Thứ Hai, 9 tháng 8, 2021

THẢM HOẠ VÀ KHỦNG HOẢNG

“DISASTER VERSUS CRISIS? “

Tác giả: JO DA SILVA – Cộng tác viên của Diplomatic Courier; Cô nổi tiếng với công việc nhân đạo với tư cách là một kỹ sư và có bằng Tiến sĩ danh dự về ngành Công chánh phục vụ mục đích nhân đạo (humanitarian engineering) của Đại học Coventry ở Vương quốc Anh. Cô có chân trong một số tổ chức về phục hồi và phát triển.

Nguồn: DIPLOMATIC COURIER - A GLOBAL AFFAIRS MEDIA NETWORK - April 6, 2020

(Mạng lưới Truyền thông Các Vấn đề Toàn cầu)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Dòng tin tức liên tục về cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện tại có vẻ đang trở nên choáng ngợp và chúng đáng để cho chúng ta dành thời gian suy nghĩ về bản chất của nó. Chúng ta có ý gì khi nói về “khủng hoảng” và bằng cách nào mà một sự kiện như thế có thể thông báo và định hình phản ứng của chúng ta - cho dù trong cương vị là cá nhân, cộng đồng, công ty hay vai trò của một chính phủ?

Trong lĩnh vực xử lý tình huống khẩn cấp (emergency management), thảm họa thường được kích hoạt bởi một sự kiện cụ thể vào một thời điểm và địa điểm nhất định, chẳng hạn như động đất hoặc một vụ nổ công nghiệp.

Tôi (tác giả bài viết) đã chứng kiến ​​tác động thảm khốc và trên diện rộng của một thảm họa lớn đối với cuộc sống của người dân, khi làm việc tại Sri Lanka và Indonesia sau trận sóng thần vào “Ngày lễ tặng quà” (Boxing Day – Thường vào 26/12 hằng năm ở Anh - ND) năm 2004, khi mà có hơn 220.000 người đã thiệt mạng ở 14 quốc gia. Nhiều người khác đã mất kế sinh nhai hoặc phải được tái định cư nơi khác vì nhà cửa đã bị phá hủy. Nhưng, như một người sống sót sau trận sóng thần ở Jaffna đã nói với tôi, “Sóng thần đã đến và biến mất. Chúng tôi sẽ phục hồi. Thế nhưng, xung đột giữa chính phủ và Những chú hổ Tamil vẫn tiếp diễn và chúng tôi không biết nó sẽ kết thúc như thế nào”. (Tác giả đang đề cập tình hình ở Sri Lanka năm 2001, với Nhóm Hổ Tamil nổi dậy đòi ly khai và chống lại chính phủ – ND)

Anh ấy đang mô tả một cuộc khủng hoảng - một giai đoạn trong đó sự gián đoạn, bối rối và đau khổ có thể xảy ra trong nhiều tháng trong khi tình hình vẫn diễn biến.

Trải nghiệm đầu tiên của tôi về khủng hoảng đó là cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Rwanda năm 1994, khi hơn một phần tư triệu người chạy khỏi đất nước, vượt qua Tanzania, và sau đó là Cộng hòa Dân chủ Congo, trong khoảng thời gian vài tháng. Không ai biết có bao nhiêu người sẽ đến mỗi ngày - vài trăm, hoặc hàng ngàn - hoặc khi nào họ có thể trở về nhà. Vai trò của tôi bao gồm việc sửa chữa và duy trì những con đường đất để có thể đưa thực phẩm và thuốc men đến các trại tỵ nạn, xây dựng các trung tâm phân phối, nhà kho và nhà vệ sinh. Tôi nhận ra rằng cơ sở hạ tầng - nước, năng lượng, đường sá, nhà ở, nhà vệ sinh – vốn quan trọng như thế nào trong việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của chúng ta. Khi dịch tả bùng phát ở Goma (thủ phủ của tỉnh North Kivu, Cộng hoà Dân chủ Congo - ND), thì việc kềm chế để ngăn chặn sự lây lan của nó đã trở thành công việc ưu tiên số một, cũng giống như với dịch bệnh do coronavirus hiện nay.

Đại dịch Covid-19 được xếp loại là một "khủng hoảng có khởi phát chậm, nhưng lan rộng." Điều này phản ánh sự gia tăng dần về số lượng người nhiễm bệnh và sự lan toả dịch ra các khu vực. Bản chất của phản ứng (đối với dịch bệnh) khác với trường hợp một cuộc tấn công khủng bố hoặc một trận động đất, hoặc một sự kiện bất ngờ khác ở một địa điểm cụ thể, vì đó là những “thảm họa xảy ra nhanh chóng, nghiêm trọng”.

