Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

DỊCH VỤ SỨC KHOẺ TÂM THẦN CHO THÂN CHỦ TRONG TÌNH TRẠNG KHỦNG HOẢNG HOẶC THẢM HOẠ - Kỳ 2

“Providing Mental Health Services to Clients in Crisis or Disaster Situations”
Tác giả: HOWARD B. SMITH
Nguồn: Hội Tham vấn Hoa Kỳ (ACA)

Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN



Có nhiều yếu tố ảnh hưởng trên cách một cá nhân đáp ứng với khủng hoảng hoặc thảm hoạ. Năm 1995, Hội Chữ Thập Đỏ Hoa Kỳ đã xác định một số yếu tố như thế theo nghĩa rộng. Họ lưu ý rằng bản chất của sự kiện tự nó cũng là một trong số các yếu tố. Sự kiện đó do con người gây ra hay có nguồn gốc từ thiên nhiên? Sự kiện xảy ra vào thời điểm nào trong ngày? Việc đó xảy ra có gì báo trước hay không? Nó kéo dài bao lâu? Đây là những câu hỏi cần được đặt ra để có thể thực hiện một đánh giá tổng thể cho các đáp ứng của đương sự.

Một yếu tố khác có ảnh hưởng trên cách thức đáp ứng với khủng hoảng hoặc sang chấn đó là chính bản thân con người của đương sự. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, đương sự có tình trạng sức khoẻ thể lý và cảm xúc như thế nào? Đang có sẵn loại dịch vụ hỗ trợ nào tại chỗ? Đương sự có tiếp xúc với khủng hoảng hoặc thảm hoạ nào khác trước đó hay không? Các yếu tố nhân khẩu học mô tả về đương sự, ví dụ: tuổi tác, khả năng về thể lý, điều kiện tài chính, và các chủ đề về tính khác biệt, đa dạng (diversity). Các yếu tố này cũng phải được đánh giá.

Các yếu tố khác có ảnh hưởng trên cách thức đáp ứng với khủng hoảng hoặc thảm hoạ phải được xem xét dựa vào tính chất của cộng đồng nơi xảy ra vụ việc. Lĩnh vực quan tâm này nêu ra những câu hỏi liên quan đến mật độ dân cư, số lượng đã và có thể chịu tác động của sự kiện, tình hình chính trị tại cộng đồng đó, quy mô của cộng đồng là lớn hay nhỏ, các nguồn lực đáp ứng sẵn có và lịch sử đặc thù của cộng đồng đó trong việc đáp ứng với các thảm hoạ có trước đó.

Do có những thể loại chung về phản ứng và các yếu tố ảnh hưởng này, việc đánh giá chính xác tình trạng của thân chủ trong khủng hoảng hoặc thảm hoạ là điều vô cùng quan trọng. Myer (2001) đã phân biệt 5 cách tiếp cận để đánh giá.

Đầu tiên là cách “đánh giá theo kiểu chẩn đoán” (diagnostic assessment), cách này tìm kiếm sự hiện diện của những triệu chứng (symptom) để gợi ý về một bệnh lý hoặc một rối loạn có thể có. Cách thức tiếp cận này có thể xem là theo “mô hình y khoa” (medical model).

Thứ hai là “tiếp cận trắc nghiệm tiêu chuẩn hoá” (standardized testing assessment), cách này bao gồm một tiến trình sử dụng phối hợp những loại trắc nghiệm đã được tiêu chuẩn hoá và thiết lập một hồ sơ (profile) nhằm xác định những điểm mạnh và/hoặc những điểm yếu của đương sự. Một tên gọi khác cho cách này là “tiếp cận tâm lý học” (psychological approach).

Thứ ba là cách “đánh giá triệu chứng” (symptom assessment), cách này đơn thuần nhằm xác định những triệu chứng cần đến những đánh giá và điều trị xa hơn, thường có tính chất để sàng lọc các thân chủ và thường chỉ cần thực hiện trong một vài phút.

Thứ tư là cách “đánh giá lịch sử về tâm lý” (psychological history assessment). Cách này nhằm mô tả lịch sử về các mặt phát triển, tâm lý và xã hội (developmental, psychological, and social history) của thân chủ và được áp dụng nhiều nhất để giúp cho người cung ứng dịch vụ có thể hiểu được thân chủ trong bối cảnh môi trường sống của họ từ một nhãn quan về tâm lý. Cách tiếp cận này có thể gọi là “mô hình công tác xã hội” (social work model).

Thứ năm, Myer mô tả về cách “đánh giá khủng hoảng” (crisis assessment), cách này tập trung vào việc đánh giá thân chủ cả về  mức độ vận hành chức năng lẫn khả năng thu thập thong tin liên quan đến tình huống khủng hoảng hoặc thảm hoạ nhằm giúp thân chủ huy động các nguồn lực của mình để có thể vượt tình trạng khủng hoảng tức thời. Điều làm cho mô hình này trở nên độc đáo đó là cả 4 loại tiếp cận trước đều được áp dụng để đưa ra những khuyến cáo cho tương lai. Cách đánh giá khủng hoảng thì lại thu thập thông tin để có thể được sử dụng tức thời bởi thân chủ.

Cách đánh giá khủng hoảng phải liên tục theo dõi các phản ứng của thân chủ để xác định cần can thiệp khủng hoảng ở mức độ như thế nào. Cũng có thể hiểu rằng sự hiểu biết có được từ mô hình đánh giá này nên được thực hiện trước và dung nó để hướng dẫn cho các nỗ lực của chuyên viên sức khoẻ tâm thần trong việc thúc đẩy sự thay đổi nơi thân chủ (Collins & Collins, 2005). Trong can thiệp khủng hoảng, tính cấp bách của việc đánh giá nhanh và chính xác phải được ưu tiên hàng đầu. Một người cung ứng dịch vụ sức khoẻ tâm thần thường phải đánh giá phản ứng của một thân chủ và khởi đầu việc trị liệu như một việc được tính bằng từng phút (Myer, 2001). Một sự đánh giá sai có thể khiến sự hỗ trợ không hiệu quả và thậm chí còn làm trầm trọng thêm tình trạng của thân chủ (Hoff, 1995; James & Gilliland, 2005).

Myer (2001) lưu ý rằng các chuyên gia sức khoẻ tâm thần cũng có nhiều rủi ro trong việc đưa ra những quyết định đánh giá sai do bởi tính chất của kiểu thảm hoạ (disaster setting). Bị xao nhãng bởi những yếu tố môi trường xung quanh cũng như hàng khối những nhu cầu cần hỗ trợ của rất nhiều thân chủ có thể khiến cho chuyên viên bị mất tập trung vào thân chủ mà mình đang trực tiếp đánh giá. Vị chuyên viên cũng có thể bị rơi vào một cạm bẫy là “phải nghe chính xác cùng một vấn đề rất rất nhiều lần” và vì thế dễ đưa ra những cách thức trị liệu “được định trước” (preordained treatment) đi ngược lại những gì được nghe thấy thực sự từ thân chủ cụ thể ấy. Chuyên viên cũng có thể bị quá sức khi đứng trước tình thế và những nhu cầu to lớn đến mức không thể tự nhận biết được những giới hạn về năng lượng và khả năng tập trung của mình nữa. Ngoài ra, luôn luôn phải nói đến một chủ đề đó là: có những chuyên viên sức khoẻ tâm thần ít được huấn luyện về can thiệp khủng hoảng.

Đón xem tiếp Kỳ 3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...