Tác giả: MELISSA MADESON, Ph.D.
Logotherapy: Viktor Frankl’s Theory of Meaning, 25-05-2021
Nguồn: Positive Psychology
Dịch và biên tập:
HỒ TÂM ĐAN - Thạc sĩ Tâm lý, Chuyên viên tham vấn
TRẦN NGUYỄN NGỌC TRINH - Cử nhân tâm lý, Chuyên viên tâm lý học đường
Khi mặt trời lẩn khuất đằng sau những ngọn núi phía xa, tạo
nên một dãy sắc cam, lòng đào và hồng tuyệt đẹp.
Những khi ta đắm mình trong ánh hoàng hôn rực rỡ và suy ngẫm
về tạo hóa hay tận tưởng cái ôm của người thân yêu, ta cảm nhận được ý nghĩa.
Khi chúng ta gắn kết với cộng đồng, tham gia vào công cuộc
sáng tạo, và đóng góp cho những điều lớn lao hơn bản thân mình, chúng ta cảm nhận
được giá trị của cuộc sống.
Điều gì vào lúc đó đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống? Điều
gì làm cho những khoảnh khắc khó khăn, những đêm dài đen tối và những cuộc
tranh đấu tưởng chừng vô tận trở nên đáng để ta kiên trì?
Nỗ lực để trả lời cho câu hỏi rằng “ý nghĩa của cuộc sống là
gì?” đã tồn tại từ ngàn xưa. Đi tìm ý nghĩa cuộc sống có thể được xem là động lực
chính của mỗi người, và quan niệm về liệu pháp ý nghĩa chính là dựa trên tuyên
bố này.
Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ nghiên cứu sâu về sự ra
đời của liệu pháp ý nghĩa, các nghiên cứu, kỹ thuật và bài tập của liệu pháp
này.
Liệu pháp ý nghĩa: Định nghĩa
Liệu pháp ý nghĩa thường được nhắc đến như là “trường phái
tâm lý trị liệu thứ ba của thành Vienna,” và nó
ra đời vào những năm 1930 như là
một phản hồi với cả phân tâm học của Freud và sự đề cao quyền lực trong
xã hội của Adler. Đó không chỉ là “liệu pháp”. Đó là triết lý cho những tâm hồn
lạc lối và là lời hướng dẫn cho những ai đang bối rối. Liệu pháp này có thể
giúp đỡ trong việc đối mặt với đau khổ và chữa lành những rối loạn. (Guttmann,
2008).
Liệu pháp ý nghĩa xem xét các khía cạnh sinh lý, tâm lý và
tinh thần (thuộc về tinh thần học) của con người, và những khía cạnh này được
biểu hiện thông qua hoạt động của cá nhân. Nó thường được coi như một học thuyết
thuộc trường phái Nhân văn – Hiện sinh nhưng cũng có thể được dùng kết hợp với
những liệu pháp đương đại (McMullin, 2000).
Trái ngược với “khao khát thỏa mãn” của Freud và “khao khát
quyền lực” của Adler, liệu pháp ý nghĩa dựa trên ý tưởng rằng chúng ta được
thôi thúc bởi “khao khát lẽ sống” hay khao khát nội tại để tìm thấy mục đích và
ý nghĩa trong cuộc đời (Amelis & Dattilio, 2013).
Là con người, chúng ta thường phản ứng với các tình huống
theo hai chiều kích chức năng đầu tiên (sinh lý/tâm lý) bằng những phản ứng có
điều kiện và tự động. Ví dụ cho những phản ứng này bao gồm suy nghĩ tiêu cực về
bản thân, hành vi phi lý, cơn bùng nổ, và cảm xúc tiêu cực.
Động vật cũng phản ứng theo hai chiều kích này. Chính chiều
kích chức năng thứ ba phân biệt con người với những chủng loài khác. Đây chính
là nét đẹp độc đáo của liệu pháp ý nghĩa.
