Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

NHỮNG MẪU CHUYỆN NHỎ TRONG NHÓM HOẠT ĐỘNG SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT

THẠCH TRẦN BẠCH LONG 
Cử nhân tâm lý, Chuyên viên Tâm lý học đường

Tốt nghiệp ngành tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM năm 2020, Bạch Long hiện đang công tác tại một trường học ở thành phố với vai trò một chuyên viên tâm lý học đường và phụ trách giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tự nhận mình là "Một học trò nhỏ của Trăng Non", anh đã theo đuổi nhiều đợt sinh hoạt chuyên môn tại Trăng Non. Bài viết đầy cảm hứng này như một đúc kết những điều tâm đắc của Long khi tham gia nhóm sinh hoạt chuyên môn với chủ đề về hoạt động sáng tạo nghệ thuật vừa mới kết thúc đầu năm nay 2021 tại CLB Trăng Non.

Chúng tôi tôn trọng và giữ nguyên văn bài viết của Bạch Long. Mời các bạn cùng xem!


Ảnh lưu niệm Nhóm Sáng tạo Nghệ thuật - Tháng 1/2021
(Long đứng bìa ngoài cùng bên trái)

Nghệ thuật là một điều gì đó quen thuộc với tôi. Tôi thích thơ, văn, âm nhạc… Nhưng lấy nghệ thuật để hiểu về bản thân, hiểu về cách ta nhìn cuộc sống thì đó thật sự là một trải nghiệm đặc biệt. Sau đây là một vài đoạn đối đáp của tôi ở Trăng Non trong lớp nghệ thuật này – nơi mà tôi khám phá được những định nghĩa mới về hạnh phúc, cầu sư,…

Hạnh Phúc

Một hôm, tôi như thường lệ đến tham gia buổi học của thầy. Chúng tôi nói về vài suy nghĩ của mình dưới dạng một hình ảnh được làm bằng một tờ giấy trắng cho thêm phần thú vị. Đến lượt tôi:

- Đây là một bông hoa hồng. Nó tượng trưng cho một điều mà em đang theo đuổi. Đó là Hạnh Phúc. Thật sự thì em cũng không biết chừng nào em có thể đạt tới.

- Vậy nó thể hiện ở đâu trong đóa hoa này của em. (Thầy hỏi)

- Em cũng không biết. Chỉ là nó là một cái gì đó tuyệt đẹp. Nó như thể một sự nở chín muồi của hoa hồng. Đẹp và đầy mê hoặc.

- Thế trước đó đóa hoa tuyệt đẹp ấy là gì?

- Dạ là nụ hoa.

- Vậy còn sau khi nở rộ. Đóa hoa ấy sẽ như thế nào?

- Dạ. Sẽ bị héo.

- Vậy em có biết lúc nào nụ hoa sẽ chuyển thành bông hoa và khi nào bông hoa sẽ chuyển thành hoa héo không?

Tôi vẫn chưa bắt được nhịp.

- Ý thầy là sao ạ?

- Là em có thể thấy được khoảnh khắc chuyển giao từ nụ sang bông, từ một đóa hoa đang nở sang một đóa hoa đang héo không?

- Chắc là không vì nó nhanh quá.

- Không phải nhanh mà thực tế cái khoảnh khắc chuyển giao ấy không hề tồn tại. Tất cả chỉ là một sự ảo tưởng xuất phát từ cái nhìn phiến diện của con người. Khi con người ta bám vào cái đẹp của hoa hồng đang nở thì người ta tách biệt hoa hồng với phần còn lại của một tiến trình. Thực tế thì không hề có sự phân chia giữa nụ hoa, hoa hồng, hoa héo. Hoa đang nở cũng có nghĩa là đang héo. Không có nụ hoa (cái em cho là chưa đủ đẹp) thì làm sao có hoa hồng (cái mà em cho là đẹp). Và khi em đang có một bông hoa đang nở (cái em cho là đẹp) thì cũng có nghĩa là đang tiến dần tới sự khô héo. Nụ hoa, hoa hồng, hoa héo. Nó luôn diễn ra như thế không phải sao?

Tôi im lặng suy nghĩ rồi đáp:

- Ý thầy là hạnh phúc là một ảo ảnh. Cái em đang cho là chưa hạnh phúc của hiện tại là cơ sở để em tiến tới một cái gì đó hạnh phúc hơn. Và khi em đạt tới cái trạng thái mà em cho là hạnh phúc thì cũng bắt đầu cho vài sự bất hạnh theo sau.

