Thứ Bảy, 10 tháng 7, 2021

LIỆU PHÁP NGHỆ THUẬT DIỄN ĐẠT NHÂN VỊ TRỌNG TÂM (PERSON-CENTERED EXPRESSIVE ARTS THERAPY)

Tác giả: NATALIE ROGERS - Tâm lý gia, Nhà tâm lý trị liệu Hoa Kỳ, con gái của Carl Rogers
(Viết phỏng theo “The Creative Connection: Expressive Arts as Healing”, Science & Behavior Books, Palo Alto, CA 1993)

Người dịch: BS. NGUYỄN MINH TIẾN - Tháng 11-2015

Natalie Rogers

Liệu pháp nghệ thuật diễn đạt (expressive arts therapy) là loại liệu pháp tâm lý sử dụng các loại nghệ thuật mang tính diễn đạt – chuyển động cơ thể, mỹ thuật, thanh, nhạc, văn và ứng tác – trong một khung cảnh có tính hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và bình phục. Đó là một quá trình tự khám phá bản thân thông qua một hình thức sáng tạo nghệ thuật đến từ chiều sâu của cảm xúc. Nghệ thuật có tính diễn đạt ngụ ý chỉ việc sử dụng các khía cạnh cảm xúc, trực giác của chính chúng ta trong những môi trường nghệ thuật khác nhau. Chúng ta thể hiện những cảm nhận bên trong bằng cách sáng tạo ra những hình thái khác nhau ở bên ngoài. Dĩ nhiên cũng đúng khi cho rằng việc nói ra những cảm nhận của chúng ta cũng là một cách thức quan trọng giúp giải bày và khám phá bản thân của chính chúng ta một cách có ý nghĩa. Nhưng trong thế giới trị liệu dựa trên nguyên lý nhân văn, cụm từ “liệu pháp diễn đạt” (expressive therapy) được dành riêng để chỉ sự diễn đạt không lời và/hoặc có tính ẩn dụ. Liệu pháp nghệ thuật diễn đạt theo trường phái nhân văn thì khác biệt so với các mô hình liệu pháp nghệ thuật theo kiểu phân tâm hoặc theo kiểu y khoa, trong đó nghệ thuật được sử dụng để chẩn đoán và chữa trị cho thân chủ. Khi việc sử dụng nghệ thuật được thực hiện như một phương thức diễn đạt nhằm các mục đích trị liệu hoặc tự bình phục, chúng ta không quan tâm đến khía cạnh thẩm mỹ hoặc tinh xảo của những tác phẩm có tính hiển thị, cũng không quan tâm đến văn phạm hoặc văn phong của những tác phẩm được viết, hoặc giai điệu hài hòa của những bài hát. Chúng ta sử dụng nghệ thuật để “đi tới”, để diễn đạt và trở nên giảm nhẹ, thanh thoát. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhận được sự nội thị (insight) bằng cách suy nghiệm về những thông điệp có tính biểu tượng và ẩn dụ. Nhiều “nghệ sĩ – nhà trị liệu” (artist-therapist) đã chuyển sự chú tâm của họ từ cuộc sống của một nhà trị liệu sang cuộc sống của chính họ như những nghệ sĩ. Và nhiều nghệ sĩ cũng hiểu được những khía cạnh chữa lành (healing) của quá trình sáng tạo và trở thành những nghệ sĩ – nhà trị liệu.