Con người mặc dù vẫn có thể sinh tồn giống như loài vật với
hai chiều kích đầu (tức là thõa mãn nhu cầu sinh lý và tư duy), tuy nhiên liệu
pháp ý nghĩa đã đề xuất một sự kết nối sâu sắc hơn với tâm hồn và cũng tạo cơ hội
để chúng ta khám phá ra điều khiến mình trở thành con người độc nhất vô nhị.
Chiều kích tinh thần là một trong những ý nghĩa. Những nội dung cơ bản của liệu pháp ý nghĩa là:
- cuộc sống con người có ý nghĩa,
- con người khao khát cảm nhận được ý nghĩa sống của chính họ, và
- con người có thể cảm nhận được ý nghĩa trong mọi tình huống (Schulenberg, 2003).
Viktor Frankl là ai?
Viktor E. Frankl là một giáo sư thần kinh học và bác sĩ tâm
thần tại Đại học Y Vienna.
Nhà thần kinh học và bác sĩ tâm thần người Áo sinh vào ngày
26 tháng 3 năm 1905, và nổi tiếng bởi hồi ký tâm lý Đi tìm lẽ sống (2006) và là
cha đẻ của liệu pháp ý nghĩa.
Ông đã xuất bản 40 đầu sách mà sau đó được dịch sang 50 thứ
tiếng, minh chứng được rằng tình yêu, sự tự do, ý nghĩa và trách nhiệm có thể
vượt lên trên, văn hóa, tôn giáo và lục địa.
Hồi ký nổi tiếng nhất của ông bắt đầu bằng việc phác họa trải
nghiệm cá nhân trong trại tập trung Auschwitz kinh hoàng. Ba năm ông trải qua
trong trại tâp trung không chỉ đơn thuần là một câu chuyện sinh tồn. Frankl là
hiện thân cho khái niệm về khả năng tự hồi phục ngày nay.
Ông suy ngẫm về hành trình tìm kiếm ý nghĩa, sức mạnh siêu
việt của yêu thương, cách nhìn hài hước và lòng can đảm khi phải đối mặt với
khó khăn. Trong những tình huống tồi tệ nhất có thể tưởng tượng được, Frankl vẫn
kiên định với niềm tin rằng sự tự do quý giá nhất là khả năng lựa chọn thái độ
của cá nhân.
Lý thuyết của Viktor Frankl
Frankl xem liệu pháp ý nghĩa như là một cách củng cố cho những
liệu pháp hiện có bằng cách nhấn mạnh “chiều kích ý nghĩa” hay chiều kích tinh
thần của con người. Ba khái niệm mang tính triết lý và tâm lý hình thành nên liệu
pháp ý nghĩa của Frankl bao gồm: tự do ý chí, khao khát lẽ sống, và ý nghĩa cuộc
sống (Batthyany, 2019).
Tự do ý chí (Freedom of Will) khẳng định con người được tự do quyết định và có
thể lựa chọn thái độ trước mọi hoàn cảnh kể cả đó là bên trong nội tâm hay là
môi trường bên ngoài. Tự do trong bối cảnh này được định nghĩa là khoảng không
gian để một người định hình cuộc sống của bản thân trong giới hạn của những khả
năng nhất định. Ý tưởng như vậy tạo cho thân chủ một không gian tự chủ khi họ đứng
trước những rối loạn thực thể hoặc tâm lý. Về bản chất, chúng ta tự do để lựa
chọn cách phản ứng trong mọi hoàn cảnh.
Khao khát lẽ sống (Will to Meaning) nói rằng con người tự do đạt được những mục
tiêu và mục đích trong đời. Thất vọng, hung hăng, nghiện ngập, trầm cảm và tự
sát khởi phát khi cá nhân không thể nhận ra “khao khát lẽ sống” của họ. Là con
người, động cơ chủ yếu của chúng ta là tìm kiếm ý nghĩa hoặc mục đích sống.
Chúng ta có khả năng bỏ qua vui thú và chống đỡ nỗi đau vì một lý do đầy ý
nghĩa.