- Không hề có cái hạnh phúc nào được đạt tới ở đây. Đôi lúc người ta định ra cái hạnh phúc để đạt tới. Mà người ta quên đi cả một vòng của tiến trình. Nếu đã hiểu được cái tiến trình ấy thì sẽ không bị bám váo cái hạnh phúc cần đạt tới. Người ta sẽ có một tâm thế khác để đón nhận cái mà người đời gọi là hạnh phúc hay bất hạnh. Người ta sẽ bớt đi những tiêu chuẩn những định nghĩa loằng ngoằng về hạnh phúc. Nói vui là hạnh phúc không hề tồn tại. Nhưng do nó không hề tồn tại nên nó nằm trên mỗi bước ta đi.

Cầu Sư



Hôm nay chúng tôi bàn luận với nhau về một chủ đề thú vị liên quan đến tôi. Tôi chia sẻ với thầy và các bạn đồng học về một trong những dự định của tôi trong tương lai thông qua một tiểu cảnh. Một chàng cao bồi đang đứng trước rất nhiều con đường. Trong đó, có một con đường dẫn lên một ngọn núi, trên đó có một vị đạo sư.

-Sau này em sẽ lên núi tìm một người thầy thông thái để bái sư tìm cầu sự giải thoát.

- Điều gì ở vị thầy đó khiến em lặn lội đường xa để đi tìm?

- Dạ. Em cũng không biết người thầy đó ở đâu, cũng không biết sẽ đi đâu để tìm. Nhưng em nghĩ đó ắt hẳn là một người thầy thông thái có thể dạy em cách để giải thoát khỏi khổ đau.

- À! Thế người thầy đó ở trên núi đúng chứ?

- Dạ.

- Vậy trước đó ông ta là gì?

- Là sao ạ?

- Trước khi ông ấy là một vị thầy thông thái thì ông ấy là gì? Là chàng cao bồi chăng? Là một người tìm kiếm chăng?

- Cũng có thể.

- Vậy nghĩa là trước đó ông ta là người bình thường, là cao bồi, là người tìm kiếm hay bất cứ ai khác. Câu hỏi ở đây sẽ là: ông ấy trở nên thông thái rồi ông ấy lên núi hay ông ấy ở trên núi nên người đời mới nói ông ta là người thông thái?

- Em nghĩ là ông ấy phải thông thái trước rồi mới lên núi.

- À thế có nghĩa là không phải cứ leo lên núi tìm thầy mới được thông thái và không phải cứ ngồi trên núi là thông thái. Thông thái và núi không phải là có cái này thì sẽ có cái kia đúng chứ? Vậy em nghĩ sự thông thái đến từ điều gì?

Tôi suy nghĩ rồi đáp.

-Em cũng không biết.

- Em thử định nghĩa xem “thông thái là gì?

- Em nghĩ là có trí tuệ và đặc biệt là vượt lên trên sự khổ đau.

- Vậy em nghĩ nó đến từ điều gì? Làm sao biết người đó có thể vượt lên trên sự khổ đau? Có phải là nhờ sự khổ đau không? Có một gợi ý từ kinh sách em có thể thử suy ngẫm “Chúng sanh luôn mơ thành Phật đến khi thành Phật rồi thì mới chợt nhận ra cái “Phật” không hề tồn tại hay có câu “phiền não tức bồ đề’. Em về suy nghĩ thêm sự thông thái vượt trên mọi đau khổ đến từ đâu? Nhưng mà phải tách cái suy nghĩ “phải lên núi tìm thầy mới đạt tới sự thông thái” ra thật rõ ràng.

- Dạ em cảm ơn thầy.

Vài suy nghĩ cá nhân

Điều gì tạo nên bước nhảy về ý nghĩa của “đóa hoa hồng” và “tiểu cảnh” của tôi. Cảm giác cho tôi biết có một cái gì đó ở đó mà ta chỉ cần chạm tới điểm đó thì mọi thứ sẽ được vỡ ra tầng tầng ý nghĩa.Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về nó. Đôi lúc tôi còn giả thuyết rằng thầy biết nhiều kiến thức, học thuyết hơn nên cách nhìn của thầy rộng và sâu sắc hơn. Nhưng… mãi sau này khi học nhiều hơn, đặt câu hỏi nhiều hơn và trải nghiệm nhiều hơn. Câu trả lời của tôi là: tính nghịch lý, mâu thuẫn trong từng chi tiết. Những mâu thuẫn về thời gian “Qúa khứ - hiện tại –tương lai”, “Cái đã là – đang là – nên là”, mâu thuẫn về không gian” Xa- gần”, “trên – dưới”, “trong – ngoài”, mâu thuẫn về cấu trúc “ bộ phận – tiến trình”… Khi tôi chỉ “hoa hồng – bộ phận” thầy liền chỉ tôi tiến trình. Khi tôi chỉ chú ý tới “chân sư – cái hiện tại” thầy chỉ tôi “trước đó cũng là người – cái quá khứ để tôi nhìn một cách khác trên chính những chi tiết trong suy nghĩ của mình.

 


Hình ảnh lưu niệm Nhóm Sinh hoạt Sáng tạo Nghệ thuật - Tháng 1/2021


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...