Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

VÌ SAO CHÚNG TA THÍCH XEM NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ ĐẠI DỊCH (*)

* Tựa bài được đặt lại

* Tựa gốc: COVID-19 sẽ định hình nền văn hóa đại chúng trong nhiều năm tới, nhưng hiện tại chúng ta yêu thích những câu chuyện về đại dịch

"COVID-19 will shape pop culture for years to come, but for now we love pandemic stories"
Tác giả: EMMA NOBEL – Nhà báo Úc, Phụ trách chương trình Life Matters của đài ABC Radio National
Nguồn: ABC News - Posted 12 Apr 2020; Updated 12 Apr 2020

Người dịch: ÔN BÍCH NGỌC – Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường



Những điểm chính

+ Những câu chuyện hư cấu về đại dịch cung cấp cho chúng ta một cách để trải nghiệm nỗi kinh hoàng theo cách có kiểm soát.

+ Chúng ta có thể thấy sự gia tăng của các bộ phim truyền hình và điện ảnh về đại dịch trong vài năm tới.

+ Đại dịch coronavirus có khả năng thay đổi văn hóa đại chúng trong những năm tới.

Bạn không phải người duy nhất khi ngạc nhiên về cách mình phản ứng với đại dịch này, cho dù là như thể chơi trò ghép hình lần đầu tiên sau nhiều năm, hoặc như đang xem lại những bộ phim cũ về những điều tệ hại.

Nhưng bạn có thể thấy mình ở vào một trong hai thể loại sau:

Tiến sĩ Helen Young, giảng viên nghiên cứu văn học tại Trường Truyền thông và Sáng tạo nghệ thuật tại Đại học Deakin, cho biết: “Mọi người đang có hai phản ứng khác nhau - một là chủ nghĩa “thoát tục” (escapism), giống như những người đang chơi trò chơi “Animal Crossing” (Trò chơi Nintendo).

Kế đó, lại có những người thích xem tất cả các bộ phim, các chương trình truyền hình và đọc những quyển sách."

Animal Crossing: New Horizons, trò chơi giả lập cuộc sống lành mạnh của Nintendo, đã bán được hàng triệu bản kể từ khi phát hành vào ngày 20/3 - nhưng hàng triệu người khác đang xem xét mọi thứ, từ phim kinh dị chính trị zombie của Hàn Quốc đến kho phim tài liệu về đại dịch của Netflix, để giúp họ hiểu những gì đang xảy ra trong cuộc sống thực.

Nhưng nhiều cuộc họp báo hàng ngày và chu kỳ tin tức không ngừng cho thấy rằng một lượng lớn thông tin về Covid – 19 luôn có sẵn trong tầm tay của bạn.

Rồi thì tại sao bạn lại tìm kiếm những câu chuyện liên quan đến đại dịch - đặc biệt là những câu chuyện hư cấu?

Tiến sĩ Lauren Rosewarne, giảng viên cao cấp tại Trường Khoa học Chính trị và Xã hội thuộc Đại học Melbourne đã đồng ý rằng: “Tôi biết, điều đó có vẻ hơi kỳ lạ.

"Nhưng chính sự hư cấu đó cho phép chúng ta chạy trốn thực tại một chút, mặc dù nó vẫn giống với những gì chúng ta đang trải nghiệm trong cuộc sống.

Những câu chuyện hư cấu về đại dịch cung cấp cho chúng ta một cách để trải nghiệm nỗi kinh hoàng theo cách có thể được kiểm soát, với nhịp độ mà chúng ta mong đợi, nơi đó luôn có cách để giải quyết vấn đề và ở đó chúng ta luôn có thể tắt TV nếu cảm thấy quá sức chịu đựng.

"Đại dịch" là những gì chúng ta đang tìm kiếm

Theo Google Trends (Xu hướng tìm kiếm trên Google), sự quan tâm đến các chương trình truyền hình, phim và sách về ngày tận thế và đại dịch đang bùng nổ ở Úc.

Các tìm kiếm trên Google với từ khóa "phim về vi-rút", "phim về đại dịch" và "truyền hình về đại dịch" đều tăng đột biến ở quốc gia này kể từ tháng 12/2019.