Ý nghĩa cuộc sống (Meaning in Life) được dựa trên ý tưởng rằng ý nghĩa là một
thực tế khách quan hơn là một ảo tưởng hoặc nhận thức cá nhân đơn thuần. Con
người có cả tự do và trách nhiệm để phát huy tối đa bản thân bằng cách nhận ra
ý nghĩa của mỗi khoảnh khắc trong mọi tình huống.
Liệu chúng ta có thể tìm được ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh,
ngay cả những đau khổ không thể tránh khỏi? Chúng ta thật ra có thể khám ra ý
nghĩa cuộc sống thông qua giá trị sáng tạo, giá trị trải nghiệm và giá trị thái
độ (Lewis, 2011).
Nghiên cứu và các kết quả thực nghiệm
Liệu pháp ý nghĩa được ứng dụng rộng rãi trong mọi khía cạnh
của đời sống cá nhân (bản thể luận 3 chiều kích - The 3-dimensional ontology). Về khía cạnh tâm lý, liệu
pháp ý nghĩa dùng những kỹ thuật đặc trưng như dự định nghịch lý (paradoxical intention) và suy ngẫm
lại (dereflection) để ứng phó với những vấn đề về lo âu, rối loạn cưỡng chế, ám
ảnh và ám sợ. Những kỹ thuật này sẽ được bàn luận sâu hơn trong phần tiếp theo.
Về khía cạnh sinh lý, liệu pháp ý nghĩa là cách ứng phó hiệu
quả với những đau đớn hoặc mất mát thể chất. Còn về khía cạnh tinh thần, liệu
pháp ý nghĩa giải thích rằng cuộc sống vẫn có ý nghĩa hoặc mục đích khi để con
người chịu đựng “khoảng trống hiện sinh”, tức là những lúc chúng ta cảm thấy
chán nản, thờ ơ, trống trải và buồn rầu (Frankl, 2006).
1. PTSD và stress cấp tính
Một trong những điều ấn tượng nhất về liệu pháp ý nghĩa
chính là khả năng trao quyền cho cá nhân, để họ được tự do thoát khỏi các triệu
chứng và gia tăng khả năng chủ động của họ.
Vì rằng liệu pháp ý nghĩa được ra đời dựa trên một mở đầu đầy
đau khổ, vậy nên tự nhiên nó là liệu pháp để chữa trị những trải nghiệm sang chấn.
Liệu pháp ý nghĩa là một phương pháp điều trị hữu hiệu cho cá nhân có rối loạn
stress cấp tính hoặc rối loạn stress sau sang chấn (PTSD).
Trong nhiều nghiên cứu trường hợp về thân chủ có PTSD liên
quan đến chiến đấu, những bài tập của liệu pháp ý nghĩa làm nổi bật ý niệm về ý
nghĩa dẫn đến sự thuyên giảm đáng kể của các triệu chứng căng thẳng, lo âu và
trầm cảm (Schiraldi, 2000). Nghiên cứu về tính hiệu quả của liệu pháp ý nghĩa
trong điều trị PTSD phần lớn đã được triển khai thông qua phương pháp định tính
và nghiên cứu trường hợp.
2. Điều trị nghiện rượu và ma túy
Có những điểm tương đồng rõ rệt giữa các yếu tố tinh thần của
Hội Người Nghiện Rượu Ẩn Danh và những quan niệm về việc khám phá ý nghĩa cá
nhân trong liệu pháp ý nghĩa.
Frankl (2006) đã thảo luận về một “bộ ba rối loạn phổ biến”
bao gồm kích động, trầm cảm và nghiện ngập xảy ra khi cá nhân trải qua một khoảng
trống hiện sinh. Khoảng trống này dẫn đến việc vi phạm các chuẩn mực xã hội,
các triệu chứng căng thẳng và nghiện ngập.