Việc sử dụng tiến trình sáng tạo nhằm mục đích giúp bình phục trong chiều sâu nội tâm có nhiều bước đi xa hơn khi chúng ta làm việc với thân chủ. Những nhà trị liệu nghệ thuật diễn đạt đã nhận thức được rằng việc phối hợp giữa tâm trí, cơ thể và những cảm xúc sẽ khơi dậy nơi thân chủ những khả năng trực giác, tưởng tượng cũng như những tư duy mạch lạc, hợp lý. Do bởi những trạng thái cảm xúc ít khi có tính hợp lý, cho nên những phương thức làm việc bằng hình ảnh và không dùng lời nói sẽ cho phép thân chủ có được một lộ trình thay thế để khám phá bản thân và giao tiếp với người khác. Tiến trình này là một lực có tính thống hợp mạnh mẽ. Theo truyền thống, tâm lý trị liệu thường được thực hiện dưới dạng sử dụng lời nói, và quá trình dùng lời nói vẫn sẽ luôn luôn có vai trò quan trọng. Tuy vậy, tôi nhận thấy rằng tôi có thể hiểu được thế giới của thân chủ một cách nhanh chóng hơn khi người ấy tự thể hiện bản thân mình thông qua những hình ảnh. Màu sắc, hình dạng và các biểu tượng là những ngôn ngữ được phát biểu ra từ vô thức và có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi cá nhân. Khi tôi lắng nghe sự giải thích của thân chủ về hình ảnh của người ấy, tôi thấy được một cách sâu sắc cái thế giới y như người ấy cũng đang nhìn thấy. Hoặc thân chủ có thể dùng những cử động và điệu bộ để cho thấy người ấy đang cảm nhận như thế nào. Khi tôi chứng kiến những cử động của thân chủ, tôi có thể hiểu được thế giới của người ấy bằng sự thấu cảm, thông qua các cử động. Sự tự nhận biết bản thân của thân chủ trải rộng ra qua các cử động, qua nghệ thuật, viết văn và âm thanh, có thể cung cấp những mấu chốt để sự khám phá có thể đi xa thêm. Nghệ thuật diễn đạt trở nên một tiến trình chữa lành cũng như một ngôn ngữ kiểu mới có thể phát biểu ra cho cả thân chủ lẫn nhà trị liệu. Những nghệ thuật này là môi trường đầy tiềm năng mà thông qua đó có thể giúp người ta khám phá, trải nghiệm và chấp nhận những khía cạnh chưa được biết đến của bản ngã. Việc trị liệu bằng lời nói đặt trọng tâm vào các rối nhiễu cảm xúc và những hành vi không thích đáng. Các nghệ thuật diễn đạt thì đưa thân chủ đi vào thế giới của những cảm xúc và thêm vào đó một chiều kích khác. Bằng cách kết hợp nghệ thuật vào trong tâm lý trị liệu, thân chủ được mở ra một con đường để sử dụng phần tinh thần tự do của chính mình. Việc trị liệu có thể bao gồm sự học tập một cách vui thú, sống động trên nhiều cấp độ khác nhau: giác quan, vận động, ý niệm, cảm xúc và tưởng tượng. Các thân chủ cho biết rằng những loại nghệ thuật diễn đạt đã giúp cho họ đi xa ra ngoài những vấn đề của họ để đến chỗ hình dung ra bản thân họ đang thực hiện những hành động có tính xây dựng trong thế giới sống của họ.

KHÍA CẠNH NHÂN VỊ TRỌNG TÂM (PERSON-CENTERED ASPECT)

Khía cạnh nhân vị trọng tâm trong liệu pháp nghệ thuật diễn đạt mô tả triết lý cơ bản làm nền tảng cho công việc của tôi. Phương thức tiếp cận nhân vị trọng tâm đã được phát triển bởi cha tôi, Carl Rogers, nó nhấn mạnh đến việc nhà trị liệu cần phải người có tính thấu cảm, rộng mở, chân thực, hài hòa và quan tâm người khác, để có thể lắng nghe với chiều sâu và tạo điều kiện cho sự tăng trưởng (growth) xảy ra ở các cá nhân hoặc các nhóm người. Triết lý này được hợp nhất cùng với niềm tin rằng mỗi cá nhân đều có những giá trị, phẩm chất và khả năng tự định hướng cho bản thân mình. Triết lý của Carl Rogers được xây dựng dựa trên lòng tin rằng mỗi cá nhân luôn có một thôi thúc tự nhiên vốn có hướng đến sự tăng trưởng. Lòng tin sâu sắc vào khả năng thiên bẩm ở mỗi con người hướng đến việc phát huy đầy đủ tiềm năng của mình đó chính là nền tảng cho cách tiếp cận của tôi trong liệu pháp nghệ thuật diễn đạt. Nghiên cứu của Carl Rogers về tiến trình trị liệu cho thấy rằng khi thân chủ cảm thấy mình được chấp nhận và được hiểu, sự bình phục sẽ diễn ra. Khi bạn đang lo sợ, tức giận, đau buồn hoặc ganh ghét, thì cảm nhận được chấp nhận và được hiểu sẽ là những trải nghiệm rất hiếm có. Tuy thế, chính sự chấp nhận và thấu hiểu ấy mới có làm nên sự bình phục. Cũng như những người bạn và như những nhà trị liệu, chúng ta thường nghĩ rằng nên đưa ra một câu trả lời hoặc ban cho thân chủ một lời khuyên. Tuy nhiên, có một sự thật cơ bản đã bị xem nhẹ. Bằng cách chân thành lắng nghe chiều sâu của những nỗi đau về cảm xúc và tôn trọng khả năng của mỗi cá nhân trong việc tự tìm ra câu trả lời cho chính mình, chúng ta mới mang đến cho người ấy một món quà lớn lao nhất. Sự thấu cảm và chấp nhận mới giúp cho thân chủ có cơ hội làm chủ bản thân và khám phá những tiềm năng độc đáo của chính mình.

