Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

HÌNH ẢNH SAU KHI SANH – ĐI TÌM NGƯỜI MẸ ”VỪA ĐỦ TỐT"

Nguyên tác: KATHRYN SNYDER, MA, ATR-BC, LPC
Postpartum Imagery: Finding the “Good Enough”
Nguồn: American Art Therapy Association

Người dịch: BS. NGUYỄN MINH TIẾN


Kathryn Snyder là người sáng lập và điều hành các chương trình "Parent to Child Therapy Associates" và "Spark School-Based Art Therapy" ở thành phố Philadelphia, Hoa Kỳ. Bà là nhà tham vấn và trị liệu nghệ thuật với hơn 20 năm kinh nghiệm lâm sàng trong việc hỗ trợ tâm lý cho trẻ em, vị thành niên và các gia đình. Bài viết này ghi lại việc áp dụng trị liệu nghệ thuật trong việc hỗ trợ những bà mẹ có khó khăn tâm lý sau khi sinh con.


Trong chu trình đời sống gia đình, giai đoạn sau khi sinh nở là một giai đoạn chứa đầy những nỗi lo âu lẫn những cảm xúc hai chiều buồn vui lẫn lộn. Trong khi cơ thể của người mẹ ngập tràn loại hormone có tên là oxytocin giúp cô ấy nối kết tình yêu thương với đứa con bé bỏng của mình, thì cũng cùng lúc cơ thể ấy cũng chứa đầy những hormone có tác dụng gây nên sự sợ hãi và lo lắng, bao gồm những nỗi mơ hồ về tình trạng mất ngủ và căng thẳng khi phải học tập cách chăm sóc cho sinh linh bé nhỏ, mỏng manh kia. Những cảm nhận ấy thường không được lưu tâm chú ý đến và cũng thường bị bỏ qua, có thể khiến cho những người mẹ trẻ cảm thấy mình cô độc và không được giúp đỡ.

Trong hàng chục năm, tác giả bài viết đã làm việc với những bà mẹ có tình trạng sau sinh như thế, hỗ trợ họ thông qua quá trình sáng tạo những hình ảnh để có thể tiếp cận được “người mẹ vừa-đủ-tốt” bên trong họ, để tìm thấy lòng trắc ẩn từ những trải nghiệm của họ và từ những nhu cầu làm mẹ của chính họ. Tác giả cũng thấy, thông qua những phản ảnh của những người mẹ, rằng nỗi khổ của những người mẹ trong giai đoạn này bắt nguồn từ việc họ đã chối bỏ những mất mát sâu sắc mà họ trải qua khi sinh nở (cũng như khi nuôi con) và từ việc họ phải lấy niềm vui có con để sống với những hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, trong thực tế, đây chỉ là một phần nhỏ trong cái thực tại phức tạp tạo nên cuộc sống với gia đình, sự nghiệp và sự cảm nhận về bản thân. Những phụ nữ ấy phải chịu đựng một gánh nặng quá lớn về việc phải “làm tất cả”, “có tất cả”, ít được nói chuyện và đầy những công việc khó khăn phải làm. Họ không được phép nói về những nỗi trầm uất, những nỗi mơ hồ và lo sợ, khi gia đình, bạn bè và đồng nghiệp hỏi han họ về những trải nghiệm khi làm mẹ.

Có khi khác nhau giữa chuyện “làm cha mẹ” một cách chung chung với việc “làm mẹ” khi đang chăm một đứa con đang lớn lên. Những người mẹ thì lại ít nhận được sự giúp đỡ từ những đối thoại dựa trên thực tế của họ cùng những hỗ trợ xã hội, ngoài việc có thể tìm kiếm những thông tin về việc nuôi dưỡng con cái mà họ lấy từ truyền thông xã hội, internet và sách vở, để từ đó định hướng cho những gì họ cần làm và những gì họ cảm nhận về chuyện làm mẹ.

Thông qua liệu pháp nghệ thuật, tác giả đã giúp cho những người mẹ ấy có thể điều hướng được “tấm bản đồ định hướng” của họ, trong lúc tìm kiếm nghị lực và lòng tin vào trực giác của mình, họ vẫn có thể bày tỏ những nỗi sợ hãi, cảm xúc hai chiều, thậm chí cả những nỗi giận dữ, oán hờn, trong lúc đang nuôi những bé con của họ. Việc dành thời gian, không gian để tạo tác những hình ảnh để ghi nhận về những nỗi đau buồn, ngờ vực và dễ tổn thương, sẽ tạo nền tảng cho việc phát triển nên tính gắn bó, sự tận tâm và lòng trắc ẩn. Thông qua việc giãi bày những trải nghiệm về sự mất mát, những kỳ vọng bị mất mát khi nuôi con, những bà mẹ trẻ có thể tìm thấy được niềm hy vọng. Khi cho phép những hình ảnh như thế được hiện ra và được chấp nhận, những người mẹ ấy có thể trở lại với việc nuôi nấng con cái mà không còn chịu những gánh nặng quá mức bởi những nỗi lo của họ. Sau đó, họ có thể thiết lập nên một cảm nhận mới về bản thân trong vai trò làm mẹ, trong khi vẫn bảo toàn được những bản sắc mà họ vốn có trước đây. Một người mẹ sau khi sinh đứa con thứ hai đã có cảm nhận về mình như một người phải mang thêm hai phần phụ thuộc. Cả hai con người phụ thuộc kia đều hút đi sinh lực và vẻ đẹp của cô, rồi cô vẽ ra một bức hình về mình như một khối gì đó kích thước lớn, nhưng mơ hồ và lùng nhùng. Với thời gian, tác giả cùng người mẹ ấy đã xem đi xem lại bức vẽ và đã phát hiện ra những nét đẹp về hình thức thể hiện cũng như trong khi kết nối với những gì người mẹ đã làm cho đứa con của cô – một khi cô ấy đã có thể có đủ khoảng cách để tách bản thân cô ra khỏi bức vẽ mà cô đã thể hiện.


