Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2021

MỘT GÓC NHÌN VỀ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN

THẠCH TRẦN BẠCH LONG
Cử nhân tâm lý - Chuyên viên Tâm lý học đường
(Học trò nhỏ của Trăng Non)

Bài viết phóng tác từ những nguồn tài liệu tham khảo sau: Định Kiến Và Đổi Thay (Krisnamurti), Minh Triết Của Sự Bất An (Alan Watts) và Tinh Hoa Đạo Học Đông Phương (Thu giang Nguyễn Duy Cần)

Với hy vọng về ngày mai chúng ta hy sinh ngày hôm nay, tuy nhiên hạnh phúc luôn ở trong hiện tại
Krishnamurti

Có bao giờ bạn muốn mình luôn phát triển bản thân như tôi không? Tôi đã tìm hết sách vở này đến kinh sách khác để bản thân không ngừng phát triển. Dần dần tôi nhận ra thứ đầu tiên tôi cần làm là tự đặt câu hỏi "sự phát triển" - thứ tôi hướng đến thật sự là gì?

Thường thì người ta định nghĩa "phát triển" là cái gì đó tốt hơn hiện tại. Vậy lại kéo theo một câu hỏi khác "hiện tại là gì?" Vì nếu ngay cái 'hiện tại" bạn còn không biết nó là gì thì lấy đâu ra cơ sở để bạn biết cái mà bạn gọi là "phát trin" sẽ tốt hơn cái "hiện tại". Bạn có chắc rằng những gì xảy ra trong cái tương lai mà bạn gọi là phát triển ấy không lặp lại những gì ở hiện tại không? Hay thực chất tất cả chỉ là cái bẫy mà tâm trí tạo ra để khiến ta choáng váng. Cứ ngỡ rằng ta đã thoát ra nhưng thực tế chỉ là chúng ta được vẽ sẵn một con đường đến cái bẫy khác êm ả hơn, dễ nghe hơn... Mà ta hay định nghĩa nó bằng từ phát triển hoặc bất cứ ngôn từ dễ nghe nào khác. Nhà kinh tế xem phát triển là ... Nhà thần học xem phát triển là... Nhà triết học xem phát triển là... Mỗi người mỗi khác, nhưng điểm chung là tất cả những tiêu chí cho cái gọi là phát triển đều là thứ không thật. Đơn giản là chẳng ai đánh giá một thứ gì đó là phát triển sau vài năm bằng cái mà nó đã có từ trước đó. Nên có thể xem phát triển là thứ không thật. Ít nhất là ngay thời điểm mà chúng ta bắt đầu hình dung ra bất cứ tiêu chí đánh giá hay định nghĩa nào đó về nó. Nên mới có chuyện người ta lấy một định nghĩa chung cho nó dựa trên một thứ mà họ tin nó là thật - hiện tại hay thực tại. Thứ mà các nhà hiện sinh hay hình dung bằng thần chú "ngay đây và chính giây phút này".