SỰ NỐI KẾT CÓ TÍNH SÁNG TẠO (CREATIVE CONNECTION®)

Tôi cảm thấy rất hấp dẫn với điều mà tôi gọi là sự kết nối có tính sáng tạo – tức là sự gia tăng những tác dụng hỗ tương giữa các hình thức nghệ thuật như chuyển động, mỹ thuật, viết văn và tạo âm thanh. Chẳng hạn như việc chuyển động một cách có ý thức có thể giúp mở đường cho chúng ta đi sâu vào những cảm nhận sâu lắng, và những cảm nhận này sau đó lại có thể được diễn đạt thông qua màu sắc, nét vẽ và tạo hình. Khi chúng ta viết ngay sau khi thực hiện chuyển động cơ thể hoặc sáng tạo nghệ thuật, mạch văn sẽ trở nên tuôn chảy, đôi khi thành thơ. Sự kết nối sáng tạo sẽ kích thích quá trình khám phá bản thân. Nó giống như “các nhánh hoa mở ra thành một đóa sen nở giữa ngày hè”. Trong một bầu khí ấm áp, có tính chấp nhận, các nhánh hoa bắt đầu mở ra để bộc lộ những bản chất thực bên trong đóa hoa. Khi những cảm xúc của chúng ta được khơi nguồn, chúng sẽ trở thành nguồn lực cho việc hiểu rõ bản thân và sáng tạo xa thêm. Rồi chúng ta cho phép bản thân mình đánh thức những khả năng mới mẻ. Với mỗi lần mở ngõ như thế, chúng ta lại có thể đi sâu hơn vào những trải nghiệm của chúng ta. Khi chúng ta đạt đến phần cốt lõi bên trong ta, chúng ta có thể tìm thấy được sự kết nối của bản thân mình với vạn vật xung quanh. Chúng ta sáng tạo để nối kết với những nguồn lực bên trong, để rồi vươn ra thế giới và vũ trụ ở bên ngoài. Một số nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ đã có thể nhận biết được sự nối kết sáng tạo này. Nếu bạn là một trong số những người ấy, bạn có thể nói: “dĩ nhiên rồi, tôi luôn luôn chơi nhạc và khiêu vũ trước khi tôi vẽ. Hoặc, như một nhà văn, bạn có thể thực hiện một cuộc bách bộ khá lâu trước khi ngồi vào bàn để viết. Tuy nhiên, bạn cũng không hề đơn độc nếu như bạn là một trong số nhiều người trong xã hội chúng ta, những người vẫn thường nói “Tôi không sáng tạo được”. Tôi hy vọng bài viết này sẽ lôi cuốn bạn làm thử những trải nghiệm mới. Bạn sẽ ngạc nhiên với chính bản thân mình.

KHẢ NĂNG SÁNG TẠO BẨM SINH (INNATE CREATIVITY)

Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể sáng tạo một cách tươi đẹp và sâu sắc, dù cho chúng ta sử dụng sự sáng tạo ấy để thiết lập liên hệ với gia đình hay là để vẽ một bức tranh. Rất nhiều những hạt giống của sự sáng tạo đến từ vô thức, từ những cảm xúc và trực giác của chúng ta. Những cảm xúc có thể được tạo kênh dẫn một cách lành mạnh để đi vào những mạo hiểm có tính sáng tạo: như vũ, nhạc, họa và viết văn. Khi chúng ta cảm nhận được sự vui thú, hình thái nghệ thuật cũng sẽ được nâng cánh. Khi cảm xúc trở nên quá khích, giận dữ, thì thay vì chuyển chúng ra đời sống thực, chúng ta có thể chuyển chúng sang những hình thức nghệ thuật mạnh mẽ. Những loại nghệ thuật như thế sẽ giúp chúng ta chấp nhận những khía cạnh ấy của chính chúng ta. Sự tự chấp nhận bản thân là điều tối quan trọng để có được lòng trắc ẩn đối với người khác. Tôi đã phát hiện ra khả năng bình phục đối với cá nhân của chính tôi khi tôi kết hợp các mối quan tâm của tôi về tâm lý trị liệu, mỹ thuật, vũ, văn và nhạc. Liệu pháp diễn đạt nhân vị trọng tâm được ra đời bởi sự thống hợp mà tôi thực hiện giữa các loại hình nghệ thuật với các triết lý mà tôi đã được thừa hưởng. Thông qua hoạt động thể nghiệm, tôi đã nhận được sự nội thị từ hoạt động nghệ thuật hằng ngày của mình. Tôi vẽ nguệch ngoạc, phun hơi nước và chơi với màu vẽ mà không cần quan tâm đến kết quả là gì. Bởi do ban đầu tôi không chắc chắn sẽ giới thiệu phương pháp này cho các thân chủ của tôi, tôi đã đề nghị họ làm thử rồi hỏi lại để họ phản hồi ý kiến. Họ bảo rằng cách ấy rất hữu ích. Khả năng hiểu biết bản thân của họ tăng lên nhanh chóng và sự giao tiếp giữa chúng tôi được cải thiện sâu sắc. Kết quả cũng xảy ra tương tự khi tôi giới thiệu với thân chủ những hình thức như chuyển động cơ thể, tạo âm thanh hoặc viết tự do để thể hiện bản thân. Những thân chủ cũng như thành viên của nhóm đều cho biết họ cảm nhận được sự “tự do để thể hiện” (freedom to be). Một thành viên trong nhóm đã viết như sau: “Tôi học cách chơi lại một lần nữa, làm thế nào để buông bỏ những điều mà mình đã biết – những thành công, những thành quả và những kiến thức. Tôi đã phát hiện ra được tầm quan trọng của việc có thể bắt đầu trở lại”. Một người khác cho biết: “Thật dễ dàng hơn cho tôi rất nhiều trong việc đối diện với những cảm xúc nặng nề thông qua trò chơi diễn đạt thay vì suy nghĩ và nói về chúng”. Điều trở nên hiển nhiên đó là tiến trình kết nối sáng tạo đã tạo điều kiện cho sự thống hợp xảy ra. Một thân chủ cũng đã nói rõ: “Trong khi khám phá những cảm xúc của mình, tôi đã phát hiện rằng tôi có thể phá vỡ những ranh giới, những chướng ngại mà tôi đã tự lập ra cho mình, bằng cách cho những cảm xúc ấy chuyển thành những cử động và những điệu vũ.”

NHỮNG NGUYÊN TẮC VỀ TÂM LÝ

Bởi vì không phải tất cả các nhà tâm lý đều đồng ý với những nguyên tắc chứa đựng trong liệu pháp nghệ thuật diễn đạt, nên có lẽ điều quan trọng là cần phải nêu chúng ra một cách rõ ràng như là những nền tảng của quá trình chữa trị và khám phá này:

* Tất cả mọi người đều có khả năng sáng tạo bẩm sinh

Tiến trình sáng tạo là một tiến trình có khả năng chữa lành. Sản phẩm mang tính diễn đạt cung cấp những thông điệp quan trọng đối với cá nhân người thực hiện. Tuy nhiên, chính tiến trình sáng tạo mới có khả năng gây chuyển đổi sâu sắc.

Sự tăng trưởng cá nhân và trạng thái ý thức nâng cao hơn có thể đạt được thông qua quá trình nhận biết bản thân, tự hiểu bản thân và khả năng nội thị (insight).

* Sự nhận biết bản thân, tự hiểu bản thân và khả năng nội thị có thể đạt được bằng cách để mình lắng sâu vào những cảm xúc của bản thân. Những cảm xúc buồn khổ, tức giận, đau đớn, lo sợ, vui thú hoặc ngây ngất đều là những lối dẫn mà thông qua đó chúng ta cần phải vượt qua để đến được đầu bên kia – nơi đó có sự tự nhận biết bản thân, tự hiểu và cảm nhận về tính toàn vẹn.

* Những cảm xúc và tình cảm của chúng ta là một nguồn năng lượng. Năng lượng ấy có thể được truyền dẫn vào các hình thức nghệ thuật diễn đạt để được giải phóng và được chuyển đổi.

