Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

BẠO HÀNH TRẺ EM TRONG ĐẠI DỊCH COVID-19

"Child Abuse During the COVID-19 Pandemic"
Tác giả: ZAWN VILLINES
Nguồn: GoodTherapy - 16/5/2020

Người dịch: TRẦN NGUYỄN NGỌC TRINH - Cử nhân Tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường



Mỗi ngày có khoảng 5 trẻ tử vong tại Mỹ do nạn bạo hành và bỏ bê, và hơn hàng nghìn trẻ khác bị bạo hành.

Nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em dự đoán rằng trong đại dịch COVID-19 hiện nay, sự căng thẳng quá mức, tình trạng cô lập và thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực sẽ làm gia tăng tỷ lệ trẻ bị bạo hành trong gia đình và sẽ khiến những trẻ đã từng bị bạo hành càng có nguy cơ bị ngược đãi tệ hại hơn.

Đây là những lý do vì sao đại dịch COVID-19 là một yếu tố nguy cơ dẫn đến nạn bạo hành và những điều bạn có thể làm để giúp đỡ.

NẠN BẠO HÀNH TRẺ EM PHỔ BIẾN NHƯ THẾ NÀO?

Theo dữ liệu từ Hội Nghiên cứu Sức khỏe Trẻ em Ontario, Canada, có khoảng một phần ba nam giới và một phần tư nữ giới cho biết từng bị bạo hành thể chất khi còn nhỏ. Nạn xâm hại tình dục cũng có lưu hành độ cao, với 22.1 phần trăm nữ giới và 8.3 phần trăm nam giới cho biết đã từng bị xâm hại tình dục dưới một hình thức nào đó khi còn nhỏ. Bạo hành cảm xúc thậm chí còn phổ biến hơn, và lưu hành độ thực sự của nạn bạo hành trẻ em có thể còn cao hơn những báo cáo chính thức.

Tỷ lệ bạo hành trẻ em cao cho thấy rằng phần lớn các gia đình đều biết đến một trẻ từng bị bạo hành hoặc có nguy cơ bị bạo hành. Bạo hành trẻ em ảnh hưởng đến trẻ ở mọi lứa tuổi và mọi bối cảnh. Thậm chí những gia đình trông có vẻ hiền hòa với người ngoài vẫn có thể tồn tại nạn bạo hành. Thật vậy, những cha mẹ bạo hành che giấu hành vi của họ thông qua vẻ tốt đẹp bên ngoài. Một số người bạo hành thậm chí còn có mối quan hệ thân thiết với người mà trẻ có thể nhờ giúp đỡ. Điều này khiến cho người lớn xung quanh ít tin vào lời tố cáo của trẻ hơn.

NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ DẪN ĐẾN NẠN BẠO HÀNH TRẺ EM

Mặc dù bất kỳ cha mẹ nào cũng có thể trở nên bạo hành, nhưng có những yếu tố nhất định kích hoạt những hành vi này. Những yếu tố đó bao gồm:

• Đối mặt với căng thẳng, như là căng thẳng của cá nhân khi mất việc, hoặc căng thẳng lây lan trong cộng đồng về đại dịch.

• Sống ở những khu vực khó khăn với tỷ lệ đói nghèo, bạo lực và thất nghiệp cao

• Bị cô lập xã hội, như là những quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt trong đại dịch COVID-19

• Vừa mới trở thành người chăm sóc hoặc là người chăm sóc tạm thời, như là cha mẹ kế hoặc bảo mẫu

• Hiểu biết kém về nhu cầu của trẻ

• Hiểu biết kém về những hành vi phù hợp với giai đoạn phát triển

• Có những thái độ bạo biện như tin rằng cần phải nghiêm khắc thì mới giáo dục được trẻ hoặc đổ lỗi rằng trẻ khiến họ cảm thấy khó chịu.

• Căng thẳng liên quan đến việc nuôi dạy con cái

• Tương tác tiêu cực giữa cha mẹ và con cái

Một số trẻ có nguy cơ bị bạo hành cao hơn. Những yếu tố nguy cơ cụ thể ở trẻ bao gồm:

• Có những nhu cầu đặc biệt

• Có vấn đề về hành vi hoặc sức khỏe tâm thần

• Dưới 4 tuổi

Cần nhớ rằng trẻ em với những yếu tố nguy cơ này không phải là nguyên nhân dẫn đến bạo hành. Thay vào đó, những yếu tố nguy cơ này có thể làm trầm trọng hơn sự căng thẳng của cha mẹ, gia tăng nguy cơ khiến cha mẹ trở nên bạo lực.

COVID-19 GÂY NÊN MỘT LÀN SÓNG BẠO HÀNH TRẺ EM NHƯ THẾ NÀO?

