BS NGUYỄN MINH TIẾN dịch và tổng hợp
Phần IV và hết
VẬN DỤNG PHÂN TÍCH TƯƠNG GIAO TRONG THAM VẤN VÀ TÂM LÝ TRỊ LIỆU
Phân tích tương giao chủ yếu là một hệ thống làm việc có thỏa thuận nhằm trị liệu tâm lý cho các cá nhân nhưng trong bối cảnh làm việc theo nhóm. Mục đích chung của phân tích tương giao “…là sự kiểm sóat về mặt xã hội, sao cho trạng thái cái Tôi A duy trì sự chủ đạo trong khi tương tác với người khác” (Berne, 1976). Những thân chủ tìm đến trị liệu là những người mà vì lý do này khác đã bị mất đi khả năng kiểm sóat ấy. Để làm việc với những thân chủ như thế, Berne (1966) đã thiết lập 4 mục tiêu chung như sau:
Giúp thân chủ “khử” đi sự ô nhiễm ở một trạng thái cái Tôi nào đó.
Giúp thân chủ có khả năng sử dụng tất cả các trạng thái cái Tôi phù hợp vói hoàn cảnh, bao gồm cả việc xử lý các tình trạng “loại bỏ” hoặc quá lỏng lẻo giữa các trạng thái cái Tôi.
Giúp thân chủ sử dụng một cách đầy đủ cái Tôi A để dẫn đến việc hình thành một con người có khả năng tư duy hợp lý và có thể tự mình quản lý được cuộc sống.
Mục đích sau cùng là giúp thân chủ thay thế vị thế sống và kịch bản sống không thích hợp để chuyển sang lựa chọn vị thế sống “I’m OK” và một kịch bản sống hữu ích hơn.
Ngoài ra, từng thân chủ cũng cần được thiết lập những mục tiêu riêng dựa trên cơ sở thỏa thuận. Hợp đồng thỏa thuận giữa nhà trị liệu và thân chủ phải vạch rõ những mục tiêu đặc hiệu mà thân chủ đang tìm kiếm thông qua tiến trình trị liệu. Dusay và Steiner (1971) đề xuất rằng hợp đồng phải thỏa mãn những điều kiện sau:
Cả nhà trị liệu lẫn thân chủ, thông qua những tương giao giữa hai cái Tôi A và A, phải đồng ý với nhau về các mục tiêu này.
Hợp đồng cần phải xem xét một số điều kiện như: về phía nhà trị liệu là những kỹ năng chuyên môn và thời gian; về phía thân chủ là tiền chi trả, thời gian và sự cố gắng.
Hợp đồng phải xác định sự trưởng thành của cả hai phía đối tác. Một mặt nó xác định nhà trị liệu có khả năng giúp giải quyết vấn đề này; mặt khác nó khẳng định thân chủ có tuổi đời và trạng thái tâm trí phù hợp để tham gia hợp đồng.
Sau cùng, các mục tiêu của hợp đồng phải là những điều hợp pháp, và trong khuôn khổ đạo đức nghề nghiệp của nhà trị liệu.
Tâm lý trị liệu theo trường phái T.A. đều phải bao gồm 4 mục tiêu chung và các mục tiêu chuyên biệt ở từng thân chủ được nêu rõ trong hợp đồng thỏa thuận.
Tiến trình trị liệu
Phân tích tương giao được thực hiện tập trung trên từng cá nhân, nhưng trong bối cảnh làm việc theo nhóm. Nhà trị liệu xem tiến trình hoạt động nhóm như một phương tiện để phân tích và cung cấp những phản hồi lại cho các thành viên về loại tương giao mà họ tham gia vào. Nhóm trị liệu được xem như một mô hình thu nhỏ của thế giới thực tế, sự khác biệt cơ bản là ở chỗ mỗi thành viên đều có mặt ở đó để làm việc theo những mục tiêu đặc hiệu và nhà trị liệu có mặt ở đó như người lãnh đạo của nhóm.
Berne (1966) cho rằng điều quan trọng thiết yếu là phải chuẩn bị thật kỹ các thành viên tham gia vào tiến trình nhóm. Tuy nhiên, phân tích tương giao có thể có hiệu quả tốt với tất cả các loại thân chủ và tất cả các loại vấn đề, và rất hiếm trường hợp vì lý do nào đó mà một thành viên bị loại khỏi nhóm.