Hiển nhiên, phương pháp chữa trị khoảng trống hiện sinh này
là hướng dẫn thân chủ khám phá ra quyền tự do lựa chọn, khao khát tìm thấy lẽ sống,
và trách nhiệm sống một cuộc đời có mục đích. (Hutzell, 1990)
Liệu pháp ý nghĩa đã có hiệu quả trong việc giảm những cơn
nghiện và hành vi uống rượu của những người nghiện rượu. Thêm vào đó, trị liệu
ý nghĩa nhóm đã thành công cải thiện ý nghĩa cuộc sống và sức khỏe tinh thần
cho vợ của những người nghiện rượu. (Cho, 2008)
Frankl lập luận rằng khi cá nhân đạt tới sự tự do, trách nhiệm
và mục tiêu sống của mình thì họ không còn nhu cầu hay ham muốn đối với các chất
thay đổi tâm trí như rượu hoặc ma túy nữa.
3. Lo âu và trầm cảm
Liệu pháp ý nghĩa đã được sử dụng thành công để điều trị trầm
cảm và lo âu. Một nghiên cứu đã xem xét cụ thể chứng trầm cảm và căng thẳng ở bệnh
nhân ung thư cổ tử cung (Soetrisno & Moewardi, 2017).
Các nhà nghiên cứu đã đo nồng độ cortisol (hoocmon căng thẳng)
và điểm số từ Thang đánh giá Trầm cảm Beck (BDI) giữa hai nhóm gồm 15 bệnh
nhân. Một nhóm được điều trị bằng liệu pháp ý nghĩa trong vòng 6 tuần (phiên 45
phút vào mỗi tuần), và nhóm đối chứng chỉ được điều trị ung thư theo tiêu chuẩn.
Sau sáu tuần, có một sự thuyên giảm đáng kể trong điểm BDI
và nồng độ cortisol của nhóm thực nghiệm, trong khi nhóm đối chứng lại không có
sự thay đổi (Soetrisno & Moewardi, 2017). Có thể thấy rằng cải thiện ý
nghĩa cuộc sống cho bệnh nhân ung thư giúp làm giảm mức độ căng thẳng và trầm cảm
của họ.
Liệu pháp ý nghĩa cũng đã thành công làm giảm mức độ đau khổ
đo được và gia tăng ý nghĩa cuộc sống trong nhóm bệnh nhân vị thành niên bị ung
thư khi so sánh với một nhóm đối chứng tương tự (Kang et al., 2009).
Tương tự, các phiên trị liệu ý nghĩa kéo dài hai tiếng trong
một nhóm 22 bệnh nhân bị ung thư vú đã làm giảm đáng kể điểm BDI (Hagighi,
Khodaei, and Sharifzadeh, 2012). Nghiên cứu này cho thấy rằng liệu pháp ý nghĩa
có thể là một phương pháp điều trị có lợi đối với những cá nhân đang chiến đấu
với ung thư hoặc những bệnh nặng khác.
4. Trị liệu ý nghĩa nhóm (Group Logotherapy)
Ngoài ra còn có các nghiên cứu có ý nghĩa trong việc ủng hộ
sử dụng liệu pháp ý nghĩa trong bối cảnh nhóm. Việc hướng dẫn cá nhân và nhóm về
các khía cạnh của trách nhiệm, tự do, và giá trị đều có thể giúp làm giảm đau
khổ và tăng cường nhiều thành tố khác nhau của hạnh phúc tâm lý.
Khi so sánh tính hiệu quả của liệu pháp gestalt và liệu pháp
ý nghĩa trong bối cảnh một nhóm phụ nữ đã ly hôn, liệu pháp ý nghĩa cho thấy sự
giảm thiểu đáng kể rối loạn trầm cảm, lo âu và kích động (Yousefi, 2006).
Liệu pháp ý nghĩa trong bối cảnh nhóm cũng dẫn đến tăng cường
hạnh phúc tâm lý, các mối quan hệ tích cực, tính tự chủ, phát triển bản thân,
và khả năng làm chủ ở các bà mẹ có con khuyết tật trí tuệ (Faramarzi &
Bavali, 2017).
Đón xem tiếp Phần 2
2 viền đỏ 2 bên trang khiến chóa và hoa mắt khi đọc lâu. Hi vọng sớm được cải thiện. Những bài viết thật quí giá và được đầu tư không ít thời gian, công sức để chuyển ngữ. Xin tri ân.
Trả lờiXóa