Những thay đổi toàn xã hội do dịch COVID-19 khiến hầu hết các gia đình đối mặt với những yếu tố nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em như cô lập xã hội và căng thẳng. Nhiều cha mẹ hiện nay đang vật lộn để cân bằng giữa công việc và việc giáo dục con, và có thể cảm thấy rất áp lực khi phải hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ. Những căng thẳng liên quan đến việc nuôi dạy con cái có thể làm suy thoái các cơ chế ứng phó và giảm thiểu chất lượng và sự ấm áp trong tương tác giữa cha mẹ và con cái. Hơn nữa, vì phần lớn cha mẹ không còn dựa vào dịch vụ chăm sóc trẻ hay thậm chí là sự giúp đỡ của người thân. Điều này có nghĩa là họ không có thời gian nghỉ ngơi, và điều này càng làm gia tăng sự căng thẳng.

Trẻ em cũng căng thẳng. Điều này có thể gây nên các khó khăn về hành vi và sức khỏe tinh thần, khiến trẻ thoái lùi, và dẫn đến những hành vi quấy phá. Cha mẹ có thể mất kiểm soát khi họ không biết cách để xử lý hành vi của trẻ.

Một nghiên cứu vào năm 2019 sau Cơn bão Harvey cho thấy tỷ lệ bạo hành cặp đôi và trẻ em gia tăng. Nhiều yếu tố gây căng thẳng đã tạo nên làn sóng bạo lực theo sau cơn bão hiện đang ảnh hưởng đến các gia đình trên toàn cầu.

Những yếu tố khác có thể làm gia tăng nạn bạo hành trong dịch COVID-19 bao gồm:

• Mất kiểm soát. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng bạo hành trẻ em là một dạng thức giành lại cảm giác kiểm soát. Khi con người đang rơi vào vòng xoáy của cuộc sống, họ có thể sẽ đả kích các con của mình.

• Thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Những dịch vụ này bao gồm chỗ ở, những chương trình hỗ trợ gia đình, và chăm sóc sức khỏe tinh thần

• Mất quyền tự chủ kinh tế, đói nghèo và thất nghiệp

• Riêng tư và bí mật: Khi trẻ ở nhà toàn thời gian với cha mẹ bạo hành, thì không có một bên thứ ba chứng kiến những hành vi bạo hành. Trẻ không có không gian riêng và không thể tiếp cận những người có trách nhiệm để nhờ giúp đỡ.

NHỮNG VÍ DỤ VỀ BẠO HÀNH TRẺ EM

Một vài ví dụ về bạo hành trẻ em bao gồm:

Bạo hành thể chất (physical abuse): bao gồm những hành vi làm bị thương hoặc thậm chí là giết chết trẻ, như là đánh đập dữ dội, đánh đập bằng một vật nào đó, làm bỏng hoặc đá vào trẻ, hoặc cố tình làm trẻ đau như cấu véo hoặc bắt trẻ ăn đồ cay.

Bạo hành cảm xúc (emotional abuse): Đa phần cha mẹ đều có những lúc mất bình tĩnh. Sự mất bình tĩnh này đạt đến mức độ bạo hành cảm xúc khi cha mẹ liên tục gọi con mình bằng những biệt danh miệt thị, hạ thấp trẻ, trừng phạt mỗi khi trẻ bộc lộ cảm xúc, dựa vào trẻ để chắp vá lòng tự trọng của họ hoặc cho rằng trẻ phải có trách nhiệm hỗ trợ họ, liên tục đỗ lỗi hoặc làm trẻ xấu hổ, hoặc cố tình hủy hoại lòng tự trọng của trẻ.

Xâm hại tình dục (sexual abuse): xâm hại tình dục xảy ra khi cha mẹ xem trẻ như một công cụ để thỏa mãn nhu cầu tình dục. Ví dụ như người lớn sẽ vuốt ve trẻ và buộc trẻ làm điều tương tự với họ. Xâm hại tình dục không nhất thiết phải thông qua những tương tác thể chất. Cho trẻ xem các sản phẩm khiêu dâm và đồi trụy cũng là một hình thức xâm hại.

Bỏ bê (neglect): bỏ bê xảy ra khi cha mẹ liên tục làm ngơ trước những nhu cầu cơ bản của trẻ - không kể đến đôi lúc họ quên mất một nhiệm vụ hằng ngày, như là cho trẻ ăn xế. Ví dụ, cha mẹ từ chối cho trẻ ăn như một hình phạt hoặc từ chối đưa trẻ đi thăm khám sức khỏe khi trẻ bệnh hoặc sau khi trẻ bị thương nghiêm trọng đều được xem là bỏ bê. Trong một vài trường hợp, khiến trẻ rơi vào những tình huống nguy hiểm, như là để súng đã lên đạn trong tầm tay trẻ cũng được xem là bỏ bê

Mỗi một bang đều có những luật lệ riêng về bạo hành trẻ em. Điều quan trọng cần lưu ý là nhiều hành vi bạo hành đã từng được xem là hợp pháp. Một số hành vi đến nay vẫn hợp pháp. Vấn đề không nằm ở tình trạng pháp lý của hành vi mà là nguy cơ gây ra những tổn thương về cảm xúc và thể chất.