Nghe đúng là thuyết phục thật. Nhưng có bao giờ ta thắc mắc cái thực tại mà ta luôn tin nó là "thật" ấy có thật sự là thật không? Đơn cử như cái "ngay đây và chính giây phút này" cái trào lưu mà người ta luôn nhắc có thật sự là "ngay đây và chính giây phút này " không? Hay câu đó chỉ được nói ra, được cảm nhận khi nó không còn tồn tại nữa? Người ta hay lấy ví dụ về vấn đề này trong việc ý thức về trạng thái cảm xúc của bản thân. Long nói "Long đang vui" vậy lúc Long ý thức về việc "Long đang vui" đó thì Long có còn vui không hay lúc đó Long bận ý thức việc bản thân mình đang vui? Và lúc Long ý thức rằng mình đang vui lại là lúc cái vui biến mất? Nên tôi mới nói: Cái "ngay đây và chính giây phút này" có thật sự là "ngay đây và chính giây phút này " không? Hay câu đó chỉ được nói ra, được cảm nhận khi nó không còn tồn tại nữa? Hiểu được điều này người ta sẽ ít nói mấy câu như vậy hơn, (hihi) ít nhất là tôi. Vì không khéo tôi lại tự mâu thuẫn với khẳng định của mình. Vậy đến cuối cùng cái gì là thật? Rất nhiều thứ đều là thật: cái cửa là thật, chai bò cụng là thật, người tôi yêu là thật, ngày hôm qua là thật... Nhưng những mô tả về nó liệu có là thật, ngôn ngữ đại diện cho nó càng không phải thật... Vì một bài văn miêu tả cái cửa hay từ "cái cửa" sẽ không thể thay thế cho bản thể cái cửa được. Và những lời kể về ngày hôm qua hay thậm chí là 1 giây trước cũng không thật. Nó đâu phải hôm qua và thay thế được hôm qua. Hiểu được điều này tôi nghĩ mình sẽ đọc những sách vở tôn giáo tốt hơn chứ không thần thánh hoá từng câu từng chữ để rồi bị giới hạn trong cái khung của ngôn từ như trước.

Chúng ta đi tìm cách để phát triển chính mình? Nó đưa chúng ta đến câu hỏi "thế nào là phát triển?" Nó lại kéo ta tới câu hỏi "cái gì là hiện thực?". Và chúng ta bắt đầu ý thức được cái "hiện thực" thật sự tồn tại và cái "hiện thực" được mô tả lại. Bản thân những mô tả này nếu chỉ dừng lại ở mức mô tả thì chẳng có gì mơ hồ. Nhưng chúng ta cũng phải ý thức về sự chuyển tiếp từ cái chai, cái cây hay một sự kiện thành những mô tả đang diễn ra trong tâm trí. Vì nếu không ý thức được bước chuyển này sẽ kéo theo nhiều lầm tưởng như: con người có thể vừa nhìn và vừa ý thức về việc mình đang nhìn cùng một lúc. Hay có sự phân chia giữa ý thức ngoại tại (ý thức về thế giới) và ý thức nội tại (ý thức về trạng thái nội tâm của bản thân) nhưng thực tế là ý thức chỉ có một và đây chỉ là một bước chuyển từ tập trung vào cái này sang cái khác). Đến giai đoạn tiếp theo, mọi thứ bắt đầu trở nên mơ hồ, méo mó, khi có sự xuất hiện của cảm xúc, định kiến, niềm tin tác động. Đến đây, sự khác biệt giữa cái thực và cái mô tả bắt đầu xuất hiện. Với cái cửa, nó ở đó, ta thấy đó và chúng ta đồng thuận rằng sự mô tả là sự phản ảnh của cái cửa một cách dễ dàng. Nhưng sẽ là vấn đề lớn với những thứ mà ta không thể nhìn hay chạm tới như: tình yêu, niềm hạnh phúc hay sự phát triển thì sao? Đôi lúc ngay cả những thứ mắt thấy tai nghe thì định kiến, niềm tin, lý luận, cảm xúc từ quá khứ thừa sức cho ta kết luận ngay khi bắt đầu. Để rồi khi chúng ta nhìn vào một cái cây và kết luận ngay lá cây màu xanh mà chẳng thèm nhìn có một số lá đang ngả vàng, chúng ta lắng nghe một câu chuyện và phán xét ngay người sai kẻ đúng mà chẳng đoái hoài đến bối cảnh xung quanh, chúng ta cảm nhận cảm xúc của chính mình rồi định danh mà chẳng cần thời gian để "cảm" và đắm mình trong nó. Nói ra chỉ là hình thức khi bản thân đã thật sự cảm được và đủ rồi bật lên thành lời chứ không phải là một nơi trú ẩn đầy tính khoa học mà tâm trí dựng lên để trốn chạy hiện thực. Bản thân việc bày tỏ cảm xúc rất hay nhưng sẽ thật tai hại khi nó trở thành cái bẫy liên hoàn. Trớ trêu thay, cái bẫy này lại có sự góp công không ít từ những cuốn sách dạy cách thoát khỏi nỗi đau", "chấm dứt cảm xúc tiêu cực", "phát triển bản thân"vv… Thế nào là thoát khỏi? Có phải lúc nào thoát khỏi cũng phải là rời xa? Đứng yên để đương đầu có gọi là thoát khỏi không? Thế nào là chấm dứt? Có phải khi nói ra được là chấm dứt hay không? Hay im lặng xem như không tồn tại mới là chấm dứt? Cái gì là phát triển? Có phải phát triển là liên tục tiến lên không? Từ cái bẫy này tiến lên cái bẫy khác như cách mà ta đang làm là phát triển chăng? Có thể, những cuốn sách trên có một ý nghĩa soi đường nhất định ở thuở sơ khai. Nhưng theo thời gian, sự trái chiều trong cách hiểu khiến cho những ý nghĩa ở trên trở thành ý khác với lúc ban đầu. Nếu chỉ dựa trên mặt chữ - hình thức để hiểu cái bản chất- nội dung thì tất cả đều là bẫy. Bẫy ở khắp nơi. Vậy mới thấy sự tinh tế trong suy nghĩ của Lacan, sự dụng tâm sử dụng cách nói nghịch thuyết của Lão Tử và hình tượng "ngón tay chỉ trăng" của đức Phật huyền diệu đến độ nào.