Berne (1966) nêu rõ trong tác phẩm của mình rằng tiến trình trị liệu theo trường phái T.A. là một tiến trình “lấy người lãnh đạo nhóm làm trung tâm” (leader-centered). Mặc dù các tương giao giữa những thành viên trong nhóm với nhau là quan trọng, tuy nhiên chính tương giao giữa nhà trị liệu với từng thành viên mới là nội dung quan trọng nhất của tiến trình làm việc nhóm. Như vậy, yếu tố có vai trò góp phần vào sự thành công nằm ở hành vi của nhà trị liệu hơn là do yếu tố động lực học của nhóm (group dynamics).
Berne (1966) xem tiến trình trị liệu trải qua 4 bước. Ông cho rằng một người tìm đến trị liệu là để tái cấu trúc lại toàn bộ cuộc sống của mình, và việc này cần phải được thực hiện thông qua cả 4 giai đọan. Cách làm này có thể thật sự đúng khi áp dụng tâm lý trị liệu dài hạn, tuy nhiên, trong bối cảnh làm tham vấn, việc đặt ra những mục tiêu có thể được giới hạn lại. Nói chung, có thể hình dung tham vấn là công việc có liên quan đến hai giai đọan đầu, còn tâm lý trị liệu (dài hạn) thì liên quan đến cả hai giai đọan sau, ngay cả khi một sự phân định rõ ràng như thế cũng chẳng bao giờ được hoàn tất cả.
Bước 1: Phân tích cấu trúc (Structural Analysis)
Phân tích cấu trúc là một phần của tiến trình trị liệu; nó được thiết kế để giúp thân chủ hiểu được cấu trúc của các trạng thái cái Tôi của họ. Mục đích của phân tích cấu trúc là giúp thân chủ phát triển các trạng thái cái Tôi của họ sao cho chúng có thể vận hành đầy đủ chức năng mà không có các tình trạng ô nhiễm hoặc loại bỏ một trạng thái cái Tôi nào đó (Berne, (1966). Một khi thân chủ đã chấp nhận những trạng thái cái Tôi lành mạnh, mục đích sau cùng của giai đoạn phân tích cấu trúc là thân chủ phải đặt trạng thái cái Tôi A (Người Lớn) vào vị trí có trách nhiệm đối với đời sống của bản thân.
Bước 2: Phân tích tương giao (Transactional Analysis)
Giai đọan 2 của tiến trình trị liệu tập trung vào việc hiểu biết các loại tương giao mà bình thường thân chủ vẫn thực hiện. Một sự phân tích như thế có thể giúp thân chủ cải thiện kỹ năng giao tiếp với người khác. Việc hiểu biết các loại tương giao cũng sẽ là tiền đề để thân chủ bước sang giai đoạn 3.
Bước 3: Phân tích trò chơi (Games Analysis)
Ở giai đoạn này, tiến trình trị liệu đòi hỏi nhà trị liệu phải xác định rõ thân chủ thường nhận được phần tưởng thưởng (pay-off) là gì khi tham dự một “trò chơi” nhất định nào đó, diễn giải trò chơi cho thân chủ và khi cần có thể thách thức (confront) thân chủ về điều đó. Một khi thực hiện được việc này, nhà trị liệu có thể tạo điều kiện cho thân chủ từ bỏ trò chơi ấy.
Bước 4: Phân tích kịch bản (Script Analysis)
Thông thường nhà trị liệu không đi vào phân tích kịch bản, vì đến giai đọan này, tiến trình trị liệu gần như đã giúp thân chủ thấy được sự sai lầm của toàn bộ kịch bản sống mà họ đã chọn. Một sự phát hiện như thế nếu đi kèm với trạng thái trầm cảm có thể sẽ trở nên rất nguy hiểm, và chỉ có những nhà trị liệu T.A. có kinh nghiệm mới đi sâu vào giai đoạn này.
Những đặc trưng của một nhà trị liệu T.A.
