Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

ĐÔI NÉT VỀ CARL WHITAKER - MỘT TRONG NHỮNG NHÀ TIÊN PHONG VỀ LIỆU PHÁP GIA ĐÌNH TẠI HOA KỲ

BS. NGUYỄN MINH TIẾN dịch và tổng hợp

Carl Alanson Whitaker (1912–1995)
Bác sĩ và nhà tâm lý trị liệu gia đình Hoa Kỳ



Trong bài viết có nhan đề "CHƯỚNG NGẠI CỦA LÝ THUYẾT TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG", Carl Whitaker (1912-1995), đã viết: “Tôi có một lý thuyết, đó là: Các lý thuyết thường thiếu tính chất xây dựng”. Ông giải thích rằng các lý thuyết thường có khuynh hướng đưa đến tính khách quan nghiệp vụ mà từ đó có thể dẫn đến việc mất đi khả năng lưu tâm, chăm sóc. Whitaker cho rằng chúng ta cần từ bỏ các lý thuyết và đơn giản là hãy SỐNG. Thay vì nói về việc nói, nghĩ về việc nghĩ, đơn giản ta hãy tự cho phép mình nói và nghĩ.
Phương pháp tiếp cận trị liệu của Whitaker, được gọi là Liệu pháp Gia đình theo kiểu Trải nghiệm/Biểu tượng (experiential/symbolic family therapy), có tính chất rất độc đáo. Ông khuyến khích tất cả các nhà trị liệu phát huy một phong cách trị liệu độc đáo của riêng mình, nhưng có những điều khôn ngoan mà ta có thể rút ra từ vị tiền bối của liệu pháp gia đình này. Ông sử dụng nỗi lo âu tự nhiên và các động lực đối kháng nhau giữa sự gắn kết và sự chia ly để tạo dựng nên bối cảnh cho việc trị liệu. Đối với Whitaker, tiến trình làm liệu pháp gia đình nên thận trọng khởi tạo một sự lo âu thay vì tìm cách làm giảm nó. “Nhóm trị liệu sẽ xây dựng nên mô hình của sự lưu tâm, chăm sóc, sao cho gia đình có thể dám đương đầu với nỗi lo ngày càng tăng, thay vì họ tìm cách tránh khỏi nỗi lo ấy để tìm kiếm sự bảo vệ, che chở. Với sự hiện diện của các thành viên trong gia đình, nhà trị liệu sẽ làm mẫu cho một kiểu quan hệ giữa người với người được đặc trưng bởi sự lưu tâm và tính uyển chuyển, với mục đích là thúc đẩy gia đình bước vào đối diện những nỗi lo ngày càng nhiều hơn nhưng vẫn có khả năng dung nạp được.
Whitaker coi giai đoạn khởi đầu của liệu pháp gia đình như là một sự nỗ lực nhằm xem xét liệu gia đình ấy có thể dựa vào con người xa lạ này (nhà trị liệu) để duy trì sự ổn định của họ trong khi họ đang thực hiện việc tổ chức lại hệ thống của họ hay không. Một khi nhà trị liệu đã thiết lập vị trí của chính mình, lúc ấy nên có sự hoán chuyển vai trò để có thể thúc đẩy gia đình tự thiết lập cách thức sống theo kiểu của chính họ. Theo Whitaker, “sự hoán chuyển vai trò này, tuy có vẻ nghịch lý, nhưng thật sự lại là một quá trình ‘parenting’ tích cực, với sự tôn trọng bản sắc cá nhân cũng như bản sắc độc đáo của gia đình ấy”. Một khi việc hoán chuyển xảy ra và khi gia đình nhận thấy rõ rằng nhà trị liệu cũng chẳng thể biết được điều gì là tốt nhất đối với họ (rằng chỉ có gia đình mới tự quyết định được điều đó), thế thì khi ấy nhà trị liệu có thể gắn kết với gia đình như một người cố vấn mà thôi. Như một người cố vấn, nhà trị liệu có thể “đi vào” và “đi ra” với gia đình ấy, làm mẫu cho những mối quan hệ có tính lành mạnh. Và việc làm mẫu này có thể được thực hiện đơn thuần với phong cách có tính kỹ thuật.
Thông qua tiến trình làm mẫu này, nhà trị liệu có thể “cởi bỏ những huyền thoại” mà gia đình định hình cho mình bằng cách làm mẫu bởi chính những biểu hiện không thể đoán trước của ông. “Việc làm mẫu này được thực hiện bằng cách lúc này thì kết nối với gia đình, lúc khác thì lại rời xa họ ra. Sự lưu tâm chăm sóc của nhà trị liệu vẫn hiện rõ ràng cả khi ông gắn kết lẫn khi ông rời xa; nhưng ông đồng thời cũng biểu hiện ra rằng ông lưu tâm chăm sóc chính ông hơn là với họ (gia đình)”. Whitaker còn có thể chia sẻ những “nét bệnh lý” của chính ông (mà tất cả chúng ta đều có), những vết tích của cái ngã vô trật tự và không được thống hợp của chính ông, và cả những câu chuyện riêng tư về gia đình gốc của ông, Những mẫu chuyện của Whitaker sẽ góp ngọn lửa độc đáo của ông vào quá trình trị liệu và việc đó có mục đích làm phá vỡ dần những mô hình sống đã định hình thâm căn cố đế trong gia đình thân chủ.
“Việc trị liệu tốt phải bao gồm những phản ứng về nhiều mặt của nhà trị liệu để đạt đến một hệ thống tương tác cá nhân ở mức độ sâu sắc”. Đối với Whitaker, lý thuyết nên được thay thế bởi những lắng đọng của các trải nghiệm, được tích lũy lại và được tổ chức lại, kèm theo đó là sự tự do cho phép các mối quan hệ được diễn ra và hãy là con người mà ta đang là với sự chân thật vốn có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...