Các cuộc khủng hoảng khởi phát chậm bao gồm hạn hán, xung đột và đại dịch. Những dấu hiệu ban đầu của một cuộc khủng hoảng có thể khó nhận ra hoặc tầm quan trọng của chúng có thể bị bỏ qua. Dự báo về ngày “Day Zero” của thành phố Cape Town, Nam Phi, đã gây xôn xao toàn cầu vào năm 2018 khi một thành phố 4 triệu dân gần như cạn kiệt nước, thế nhưng căng thẳng về nước đã là một vấn đề ngày càng gia tăng trong nhiều thập kỷ qua do dân số ngày càng tăng và khí hậu thay đổi. Ngày nay, trong số các thành phố có hơn 3 triệu dân, Viện Tài nguyên Thế giới kết luận rằng 33 thành phố trong số đó, với tổng dân số hơn 255 triệu người, phải đối mặt với áp lực cực kỳ cao về nhu cầu dùng nước.

*Chú thích: Day Zero (Ngày số 0; Ngày Zero) ở đây được định nghĩa là ngày mà một cộng đồng cư dân địa phương nào đó trải nghiệm thời điểm xảy ra việc không còn nước để sử dụng – Theo nguồn: Hành Tinh Titanic – ND)

Nếu được nhận biết đủ sớm, sẽ có một cơ hội để bắt tay vào việc xử lý và chấm dứt một cuộc khủng hoảng có khởi phát chậm. Những phản ánh từ những người phụ trách phản ứng của Cape Town với “Day Zero” kể cho chúng ta nghe câu chuyện về cách làm thế nào mà họ đã nắm bắt được thời điểm quyết định để ngăn chặn khủng hoảng.

Các thảm họa có khởi phát đột ngột được đặc trưng bởi sự thiệt hại về nhân mạng, tổn thương hoặc thiệt hại về tài sản, và thường dẫn đến di dời các cư dân. Tuy nhiên, tác động thực sự của một thảm họa đối với cuộc sống của người dân và nền kinh tế của một quốc gia thì cần phải được hiểu trong bối cảnh. Bão Katrina (tấn công vào vùng Đông Nam Hoa Kỳ - ND) năm 2005 vẫn là cơn bão nhiệt đới tốn kém nhất được ghi nhận, gây thiệt hại 125 tỷ USD và 1.883 người chết, khiến hàng triệu người mất nhà cửa do lũ lụt. Ở Haiti, trận động đất năm 2010 đã giết chết hàng trăm nghìn người, hơn 5 triệu người mất nhà cửa và thiệt hại - bao gồm 4.000 trường học - vượt quá GDP của đất nước này, khiến việc phục hồi trở thành một thách thức đáng kể.

Biện pháp ứng phó là ngăn chặn ngay lập tức những thiệt hại về nhân mạng bằng cách bảo đảm cho mọi người có thể tiếp cận với nước, thực phẩm, nơi ở, vệ sinh và chăm sóc y tế, sau đó ưu tiên phục hồi sớm để cuộc sống và các cơ sở trường học, công việc, chợ búa... có thể trở lại bình thường. Chính những cá nhân, cộng đồng và quốc gia có tình trạng nghèo đói, dễ tổn thương và bị thiệt thòi là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất và cần được giúp đỡ nhiều nhất để phục hồi.

Điều này cũng đúng đối với các cuộc khủng hoảng khởi phát chậm có xu hướng ảnh hưởng đến con người với số lượng lớn vì tác động của chúng rất rộng và phức tạp. Khủng hoảng luôn có ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế và xã hội, xét về mặt sinh kế, dinh dưỡng, sức khỏe tinh thần, sản xuất hay sự gắn kết xã hội, lẫn nhiều khía cạnh khác. Các phản ứng đối với một cuộc khủng hoảng có khởi phát chậm có hiệu quả hay không thì phải dựa vào khả năng theo dõi tình hình và ứng phó với những thách thức trước mắt, cũng như khả năng dự đoán những gì có thể xảy ra tiếp theo dựa trên việc học hỏi từ các khủng hoảng trước đó. 

Một cuộc khủng hoảng có khởi phát chậm có thể làm phức tạp việc đưa ra quyết định về thời điểm hành động và thời điểm an toàn để chuyển sang giai đoạn phục hồi, đặc biệt nếu các tác động vẫn còn đang diễn ra hoặc chậm mất đi. Các thảm họa thiên nhiên thường sẽ nhanh chóng ập đến các dòng tin chính, nhưng sự quan tâm có thể giảm đi nhanh chóng. Trong một cuộc khủng hoảng có khởi phát chậm, sự tham gia bền vững của công chúng và chính trị là rất quan trọng và phương tiện truyền thông đóng một vai trò có tính then chốt.

Lãnh đạo là yếu tố sống còn. Các nhà lãnh đạo trong chính phủ hoặc trong công ty, cũng như trong cộng đồng và gia đình, phải làm rõ các ưu tiên trong hành động, tránh nhầm lẫn và giúp mang lại sự an tâm. Thông điệp cần phải rõ ràng, nhất quán và đầy đủ thông tin, đồng thời có những hỗ trợ phù hợp, với điều kiện cho phép các cá nhân đóng góp phần mình vào việc hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng và thích nghi với cuộc sống hằng ngày của họ khi cần thiết.

Tác động của khủng hoảng tuỳ thuộc vào khả năng chống chịu (resilience) của xã hội và nền kinh tế, cũng như của cơ cấu hạ tầng đang nâng đỡ cho cả hai thứ ấy. Sức chống chịu (resilience) được xem là khả năng chịu đựng, thích nghi và phục hồi sau khi bị gián đoạn do cú sốc đột ngột, do hoàn cảnh thay đổi nhanh chóng hoặc do tình trạng stress diễn tiến từ từ. Nó tuỳ thuộc vào việc mọi người có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, ra quyết định sáng suốt ở mọi cấp độ và có sự gắn kết xã hội mà từ đó có thể quyết định khả năng của chúng ta để sống một cách an bình và hành động tập thể.

Chúng ta sẽ chỉ thực sự hiểu được khả năng chống chịu lâu dài của mình đối với cuộc khủng hoảng hiện tại khi chúng ta có thể nhìn lại từ một vị trí ổn định mới (look back from a new, stable position). Tuy nhiên, từ thảm họa và khủng hoảng, chúng ta biết rằng khả năng chống chịu phải đến từ nhiều góc độ khác nhau. Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng phải làm việc cùng nhau để hỗ trợ cả những ứng phó trước mắt lẫn sự phục hồi lâu dài. Các công ty công lập và tư nhân sở hữu và vận hành các dịch vụ và cơ sở hạ tầng quan trọng, từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và cung cấp thực phẩm, đến đường sá, điện, nước và thông tin liên lạc, tất cả đều chung tay hỗ trợ xã hội, tất cả đều là một phần của một hệ thống lớn hơn. 

Cuộc khủng hoảng này là một cơ hội để xem xét lại khả năng chống chịu của chúng ta. Không chỉ đối với Covid-19 và tác động rộng lớn hơn mà nó đang gây ra đối với nền kinh tế, mà còn đối với tương lai không chắc chắn và đối với biến đổi khí hậu - một cuộc khủng hoảng “bắt đầu chậm trên diện rộng” khác, cũng đang đòi hỏi sự đổi thay mang tính chuyển đổi (Nguyên văn: “climate change—another “slow-onset extensive” crisis that requires transformational change”). Mọi khía cạnh của xã hội cần phải thay đổi để giữ cho sự nhiệt hoá toàn cầu ở mức 1,5 độ, hoặc sẽ phải xử lý hậu quả nếu chúng ta không làm như vậy và vẫn duy trì việc đạt mức từ 3 độ trở lên vào cuối thế kỷ này. Cả tình trạng biến đổi khí hậu lẫn dịch bệnh Covid-19 đều không tôn trọng đường ranh giới giữa các quốc gia, và các quốc gia phải làm việc cùng nhau, học hỏi lẫn nhau để đẩy nhanh quá trình hành động.

Có những bài học cần rút ra từ cách mà tất cả chúng ta phản ứng với Covid-19, bao gồm những khả năng cho sự thay đổi toàn cầu, được báo hiệu bằng cách làm thế nào để “sức khỏe của hành tinh này” (the health of the planet) được cải thiện trong ngắn hạn, khi mà hoạt động của con người bị buộc phải chậm lại.

*Các quan điểm được trình bày trong bài viết này là của riêng tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của bất kỳ tổ chức nào khác.

 

Xem những bài viết có liến quan:

DỊCH VỤ SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO THÂN CHỦ TRONG TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG HOẶC THẢM HOẠ - KỲ 1

DỊCH VỤ SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO THÂN CHỦ TRONG TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG HOẶC THẢM HOẠ - KỲ 2

DỊCH VỤ SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO THÂN CHỦ TRONG TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG HOẶC THẢM HOẠ - KỲ 3


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...