Một nhà trị liệu theo trường phái T.A. được xem là một người hướng dẫn của tiến trình làm việc nhóm. Nhà trị liệu phải được huấn luyện các kỹ năng như phân tích các trạng thái cái Tôi, các tương giao, các trò chơi và các kịch bản sống. Nhà trị liệu phải có khả năng tương tác với các thân chủ với một tác phong cởi mở, nhiệt tình, chân thành, biết lắng nghe và quan sát. Berne cho rằng “kỹ năng thực sự nằm ở chỗ biết thâu thập và phân tích dữ liệu”.
Berne (1966) đề xuất thêm hai yêu cầu cho các nhà trị liệu: (1) Bất cứ vào thời điểm nào, họ cũng phải có khả năng xác định được trạng thái cái Tôi nào đang được thân chủ vận hành; (2) Họ phải biểu thị sự tận tâm, chân thành và lòng tin đối với thân chủ trong việc khắc phục những khó khăn. Tóm lại, nhà trị liệu T.A. được xem như những chuyên gia về lòng nhiệt tình và sự thấu cảm, là người được xem như có trách nhiệm ít nhất là bằng, thậm chí là nhiều hơn so với thân chủ, trong việc đạt đến kết quả trị liệu.
Kỹ thuật trị liệu
Có 4 loại kỹ thuật được đề xuất thực hiện bởi các nhà trị liệu T.A. Ba loại kỹ thuật “cho phép” (permission), “bảo vệ” (protection) và “sử dụng uy lực của nhà trị liệu” (potency) có liên quan đến việc thiết lập một bầu không khí cần thiết cho việc trị liệu; còn kỹ thuật thứ tư: “tác động” (operations) là những hành vi có tính chuyên biệt của nhà trị liệu.
Cho phép
Hầu hết những thân chủ tìm đến trị liệu vẫn còn ứng xử dựa trên những “mệnh lệnh của bố mẹ”. Một trong những việc đầu tiên mà nhà trị liệu phải làm là cho phép thân chủ làm những gì mà cha mẹ họ đã bảo họ không được làm (Steiner, 1973). Dusay và Steiner (1971) đã liệt kê ba lĩnh vực khác có thể cho phép, đó là:
Cho phép thân chủ sử dụng thời gian của họ cùng với nhau một cách hiệu quả, nhưng không để thân chủ thực hiện những loại cấu trúc thời gian vô ích như “nghi thức” và “rút lui”.
Cho phép thân chủ trải nghiệm qua tất cả những trạng thái cái Tôi, thường là bằng cách khuyến khích thân chủ sử dụng cái Tôi A để lý lẽ và dùng cái Tôi C để hưởng thụ đời sống. Việc này thường được thực hiện thông qua sắm vai, trong đó thân chủ được yêu cầu hãy thể hiện bằng hành động những tính cách của cái Tôi A và C.
Nhà trị liệu cho phép không cần phải cấu trúc thời gian theo kiểu “trò chơi” bằng cách không để cho thân chủ thực hiện loại cấu trúc thời gian đó. Thân chủ sẽ không nhận được những tương tác kích thích mà họ cần đến, do vậy sẽ từ bỏ kiểu cấu trúc “trò chơi”.
Bảo vệ
Khi thân chủ được phép từ bỏ những mệnh lệnh từ bố mẹ và bắt đầu vận dụng cái Tôi A và cái Tôi C của chính mình, khi đó họ có thể trở nên lo sợ (Steiner, 1973). Đó là lý do vì sao thân chủ cần sự bảo vệ. Khi thân chủ chuẩn bị từ bỏ một phần kịch bản sống cũ, nhà trị liệu sẽ phải thuyết phục thân chủ rằng môi trường trị liệu là có tính an toàn để làm việc đó. Sự bảo vệ có thể dưới hình thức những câu nói như “Đừng sợ hãi…” hoặc “Đừng lo, bạn sẽ không bị tổn thương đâu”. Cái Tôi P của nhà trị liệu sẽ nói với cái Tôi C của thân chủ rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Uy lực của nhà trị liệu
“Nhà trị liệu (hoặc chuyên viên tham vấn) không phải là những nhà ảo thuật; họ chi biết được rằng những điều gì cần phải làm và khi nào làm những điều ấy”. Đây chính là “uy lực” (potency) của nhà trị liệu: Đó là khả năng của một nhà trị liệu trong việc sử dụng những kỹ năng của mình vào những thời điểm tốt nhất, sao cho những kỹ năng ấy đạt được hiệu quả tối ưu. Dusay và Steiner (1971) cho rằng uy lực của nhà trị liệu được kiểm định tốt nhất là dựa vào việc sau cùng thân chủ có thể rời bỏ ảnh hưởng của những mệnh lệnh xa xưa từ bố mẹ họ hay không.