Chúng ta đã ý thức được cách mà những méo mó được tạo ra từ ngôn ngữ, định kiến, cảm xúc... nghĩa là chúng ta đã gần hơn với cái "thật". Khi chúng ta hiểu được bản chất và cách mà những cái bẫy được tạo ra thì nó không còn là bẫy nữa. Khi đó ta sẽ nhìn thấy hiện thực một cách thật hơn. Đến đây ai đó sẽ hỏi vậy cách phát triển bản thân mà tôi đi tìm rốt cuộc là gì? Nếu vẫn còn câu hỏi đó, tôi nghĩ tôi đã vô tình tạo nên một cái bẫy. Và bạn đã từ cái bẫy mà tôi nhắc đến trong bài chạy sang cái bẫy mà tôi vô tình tạo ra khi cố gắng diễn tả cái bẫy đó. Thoát ra những mô tả A thông qua việc hiểu B - cái mô tả cách thoát khỏi A. Dù là A hay B thì nó điều là mô tả, nó không thật. Phát triển ư? Vậy ý bạn thực tại là thoái triển ư? Phát triển hay thoái triển là hai mặt đối lập được tạo ra từ sự định danh, so sánh của con người. Phát triển chẳng qua là sự phóng chiếu những tiêu chí của cái mà người ta gọi là thoái triển. Nó cho người ta cảm giác họ đang tiến lên nhưng thật ra chỉ là ảo tưởng. Vì sẽ sớm thôi cái phát triển ở hiện tại sẽ là cái thoái triển ở tương lai.

Chừng nào thôi lông bông về cái phát triển thoái triển thì khi đó anh ta mới thật sự là một người sống với thực tại. Thực tại là gì? Là mô tả - mô tả trung thực - không đánh giá, không phán xét, không định danh. Luôn hồn nhiên như một “người không biết” để đón nhận sự đổi thay biến chuyển của thực tại. Vậy lúc đó, lấy đâu ra phát triển hay thoái triển. Khi anh ta ý thức được thực tại một cách thật nhất thì sẽ không còn đặt ra câu hỏi về sự phát triển nữa? Vì anh ta thấy được những cái bẫy ở đó. Cái bẫy của ngôn ngữ, định kiến, cảm xúc.... Lúc đó tâm trí đâu cần quan tâm tới cái phát triển hay thoái triển để làm gì.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...