”. Mặc dù những người quan sát hành vi của trẻ nhỏ sẽ thấy rằng nếu đứa trẻ không có được sự chú tâm tích cực của người khác, trẻ sẽ gây chú ý bằng cách có những cư xử theo kiểu tiêu cực. Sự trách mắng (của người lớn – ND) không có gì vui, nhưng nó thật sự vẫn tốt hơn là bị bỏ mặc.

Berne và những người khác trong lĩnh vực Phân tích tương giao cho rằng con người cần vô số stroke mỗi ngày. Khi một người nhận đủ stroke, họ sẽ cảm nhận được sự thuộc về. Con số đó có thể ước lượng khoảng trên dưới mười ngàn. Để minh hoạ, ta hãy hình dung mỗi  người cần, khoảng 400 stroke mỗi ngày. Đó có thể là cái nhìn mang ý nghĩa công nhận, một cái nhướng chân mày ngụ ý “Này, tôi hiểu bạn rồi”, mỉm cười, vỗ vai, bắt tay, ủng hộ cho đội của bạn đang thi đấu trên truyền hình… Chú ý rằng stroke có thể là thực tế hoặc ảo tưởng hoặc pha lẫn cả hai.

Dĩ nhiên, bạn có khuynh hướng cho và nhận stroke dễ dàng hơn trong một nhóm mà mọi người đều biết bạn và bạn có vai trò hữu dụng trong nhóm. Mặt khác, bạn có thể dễ dàng cảm thấy thiếu thốn khi sống trong một thành phố lớn nơi mọi người có khuynh hướng không nhìn bạn khi bạn đi qua. Nhiều nguồn gốc truyền thống khác nhau của cả những cảm nhận về nguồn cội lẫn cảm nhận thuộc về - như hàng xóm, gia đình, công việc và những nguồn khác, cũng giúp cung cấp những stroke, Những nguồn ấy sẽ được thảo luận thêm.

Trong kỷ nguyên hậu hiện đại (postmodern era), chúng ta phải học cách tìm kiếm những nguồn sáng tạo mới cho những stroke cũng giống như khi chúng ta có nhu cầu tìm kiếm nguồn năng lượng mới (chẳng hạn như ánh nắng, hoặc gió, hoặc bất cứ thứ gì khác để thay thế cho dầu mỏ).  

(Xem thêm về stroke tại đây: stroke)

Đón xem tiếp Phần 2


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...