Các tác động
Berne (1966) đã liệt kê 8 kỹ thuật mà ông thấy có tác dụng trong việc trị liệu. Danh sách này không có tính phổ quát, nhưng nó cung cấp cho nhà trị liệu một số hướng dẫn cần thiết:
Đặt câu hỏi (interrogation) Nhiều thân chủ gặp khó khăn trong việc sử dụng cái Tôi A của họ. Khi gặp kiểu ứng xử này, nhà trị liệu phải đặt ra những câu hỏi và thân chủ sau cùng sẽ sử dụng cái Tôi A để đáp ứng lại. Bởi vì đây là một kỹ thuật gây nhiều áp lực nên nó cần được áp dụng thận trọng.
Chuyên biệt hóa (specification) Sự chuyên biệt hóa xảy ra khi cái Tôi A của nhà trị liệu và cái Tôi A của thân chủ cùng đồng ý với nhau về việc xác định hành vi của thân chủ đã xuất phát từ đâu. Ví dụ, cả hai người có thể đồng ý xác định rằng một hành vi nào đó của thân chủ đã xuất phát từ trạng thái cái Tôi P. Sự chuyên biệt hóa là rất quan trọng để có thể hiểu được hoàn toàn các trạng thái cái Tôi của thân chủ.
Thách thức/Đối đầu (confrontation) Trong kỹ thuật thách thức, nhà trị liệu sẽ chỉ ra cho thân chủ thấy những bất cập và không phù hợp trong hành vi hoặc lời nói của thân chủ.
Giải thích (explanation) Giải thích là một hành vi có tính chỉ dẫn của nhà trị liệu, là một kiểu tương giao giữa hai cái Tôi A và A, trong đó nhà trị liệu giải thích tại sao thân chủ lại đang ứng xử theo một cách thức nào đó.
Minh họa (illustration) Minh họa là một phương thức vừa để phá vỡ sự căng thẳng, vừa có tính hướng dẫn. Tính vui tươi của những hình thức minh họa có thể làm vui lòng cái Tôi C của thân chủ trong khi nội dung của thông điệp thì lại được gửi đến cái Tôi A.
Xác nhận/Khẳng định (confirmation) Kỹ thuật này dùng để chỉ cho thân chủ thấy sự xuất hiện trở lại của một hành vi, mà trước đó hành vi ấy đã ngưng thể hiện sau khi nhà trị liệu làm kỹ thuật thách thức. Bằng cách này, nhà trị liệu cố gắng cho thân chủ thấy rằng họ chưa thực sự từ bỏ hành vi này và do vậy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Diễn giải (interpretation) Thông qua kỹ thuật diễn giải, nhà trị liệu cố gắng giúp thân chủ nhìn thấy được những lý do phía sau của một hành vi cụ thể. Trong ý nghĩa này, nó rất giống với kỹ thuật diễn giải trong liệu pháp phân tâm cổ điển.
Kết tinh (crystallization) Nhà trị liệu bảo với thân chủ rằng giờ đây thân chủ đã sẵn sang rời bỏ “trò chơi” (game) mà họ đã từng tham gia để nhận lấy những tương tác kích thích (stroke). Để có hiệu quả, nhà trị liệu có thể nói “Giờ đây, bạn đã có được một cách thức tốt hơn để nhận lấy những tương tác mà bạn cần”.
Ngoài các kỹ thuật trên, còn có thêm hai phương pháp tương đối mới, được phát triển bởi các đồ đệ của Berne. Những công cụ mới này cũng hữu hiệu trong việc giúp cho thân chủ hiểu được những trạng thái cái Tôi của họ, cũng như có thể hiểu được những “trò chơi” mà họ đang tham gia vào.