Những bộ phim như Pandemic (Đại dịch) và Contagion (Sự truyền nhiễm) là những bộ phim được tìm kiếm nhiều nhất. Tìm kiếm về những dự đoán cho ngày tận thế cũng tăng lên. Điều đó cho thấy sự thèm muốn ngày càng tăng đối với thể loại này.

Tiến sĩ Rosewarne nói rằng không có gì ngạc nhiên khi trong thời kỳ khủng hoảng chúng ta bắt đầu viết sách, làm phim, chương trình truyền hình có liên quan đến nó. Chúng ta đã làm điều đó trước đây.

Bà nhận định: “Hollywood luôn nắm bắt được mọi thể loại tư duy (zeitgeist) và khai thác nó trong nền văn hóa đại chúng của chúng ta".

"Chúng ta sẽ có hàng loạt phim truyền hình và phim điện ảnh về đại dịch trong vài năm tới, bởi vì điều đó đã luôn xảy ra mỗi khi chúng ta có sự kiện nào đó, từ việc núi lửa phun trào đến một cuộc tấn công khủng bố."

Bản thiết kế văn hóa 11/9 (9/11 cultrure blueprint)

Tiến sĩ Rosewarne chỉ ra vụ tấn công khủng bố 11/9 (2001) như một ví dụ về một sự kiện có thật, đóng vai trò như một bản thiết kế sẵn cho văn hóa đại chúng noi theo trong hai thập kỷ qua.

Bà nói: “Sau ngày 11/9, chúng ta nổi lên nhiều câu chuyện xoay quanh việc tái khẳng định quyền lực của Mỹ, nhưng cũng khai thác những thứ như sự giám sát theo dõi (surveillance)  và nạn khủng bố (terrorism).

Các chương trình truyền hình như “Homeland, 24” và “Designated Survivor” chứng minh rằng khoa học viễn tưởng có thể phản ánh rất gần với cuộc sống thực tế về chủ nghĩa khủng bố và chứng hoang tưởng nghi hại (paranoia) sau vụ 11/9.

"Bạn cũng đã thấy một lượng lớn các bản làm lại từ các câu chuyện thời Chiến tranh Lạnh, và đây là lý do tại sao tôi không nghi ngờ gì rằng bạn sẽ thấy - trong một vài năm tới - các bản làm lại (remake) của các câu chuyện đại dịch trước đó."

"Thậm chí còn sắc nét hơn ngày 11 tháng 9, đây là điều mà cả thế giới đang thực sự trải qua."

Cái kết mà chúng ta tìm kiếm

Tiến sĩ Young cho biết bà đã thấy nhiều người bàn tán trên mạng về những tiểu thuyết viễn tưởng, phim ảnh và chương trình truyền hình liên quan đến đại dịch để cố gắng "tạo nên ý nghĩa về những gì đang xảy ra", bao gồm cả series phim truyền hình “Kingdom” của Hàn Quốc – một phần kịch tính về đấu tranh chính trị, một phần kinh dị về bệnh dịch zombie - bắt đầu được phát trực tuyến trên Netflix.

Mùa thứ hai (second season) của chương trình đã được ra mắt gần đây và Tiến sĩ Young cho rằng sự ra mắt vào thời điểm này là một cách để đưa ra những lý giải tích cực và dễ hiểu về bệnh dịch zombie như một cách để hiểu những gì đang xảy ra trong thế giới thực.

Cô ấy nói: "Bệnh dịch thây ma (Zombie plague) trở thành một vấn đề vì lòng tham lam và tệ tham nhũng và vì vậy đó là một cách suy nghĩ về việc tại sao chúng ta lại gặp phải vấn đề này".

"Khi bạn xem một bộ phim, đó thực sự là một câu chuyện được truyền tải, vì vậy nó khá là khác với cuộc sống thực bởi vì chúng ta đang ở trong một không gian kỳ lạ, nơi nó thực sự nhàm chán, nhưng đồng thời cũng thực sự căng thẳng.

" Điện ảnh thì ngược lại với điều như thế ".

Tiến sĩ Young cho biết các bộ phim và sách về đại dịch có thể là một cách dễ dàng hơn, chặt chẽ hơn để tương tác với những gì đang diễn ra - với sự kết thúc đã được đoan chắc.

"Xem một bộ phim hoặc đọc một cuốn sách cho bạn cảm giác rằng nó sẽ kết thúc, rằng sẽ có một thứ gì đó sẽ khiến điều này dừng lại."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...