GIÚP ĐỠ NHỮNG TRẺ EM BỊ BẠO HÀNH

Những trẻ em bị bạo hành nên biết, điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạo hành không phải lỗi của trẻ. Không có một hành vi xấu nào xứng đáng bị bạo hành. Hàng triệu trẻ em trên toàn cầu phạm sai lầm hoặc cố ý chống đối cha mẹ và không bị ngược đãi. Trách nhiệm chấm dứt hành vi bạo hành cũng không thuộc về trẻ.

Một vài cách có thể hữu ích cho trẻ bao gồm:

• Liên hệ những “đường dây nóng” (hotline) sẵn có ở địa phương hoặc quốc gia của bạn để kêu gọi sự giúp đỡ.

• Nếu bạn có thể liên lạc với một người lớn mà bạn tin tưởng, hãy cố liên hệ với họ khi cha mẹ bạn không có ở bên hoặc khi bạn có không gian riêng tư.

• Nếu cha mẹ của bạn đang xâm hại tình dục hoặc bạo hành thể chất bạn, hãy gọi điện thoại ở đường dây khẩn cấp (Vd. Ở một số nước là 911)

• Nếu bạn không thể kêu gọi sự giúp đỡ ngay bây giờ, hãy nhớ rằng sẽ có nhiều nguồn lực hơn khi đại dịch chấm dứt. Có thể việc ghi chép lại hành vi bạo hành để chia sẻ cùng giáo viên hoặc những người lớn khác sẽ có ích với bạn.

HỖ TRỢ MỘT ĐỨA TRẺ MÀ BẠN NGHĨ RẰNG TRẺ CÓ THỂ ĐANG BỊ BẠO HÀNH

Bạo hành diễn ra trong bí mật. Những cha mẹ bạo hành có thể rất nỗ lực để che đậy những hành vi bạo hành, hoặc cố tình ngăn cản những trẻ bị bạo hành tiếp cận với những người đang cố gắng giúp đỡ trẻ. Do đó, đương đầu với những cha mẹ bạo hành có thể không phải là một chiến lược khôn ngoan nếu bạn không có một kế hoạch cụ thể giúp trẻ giữ khoảng cách an toàn với cha mẹ. Thay vào đó, hãy tập trung vào ba mục tiêu sau:

• Đảm bảo an toàn cho trẻ: Nếu những hành vi bạo hành đủ nghiêm trọng, cảnh sát và những tổ chức bảo trợ trẻ em sẽ can thiệp. Nếu trẻ đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng, hãy gọi cảnh sát hoặc văn phòng bảo trợ trẻ em trong khu vực của bạn.

• Hỗ trợ cha mẹ tiếp cận các nguồn lực phù hợp: Bạo hành trẻ em không bao giờ được chấp nhận. Tuy nhiên, những cha mẹ bạo hành thường bị kiệt sức và choáng ngợp. Hỗ trợ họ tiếp cận những nguồn lực họ cần có thể giảm thiểu tình trạng bạo hành. Xem xét việc đề nghị dạy kèm trực tuyến cho trẻ trong đại dịch, hoặc hỏi thăm xem bạn có thể giúp đỡ gì cho gia đình. Đôi khi việc khen ngợi trẻ trước mặt cha mẹ đang giận dữ cũng có ích vì có thể làm dịu cơn giận của cha mẹ.

• Giới thiệu cho trẻ một người an toàn để trẻ trò chuyện: Sau một khoảng thời gian, bạo hành dường như trở thành thông lệ. Để giúp trẻ phục hồi, hãy giúp những trẻ em bị bạo hành hiểu rằng cách mà trẻ bị đối xử là bất thường và trẻ không đáng bị như thế. Đề nghị trò chuyện với trẻ mỗi ngày và trấn an trẻ rằng trẻ xứng đáng được yêu thương. Chia sẻ những thói quen yêu thích, như là đọc sách, làm vườn, hoặc trò chuyện với động vật, có thể giúp trẻ có một thú tiêu khiển có ý nghĩa

Tâm lý trị liệu có thể giúp tất cả các bên trong nạn bạo hành trẻ em – bao gồm những nhân chứng, cha mẹ và chính đứa trẻ. Trong trị liệu, cha mẹ có thể học được những cách ứng phó tốt hơn, còn trẻ thì có thể tái định hình lại lòng tự trọng. Những nhân chứng có thể tiếp cận những nguồn lực mới tiếp thêm sức mạnh để họ hỗ trợ gia đình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...