Biểu đồ các trạng thái cái Tôi (Ego-grams)
Theo Dusay (1977), người đã phát triển kỹ thuật Ego-gram, mỗi cá nhân luôn luôn có một số lượng năng lượng cố định. Vì thế, khi một người sử dụng một số lớn năng lượng để đầu tư cho cái Tôi C thì chỉ còn một ít năng lượng được dành đầu tư cho các cái Tôi A và P. “Biểu đồ các trạng thái cái Tôi được thiết lập nhằm tượng trưng cho số lượng năng lượng mà mỗi con người đầu tư cho mỗi trạng thái cái Tôi của người ấy vào một thời điểm nhất định. Một người sau khi xem xét biểu đồ các trạng thái cái Tôi của bản thân mình, sẽ biết rõ được những trạng thái cái Tôi nào của họ cần phải thay đổi, phải nâng cao, phải hạ thấp hoặc phải phát triển thêm” (Dusay, 1977).
Dưới đây là một ego-gram làm mẫu. Người được thể hiện qua biểu đồ này đang sử dụng phần lớn năng lượng tâm trí đầu tư vào cái Tôi Cha-Mẹ-Kiểm-Sóat (Controlling Parent) và cái Tôi Đứa-Trẻ-Thích-Nghi (Adapted Child). Điều này cho thấy đây là một người có tác phong khá “kềm chế”. Để hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn, người này cần phải chuyển bớt năng lượng đầu tư sang cái Tôi Đứa-Trẻ-Tự-Do (Free Child). Bằng cách sử dụng biểu đồ các trạng thái cái Tôi, nhà trị liệu có thể giúp thân chủ thấy được họ phải đi đến đâu để đạt được mục đích của mình.
Chú thích (trái sang phải):
P Controlling: Cái Tôi Cha Mẹ (Kiểm soát)
P Nurturing: Cái Tôi Cha Mẹ (Bảo dưỡng)
A: Cái Tôi Người Lớn
C Free: Cái Tôi Trẻ Em (Tự do)
C Adapted: Cái Tôi Trẻ Em (Thích nghi)
Tam giác Karpman
Tam giác Karpman được phát triển để giúp con người có thể hiểu được những “trò chơi” nào đang chiếm ưu thế trong cuộc sống của họ. Việc này được dựa trên giả định rằng những “người chơi” có thể sẽ đảm nhận một trong ba vai trò sau: “kẻ gây hại” (P: persecutor), “người cứu hộ” (R: rescuer) và “nạn nhân” (V: victim).
Tam giác Karpman được thể hiện như sau:
Nói chung, mỗi người đều có một vai trò mà mình ưa thích, mặc dù ở những thời điểm khác nhau, một người vẫn có thể đảm nhận bất kỳ vai trò nào đó trong số 3 vai trò này (Wollams, Brown & Huige, 1977). Người nào cảm thấy mình trội hơn người khác thường đảm nhận vai trò “kẻ gây hại”; người cảm thấy mình có nhiều hiểu biết thường đảm vai “người cứu hộ”; còn vai trò “nạn nhân” thường được chấp nhận bởi những người thích cảm thấy mình bất lực.
Cũng như biểu đồ các trạng thái cái Tôi, Tam giác Karman có thể giúp cả thân chủ lẫn nhà trị liệu hiểu được những “trò chơi” mà thân chủ đang tham gia để nhận được những tương tác kích thích cần thiết cho sự tồn tại của họ.
Để có thể sử dụng Biểu đồ các trạng thái cái Tôi và Tam giác Karpman, nhà trị liệu cần có những hiểu biết sâu về phân tích tương giao. Một sự hiểu biết nông cạn có thể dẫn đến những sai lầm và gây phương hại cho thân chủ.
TÓM LẠI
Bài viết này trình bày một tổng quan về phương pháp phân tích tương giao, liên quan đến sự phát triển nhân cách và áp dụng vào trị liệu. Cần đọc thêm các tác phẩm và bài viết của các tác giả trong trường phái này, đặc biệt là của Eric Berne.
Vì phương pháp phân tích tương giao về cơ bản tập trung vào cá nhân nhưng trong khuôn khổ làm việc nhóm, cho nên nhà trị liệu nào quan tâm đến việc áp dụng phương pháp này cần có một nền tảng hiểu biết chắc chắn về động lực học của nhóm (group dynamics) và sau đó cần được đào tạo về các nguyên lý của T.A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét