Thứ Sáu, 20 tháng 8, 2021

CUỘC ĐẤU TRANH CỦA GIỚI PHÂN TÂM PHÁP CHỐNG LẠI DSM - Kỳ 2

“The Psychoanalytic Struggle Against the DSM”

Tác giả: PATRICK LANDMAN – Patrick Landman, MD, là một bác sĩ tâm thần người Pháp, một phân tâm gia, luật sư và Chủ tịch của STOP DSM – Một tổ chức có tiếng nói phản đối DSM. Mối quan tâm của ông bao gồm cách các tổ chức - chẳng hạn như Liệu pháp Tâm lý trong các Thiết chế (Institutional Psychotherapy) - có thể hữu ích hoặc gây hại như thế nào, mối liên hệ giữa phân tâm học và khoa học thần kinh, và vấn đề chẩn đoán trong tâm thần học và đặc biệt là trong rối loạn tăng động – giảm chú ý ADHD.

Nguồn: STOP DSM - August 27, 2018

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN


Patrick Landman

Xem lại Kỳ 1

Kỳ 2

PHẢN ỨNG CỦA CÁC NHÀ PHÂN TÂM HỌC

Phản ứng chống chủ nghĩa tự do, nền kinh tế y khoa và Big Pharma (The anti-liberalist reaction, the medical economy and Big Pharma)

Rõ ràng là DSM đã được sử dụng bởi “nền kinh tế y khoa” (medical economy) vì nó là một công cụ dịch tễ học để xác định lưu hành độ (prevalence) của một rối loạn và đánh giá bản chất của hồ sơ hoạt động của các phòng khám, bệnh viện và hoạt động của các trung tâm chuyên khoa v.v. Bởi vì chúng ta biết rằng sức khỏe, mặc dù nó có thể là vô giá, nhưng nó có cái giá phải trả, “tâm thần học DSM” đã bị cáo buộc một cách chính đáng là đã khuyến khích các chính sách y tế công cộng nhấn mạnh đến việc cho ra những “đánh giá vĩnh viễn” (permanent evaluation) và lợi nhuận của việc giảm thời gian nhập viện nhờ cho dùng thuốc quá mức, trong khi lại thu hẹp khuôn khổ để thu nhận và đón tiếp bệnh nhân, cung cấp nơi nương tựa và là nơi phục vụ cho cuộc sống của họ. Những lựa chọn chính trị này được quy cho là do “chủ nghĩa tự do” và mối quan tâm của nó với lợi nhuận, cắt giảm chi phí và ưu tiên khu vực tư nhân hơn là cho những cơ sở công lập.

DSM là kết quả của công việc tập thể của các bác sĩ tâm thần Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hóa ra những bác sĩ tâm thần này đã có những xung đột lợi ích lớn với các công ty dược phẩm. Tình huống này, bị báo chí Mỹ tố cáo, đã làm dấy lên ý tưởng rằng DSM là sản phẩm của Big Pharma. Phản ứng chống chủ nghĩa tự do này tiếp tục chính trị hóa cuộc đấu tranh chống lại DSM. Những người ủng hộ nó đã cố gắng vô ích khi trình bày cuộc đấu tranh của các nhà phân tâm học như một phần của phản ứng phẫn nộ của "những kẻ cực đoan", hoặc thậm chí bác bỏ những lời chỉ trích Big Pharma, xem đó là những “thuyết âm mưu” (conspiracy theories).

Đúng là một số nhà phân tâm đã sử dụng cơ hội của cuộc chiến chống lại DSM để chuyển đổi lập trường chống chủ nghĩa tư bản trước đây của họ thành quan điểm chống chủ nghĩa tự do như hiện nay, nhưng những người khác đã chỉ ra rằng DSM cũng có thể phục vụ các chính sách chống chủ nghĩa tự do; rằng nó có thể dễ dàng trở thành một công cụ của tệ độc đoán quan liêu (bureaucratic authoritarianism). DSM đơn giản chỉ là một công cụ - vấn đề là cách nó được sử dụng như thế nào. Đối với các xung đột lợi ích, chúng được cân bằng bởi ảnh hưởng của các vận động hành lang khác chẳng hạn bởi các công ty bảo hiểm hoặc những hiệp hội người tiêu dùng. Những tiếng nói này đã cảnh báo chống lại cuộc tranh luận khi nó đang trở nên quá đơn giản.