* Các loại hình nghệ thuật diễn đạt – như cử động, họa, viết văn, tạo thanh, âm nhạc, thiền định hoặc tạo hình ảnh – sẽ dẫn dắt chúng ta đi vào vô thức. Việc này thường cho phép chúng ta thể hiện ra những bộ mặt mà trước đó chưa được biết về chính chúng ta, vì thế sẽ mang ra ánh sáng những thông tin và sự nhận biết mới.

Các thể loại nghệ thuật có mối liên hệ lẫn nhau trong điều mà tôi gọi là “sự nối kết có tính sáng tạo”. Khi chúng ta chuyển động, nó sẽ có ảnh hưởng trên cách chúng ta viết hoặc vẽ. Khi ta viết hoặc vẽ, nó cũng sẽ ảnh hưởng lên cách mà chúng ta cảm nhận và suy nghĩ. Sự nối kết có tính sáng tạo là một tiến trình mang chúng ta đến với bản chất cốt lõi bên trong mà đó chính là nguồn năng lượng mạnh mẽ cho cuộc sống của chúng ta.

Có tồn tại một sự nối kết giữa nguồn lực sống của chúng ta – bản chất cốt lõi bên trong hoặc tâm hồn của chúng ta – và bản chất của vạn vật xung quanh ta.

Vì thế, khi chúng ta làm một cuộc hành trình đi vào nội tâm, để khám phá bản chất và tính toàn vẹn của chúng ta, chúng ta có thể phát hiện ra sự liên hệ giữa chúng ta với thế giới bên ngoài. Cái bên trong và cái bên ngoài sẽ trở thành một.

Phương pháp tiếp cận trị liệu của tôi cũng dựa trên học thuyết nhân vị trọng tâm dành cho cá nhân cũng như cho các nhóm.

Sự tăng trưởng cá nhân sẽ xảy ra trong một môi trường an toàn và có tính nâng đỡ

* Một môi trường an toàn, có tính nâng đỡ được hình thành bằng cách có được một người điều phối (facilitator) – giáo viên, nhà trị liệu, trưởng nhóm, cha mẹ, hoặc các đồng nghiệp – sao cho người ấy có tính trung thực, nhiệt tình, thấu cảm, mở lòng, thành thật, hài hòa và biết lưu tâm.

Những phẩm chất này có thể học được trước hết là phải bằng cách trải nghiệm chúng.

Các mối quan hệ thân chủ – nhà trị liệu, giáo viên – học sinh, cha mẹ – con , vợ – chồng, hoặc giữa đôi lứa với nhau, đều là những nơi có thể  trải nghiệm những phẩm chất này.

Sự thống hợp trong cá nhân mỗi người về các khía cạnh trí tuệ, cảm xúc, thể chất và tinh thần sẽ xảy ra thông qua việc dành thời gian để phản ảnh, phê bình và đánh giá những trải nghiệm ấy.

TÓM TẮT

Sự tăng trưởng cá nhân và khả năng làm chủ bản thân có thể đạt được thông qua những nghệ thuật diễn đạt. Các sản phẩm nghệ thuật hiển thị của chúng ta có thể được thay đổi bởi sự chuyển động và những nhịp điệu cơ thể. Chúng cũng chịu ảnh hưởng khi chúng ta thiền định và trở nên dễ tiếp nhận hơn khi cho phép trực giác tham gia tích cực hơn. Tương tự, chuyển động cơ thể của chúng ta cũng chịu ảnh hưởng bởi nghệ thuật thị hiện và viết, vân vân… Tất cả những tiến trình sáng tạo đều giúp chúng ta tìm thấy được bản chất hoặc nguồn lực bên trong của mình. Và khi tìm thấy được nguồn lực bên trong ấy, chúng ta sẽ được thông nối với nguồn năng lượng của vũ trụ, với vô thức tập thể, hoặc với những trải nghiệm siêu việt hơn.

Natalie Rogers, Ph.D., REAT, offers a Certificate program, Expressive Arts for Healing and Social Change: A Person-Centered Approach at Saybrook Graduate School. (see www.nrogers.com) She is author of Emerging Woman: A Decade of Midlife Transitions (1980) and The Creative Connection: Expressive Arts as Healing, (1993) and many chapters and articles. Dr. Rogers practiced as a psychotherapist for 30 years and spent seven summers facilitating workshops with her father, Carl Rogers. She has led trainings in Europe, Russia, Latin America and Japan. She was awarded a Life Time Achievement Award from the International Expressive Arts Therapy Association. She is an artist, a mother of three professional daughters and grandmother of four creative adults.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...