Một bức hoạ thể hiện nỗi khổ của một người mẹ


Bên trong một nhóm sinh hoạt có tính an toàn, những phụ nữ đang làm mẹ có thể ghi nhận những nỗi thất vọng và bộc lộ những sự oán giận mà họ trải qua khi không có ai làm bạn hoặc chia sẻ những nỗi khó khăn của họ khi làm mẹ.
 Những bà mẹ ấy có thể nói cho nhau nghe về những gì cần phải chuẩn bị để đón nhận những khó khăn trong hành trình làm mẹ, chứ không đơn thuần lấy ra những thông tin có tính hấp dẫn từ truyền thông đại chúng, mà từ đó chỉ đơn thuần tô vẽ nên bức tranh về những niềm vui trong gia đình. Những phụ nữ làm mẹ ấy có thể chia sẻ với nhau những hình ảnh và những câu chuyện về tình trạng hiếm muộn, những lần sẩy thai, thai chết non, cùng những mất mát khác mà họ phải chôn sâu trong lòng khi sinh được một đứa con khác, để cảm thấy rằng lòng biết ơn và sự chúc phúc là tất cả những gì họ được trông đợi để chia sẻ trong cuộc sống từng ngày của họ. Những mất mát và những khoảng tối đó có thể tìm được khoảng không gian tự nhiên riêng của chúng khi mà những người phụ nữ ấy sử dụng việc sáng tạo nghệ thuật như một phương tiện để giãi bày những trải nghiệm thực của họ như những người mẹ.

Đôi khi những trải nghiệm có được từ một buổi sinh hoạt cũng có thể vừa đủ để mang đến cho một người mẹ cơ hội để mở lòng và làm giảm nhẹ; nhưng đối với một số khác có thể sẽ phải cần đến liệu trình lâu dài hơn. Yếu tố then chốt để thực hiện những buổi làm việc đó là một bầu khí an toàn và kế đó là những cố gắng tìm kiếm nguồn lực, cả từ bên trong lẫn từ bên ngoài, rồi tìm kiếm những cách thức để xử lý và ứng phó. Đây là giai đoạn diễn ra sự đồng nhất hóa cụ thể về những khả năng tự chăm sóc và tự làm dịu. Rồi kế tiếp sau đó, chúng ta sẽ quan sát mối quan hệ bộ đôi mẹ con cùng quá trình lớn lên của đứa trẻ để giúp người mẹ nhận dạng đứa con của mình và thiết lập một cảm nhận về sự kết nối với con. Trong giai đoạn này, chúng ta có thể huy động nguồn lực từ sự hiếu kỳ từ nội tâm và khả năng cùng nhau học hỏi về việc mỗi người đóng vai trò gì trong mối quan hệ bộ đôi này. Sau đó, chúng ta có thể bắt đầu quá trình nhận dạng những mất mát và những nỗi bận tâm của người mẹ từ trải nghiệm làm mẹ của chính bà. Chẳng hạn như một người mẹ không có khả năng sinh thêm con sau khi đã có được đứa con đầu lòng sẽ có thể học được cách giãi bày câu chuyện về nỗi mất mát ấy thông qua tranh vẽ và lời nói. Việc này có thể giúp cô ấy đương đầu được với những nỗi buồn đau sâu trong tâm trí khiến cô ấy nhầm lẫn không nhận ra được rằng cô đang có một đứa bé con khỏe mạnh. Sau cùng, chúng ta chuyển dần sang một giai đoạn mới, giai đoạn của sự triển nở, của việc tìm thấy những hy vọng, của sự đảm nhận trách nhiệm và hình thành một cảm nhận mới về bản thân như một người mẹ. Công việc rất phong phú về tính ẩn dụ và việc sử dụng những chất liệu cụ thể để sáng tạo nên những hình ảnh sẽ giúp những bà mẹ tìm ra những phương cách giúp bình tâm và tìm ra được những nguồn lực nội tâm để trở thành một con người mới trong mối quan hệ mẹ con này.

Như những nhà trị liệu nghệ thuật, chúng ta biết rằng tiềm năng làm nên hiệu quả như thế là tiềm năng vốn có trong tiến trình sáng tạo nghệ thuật. Nó cho phép những gì đang bị che giấu hoặc bị ngăn trở không được nói ra ở những người mẹ có nơi chốn để được ghi nhận; nó cũng giúp cho những cảm xúc phức tạp, hai chiều của những người mẹ có chỗ để được trình bày và được nhìn thấy.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

HAI LOẠI HIỆU ỨNG: WERTHER VS PAPAGENO

The Two Effects: Werther vs Papageno Nguồn: Please Live Blog  - 2014   Người viết: ALEXA MOODY Người dịch: BS NGUYỄN MINH TIẾN ALEXA MOO...