Phản ứng mang tính nhân văn, tính đặc thù so với tổng thể và ý nghĩa của triệu chứng (The humanistic response, the singular versus the general and the meaning of the symptom)

Như là kết quả của DSM và các thể loại rối loạn tâm thần khác nhau của nó, mỗi đối tượng được yêu cầu phù hợp với một “vị trí” chẩn đoán (diagnostic “slot”), giúp dễ dàng hơn cho việc thực thi các hướng dẫn và quy trình điều trị được tiêu chuẩn hóa. Trái lại, phân tâm học nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét từng trường hợp riêng lẻ, tập trung vào điểm đặc thù riêng (singularity) của mỗi chủ thể con người. Đây là một sự phản đối mạnh mẽ, bởi vì các triệu chứng không đơn giản chỉ là một lối đi chung cuối cùng - theo nghĩa là tất cả các ám ảnh sợ hoặc tất cả các hành vi cưỡng chế đều được xem là giống nhau - mà chúng còn liên quan với cách biểu thị các dấu hiệu (signifiers) phù hợp với một cá nhân cụ thể và tiền sử của người đó, và chiều hướng này, xuất hiện trong cách phát biểu của người đó, phải được xem xét. Điều này đòi hỏi một chẩn đoán không chỉ dựa trên quan sát hành vi mà còn phải dựa trên lắng nghe bệnh nhân. Trừ khi những khía cạnh riêng tư đặc biệt này được lắng nghe, chúng ta có nguy cơ phi nhân tính hoá (dehumanising) hoàn toàn ngành tâm thần học. Các nhà phân tâm đã là những người bảo vệ chủ nghĩa nhân văn bị đe dọa từ mọi phía bởi khoa tâm thần học DSM. Họ là những người bảo vệ cho cách thực hành theo từng trường hợp, tập trung vào sự khác biệt của từng cá nhân, một cách thực hành luôn là những sản phẩm theo yêu cầu riêng (bespoke) hơn là hướng tới các giải pháp được thực hiện sẵn (ready-made solutions).

Ngày càng có nhiều bệnh nhân cảm thấy có sự nhẹ nhõm khi các triệu chứng của họ phù hợp với điều mà Lacan gọi là “phổ quát khoa học” (scientific universal), theo nghĩa là chẩn đoán với sức hấp dẫn khoa học đã gọi tên cho nỗi đau tinh thần của họ. Đối với một số người, ý tưởng rằng khoa học thực sự có thể làm điều gì đó tự nó có tính chất trị liệu, cũng như đối với một số người khác, ý tưởng về việc phát hiện ra ý nghĩa của chứng trầm cảm, lo âu hoặc thậm chí là hoang tưởng của bệnh nhân cũng có thể mang tính trị liệu tương tự. Ngoài ra, ngày nay, có sự vượt trội hơn về mặt nhận thức luận khi người ta nói về khoa học và các chất dẫn truyền thần kinh nhiều hơn là nói về ngôn ngữ và những ký hiệu biểu thị (language and the signifier).

Phản ứng chống chủ nghĩa tự nhiên, khoa học sai lầm và sự phủ nhận những nỗi khổ tâm (The anti-naturalist response, false science and the denial of psychic suffering)

Đối mặt với những tiến bộ trong tri ​​thức của chúng ta về não bộ, các nhà phân tâm học lúc đầu vẫn phủ nhận, sau đó đã có những nỗ lực cộng tác nhất định. Giờ đây, họ đồng ý rằng khoa học nhận thức đã mang lại nhiều tiến bộ và các mô hình của họ đã dẫn đến một số ứng dụng có lợi cho việc điều trị bệnh nhân tâm thần.

Ví dụ, trong lĩnh vực tự kỷ, kiến ​​thức mới về các rối loạn cảm giác có yếu tố di truyền đã cho phép cải biên lại môi trường và khuôn khổ điều trị cho người tự kỷ. Một số giả thuyết cũng đã dẫn đến việc lập ra các chiến lược giáo dục phù hợp hơn.

Tuy nhiên, những tiến bộ này vẫn còn rất khiêm tốn và không thể biện minh cho sự thái quá của tính khoa học (scientistic excesses), khoa học sai lầm (false science), những tin giả về khoa học (scientific fake news) và các vị thế của chủ nghĩa tự nhiên chính thống (orthodox naturalist positions). Không có dấu chỉ sinh học chính thức nào (No genuine biological markers) được tìm thấy cho bất kỳ bệnh tâm thần nào; chẩn đoán vẫn còn là một vấn đề của phương pháp tiếp cận lâm sàng và tầm quan trọng của chẩn đoán hình ảnh về thần kinh (neuro-imaging) phần lớn đã được thổi phồng quá mức (overestimated). Chỉ có một lời hứa suông (nguyên văn: a rhetoric of promise – Một phép tu từ về sự hứa hẹn – ND), đó là tâm thần học sinh học chưa tồn tại, cái đã tồn tại là tâm thần học dược lý (biological psychiatry does not yet exist, what exists is a pharmacological psychiatry).

Hãy để tôi cung cấp cho bạn một ví dụ rất cụ thể về một phương pháp tiếp cận theo “chủ nghĩa tự nhiên quá mức” (Nguyên văn dùng từ rất đậm đà: abusively naturalist approach): Rối loạn thiếu tập trung, có hoặc không có tăng động, thường được gọi là ADHD, đã “thay thế” cho chứng tăng vận động (hyperkinesia). Rối loạn này từng được coi là một rối loạn hành vi cho đến DSM IV-R, nhưng trong phiên bản gần đây nhất (tức DSM-5), nó đã trở thành một rối loạn phát triển thần kinh (neuro-developmental disorder), cùng với chứng tự kỷ. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn trẻ em được chẩn đoán mắc chứng ADHD trên thực tế là những đứa trẻ “khó tính” hoặc “không thể quản lý được”, không thể “quản lý” bởi cha mẹ, nhà trường, xã hội... Bằng cách làm cho ADHD trở thành một rối loạn phát triển - thần kinh, nói cách khác, rối loạn liên quan đến rối loạn chức năng não, từ đó xóa bỏ các vấn đề xã hội, giáo dục hoặc sư phạm, chúng ta đã “tự nhiên hóa” (naturalise) tình trạng “bất khả thi trong xử lý” này (impossibility of management), mà từ đó sẽ tiềm ẩn những hậu quả chính trị và đạo đức. Chủ nghĩa tự nhiên này, dĩ nhiên, không còn được trình bày như một quan điểm cứng nhắc về sự vật, do bởi khái niệm về tính uyển chuyển của não (brain plasticity) vẫn liên tục được cổ suý và đôi khi còn được mở rộng một cách không thích đáng, nhưng khuynh hướng chủ nghĩa tự nhiên này đôi khi còn đi xa đến mức từ chối cả sự tồn tại của một thực tại tâm trí (psychic reality); thứ duy nhất tồn tại chỉ là bộ não và quá trình xử lý thông tin của nó, các thuyết còn lại chỉ là những thuyết mị dân (obscurantism) và thuyết duy linh (spiritualism) được thành lập dựa trên quan điểm nhị nguyên lỗi thời của Descartes (anachronistic cartesian dualism).

Giới phân tâm học nhận thấy điều quan trọng là phải quan tâm đến nỗi khổ tâm của từng cá nhân và duy trì quan điểm nhị nguyên về tâm trí và não bộ (mind-brain dualism) mà đây là xét trên bình diện nhận thức luận hơn là trên bình diện siêu hình học (epistemological rather than metaphysical). Do đó, việc phủ nhận đau khổ và thực tại tâm trí vào đầu thế kỷ 21 đã thay thế cho việc phủ nhận tính dục trẻ thơ (infantile sexuality) ở đầu thế kỷ 20.

Các vấn đề về tính chuẩn mực, việc chẩn đoán và kê đơn quá mức (Questions of normativity, overdiagnosis and over-prescription)

Freud cho rằng có một phần lành mạnh ở tất cả mọi người, ngay cả những người loạn trí nặng nhất. Trái ngược với các nhà tâm thần học, các nhà phân tâm không lấy một mẫu “người bình thường” vốn không tồn tại làm cái mốc để tham chiếu, tuy vậy, họ vẫn làm việc với một sự tham chiếu nhất định về một chuẩn mực (norm). Các phiên bản tiếp theo của DSM đã đưa vào những ngưỡng chẩn đoán càng lúc càng giảm dần đối với một số chứng rối loạn và vì thế đã gây ra xu hướng bệnh lý hoá (pathologize) đối với một số hành vi, đặc biệt là ở trẻ em, dễ dẫn đến chẩn đoán quá mức và kê đơn thuốc quá mức. Giới phân tâm học đã tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại việc y khoa hóa quá mức, chẳng hạn như trong trường hợp đau thương (grieving) (mà nay chỉ cần kéo dài hai tuần trở lên thì đã xem là trầm cảm) hoặc gần đây hơn là vấn đề liên quan đến thời gian sử dụng các thiết bị điện toán (screen time: ngụ ý chỉ thời gian dành để nhìn vào các màn hình, vi tính, diện thoại…)

Nghịch lý thay, lập trường chống lại việc chẩn đoán và kê đơn quá mức này lại tạo ra tiếng vang trong số những người ủng hộ nền kinh tế tự do (liberal economy), những người hiểu về việc đó như là một cuộc đấu tranh chống lại sự lãng phí và tình trạng lãng công.

Liên minh với người dùng dịch vụ (The alliance with service users)

Các nhà phân tâm đã nhận thức được tầm quan trọng của các hiệp hội người tiêu dùng, không phải tất cả các hiệp hội này đều phục vụ cho Big Pharma. Có ba lý do để biện minh cho sự liên minh giữa giới phân tâm học và những người tiêu dụng:

Trước hết, trước khi một nhà phân tâm bắt đầu hành nghề, chính anh ta phải là đối tương trải qua sự phân tích tâm lý; anh ta là một “người tiêu dùng của phân tâm học” (user of psychoanalysis) và rồi kết hợp tính chuyên môn lâm sàng và chuyên môn kinh nghiệm trong việc hành nghề của riêng mình. Ngoài ra, bởi vì trong trị liệu phân tâm, chính người được phân tâm (analysand) là người phát biểu, và một nhà phân tâm sẽ tự nhiên thấy khá dễ dàng khi thừa nhận rằng người dung cũng cần có tiếng nói của họ. Cuối cùng, ngày càng có nhiều nhà phân tâm đồng thời là bác sĩ tâm thần đã kết nối với các hiệp hội của những người sử dụng dịch vụ tâm thần để hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của họ, đấu tranh chống lại sự phân biệt (segregation), bị từ chối quyền công dân của họ, các phương pháp mang tính bức hại, và những quy định buộc họ tuân thủ (Nguyên văn: Red tape)... Trung thành với vai trò truyền thống của phân tâm học và nhờ cách lắng nghe vô thức cũng như cách xử lý các chuyển cảm (transference), họ đã mang lại sự hỗ trợ cho những vấn đề chủ quan và phức tạp hơn, chẳng hạn như lập một kế hoạch mới cho đời sống, tái lập lại bản thân, tái lập lại đời sống xã hội, giải phòng bản thân thoát ra khỏi những chẩn đoán, vv…

Phân tâm học và sự lượng giá (Psychoanalysis and evaluation)

Bắt đầu từ thập niên 1980, y học dựa trên bằng chứng (EBM - evidence-based medicine) đã trở thành độc tôn trong tâm thần học, bao gồm cả sự đồng thuận về việc phân cấp nghiêm ngặt đối với các bằng chứng. Các nghiên cứu lâm sàng để đánh giá phương pháp điều trị phân tâm đã tồn tại từ lâu, nhưng những nhà phân tâm chỉ công bố các trường hợp độc nhất vô nhị, và họ nhận thấy rằng các trường hợp được công bố của họ đã bị giáng xuống thứ hạng thấp nhất trong hệ thống phân cấp bằng chứng (evidence hierarchy). Họ phải đối mặt với một tình huống khó xử: hoặc (1) Họ sẽ từ chối hệ thống lượng giá EBM bằng cách sử dụng các lập luận vững chắc, vì nó dựa trên mô hình của các thử nghiệm lâm sàng mù đôi ngẫu nhiên (randomised double-blind clinical trials) được sử dụng để chứng minh hiệu quả của việc dùng thuốc và kết quả là phân tâm học sẽ trở nên không phù hợp (non-consensual), hoặc (2) Họ sẽ thích ứng theo với hệ thống EBM.

Ngày nay, cuộc tranh luận vẫn còn tiếp tục và việc ​​phản đối tham gia vào hệ thống EBM là những ý kiến nghiêm túc và có cơ sở lập luận. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phân tâm vẫn cố gắng chứng minh hiệu quả của trị liệu phân tâm, đặc biệt trong trị liệu tự kỷ mà không “phản bội” lại những nền tảng đạo đức của loại liệu pháp này. (Tham khảo: JM Thurin, M.Thurin, D.Cohen, B.Falissard; Psychothérapiques de l'autisme. Résultats préliminaires à partir de 50 études intensives de cas Neuropsychiatrie de l'enfance et l'adolescence 62 52014) 102-118)

Để kết luận, cuộc đấu tranh của giới phân tâm học chống lại DSM có rất nhiều hình thức và chứa đựng vô số những nghịch lý, mâu thuẫn và thái quá; tuy nhiên, nó cũng là một công việc trong sáng đối với nền văn hóa và văn minh, trung thành với vai trò mà Freud đã giao phó cho phân tâm học trong các văn bản mang định hướng về nhân học của ông (faithful to the role Freud assigned to psychoanalysis in his more anthropologically-oriented texts).

Bản dịch tiếng Anh của bài viết được đăng trên Mad In Americe


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...